Nghị lực phi thường của ‘cô gái thép’
Không được may mắn có một cơ thể vẹn nguyên như những người trẻ khác, nhưng tinh thần và ý chí của Nguyễn Thảo Vân hẳn sẽ khiến rất nhiều người “bình thường” phải ghen tị.
Tôi khá bất ngờ khi lần đầu gặp Thảo Vân, bởi trái với tưởng tượng của tôi về một cô gái có phần mặc cảm, rụt rè, Vân hoạt ngôn, miệng luôn cười và nói Tiếng Anh cực chuẩn. 25 tuổi, ngoại trừ thân hình nhỏ thó ngồi lọt thỏm trong xe lăn bởi căn bệnh teo cơ tủy sống, Vân giống hệt các cô gái khác. Khi nói chuyện với tôi, cô tỏ ra khá yêu đời, thỉnh thoảng hát khe khẽ, và thoáng e thẹn khi nói về chuyện “người yêu”. Vân hiện là nhân viên thiết kế đồ họa cho một công ty có tiếng ở Hà Nội với mức lương khá ổn.
Nguyễn Thảo Vân và anh ruột là Nguyễn Công Hùng (người được dư luận phong là Hiệp sỹ tin học) từng xuất hiện trong chương trình “Người đương thời” của đài truyền hình VTV. Năm 2007, gia đình Vân cũng vinh dự nhận được bằng khen “Gia đình hiếu học” của thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, Vân tâm sự, để được là Thảo Vân như bây giờ, cô đã trải qua những tháng ngày vất vả, vật lộn với mặc cảm của một người khuyết tật
Nguyễn Thảo Vân.
Nỗi ám ảnh thủa ấu thơ
Với người khác, ấu thơ thường là những ký ức trong veo, đẹp đẽ thì Thảo Vân lại rơm rớm khi nghĩ vì những năm tháng đầu đời ấy. Vân kể, cô sinh ra trong một gia đình bình thường ở một ngôi làng nhỏ của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, từ khi vừa lọt lòng mẹ, cô và anh trai chưa một lần được đi trên đôi chân của mình. Căn bệnh quái ác mà hai anh em Vân gặp phải, sau đó được chẩn đoán là teo cơ tủy sống và đến nay cũng chưa rõ nguyên nhân.
Nguyễn Công Hùng, anh trai Vân trong ngày đoạt giải Hiệp sỹ công nghệ thông tin
Tuy không được lành lặn như những đứa trẻ khác, thế nhưng, Thảo Vân rất ham học. Nhìn chúng bạn cắp sách tới trường, cô nài nỉ bố mẹ cho mình đến lớp. Tuy nhiên, trường học không phải là thiên đường như cô bé Vân từng nghĩ. Học chung với những đứa trẻ bình thường, Vân thường xuyên là tâm điểm trêu chọc của chúng bạn. Vân kể, khi ấy, cô sợ nhất là giờ ra chơi, không chỉ những đứa trẻ cùng lớp mà còn rất nhiều học sinh lớp khác bu lấy cửa sổ lớp mà chỉ trỏ, cười sằng sặc và không ngừng nhạo báng. Đến lúc này, cô bé Vân mới thực sự thấm thía hoàn cảnh thiếu may mắn mà mình gặp phải. “Bọn chúng gọi mình là đồ lưng gù, đồ tàn tật và còn rất nhiều biệt danh khác mà mình cũng không nhớ và không muốn nhớ nữa. Đến nỗi, ngày nào đi học cũng như cực hình và là nỗi ám ảnh thực sự. Có lần, mình còn bị một cậu bạn cùng lớp đẩy ngã trầy trật hết mình mẩy.
Sau một thời gian, tưởng như không thể chịu nổi vì những trò đùa cợt quái ác của chúng bạn, mình sợ đi học và mình đã nghỉ học một thời gian vào học kỳ I năm lớp 6. Mẹ mình khi ấy thương con nên đồng tình ngay, mẹ bảo, con gái chỉ cần biết chữ là đủ. Nhưng ba thì nghĩ khác, ba khuyên rằng, mỗi con người sinh ra đều có một hoàn cảnh khác nhau, điều quan trọng là họ đối mặt thế nào với hoàn cảnh và biết cố gắng hết sức và theo đuổi ước mơ của mình. Nếu con thích học, hãy vượt lên tất cả để theo đuổi nó. Từ lời khuyên của ba, mình đã đăng ký học lại. Dù vẫn bị trêu chọc, nhưng lúc này mình đã tự nhủ là phải luôn tỏ ra mạnh mẽ, không tỏ ra sợ hãi và giấu đi cảm xúc của mình. Nếu bị xúc phạm, mình sẽ cứng cỏi mà đáp trả chứ không tỏ ra mềm yếu. Có khóc, thì chỉ khóc khi một mình thôi”, Vân tâm sự.
Ba lần suy sụp và ý định tự tử
Cũng như nhiều người khuyết tật khác, khao khát cháy bỏng của Vân là có thể chữa được bệnh. Tuy nhiên, mỗi một lần cô cảm giác như chạm tay vào cơ hội thay đổi cuộc đời là một lần Vân nếm trái đắng và nhiều lúc tưởng như suy sụp hoàn toàn. Lần đầu tiên, khi ấy Vân học lớp 6, khi ấy có một người đàn bà tìm đến nhà và nói có thể đưa Vân sang nước ngoài chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, sau đó, người đàn bà quay lại bảo Vân chờ thêm 3 năm nữa.
Đã có lúc suy sụp tưởng như muốn chết, nhưng giờ đây Thảo Vân đã vượt qua mọi mặc cảm để mỉm cười vui sống.
“Ba năm ấy không ai biết là mình đã đếm từng ngày với bao nhiêu hy vọng và mơ ước. Tuy nhiên, rất lâu sau đó, khi mình đã mất hết niềm tin và cảm giác nghi ngờ, thất vọng tràn trề thì người đàn bà đó quay lại. Bà ta bảo bố mẹ Vân ký vào một tờ giấy cam kết gì đó và chồng ra 14 triệu. Khi ấy, Vân đã vô cùng tức giận, giật lấy tờ đơn vừa xé vừa hét lên, kêu bà đó ra khỏi nhà mình”, mắt hấp háy đỏ, Vân hồi tưởng lại. Lần thứ hai là vào năm 2005, sau chương trình Người đương thời, Bác sĩ Tố (một vị bác sỹ nổi tiếng về kỹ thuật chỉnh hình) tuyên bố rằng, anh Hùng bệnh nặng và sức khỏe yếu, nhưng Vân thì vẫn có thể cải thiện được.
Một lần nữa, ước muốn tưởng như đã lụi tàn lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Nhưng chưa kịp hân hoan với niềm hy vọng mới, ngay sau đó, vị bác sỹ khám cho Vân và tuyên bố cô không đủ sức khỏe để phẫu thuật. Sau lần ấy, Vân mất khá nhiều thời gian để cân bằng trở lại sau cú sốc tinh thần. Tuy nhiên, khi vừa vực dậy, trong đầu Vân lại nhen nhóm suy nghĩ: “Chừng nào vị bác sĩ giỏi nhất thế giới chưa xuất hiện và tuyên bố “vô phương cứu chữa”, thì chừng đó mình vẫn còn hy vọng”. Suy nghĩ ấy khiến Vân quyết tâm “xuất ngoại” để tiếp cận với bác sĩ nước ngoài. Nghĩ là làm, ngày đêm Vân miệt mài học để kiếm học bổng. Không phụ công cố gắng, sau đó Vân đã giành được một học bổng ngành Thiết kế đồ họa dành cho người khuyết tật ở Thái Lan. Quyết định ấy đã gặp phải sự phản đối dữ dội của gia đình.
Tuy nhiên, cuối cùng Vân vẫn kiên quyết làm theo suy nghĩ của mình, cô lặng lẽ cóp nhặt số tiền sau mấy năm làm thêm để lên đường. Một thân một mình nơi đất khách quê người, ngoài việc học Vân vẫn tìm các bệnh viện, dò hỏi người xung quanh về công nghệ chỉnh hình của Thái. Tuy nhiên, sau đó một thời gian ngắn có nhiều chuyện tác động, anh trai Vân ốm nặng khiến cô phải quay trở về Việt Nam. Tuy không đạt được mục đích, thế nhưng, ngay cả khi trở về, Vân vẫn chưa một lần nguôi ngoai mong muốn được phẫu thuật. Cô nghĩ rằng, sở dĩ mình chưa được mổ do sức khỏe quá yếu. Vì thế, suốt một quãng thời gian dài, Vân cố gắng tập thở, ăn theo một chế độ đặc biệt để tăng cân. Kết quả, 3 tháng Vân đã tăng được 3kg. “Cố gắng là thế, nhưng khi có một Giáo sư người Mỹ sang Việt Nam, khi khám bệnh cho mình bác sĩ vẫn lắc đầu tuyên bố, mình không đủ sức khỏe. Đó là quãng thời gian suy sụp và kinh khủng nhất của đời mình.
Vì nằm viện tập luyện tăng cân nên mình đã lỡ một học bổng đi Nhật, công ty cũ thì cắt hợp đồng, hy vọng thì lại bị dập tắt một cách đau đớn… Khi ấy, tưởng chừng như mình không còn gì cả, tâm trạng suy sụp hoàn toàn, không muốn tiếp xúc với người khác. Thậm chí, không ít lần mình đã nghĩ đến việc tự tử…”, Vân nghẹn ngào tâm sự. Hồi sinh Rất may suy nghĩ dại dột kia không biến thành hành động.
Trong thời gian khủng hoảng, Vân đã nhận làm tư vấn viên cho một trang web dành cho người khuyết tật. Cũng nhờ chia sẻ của những người kém may mắn, Vân đã ngộ ra rất nhiều điều.
Thảo Vân trong một chuyến từ thiện.
Vân bảo, điều đầu tiên là Vân biết mình không phải người bất hạnh nhất trên đời như cô từng nghĩ. Và, một điều cô hơn rất nhiều người khác, đó là Vân luôn có gia đình đứng bên cạnh ủng hộ và yêu thương cô, đó là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng. Và rồi, những bức thư, những chia sẻ, động viên của những người bạn trên thế giới ảo ấy, Vân đã thực sự hồi sinh. Giờ đây, sức khỏe của Vân ngày càng có xu hướng xấu hơn, hơi thở nặng nề, không đi được đường dài, khó ngủ hơn, tuy nhiên, tinh thần của Vân thì lại thăng hoa hơn bao giờ hết.
Vân đang làm cho một công ty phần mềm với mức lương ổn, đồng thời cùng anh trai quản lý một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Cô cũng tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện từ Bắc chí Nam. Ngoài ra, Vân vẫn không ngừng học tập những kiến thức mới. “Mình vẫn mơ ước được đi du học. Ngoài ngành chính, mình còn mong muốn được học thêm về tâm lý để làm chủ được mình. Giờ đây, mong muốn được trở thành một “người bình thường” cũng không còn thôi thúc mình như trước kia nữa. Thậm chí, mình đã nghĩ, nếu mình sinh ra là một người như bao người, chắc gì mình đã làm được như bây giờ. Vậy nên, cuộc sống còn cho mình hơi thở là mình còn cố gắng để sống sao cho thật ý nghĩa…”, Vân tâm sự.
Nguồn: infonet
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: