Nghị luận xã hội về an toàn giao thông

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Nghị luận xã hội về an toàn giao thông

I. Mở bài :

- Đặt vấn đề : trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề tai nạn giao thông đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà vấn đề này gây ra.
- Nhận thức: tuổi trẻ học đường – những công dân tương lai của đất nước – cũng phải có những suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

II. Thân bài :


1. Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt nam hiện nay:

+ Đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên cả nước, 33 -34 người chết và bị thương / 1 ngày
+ Trong số đó, có không ít các bạn học sinh, sinh viên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông.

2. Hậu quả của vấn đề:

+ Thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng.
+ Gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội.
3. Nguyên nhân của vấn đề :
+ Ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm. . .)
+ Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường . . .)
+ Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn...)
+ Đáng tiếc rằng, góp phần gây ra nhiều tai nạn giao thông, còn có những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

4. Hành động của tuổi trê học đường góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông:

+ Tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông.
+ Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư...
+ Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng quy định.
+ Tuyên truyền luật giao thông: trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về an toàn giao thông để góp phần phổ biến luật giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông...

III. Kết bài :

- An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội.
- Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khoẻ, có tri thức... cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. . .

Một vài số liệu thực tế:

Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Theo điều tra chấn thương liên trường (VMIS), trong năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp 2 lần tỷ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290.000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên.
Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là người đi xe máy.

Chúc các bạn thi tốt

Sưu tầm


Đọc thêm:
Nghị luận xã hội : Vấn đề tai nạn giao thông
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
[FONT=&quot]Hiện nay an toàn giao thông đang là một trong những vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Những khẩu ngữ như: “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”… được giăng lên ở khắp các nẻo đường. Nó như một lời nhắc nhở cũng là lời cảnh báo những người đang tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình.

Thế nhưng số vụ tai nạn giao thông hằng năm vẫn không hề suy giảm, ngược lại còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm Việt Nam có tới gần một ngàn vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn phần lớn là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân còn kém: uống rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu … Một mặt, đó là do chất lượng đường sá kém, nguyên nhân là do sự tắc trách của các cơ quan xây dựng: ăn hối lộ, rút ruột công trình … Mặt khác, chúng ta phải lên án những kẻ chỉ vì lợi ích cá nhân mà không màng đến sự an toàn, tính mạng của người đi đường, họ vẫn thản nhiên rải đinh xuống lòng đường để thu lợi trên những đồng tiền kiếm được từ việc vá xe, thay lốp. Họ không hiểu hết được sự nguy hiểm của việc làm đó, bị thủng săm đột ngột khi đang chạy với tốc độ cao, người đang tham gia giao thông sẽ bị văng ra khỏi xe và nguy cơ tử vong là rất lớn.

Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu”, cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, @, FX500 phi như bay trên những con đường lớn, ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt. Tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gãy tay gãy chân, nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Nguyên nhân cũng là do họ chưa biết suy nghĩ đúng về những cái lợi, cái hại của việc mình đã làm.


Thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-24 chiếm gần 20% dân số Việt Nam nhưng chiếm tới gần 40% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Cộng với đó là quản lý hành lang an toàn giao thông chưa chặt chẽ: hệ thống biển báo còn thiếu, phân luồng giao thông chưa hợp lý, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt chưa nghiêm minh, thậm chí còn có hiện tượng tiêu cực trong xử lý …

Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Theo điều tra chấn thương liên trường (VMIS), trong năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp 2 lần tỷ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290.000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là người đi xe máy.

Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về Luật Giao thông. Vì vậy để học sinh, sinh viên có thêm hiểu biết về luật giao thông, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng … trên toàn quốc phát động và thực hiện tháng “An toàn giao thông”.

Tháng an toàn giao thông năm nay có chủ đề: “Thanh, thiếu niên trường học nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông”. Đây có thể xem là điểm đột phá, bởi nếu tuổi trẻ học đường, bao gồm cả học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức về Luật Giao thông, có sự chuyển biến về nhận thức, tuân thủ các quy định của pháp luật thì sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành giao thông của cả xã hội. Giảm thiểu tai nạn giao thông là việc khó, nhưng không phải không làm được nếu cả xã hội cùng nỗ lực, chọn đúng điểm đột phá, có biện pháp đúng trong tổ chức và kiên trì trong thực hiện. Hưởng ứng tháng an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội song cần hướng mạnh vào lớp trẻ, trong đó bộ phận quan trọng là tuổi trẻ học đường. Cần làm cho đối tượng này tự giác thực hiện các quy định về an toàn giao thông một cách liên tục, bảo đảm tính bền vững lâu dài, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn giao thông.

Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những biện pháp hữu hiệu và sáng tạo hơn, chủ động và tích cực hơn để giáo dục lớp trẻ ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Trách nhiệm này thuộc về nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Đối với nhà trường, cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh, sinh viên. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông là rất cần thiết. Ngoài ra cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học.

Các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật của con cái, không mua xe gắn máy cho con hoặc không cho phép con đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Nhà nước cũng cần quy định biện pháp xử lý nghiêm minh với các bậc cha mẹ không quan tâm hoặc dung túng cho con em vi phạm. Cơ quan, đơn vị công tác cũng cần có hình thức xử lý thoả đáng đối với các bậc cha mẹ là đảng viên, cán bộ, công chức dung túng hoặc tiếp tay cho con cái vi phạm giao thông như: không nâng bậc lương, không xét thi đua, không bổ vào chức vụ lãnh đạo cao hơn ...

Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng. Chỉ khi nào các hành vi vi phạm bị xử lý công bằng và nghiêm minh thì người dân mới tuân thủ các quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm an toàn giao thông của học sinh, sinh viên phải được thông báo tới nhà trường - nơi đang học tập hoặc địa phương - nơi đang cư trú để có những hình thức răn đe, xử phạt kịp thời.

Theo thống kê, những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông – những trụ cột của gia đình và học sinh, sinh viên – những người con thân yêu của cha mẹ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu. Những đứa con nghẹn ngào vì từ đây chúng sẽ không còn được ở trong vòng tay âu yếm vỗ về của cha, không còn được cha bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Các bậc cha mẹ phải quặn lòng tiễn con đi trong nước mắt … Tất cả những điều đáng tiếc kia sẽ chẳng thể xảy ra nếu như mỗi chúng ta biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân. Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai

sưu tầm
[/FONT]
 
TÌNH TRẠNG AN TOÀN GIAO THÔNG NƯỚC TA HIỆN NAY



Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ ra rằng : Cái đói, cái dốt là giặc. Trong suốt mấy chục năm qua, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đấu tranh diệt giặc đói, giặc dốt. Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đất nước cũng đã xuất hiện nhiều tiêu cực, mặt trái, trong đó TNGT là một ví dụ.


Theo Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, bình quân mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 35 người chết vì TNGT. Mỗi năm, số người chết vì TNGT cả chục ngàn người. Nhiều vụ TNGT thảm khốc càng khiến cho dư luận không khỏi suy ngẫm về tình trạng “giặc’’ TNGT ở nước ta.


Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mất an toàn giao thông mỗi khi ra khỏi nhà. Qua đó, đủ cho thấy, TNGT đã khiến những người khách nước ngoài cảm thấy bất an. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ đến một lần và không hẹn ngày tái ngộ. Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam kém phát triển là do tình trạng giao thông hỗn loạn. Một ngày “giặc” TNGT còn hoành hành thì không chỉ ngành du kịch bị ảnh hưởng mà nó còn là hiểm họa gieo rắc nỗi đau cho mỗi gia đình và cho cả xã hội.


Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề TNGT đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà nó gây ra. Vậy tuổi trẻ học đường – thế hệ tương lai của đất nước – có suy nghĩ và có thể làm gì để góp phần giảm thiểu TNGT?


Những thực tế đau buồn về tình hình TNGT đã phản ánh tầm quan trọng của vấn đề : Mỗi ngày qua đi có tới hơn 30 người chết và bị thương do TNGT gây ra. Từng ngày, từng giờ có hàng trăm vụ tai nạn, theo đó là hàng chục thiệt hại,…Và đáng buồn thay, trong số những vụ tai nạn ấy, có nhiều vụ là hậu quả của những học sinh, sinh viên gây ra. Mặt khác, cũng không ít học sinh – sinh viên là nạn nhân đau thương của nhiều vụ TNGT thảm khốc.


TNGT gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Các gia đình mất đi những người thân, xã hội mất đi những thành viên, những bàn tay lao động. Mất đi vì bệnh tật, vì tuổi già đã đành một lẽ, nhưng mất đi vì TNGT - thì thật đau xót. May mắn hơn có người chỉ bị thương. Nhưng trong số ấy cũng có người phải mang bất hạnh suốt đời : bị mất một phần thân thể, bị liệt, phải sống đời sống thực vật,…


TNGT có nhiều nguyên nhân phức tạp. Trước hết là do ý thức và khả năng của người tham gia giao thông. Khi đi đường, nhiều người bất chấp đèn báo, gặp đèn vàng, đèn đỏ vẫn ung dung “thẳng tiến”. Như vậy hỏi sao không tai nạn, hỏi sao không nguy hiểm? Lại có những bác tài lái ô tô được mệnh danh là “tổ lái” : lạng lách, vượt đèn đỏ,…là chuyện “cơm bữa”. Rồi uống rượu, ngủ gật cũng không phải chuyện hiếm. Họ không ý thức được trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho hàng chục con người đang ngồi phía sau “vô lăng” của họ. Cũng cần chú ý đến số đối tượng không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe máy, ô tô. Trong đó phần nhiều là những thanh niên còn đang tuổi học sinh : tay lái yếu, phản xạ kém nên việc tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Nguy hiểm hơn có những học sinh tổ chức đua xe trái phép. Tai nạn không chỉ xảy ra đối với họ mà còn cho cả những người vô tội khác.


Ở nước ta tai nạn còn do sự thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ, cơ sở vật chất chưa được đảm bảo.

Luật giao thông chưa phổ biến sâu rộng đến người dân. Họ rất hồn nhiên đem rơm rạ, thóc lúa rải lên đường quốc lộ để …phơi. Họ vô tư không kém khi lái xe đạp sang phần đường dành cho xe ô tô, xe máy vì …rộng và thoáng hơn.

Cơ sở vật chật cho giao thông cũng là nguyên nhân quan trọng. Chất lượng phương tiện giao thông của chúng ta còn kém. Cùng với đó là hệ thống đường xá, cầu cống chưa đảm bảo. Có những quãng đường quốc lộ loang lỗ những vết “may vá” đắp đổi, rồi hầm hố,…Chưa hết, báo chí vài năm nay còn đưa những bài gây sốc vì bài ca “đào lên lấp xuống” của những con đường. Có những con đường mùa nóng thì bụi ngất trời, mùa mưa thì như đi vào vùng đầm lầy Châu Mỹ. Ôi, những con đường!

Trước thực tế đáng buồn ấy, tuổi trẻ học đường có thể làm gì để góp phần giảm thiểu TNGT?

Trước hết, công việc vô cùng cần thiết là tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường, lớp và có sự tìm hiểu đầy đủ hơn về vấn đề này. Chúng ta là thế hệ tương lai của đất nước, nên hơn ai hết chúng ta cần có sự hiểu biết về giao thông để có thể làm chủ vấn đề ATGT, không để tai nạn xảy ra ngoài ý muốn.


Có hiểu biết về pháp luật, chúng ta cũng cần tuyên truyền luật giao thông cho những người xung quanh. Đó có thể là trao đổi vời người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về ATGT, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo ATGT,…Thực tế cho thấy, nhiều đội thanh niên tình nguyện đã góp phần rất lớn vào việc giảm thiểu những vụ tắt đường, việc xử lì vi phạm giao thông,.. Hiệu quả của tuổi trẻ khi tham gia vào công việc này đã khẳng định thế hệ chúng ta đang phát huy vai trò xung kích của mình trong cuộc sống.


TNGT là mối họa vô hình khó đoán định của số phận con người. Vậy nên ATGT là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức,.. cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu TNGT.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top