Đoàn Phạm Khiêm, thủ khoa đầu vào khoa Hội họa Trường đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2009 là thí sinh câm điếc duy nhất tại Việt Nam trúng tuyển vào một trường đại học chính quy.
Khu tập thể của Fafilm Việt Nam (số 112 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM) có một gia đình đặc biệt. Gia đình chỉ có 2 người và chẳng bao giờ có tiếng nói chuyện. Căn nhà tập thể chật chội được thuê lại với giá “hữu nghị” đó là của mẹ con Đoàn Phạm Khiêm.
Vượt lên nghịch cảnh
Đoàn Phạm Khiêm, sinh năm 1982, ra đời như bao đứa trẻ bình thường khác. Khiêm bụ bẫm, thông minh và được mẹ tập cho nói: “ba, mẹ, bà, đi về...” từ rất sớm và khả năng nghe của anh cũng phát triển bình thường.
Bà Phạm Cao Phương Thảo, mẹ Khiêm kể lại: Năm lên 1 tuổi, Khiêm bị tiêu chảy nặng và chữa chạy không kịp. Trong bệnh viện vào thời điểm đó có 2 đứa trẻ nữa cùng bị như Khiêm và đều đã chết. Riêng với Khiêm, ảnh hưởng của kháng sinh đã khiến cậu bị điếc đặc từ đó. Không còn khả năng nghe, do đó cũng không thể bắt chước để phát âm giọng nói, Khiêm bị câm điếc luôn.
Sau 8 năm chữa trị, tất cả hi vọng chạy chữa cho Khiêm đều trở thành vô vọng. Cha mẹ li dị từ năm 1990, Khiêm về sống với mẹ. Ngoài giờ làm việc, bà Thảo phải xin cơ quan cho làm bảo vệ đêm, đi đóng giày, bán báo... để có tiền chữa bệnh cho Khiêm và nuôi sống gia đình. Rồi đột ngột, bà bị bệnh nan y, chút tài sản cuối cùng của gia đình cũng đội nón ra đi trong nỗi đau khổ cùng cực của 2 mẹ con.
20 năm nay, hai mẹ con gắng sức tự nuôi nhau. Năm 8 tuổi, Khiêm vào học trường Khiếm thính Hy Vọng tại TPHCM. Ở Việt Nam mới chỉ có trường tiểu học dành cho người khiếm thính và chương trình học cấp 2 (không có trường dạy cấp 2 cho người khiếm thính), nên Khiêm chỉ có hi vọng được học tới lớp 9. Khác với chương trình học của người bình thường, chương trình học của người khiếm thính kéo dài một năm rưỡi đến hai năm mới xong một lớp. Do đó, đến tận năm 2000, Khiêm mới học hết lớp 7, với bảy năm là học sinh xuất sắc. Một cơ hội mở ra khi Đại học Gallaudet (một đại học của Mỹ dành cho người câm điếc) dành cho Khiêm học bổng đi học tại Đồng Nai. Sáu năm sau, Khiêm đã hoàn thành chương trình học tại đây, đạt chứng chỉ giảng dạy Ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam (ngôn ngữ dành cho người câm điếc Việt Nam). Khiêm được mời làm giảng viên dạy Ngôn ngữ kí hiệu cho Khoa Văn hóa nghiên cứu Ngôn ngữ của người câm điếc trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Khiêm còn góp phần vào việc biên soạn Bộ từ điển Ngôn ngữ kí hiệu dành cho người câm điếc Việt Nam.
Hoàn thành chương trình học ở Gallaudet, Khiêm quyết định thi đại học. Sau một năm đầu thi trượt trường Kiến trúc, Khiêm đầu tư đi luyện thi vẽ để thi vào Khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đối với người bình thường, việc đạt được kết quả tốt trong học tập, thi cử đã là khó, huống chi Khiêm là một người câm điếc. Vậy mà, Khiêm đã xuất sắc trúng tuyển đầu vào của Khoa Hội họa với 29,5 điểm (kể cả điểm ưu tiên là 31,5 điểm) với điểm số môn vẽ là 8 điểm, trở thành một trong số thủ khoa kì thi tuyển sinh năm 2009 của Khoa Hội họa.
Người mẹ sống bằng ước mơ của con
Khiêm vừa trải qua năm đại học đầu tiên với rất nhiều khó khăn nhưng kết quả thì khá tốt. Ngoài việc tham gia giảng dạy miễn phí Ngôn ngữ kí hiệu cho Câu lạc bộ Khiếm thính TPHCM, Khiêm còn tranh thủ đi làm thêm và học tiếng Anh. Đi đâu, Khiêm cũng đưa mẹ đi cùng. Gặp chúng tôi, bà Thảo nhớ về cuộc hành trình gian khó gần 30 năm qua trong nước mắt: Ngay từ nhỏ, Khiêm đi đến đâu cũng chỉ được gọi bằng cái tên “thằng câm”. Trái tim của người mẹ như tan nát trong nỗi bất hạnh của con. Căn bệnh nan y không chỉ lấy đi hết tài sản gia đình mà còn khiến bà trở nên bi quan, có những thời điểm bà bị bệnh tâm thần trong nỗi lo sợ phập phồng khi mình chết đi, con mình sẽ bị bỏ rơi, bị khinh rẻ.
Ngay từ ngày Khiêm còn rất nhỏ, bà Thảo đã theo sát để giúp con hòa nhập cuộc sống. Bà cùng con đi học, đi giao lưu, đi dạy Ngôn ngữ kí hiệu cho người câm điếc... Bà kể: Từ nhỏ, Khiêm đã bộc lộ năng khiếu hội họa khi tự mình trang trí tất cả các báo tường trong trường học và có khiếu diễn kịch câm rất hay. Khiêm rất sáng tạo khi mượn máy quay phim và nhờ bạn bè diễn kịch bằng ngôn ngữ kí hiệu để ghi hình lại thành giáo trình dạy Ngôn ngữ kí hiệu.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Dương Phương Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Khiếm thính TPHCM chia sẻ: Khiêm là một trường hợp rất đặc biệt của người câm điếc, bằng nỗ lực của mình, em đã vượt qua hoàn cảnh để vào được đại học. Khiêm sử dụng ngôn ngữ kí hiệu rất xuất sắc và có khiếu làm giáo viên, chỉ tiếc rằng vì câm điếc nên việc học đại học của Khiêm sẽ rất hạn chế khi các môn lý luận, Khiêm không thể nghe thấy thầy cô giảng mà phải tự mày mò, nghiên cứu.
Chia sẻ với chúng tôi qua những trang giấy, khả năng ngôn ngữ viết rất hạn chế nhưng nét bút cứng cỏi và rất tài hoa, Khiêm cho biết: “Khiêm thương mẹ lắm, muốn học thật giỏi, làm được thật nhiều việc tốt cho mẹ vui. Mơ ước lớn nhất của Khiêm là được nhận học bổng du học về ngành Hội họa cho người câm điếc ở Mỹ, sau đó về mở trường dành cho người câm điếc miễn phí ở Việt Nam. Còn bây giờ, Khiêm chỉ muốn có một chiếc máy tính xách tay để gắn vào máy chiếu, chiếu các đoạn phim trong giáo trình ngôn ngữ kí hiệu của Khiêm để dạy các bạn câm điếc”.
Nhìn vào căn hộ chật hẹp, nóng nực, không có gì đáng giá của hai mẹ con Khiêm đang ở, chúng tôi bất chợt ái ngại cho những mơ ước của anh sinh viên câm điếc. Nhưng chúng tôi tin rằng: với nghị lực của mình, Khiêm sẽ làm được nhiều điều thần kì hơn nữa, mang lại thêm những thanh âm tốt đẹp cho cuộc sống này.
Khu tập thể của Fafilm Việt Nam (số 112 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM) có một gia đình đặc biệt. Gia đình chỉ có 2 người và chẳng bao giờ có tiếng nói chuyện. Căn nhà tập thể chật chội được thuê lại với giá “hữu nghị” đó là của mẹ con Đoàn Phạm Khiêm.
Vượt lên nghịch cảnh
Đoàn Phạm Khiêm, sinh năm 1982, ra đời như bao đứa trẻ bình thường khác. Khiêm bụ bẫm, thông minh và được mẹ tập cho nói: “ba, mẹ, bà, đi về...” từ rất sớm và khả năng nghe của anh cũng phát triển bình thường.
Bà Phạm Cao Phương Thảo, mẹ Khiêm kể lại: Năm lên 1 tuổi, Khiêm bị tiêu chảy nặng và chữa chạy không kịp. Trong bệnh viện vào thời điểm đó có 2 đứa trẻ nữa cùng bị như Khiêm và đều đã chết. Riêng với Khiêm, ảnh hưởng của kháng sinh đã khiến cậu bị điếc đặc từ đó. Không còn khả năng nghe, do đó cũng không thể bắt chước để phát âm giọng nói, Khiêm bị câm điếc luôn.
Sau 8 năm chữa trị, tất cả hi vọng chạy chữa cho Khiêm đều trở thành vô vọng. Cha mẹ li dị từ năm 1990, Khiêm về sống với mẹ. Ngoài giờ làm việc, bà Thảo phải xin cơ quan cho làm bảo vệ đêm, đi đóng giày, bán báo... để có tiền chữa bệnh cho Khiêm và nuôi sống gia đình. Rồi đột ngột, bà bị bệnh nan y, chút tài sản cuối cùng của gia đình cũng đội nón ra đi trong nỗi đau khổ cùng cực của 2 mẹ con.
20 năm nay, hai mẹ con gắng sức tự nuôi nhau. Năm 8 tuổi, Khiêm vào học trường Khiếm thính Hy Vọng tại TPHCM. Ở Việt Nam mới chỉ có trường tiểu học dành cho người khiếm thính và chương trình học cấp 2 (không có trường dạy cấp 2 cho người khiếm thính), nên Khiêm chỉ có hi vọng được học tới lớp 9. Khác với chương trình học của người bình thường, chương trình học của người khiếm thính kéo dài một năm rưỡi đến hai năm mới xong một lớp. Do đó, đến tận năm 2000, Khiêm mới học hết lớp 7, với bảy năm là học sinh xuất sắc. Một cơ hội mở ra khi Đại học Gallaudet (một đại học của Mỹ dành cho người câm điếc) dành cho Khiêm học bổng đi học tại Đồng Nai. Sáu năm sau, Khiêm đã hoàn thành chương trình học tại đây, đạt chứng chỉ giảng dạy Ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam (ngôn ngữ dành cho người câm điếc Việt Nam). Khiêm được mời làm giảng viên dạy Ngôn ngữ kí hiệu cho Khoa Văn hóa nghiên cứu Ngôn ngữ của người câm điếc trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Khiêm còn góp phần vào việc biên soạn Bộ từ điển Ngôn ngữ kí hiệu dành cho người câm điếc Việt Nam.
Hoàn thành chương trình học ở Gallaudet, Khiêm quyết định thi đại học. Sau một năm đầu thi trượt trường Kiến trúc, Khiêm đầu tư đi luyện thi vẽ để thi vào Khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đối với người bình thường, việc đạt được kết quả tốt trong học tập, thi cử đã là khó, huống chi Khiêm là một người câm điếc. Vậy mà, Khiêm đã xuất sắc trúng tuyển đầu vào của Khoa Hội họa với 29,5 điểm (kể cả điểm ưu tiên là 31,5 điểm) với điểm số môn vẽ là 8 điểm, trở thành một trong số thủ khoa kì thi tuyển sinh năm 2009 của Khoa Hội họa.
Người mẹ sống bằng ước mơ của con
Khiêm vừa trải qua năm đại học đầu tiên với rất nhiều khó khăn nhưng kết quả thì khá tốt. Ngoài việc tham gia giảng dạy miễn phí Ngôn ngữ kí hiệu cho Câu lạc bộ Khiếm thính TPHCM, Khiêm còn tranh thủ đi làm thêm và học tiếng Anh. Đi đâu, Khiêm cũng đưa mẹ đi cùng. Gặp chúng tôi, bà Thảo nhớ về cuộc hành trình gian khó gần 30 năm qua trong nước mắt: Ngay từ nhỏ, Khiêm đi đến đâu cũng chỉ được gọi bằng cái tên “thằng câm”. Trái tim của người mẹ như tan nát trong nỗi bất hạnh của con. Căn bệnh nan y không chỉ lấy đi hết tài sản gia đình mà còn khiến bà trở nên bi quan, có những thời điểm bà bị bệnh tâm thần trong nỗi lo sợ phập phồng khi mình chết đi, con mình sẽ bị bỏ rơi, bị khinh rẻ.
Ngay từ ngày Khiêm còn rất nhỏ, bà Thảo đã theo sát để giúp con hòa nhập cuộc sống. Bà cùng con đi học, đi giao lưu, đi dạy Ngôn ngữ kí hiệu cho người câm điếc... Bà kể: Từ nhỏ, Khiêm đã bộc lộ năng khiếu hội họa khi tự mình trang trí tất cả các báo tường trong trường học và có khiếu diễn kịch câm rất hay. Khiêm rất sáng tạo khi mượn máy quay phim và nhờ bạn bè diễn kịch bằng ngôn ngữ kí hiệu để ghi hình lại thành giáo trình dạy Ngôn ngữ kí hiệu.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Dương Phương Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Khiếm thính TPHCM chia sẻ: Khiêm là một trường hợp rất đặc biệt của người câm điếc, bằng nỗ lực của mình, em đã vượt qua hoàn cảnh để vào được đại học. Khiêm sử dụng ngôn ngữ kí hiệu rất xuất sắc và có khiếu làm giáo viên, chỉ tiếc rằng vì câm điếc nên việc học đại học của Khiêm sẽ rất hạn chế khi các môn lý luận, Khiêm không thể nghe thấy thầy cô giảng mà phải tự mày mò, nghiên cứu.
Chia sẻ với chúng tôi qua những trang giấy, khả năng ngôn ngữ viết rất hạn chế nhưng nét bút cứng cỏi và rất tài hoa, Khiêm cho biết: “Khiêm thương mẹ lắm, muốn học thật giỏi, làm được thật nhiều việc tốt cho mẹ vui. Mơ ước lớn nhất của Khiêm là được nhận học bổng du học về ngành Hội họa cho người câm điếc ở Mỹ, sau đó về mở trường dành cho người câm điếc miễn phí ở Việt Nam. Còn bây giờ, Khiêm chỉ muốn có một chiếc máy tính xách tay để gắn vào máy chiếu, chiếu các đoạn phim trong giáo trình ngôn ngữ kí hiệu của Khiêm để dạy các bạn câm điếc”.
Nhìn vào căn hộ chật hẹp, nóng nực, không có gì đáng giá của hai mẹ con Khiêm đang ở, chúng tôi bất chợt ái ngại cho những mơ ước của anh sinh viên câm điếc. Nhưng chúng tôi tin rằng: với nghị lực của mình, Khiêm sẽ làm được nhiều điều thần kì hơn nữa, mang lại thêm những thanh âm tốt đẹp cho cuộc sống này.
Theo Công An TPHCM