NGÔN TỪ VIỆT NAM
Công cụ để giao tiếp là ngôn ngữ. Nhìn vào tiếng Việt, có thể thấy nó phản ánh rõ hơn hết linh hồn, tính cách của con người Việt Nam và những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Việt Nam
1. Nghệ thuật ngôn từ Việt Nam có tính biểu trưng cao.
Tính biểu trưng thể hiện ở xu hướng khái quát hóa, ước lệ hóa với những cấu trúc cân đối hài hòa.
Xu hướng ước lệ bộc lộ ở chỗ tiếng Việt thích diễn đạt bằng các con số biểu trưng. Trong khi người châu Âu nói một cách chặt chẽ, cụ thể: de toutes parts (từ tất cả các phía), he open his eye (anh ấy mở những con mắt của mình) thì người Việt nói một cách ước lệ: từ ba bề bốn bên, nó mở to đôi mắt. Ở những trường hợp người châu Âu dùng từ “tất cả” thì người Việt dùng các từ chỉ số lượng ước lệ: ba thu, nói ba phải, ba mặt một lời, năm bè bảy mối, ba chìm bảy nổi, tam khoang tứ đốm, chín suối, chín tầng mây, ba mươi sáu cái nõn nường, trăm dâu đổ đầu tằm, trăm khôn ngàn khéo…
Lối tư duy tổng hợp mọi yếu tố, lối sống ưa ổn định và có quan hệ tốt với hết thảy mọi người dẫn đến xu hướng trọng sự cân đối hài hòa trong ngôn từ - một biểu hiện khác của tính biểu trưng . Tính cân xứng là một đặc tính rất điển hình của tiếng Việt .
Theo loại hình, tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết, song nó chứa một khối lượng lớn những từ song tiết, cho nên trong thực tế ngôn từ Việt thì cấu trúc song tiết lại là chủ đạo. Các thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt đều có cấu trúc 2 vế đối ứng (trèo cao/ngã đau; ăn vóc/ học hay; một quả dâu da/bằng ba chén thuốc; biết thì thưa thốt/ không biết thì dựa cột mà nghe…)
Tiếng Việt rất phát triển cân đối. Đó là một loại sản phẩm văn chương đặc biệt, nó vừa công phu tỉ mỉ, lại vừa cô đúc ngắn gọn. Trong một tác phẩm “mi ni” ấy thể hiện đủ cả cái đẹp nhịp nhàng của hình thức và cái uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông. Ở Việt Nam xưa kia, nhà nhà, đình đình, chùa chùa… nơi nào cũng đều treo câu đối.
Truyền thống văn chương Việt Nam thiên về thơ ca: người Việt Nam hầu như ai cũng biết làm thơ; lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam chủ yếu là lịch sử của thơ ca – một thứ thơ có cấu trúc chặt chẽ (lục bát, song thất lục bát) và có vần điệu nghiêm ngặt thể hiện sự cân đối, hài hòa. Văn chương phương Tây thì ngược lại, có khuynh hướng thiên về văn xuôi.
Ở Việt Nam, văn xuôi truyền thống cũng là văn xuôi thơ, thế mạnh đó còn do tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu thanh điệu, tự thân thanh điệu đã tạo nên tính nhạc cho lời văn rồi. Từ những bài văn xuôi viết theo lối biền ngẫu như Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, hoặc tự do như thư dụ hàng của Nguyễn Trãi gửi địch, cho tới những lời văn Nôm bình dân… - khắp nơi đều gặp một lối cấu trúc cân đối, nhịp nhàng, chặt chẽ và có tiết tấu, vần điệu.
Thậm chí ngay cả trong việc chửi nhau, người Việt cũng chửi một cách bài bản, cân đối, nhịp nhàng, đầy chất thơ; không chỉ lời chửi mà cả cách thức chửi, dáng điệu chửi… cũng mang tính nhịp điệu. Với lối chửi có vần điệu, cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một “nghệ thuật” độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có được.
Đây là lời chửi của một người đàn bà mất gà được ghi lại trong tiểu thuyết “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan:
“Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả nó ra, không tôi chửi cho đới!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng con mày, thì buông tha thả nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam đại tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.
Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…”
Ngay trong thể loại tiểu thuyết xuất hiện sau này do ảnh hưởng của phương Tây cũng vẫn mang đậm dấu ấn của truyền thống cân đối nhịp nhàng, biểu trưng ước lệ. Đây là những câu văn tả người của Tản Đà trong “Giấc mộng con”: “Tiếng nói nhẹ bao nhiêu, dáng người mềm bấy nhiêu; mềm bao nhiêu, chín bấy nhiêu; chín bao nhiêu, tươi bấy nhiêu; tươi bao nhiêu, tình bấy nhiêu. Như ghét, như yêu, như chiều, như ngượng. Lông mày ngài, đôi mắt phượng, cô chờ ai?” Không chỉ tiểu thuyết mà ngay cả văn chính luận Việt Nam cũng có thể mang đầy chất thơ nhờ cấu tạo cân đối nhịp nhàng. Đọc “Tuyên ngôn độc lập” hay “Những lời kêu gọi” của chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy rất rõ chất thơ đó: “Nếu không có nhân dân thì không có đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ thì không ai dẫn đường”; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta cần hết sức tránh”.
2. Ngôn từ Việt Nam rất giàu chất biểu cảm – sản phẩm tất yếu của một nền văn hóa trọng tình.
Về mặt từ ngữ, chất biểu cảm này thể hiện ở chỗ các từ, bên cạnh yếu tố gốc mang sắc thái nghĩa trung hòa, thường có rất nhiều biến thể với những sắc thái nghĩa biểu cảm: Bên cạnh màu xanh trung tính, có đủ thứ xanh rì, xanh rờn, xanh rợn, xanh ngắt, xanh um, xanh lè,… Bên cạnh màu đỏ trung tính có đỏ rực, đỏ au, đỏ lòm, đỏ loét, đỏ hoe… Các từ láy mang sắc thái biểu cảm mạnh cũng rất phổ biến trong tiếng Việt (ở các ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Hán, đều hầu như không có): không phải ngẫu nhiên mà trong thơ ca của ta có thể gặp rất nhiều từ láy. Ở trên vừa nói tiếng Việt thiên về thơ, mà thơ là mang đậm chất tình cảm rồi, cho nên từ láy với bản chất biểu cảm rất phù hợp với nó
Về ngữ pháp, tiếng Việt dùng nhiều hư từ biểu cảm như: à, ư, nhỉ, nhé, chăng, chớ, hả, hở, phỏng, sao, chứ… Cấu trúc “iếc hóa” có nghĩa đánh giá (sách siếc, bàn biếc…) cũng góp phần làm tăng cường hệ thống phương tiện biểu cảm cho tiếng Việt.
Sự phổ biến của thơ hơn văn xuôi đã nói ở trên không chỉ là sản phẩm của tính biểu trưng mà còn đồng thời là sản phẩm của tính biểu cảm. Khuynh hướng biểu cảm còn thể hiện ở chỗ trong lịch sử văn chương truyền thống, không có những tác phẩm anh hùng ca đề cao chiến tranh, có nói đến chiến tranh thì cũng chỉ nói đến nỗi buồn của nó (Chinh phụ ngâm).
3. Nghệ thuật ngôn từ Việt Nam mang tính động, linh hoạt.
Tính động, linh hoạt này trước hết bộc lộ ở hệ thống ngữ pháp. Trong khi ngữ pháp của các ngôn ngữ châu Âu là một thứ ngứ pháp chặt chẽ tới mức máy móc thì ngữ pháp tiếng Việt tổ chức theo lối chủ yếu dùng các từ hư để biểu hiện các ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp, khiến cho người sử dụng được quyền linh hoạt tối đa. Ngữ pháp phương Tây là ngữ pháp hình thức, còn ngữ pháp Việt Nam là ngữ pháp ngữ nghĩa.
Nói bằng một ngôn ngữ châu Âu, ta bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ mọi đòi hỏi mà hệ thống ngữ pháp của ngôn ngữ đó yêu cầu. Còn trong tiếng Việt thì tùy theo ý đồ của người nói mà ta có thể diễn đạt, không diễn đạt hay diễn đạt nhiều lần một ý nghĩa ngữ pháp nào đó: Tôi đi Hà Nội, Tôi sẽ đi Hà Nội, Ngày mai tôi đi Hà Nội, Ngày mai tôi sẽ đi Hà Nội. Chính vì linh hoạt như vậy mà tiếng Việt có khả năng khái quát rất cao, có thể nói một câu không thời, không thể, không ngôi.
Tính động, linh hoạt của ngôn từ Việt Nam còn bộc lộ ở chỗ trong lời nói, người Việt rất thích dùng cấu trúc động từ: trong một câu có bao nhiêu hành động thì có bấy nhiêu động từ; trong khi đó thì các ngôn ngữ phương Tây có xu hướng ngược lại – rất thích dùng danh từ.
Như vậy, có thể nói rằng trong giao tiếp, người Việt có thiên hướng nói đến những nội dung tĩnh (tâm lý, tình cảm, dẫn đến nghệ thuật thơ ca và phương pháp biểu trưng) bằng hình thức động (cấu trúc động từ, ngữ pháp ngữ nghĩa linh hoạt).
Theo Sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm)