Ngủ trên… giảng đường
Ngủ gục trên giảng đường không chỉ là hình ảnh phản cảm mà còn ảnh hưởng lớn đến việc học - Ảnh: N.T.N
Bước vào đại học, cao đẳng trong khi nhiều sinh viên tận dụng thời gian cho việc học hành, nghiên cứu và cả làm thêm, thì có một bộ phận SV lại rơi vào tình trạng “nghiện” ngủ…
Mọi lúc mọi nơi
Dù mỗi ngày chỉ học một buổi, nhưng N.V.K - SV trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vẫn cảm thấy không thể tỉnh táo để nghe giảng trên lớp vì những cơn buồn ngủ cứ kéo đến liên tục. “Không hiểu sao lúc nào em cũng cảm thấy thèm ngủ, hình như càng ngủ nhiều lại càng thấy thiếu”, K. không ngần ngại khi nói với chúng tôi về sự ngủ nhiều của mình.
Chuyện SV ngủ nhiều, ngủ vô độ đương nhiên ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều SV không chỉ ngủ ở nhà, ký túc xá hay phòng trọ, nhiều bạn còn mang giấc ngủ đến tận giảng đường. Một SV khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “Chuyện SV ngủ trong lớp học diễn ra khá phổ biến. Hôm nào học ở giảng đường lớn, đông SV thì số lượng SV ngủ gục lại càng đông”. Cũng theo SV này thì những tiết học vào đầu giờ chiều là thời điểm có nhiều SV ngủ gục nhất.
Ngủ say đến… quên thi
Sắp tới đợt thi cuối kỳ, M.T.H - SV trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) không khỏi lo lắng vì thói quen ngủ nhiều của mình. “Bình thường có việc gì để vận động thì không sao, nhưng cứ cầm cuốn sách lên là hai mắt em cứ ríu lại. Nhiều khi tay cầm sách nhưng ngủ gục từ lúc nào chẳng biết. Nhiều lần cũng cố gắng ngồi học chung với các bạn cùng phòng để lấy tinh thần nhưng chỉ được một lúc rồi đâu lại vào đó”.
Để đối phó với cơn buồn ngủ, Ng.V. C.- SV trường ĐH Nông lâm, quyết định trang bị ở đầu giường 2 chiếc đồng hồ thay nhau báo thức mỗi buổi sáng. Thế nhưng, “cứ theo thói quen, hễ đồng hồ reo là mình lại tắt ngay rồi ngủ tiếp. Nhiều khi hẹn đồng hồ 6 giờ nhưng tới 7-8 giờ mới dậy được. Có ngày mình phải ngủ 12-14 tiếng đồng hồ”, C. cho biết.
Do thói quen ngủ nhiều và không làm chủ được giấc ngủ, nhiều SV đã bỏ qua nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, việc làm. Một SV tâm sự: “Em cũng muốn tham gia các hoạt động bên ngoài, hồi năm nhất em có đăng ký vào một câu lạc bộ của khoa nhưng nhiều lần cứ lỡ hẹn họp nhóm vì thói quen ngủ nhiều”.
Đáng nói hơn có những trường hợp dở khóc dở cười vì ngủ quên cả giờ đi thi. T.H - SV khoa Báo chí trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, không quên được lần bỏ thi chỉ vì ham ngủ. “Đợt đó thi cuối kỳ môn Các nguyên lý kinh tế, sáng hôm đó đồng hồ báo thức nhưng mình không nhớ là đi thi, cứ nghĩ vào muộn một chút cũng không sao nên ngủ thêm lúc nữa. Đến khi giật mình thức giấc, chạy đến nơi thì mọi người đã vào thi được cả nửa tiếng”.
Hay như trường hợp của T.T, SV khoa Xã hội học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vì ngủ quên vào ngày thi cuối kỳ mà phải mất một năm để học lại. Lần đó, trong khi các bạn cùng lớp đang làm bài trên lớp thì T. vẫn vô tư ngủ ngon như mọi ngày. Đến khi sực nhớ ra thì buổi thi đã gần kết thúc.
Ngủ là nhu cầu rất bình thường, tuy nhiên chúng ta cần sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Khoảng thời gian ngồi trên giảng đường sẽ hiệu quả hơn nếu các SV biết cân bằng giữa việc học, ngủ và tham gia các hoạt động trong tại trường lớp, xã hội.
Thanh Quý - TNO