NGHĨ VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ XƯA QUA MỘT BÀI CA DAO CŨ
Anh nói (thì) em cũng nghe anh
(Nhưng) bát cơm đã trót chan canh mất rồi.
Nuốt vào đắng lắm anh ơi!
Nhổ đi thì để tội trời ai mang?
(Nhưng) bát cơm đã trót chan canh mất rồi.
Nuốt vào đắng lắm anh ơi!
Nhổ đi thì để tội trời ai mang?
Bài ca dao trên phản ánh một bi kịch khá phổ biến của người phụ nữ xưa. Họ lấy chồng nhưng đấy không phải là người mà mình đã trao gởi trái tim. Trong thành ngữ và ca dao người Việt có khá nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ biểu đạt hoàn cảnh người con gái có chồng nhưng hàm chứa sự chua chát, xót xa vì đa phần là cuộc hôn nhân không do họ định đoạt. Ví dụ như: chim vào lồng; cá cắn câu; ván đóng thuyền; cá vô lờ; sáo sang sông... Mỗi hình ảnh đều có những giá trị biểu đạt riêng trong từng cấu trúc. Nhưng đó là những hoàn cảnh không phải là không thể thay đổi. Mối quan hệ giữa các tham thể qua các cặp hình ảnh trên nhìn chung còn lỏng lẻo. Dù hoàn cảnh đã rồi nhưng chủ thể vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời nếu quyết tâm và có hỗ trợ của ngoại lực. Được sổ lồng, chim sẽ tung cánh bay đến bầu trời cao rộng; cá dù vào lờ, cắn câu hay vướng phải lưới giăng... nhưng nếu ai gỡ giúp vẫn có thể trở về cùng sông nước mênh mông. Còn cấu trúc ẩn dụ "Bát cơm đã trót chan canh" chất chứa một tầng nghĩa biểu trưng sâu xa, có sức gợi hình, gợi cảm hơn nhiều. Đấy là hoàn cảnh không thể thay đổi được nữa. Ở đây, hai thực thể này không phải kết dính bởi những tác nhân hay sự trói buộc nào đó mà thực sự đã hoà quyện, tương tác và cùng biến thành một dạng khác. Không có cách nào để đưa chúng trở lại trạng thái ban đầu: bát cơm thơm tho, tinh khiết, trắng ngần và tô canh đắng cay, ngầu đục. Sự trao đổi chất đã xảy ra và hai tham thể đã hoá thành nhất thể, đồng thân. Bi kịch của người phụ nữ qua cấu trúc ẩn dụ trên chính vì thế càng tăng lên theo cấp số nhân.
"Cơm, canh" là hình ảnh biểu trưng không lạ trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao người Việt. Một trong những nội dung biểu đạt của nó là chỉ mối quan hệ vợ chồng. Ví như: "Cơm lành, canh ngọt"; "Cơm chẳng lành, canh chẳng ngon; chín đụn mười con cũng lìa"; "Chồng giận thì vợ bớt lời; Cơm sôi nhỏ lửa, mấy đời cơm khê."; "Cơm trắng ăn với chả chim; chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no"; "Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Trong bài ca dao:
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
người phụ nữ cũng ví mình như bát cơm, thậm chí là cơm nguội. Nhưng đằng sau sự nhẫn nhục, dỗi hờn, trách móc, vẫn trỗi lên tình yêu của người vợ đối với chồng. Bởi vì sự dỗi hờn, trách móc cũng là những biểu hiện của tình yêu. Đấy là điều quan trọng trong hôn nhân. Cô đã từng hạnh phúc và nó chưa hẳn quay lưng vì thường thì "thuyền về bến cũ". Còn người phụ nữ trong ẩn dụ "Bát cơm đã trót chan canh..." lại hoàn toàn khác. Hình ảnh liên tưởng không lạ nhưng nghĩa biểu đạt sao cứ day dứt mãi lòng người.
"Bát cơm"là một hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng lại cực kì quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Người nông dân quanh năm "một nắng hai sương" cũng chỉ cố lo cho đủ miếng cơm, manh áo. Tục ngữ có câu: "Người sống về gạo, cá bạo về nước". Người ta trân trọng giá trị của cơm gạo vì "Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm thực đã vượt qua giá trị vật chất bình thường. Nó đi vào tâm thức ngôn ngữ và cả trong đời sống tâm linh. Đối với cư dân có truyền thống văn hoá nông nghiệp lúa nước như người Việt, gạo, cơm còn được xem như hạt ngọc. Bát cơm vì thế còn biểu trưng cho cái đẹp thanh cao và sự trắng trong; cho cái bình thường, dung dị mà cực kì quý giá. Người con gái ví mình như bát cơm. Không phải ngẫu nhiên mà có sự liên tưởng như thế. Rõ ràng người con gái rất có ý thức về mình. Cô không tự rẻ rúng mà cũng chẳng kiêu kì. Cô cũng như bao thôn nữ ở làng quê Việt Nam, hiền như hạt gạo, củ khoai; xinh như cây lúa đến thì; siêng như thân cò lặn lội... đó thôi. Nhưng như thế cô phải xứng đáng được có một gia đình hạnh phúc; được sống yên ả dưới bầu trời xanh thanh bình, sau luỹ tre làng thơ mộng. Xã hội xưa không đảm bảo cho họ được cái quyền tự nhiên, bình thường đó. Nỗi lo lắng ám ảnh từ thời thiếu nữ nay đã trở thành thực tế đen tối đeo đuổi cả đời. Không còn hi vọng thay đổi. Hơn nữa, đến với người mình yêu phải là "bát cơm còn trắng trong, thơm tho, tinh khiết" chứ sao có thể đến bằng "bát cơm đã bị chan canh"? Đấy không phải là tự ái mà là lòng tự trọng và trân trọng với tình yêu.
Không phải là "Bát cơm nay đã chan canh..." mà là "bát cơm đã trót chan canh...". Động từ "trót" cho ta thấy cô gái ấy đã lấy làm tiếc nhưng bây giờ đành chịu. Phải chăng cô tiếc vì đã không dũng cảm đấu tranh, không tự quyết định số phận? Cô hối vì không nghe theo tiếng gọi của trái tim, nhắm mắt xuôi tay, buông trôi số phận theo sự sắp đặt của gia đình?
"Canh" đây là "canh đắng", hôn nhân này là hôn nhân áp đặt, người chồng đó là người mà cô gái không thương yêu. Động từ "nuốt" cho ta thấy sự ê chề, đau khổ. "Nuốt" thường đi liền với nét nghĩa mà chủ thể không hề mong muốn: ngậm đắng nuốt cay, nuốt giận nuốt hờn; ngậm hờn nuốt tủi. "Nuốt vào đắng lắm anh ơi", câu ca dao như mong đợi một sự chia sẻ, cảm thông; như thể hiện một sự tủi hờn, tuyệt vọng; như tiếng khóc, tiếng kêu ai oán. Như lời kêu cứu! Kêu cứu nhưng chính cô cũng biết rằng chẳng còn cơ cứu. Bởi vì: "Nhổ đi thì để tội trời ai mang?". Hơn ai hết, người con gái biết được hậu quả này nếu làm trái đạo. Tội trời này không ai mang và cũng chẳng ai gánh nổi. Sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đã khiến người con gái không thể làm một cuộc cách mạng để tự giải phóng mình. Bởi vì cô sẽ mang tội bất hiếu, bất nghì, bất nghĩa... và liệu có hạnh phúc với người mình yêu hay sẽ rơi vào một bi kịch mới, không có lối thoát vì có nơi nào dung chứa. Họ có thể vượt lên số phận nhưng bất lực đầu hàng trước một thiết chế xã hội với những luật lệ khắt khe không chấp nhận những tội lỗi tày đình như thế. Câu hỏi tu từ càng làm tăng thêm nỗi đau, tô đậm sự đọa đày đeo đẳng đến cả đời mà chỉ có một mình cô riêng chịu.
"Nhổ" thì tội lỗi mà "nuốt" cũng chẳng trôi. Bi kịch là ở đấy. Người phụ nữ không thể vứt bỏ mà cũng không thể tiêu hoá nổi. Cái cục đắng cứ ngậm mãi để mà "thưởng thức, tận hưởng" dần cho trọn nỗi đắng cay. Chỉ từng ấy câu mà có đến ba biện pháp: Ẩn dụ, tương phản và câu hỏi tu từ. Sự cộng hưởng của cả ba biện pháp tu từ càng giúp cho bài ca dao thêm dào dạt ý, tình, hình, nhạc và tạo nên giá trị biểu đạt cao.
Sự tương phản giữa hai hình ảnh "nhổ", "nuốt" đã khắc hoạ một cách thật đậm nét tâm trạng bị giằng xé giữa tiếng gọi tình yêu, sự giải thoát để đến chân trời tự do, hạnh phúc với sự cam chịu, cầm tù trong địa ngục hôn nhân. Người nào càng có ý thức về mình, càng hiểu chân giá trị của mình thì càng dễ đau khổ, tổn thương khi bị vùi dập. Nếu chưa từng ước mơ, trăn trở về thân phận hay không một lần để trái tim xao động trước tình yêu thì có thể cô không đau khổ đến thế. Nếu không ý thức về phẩm giá của mình, cô có khi không xót xa đến thế. Nếu đã không có cơ hội lựa chọn, cũng chẳng có điều kiện để so sánh thì "canh" nào cũng vậy mà thôi! Biết là đắng cay mà không thể nhổ. Biết sống trong tù ngục hôn nhân mà không thể phá bỏ gông xiềng. Gia đình, xã hội, lễ giáo phong kiến... đã kìm hãm, rào chặn mọi nẻo đường vươn tới tự do, đi tìm hạnh phúc của người phụ nữ cũ.
Cấu trúc hình thức của bài ca dao như có sự tương hợp với nội dung biểu đạt. Câu thứ nhất 7 âm tiết, câu thứ hai 9 âm tiết. Sự phá cách thể lục bát ở hai câu đầu đã giúp diễn đạt thật đúng cái logic tâm lí của người phụ nữ. Câu đầu chẳng khác nào một phát ngôn bình thường trong khẩu ngữ. Câu thứ hai có hình tượng nghệ thuật nhưng lại rất tự nhiên như chẳng chút dụng công. Đã có một thoáng xiêu lòng, một chút gợn "nổi loạn" trong tư tưởng để rồi thức nhận hơn hoàn cảnh "bát cơm trót chan canh" của mình. Điều này người con trai không thể chia sẻ và thực ra anh ta cũng chưa thật thấu hiểu hết nỗi niềm của người mình yêu. Nếu lược bỏ từ "thì" ở câu đầu và từ "nhưng" ở câu thứ hai, chúng ta sẽ có hai câu lục bát khuôn mẫu, tròn trịa, suôn sẻ nhưng đồng thời cũng sẽ tước mất sự uất nghẹn, tủi hờn, chua chát cùng cả sự cam chịu mà người phụ nữ phải riêng mang. Hai câu cuối đành trở về với khuôn lục bát truyền thống như sự đầu hàng trước thực tại, ngậm ngùi quay về với khuôn phép cũ mà lễ giáo phong kiến đã ra sức vun đắp và quyết liệt bảo vệ bao đời.
3- Trong quyển "Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan, chúng tôi bắt gặp một bài ca dao khá dài (16 câu) mà bốn câu đầu gần giống với bài ca dao chúng tôi vừa đề cập là:
Anh nói em cũng nghe anh
Bát cơm đã trót chan canh mất rồi!
Nuốt đi đắng lắm anh ơi,
Bỏ ra thì để tội trời ai mang.
Tội trời đã có người mang,
Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi!
Bây giờ ba ngả bốn nơi,
Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này.
Thiếp tôi bên này trong then ngoài khoá,
Thiếp chàng bên ấy có thoả hay không?
Trách đường dây thép không thông,
Gửi thư, thư biệt, gửi lời lời bay
Nhạn ơi trăm sự nhờ mày,
Ngậm thơ mang tới tận tay cho chàng.
Chẳng may chim nhạn lạc đàn,
Chim trời bay mất, để chàng nhớ mong. (trang 330)
Bát cơm đã trót chan canh mất rồi!
Nuốt đi đắng lắm anh ơi,
Bỏ ra thì để tội trời ai mang.
Tội trời đã có người mang,
Ước gì ta lấy được chàng chàng ơi!
Bây giờ ba ngả bốn nơi,
Thiếp chàng muốn lấy thiếp tôi bên này.
Thiếp tôi bên này trong then ngoài khoá,
Thiếp chàng bên ấy có thoả hay không?
Trách đường dây thép không thông,
Gửi thư, thư biệt, gửi lời lời bay
Nhạn ơi trăm sự nhờ mày,
Ngậm thơ mang tới tận tay cho chàng.
Chẳng may chim nhạn lạc đàn,
Chim trời bay mất, để chàng nhớ mong. (trang 330)
Đấy là hiện tượng dị bản thường thấy trong văn học dân gian. Tuy nhiên, với bài ca dao bốn câu ở trên, thiết nghĩ chất chứa, sắc kẹo hơn nỗi uất nghẹn, thắt lòng, mẳn đắng của kiếp hồng nhan thời trước.
Nguồn: Tạp chí "Ngôn ngữ và đời sống" - số 12/ 2002- trang 16- 17