• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nghị luận xã hội lớp 9

Charm Angel

New member
Xu
0
Có một số bài sau đây, em cần mọi người giúp đỡ thôi ạ !^^ :

1. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng tâm niệm :
"Sông vẫn chảy đờ sông
Suối cứ trôi đời suối
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Dù để gió cuốn đi ...... "

Anh chị có nhận xét gì về quan niệm trên ?

2. Nguyễn Ngọc Ký trên báo Văn học trẻ đã từng nói : "Không sợ những khiếm khuyết trên cơ thể, chỉ sợ khiếm khuyết trong tâm hồn. "
Hãy nêu suy nghĩ của anh chị về vấn đề trên.

3. Nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm tuổi trẻ. Năm 2000, báo Thanh Niên có tổ chức diễn đần : " Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ ? "
Nếu anh chị được tham gia diễn đàn đó, anh chị sẽ nói gì với tuổi trẻ hôm nay ?
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
[NLXH] Nêu cảm nghĩ về câu "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"

Đề 1.

1. Bài làm 1

Suy nghĩ về "một tấm lòng" cần để "gió cuốn đi" !

“Sống trong đời sống

Cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không

Để gió cuốn đi…!”

(Trịnh Công Sơn)

Cuộc sống hiện đại, con người ta cũng “hiện đại” theo. Mọi người lao vào công việc, chạy theo guồng quay của cuộc sống để mưu sinh. Dường như họ đã bị “máy móc hóa” và đến khi chợt nhận ra mình đã thờ ơ với quá nhiều người và ngay cả bản thân mình. Lí trí được đặt ở vị trí đầu, trái tim con người giờ chỉ đập những nhịp đập theo đúng nghĩa sinh học của nó. Nhưng bạn nên biết rằng: con người sinh ra là để yêu và được yêu. “Sống mà không yêu chỉ xem như tồn tại”, tồn tại một cách vô nghĩa. Cuộc sống thiếu đi tình yêu thương cũng giống như Trái Đất thiếu đi ánh sáng của Mặt Trời. Cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã rất sâu sắc khi viết nên những lời hát mang đậm triết lí sống “Sống trong cuộc sống cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” ở đây là lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc giữa người với người, lòng vị tha, cao thượng, nhân ái,…hay đơn thuần chỉ là những cử chỉ đẹp mà hằng ngày ta vẫn làm mà không hề đòi hỏi phải báo đáp.

Sáng nay, tôi đã sửa chiếc xe đạp bị trật xích cho một bạn gái mà tôi không quen và tôi cũng chẳng cần hỏi tên để có ngày được giúp đỡ lại, vì tôi biết rằng “tấm lòng” cần để “gió cuốn đi”… Không phải quyên góp bạc triệu hay những thứ có giá trị mới thể hiện sự yêu thương, tình yêu thương đôi khi chỉ là cái nắm chặt tay khi ta cần có nhau, hay một nắm cơm khi đói lòng,…và còn có rất nhiều cử chỉ đẹp trong cuộc sống thể hiện tình yêu, tấm lòng. Những của cử chỉ ấy xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim.

Tình yêu thương con người là một thứ tình cảm thuần khiết, không vụ lợi. Phải chăng “ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.” Gió sẽ mang tình yêu của chúng ta bay xa…đến với những nơi lạnh giá cần sự sưởi ấm bằng ngọn lửa yêu thương đày tình người.

Khi chúng ta cho đi, cũng là lúc chúng ta nhận lại, ta hạnh phúc vì thấy người hạnh phúc ,thấy cuộc sống đẹp hơn qua lăng kính yêu thương…con người thoát khỏi sự tầm thường của cuộc sống, không còn sống ích kỉ, hẹp hòi, chỉ biết riêng là mình.

Chúng ta không phải là những chú robot vô tri, vô giác bởi vì robot thì làm gì có trái tim!

Cám ơn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho chúng ta những lời ca thấm đẫm triết lí làm người,để ta suy ngẫm về cuộc đời, những điều ta có được và cho đi trong cuộc sống này….Để mỗi sớm thức dậy, lòng ta lại tràn ngập yêu thương!

(THPT Haibatrung)

2. Bài làm 2
Tôi hỏi đất:
Ðất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- người sống với người như thế nào?

[Hỏi-Hữu thỉnh]

Ba dòng thơ cuối với sự lặp tuyệt đối như một lời trách giận hay là lối hỏi chua chát? Người sống với người như thế nào? Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào? Câu trả lời nằm ngay trong chính dòng đời miết mải. Chẳng hiểu sao ngay từ đầu, cái câu hỏi đầy ám ảnh kia lại tạo cho mình ấn tượng sâu đến thế. Để đến lúc đọc lại cả bài thơ rồi, thì lại bật cười, có lẽ ... ừ có lẽ cả bài thơ đã là lời giải đáp. Người với người sống với nhau để làm cuộc sống của nhau đầy đặn hơn, tô màu thêm sắc để cuộc đời trở nên xanh tươi hơn, và chúng ta tôn nhau lên, để cho những cái riêng của từng cái tôi nổi trội lên, nhưng đồng thời cũng hòa vào nhau, đan vào nhau trong một cái sắc chung - CUỘC ĐỜI.

Và cứ thế, đất, nước và cỏ còn thua chúng ta nhiều lắm. Chúng chỉ tạo được cho nhau, chỉ cho được cho nhau một điều nổi bật, trong khi chúng ta, CON NGƯỜI làm được rất nhiều, nhiều hơn thế. Không phải là tôi ngây thơ đến mức hiểu nhầm dụng ý của tác giả, nhưng vần thơ là để người tán tụng, để người suy diễn. Nhà văn, nhà thơ có nhìn thấy, có chỉ ra được một khía cạnh, thì tâm hồn người đọc vẫn có thể lần tìm những ngóc ngách khác. Chỉ xin hãy nhìn đời bằng một con mắt lạc quan, để cả ba lần hỏi nhức nhối được trở thành ba lần nhấn mạnh, điểm nhấn cho lòng yêu thương, sự bao dung và tình đồng loại. Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình ... cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác. Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa. Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào? Người sống với nhau như thế nào?

Lướt qua blog của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn thấy blast là "Sống trên đời cần có một tấm lòng..để làm gì em biết không?...để cho gió cuốn đi". Còn nhớ, cách đây mấy hôm, cũng dạo qua blog của một người bạn, lại là "Sống trên đời cần có một tấm lòng..." Và đọc được nhiều nơi nữa, nhiều người bạn của tôi cũng nhắc đến câu hát vốn rất thi vị đó. Tôi chợt nghĩ, dạo này con người ta sống có tình lắm, ai ai cũng nhắc nhở bản thân mình, nhắn gởi những người xung quanh là sống cần có tấm lòng. Cho dù tấm lòng đó, chưa cần biết để làm gì, có thể là để cho gió cuốn đi.

Tôi vốn cũng hay nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng thú thật là nhiều khi không hiểu hết những ngôn từ của ông viết ra. Có lúc, tôi đọc những bài cảm nhận của người khác, nghe láng máng những người bạn giải thích cho tôi, tôi mới vỡ lẽ ra một điều rằng, à, té ra nó là như vậy như vậy. Nhiều lúc, tôi lại nghĩ, không hiểu có khi lại hay, nếu mọi thứ mà rõ ràng thì còn gì là lãng mạn nữa. Và tôi cũng đâm ra khoái những gì không hiểu, những gì mù mờ, như sương, như gió..chẳng hạn...

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn luôn nhắc nhở bản thân là hãy sống có một tấm lòng, tấm lòng của ông, dành cho cái đẹp dành cho tình yêu, dành cho cuộc sống, dành cho tình bạn. Tôi chưa từng tiếp xúc với ông, có thể là chẳng hiểu chút gì về ông, nhưng đọc những bài viết, hồi ức có liên quan đến ông, tôi nghĩ ông là người tốt, và là người có tấm lòng lắm. Nhưng có thể cho tôi một chút nghi ngờ, cho dù đó là điều không muốn. Nhưng như một triết gia nói là "bạn có thể nghi ngờ mọi điều, nhưng bạn không được phép nghi ngờ rằng, bạn đang nghi ngờ". Như vậy, tôi có nghi ngờ thì cũng là lẽ thường của tự nhiên...

Tôi nói thế, nhưng không nghĩ là có chút hỗn nào với một bậc trưởng bối, với một nhạc sỹ nổi tiếng nhất nhì trong lịch sử âm nhạc VN. Tài năng và tấm lòng của ông đã được ông thể hiện qua những bản tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống và tình người, đã đi vào lòng người bao thế hệ người Việt Nam. Hầu hết những người bạn khi nhắc lại ông đều kính trọng, cảm phục và không một chút lăn tăn lợn cợn. Tôi cũng rất kính phục ông. Về phương diện là một con người, tôi tin, ông là người có tấm lòng...

Tôi biết từ sâu thẳm của con người luôn là hướng thiện và có tấm lòng rộng mở. có thể vì một lý do nào đó làm cho họ ma quỹ dẫn lối đưa đường, chìm sâu vào những ham muốn tầm thường. Họ tự đánh mất mình từ bao giờ mà không hay.

Tối nay coi bộ phim Người Nhện 3, câu kết của bộ phim, làm cho tôi ấm lòng. Hãy nhớ là Lúc bạn khó khăn, lúc bạn đau khổ, thì bạn vẫn luôn luôn có những lựa chọn. Và trong mọi cách lựa chọn, bạn vẫn luôn luôn chọn được con đường mà bạn trở lại là chính mình. Có khi lựa chọn đó trả giá bằng cả mạng sống như anh chàng Harry đã nhiều lần lầm lỗi.

Bạn tôi và tôi nữa, thốt lên, là mình cần sống có tấm lòng. Tấm lòng đó, có thể không cho ai cả, cho gió cuốn đi mà tôi. Tôi hiểu những người bạn của tôi cũng muốn có tấm lòng thật.

Nhưng, đó là lời nói, chỉ là lời nói, và nó sẽ rất đơn giản. Cần có tấm lòng, chứng tỏ tôi là người lãng mạn, và là người có lòng đích thực. Tôi có thể cho người khác biết là tôi luôn có một tấm lòng, để dành cho người xung quanh, để cho gió cuốn đi, có thể mang hương vị tới cho mọi người. Tôi vẫn tin những ai muốn có tấm lòng, là xuất phát từ sự chân thật của họ.

Nhưng cũng chính một vài trong số những người đã thốt lên là, sống trong đời cần có một tấm lòng mà tôi đã chứng kiến, lại có những suy nghĩ mà tôi nghĩ là thực dụng và thiếu tình người nhất. Đó là những người sống quanh tôi, có thể là những người bạn thân có thể là những người thoáng qua , nhưng chứng kiến những suy nghĩ và việc làm của họ, tôi bỗng thấy sự "cần có một tấm lòng" của họ sáo rỗng biết chừng nào.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ơi, ông ra đi đã để lại cho người VN biết bao bài hát hay, lay động lòng người, biết bao lời hát lãng mạn, đánh thức lòng nhân trong mỗi người. Nhưng ông có biết không? lời hát của ông, có thể là những lời nói sáo rỗng nhất của một số người. Có thể nó là một thứ trang sức đầy tính lãng mạn, cao sang. Ở nơi chín suối, ông chẳng bao giờ muốn điều đó, nhưng sự thực vẫn là vậy.

Ngày nay, có người lấy lời hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để đánh bóng mình. Có thật xuất phát từ tâm họ hay không , không ai biết cả. Nhưng nếu là người có tấm lòng đích thực, thì không cần lúc nào cũng phái thốt lên là "cần có một tấm lòng..."

Có những tấm lòng rất thầm lặng mà tôi được biết. Đó là tấm lòng của một chị nhà báo trăn trở với bao số phận, những hoàn cảnh éo le, rồi chị ấy nhận đỡ đầu hai đứa trẻ trong số những đứa trẻ bất hạnh mà chị ấy gặp. Đó là tấm lòng của một gia đình nuôi những người điên..Và có có, rất nhiều tấm lòng thầm lặng khác nữa trong xã hội chúng ta. Tuyệt nhiên, tôi chẳng thấy những tấm lòng thầm lặng đó thốt lên, "tôi cần có một tấm lòng...". Bởi vì tấm lòng thật thì nó xuất phát từ con tim.

Và chợt nhìn qua một cảm nhận của một ai đó, lại thấy "sống trên đời cần có một tấm lòng..."

Sáng mai, có thể tôi lại đổi status và blast của tôi là "Sống trên đời, cần có một tấm lòng..."

[st]

3. Bài làm 3

Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này là một hạnh phúc lớn lao, nhưng sống để hòa đồng, để yêu thương chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau mới là hạnh phúc thật sự. Điều mà tôi muốn nói đến đây là lòng yêu thương con người. Trong đời sống cần phải có lòng thương yêu giữa người với người, như vậy gia đình mới hạnh phúc, xã hội được an ổn và cao hơn nữa là đem lại vùng trời bình yên cho thế giới.

Cho nên mới nói yêu thương là hạnh phúc cao nhất trong mỗi con người. Nhưng chúng ta phải thực hiện lòng yêu thương này như thế nào cho phù hợp mà không thiên về một phía nào. Trước tiên, chúng ta muốn thương yêu chia sẻ với người thì ta hãy yêu thương chính bản thân mình trước. Hãy sống một cách chân thật trong sáng, như vậy tình thương của chúng ta mọi người mới dễ dàng đón nhận. Gần hơn nữa là người thân trong gia đình, bởi cha mình không thương, mẹ mình không thương, mà thương yêu người khác thì có phải chăng là mưu đồ đạt được mục đích gì nơi người này chăng? Sau đó mới đem tình thương này đến chia sẻ với mọi người xung quanh. Nếu không làm được như vậy thì tình thương này không thể gọi là lòng yêu thương con người được. Bởi tình thương này không chân thật, không trong sáng, nên ít có ai đón nhận tình thương này vì nó chứa đầy sự giả dối. Khi chúng ta thực hiện lòng yêu thương con người thì phải biết quý trọng và quan tâm đến người khác, chúng ta phải tạo được lòng tin trong con người của họ.

Lòng thương yêu này không hạn chế ở một phương diện nào, mà luôn dang rộng vòng tay để chào đón mọi người. Không ghen tỵ, đố kỵ với sự thành đạt của người, không chê bai ghét bỏ khi người vấp phải sự thất bại, mà khi ấy ta hãy hóa thân thành một người bạn cùng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, thành công và thất bại, để họ đứng lên và vươn lên cao hơn nữa với sự thành công của mình, đó mới là một tình thương trọn vẹn. Cổ đức có câu: “Sanh ngã giả phụ mẫu, thành tác giả bằng hữu”. Chúng ta muốn thành công, thành đạt trong cuộc đời này thì hãy thương yêu con người, vì những người này sẻ là người bạn tốt của chúng ta, giúp cho chúng ta trở thành hoàn thiện. Chúng ta thương yêu bằng cả tấm lòng của chính mình, cả vật chất lẫn tinh thần, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn hoạn nạn. Khi có một người nào đó gây cho ta khổ đau thì chúng ta cũng nên khoan dung tha thứ cho họ bằng tình thương và lòng quan tâm giúp đỡ. Cũng như vậy, chúng ta hãy biết chia sẻ lòng yêu thương với tất cả mọi người, mọi loài nhất là bây giờ hãy chung tay giúp đỡ đất nước Nhật Bản vừa qua đã bị một trận thiên tai rất nặng nề. Chính vì vậy chúng hãy giúp đỡ bằng lòng yêu thương trọn vẹn, không chỉ về tiền tài vật chất, mà còn phải củng cố tinh thần cho họ nữa. Chúng ta hãy gom tâm thành cầu nguyện cho họ được vạn sự bình an, muôn điều phước lạc, và nhất là người quá vãng thì siêu sanh tịnh độ. Điều gì đáng quý hơn khi chúng ta thực hiện trọn vẹn tình thương giữa con người với con người? Chúng ta thử nghĩ xem nếu nhân rộng tình thương này ra toàn thế giới, mọi người đều thương yêu chăm sóc lẫn nhau, cùng dìu nhau đi đến chân thiện mỹ, thì làm sao có thể có chiến tranh, bạo loạn, hay các vấn đề xã hội? Như vậy lòng yêu thương con người không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta, nó là một nhân tố cấu tạo nên hòa bình và sự vắng mặt của chiến tranh đàn áp.

Trong lòng thương yêu này luôn ẩn chứa một phẩm giá tốt đẹp của mỗi con người, đó là đức tính hy sinh, khoan dung, và cần phải có đức tính nhẫn. Như vậy mới có thể giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách khi thực hiện trọn vẹn sự yêu thương này. Trong yêu thương, không thể thiếu đức tính nhẫn. Nên người xưa có câu: “Có khi nhẫn để yêu thương. Có khi nhẫn để tìm đường lo toan. Có khi nhẫn để vẹn toàn. Có khi nhẫn để tránh tàn hại nhau”. Chúng ta muốn thực hiện trọn vẹn tình thương yêu đó thì hãy tập cho mình những đức tính tốt đẹp như: nhẫn nhục, khoan dung, tha thứ, nhường nhịn… và biết hy sinh. Phàm là một con người thì phải biết thương yêu chia sẻ lẫn nhau, nó xuất phát từ bản chất tự nhiên của cuộc sống trong ca dao cũng nói lên được điều này: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nghĩa là chúng ta sinh ra trong một cộng đồng, cùng chung tộc loại thì cần phải thương yêu lẫn nhau, không phân biệt người đó ở đâu, xứ nào, hễ sinh ra trên cõi đời này điều đầu tiên cần phải biết đó là lòng thương yêu giữa người với người. Nếu con người chúng ta bị tách ra khỏi cộng đồng thì chắc chắn rằng không thể nào mà tồn tại được. Cho nên chúng ta muốn tồn tại, phát triển và trưởng thành hãy sống hòa đồng vào xã hội.

Trong mỗi thời đại, tình yêu thương luôn luôn cần và đủ để thực hiện một cách trọn vẹn. Yêu thương con người vốn là đức tính cao đẹp theo dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc từ xưa đến nay. Vì vậy chúng ta hãy trân trọng và phát huy đức tính cao đẹp ấy.

Do đó chúng ta phải giữ gìn xây dựng, vun bồi lòng yêu thương và hoàn thiện con người trong mỗi lúc mỗi nơi. Phải biết tôn trọng môi trường sống, môi trường làm việc của mỗi người. Bên cạnh đó chúng ta hãy sống một cách thiểu dục tri túc, không xa xỉ lãng phí, không xa hoa phung phí. Có như vậy chúng ta mới hoàn thiện được nhân cách của con người.

Lòng yêu thương con người đem lại hạnh phúc cho nhân loại, vì vậy hãy dành tình yêu thương của mình cho mọi người thật nhiều. Bởi yêu thương để sống, sống để yêu thương, đó mới chính là hạnh phúc cần có của con người. Nhất là trong thời đại hiện nay, thế giới đang phát triển, thì tuổi trẻ chúng ta phải có lòng yêu thương nhiều hơn, yêu thương để học tập, yêu thương để cống hiến. Giai đoạn này được coi là sự cống hiến hăng say nhất của tuổi trẻ. Chỉ có yêu thương mới có thể xoa dịu những ngăn cách giữa người giàu và nghèo, những bất đồng nghi kỵ. Phải biết yêu thương gắn bó, cảm thông chia sẻ và đôi lúc phải nhẫn chịu, nhường nhịn để giải quyết những vấn đề khuất mắt. Như vậy sẽ tạo ra thế giới hòa bình, nhân sanh an lạc, ngày càng hạnh phúc văn minh và giàu đẹp.


4. Bài làm 4

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi...''
Trước tôi không biết đây là câu hát trong bài hát nào, chỉ tình cờ nghe được và câu hát này đã làm tôi nghe một lần và nhớ mãi. Không biết khi Trịnh Công Sơn viết nên câu hát này ông nghĩ gì, còn tôi, câu hát này luôn ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về sự vô tình của lòng người. Con người có lẽ ai cũng có một phần ích kỉ, và điều đó luôn làm tôi sợ hãi. Sự ích kỉ như một con quái vật đáng sợ có thể hủy hoại nhiều thứ tốt đẹp trong tâm hồn.
Người ta dễ dàng khen những cái không tốt hơn là góp ý chân thành, dễ dàng lờ đi hay chê bai những điều tốt đẹp của người khác hơn là nói lên một câu khen ngợi. Người ta thích chỉ dạy với vẻ kẻ cả nhưng không thích nhìn thấy sự tiến bộ của người khác. Người ta dễ dàng tỏ vẻ an ủi và vỗ về khi bạn gặp bất hạnh hơn là chia sẻ niềm vui, sự may mắn. Nếu mình cứ sống hồn nhiên, chân thật và mong rằng có thẻ cảm hóa được những người như như vậy liệu có phải là ảo tưởng. Cái đó có lẽ bị gọi là một sự ngu ngốc và khờ khạo.

Khi nhận ra cái ích kỉ ẩn sau cái vẻ bề ngoài vị tha nhân hậu thực sự là một điều tổn thương lớn. Tìm được một tình cảm không vị kỉ trên đời này quả là điều khó khăn. Đã tìm, đã tin và thất vọng... Đã muốn trở nên khôn ngoan, đã muốn trở nên ghê gớm hơn và không thể. Mong muốn điều đó làm cảm động người khác ư? Ảo tưởng. Nếu có một tấm lòng, hãy để gió cuốn đi... tự do và hồn nhiên, đừng mong nhận được gì, đừng mong được hiểu, sẽ dễ chịu hơn hơn nhiều... Vô tình với sự vô tình của lòng người sẽ tìm thấy được sự thanh thản...

Và tôi đã từng nói" để gió cuốn đi" nghĩa là hãy để lòng tốt của mình vô tư như chẳng hề có giá trị gì, những gì mình làm được cũng hãy coi nhẹ nhàng cho gió cuốn hết đi. Hình như chẳng phải chỉ có tấm lòng, mà mọi chuyện có thể coi nhẹ như gió cuốn thì sẽ chẳng còn những phút giây day dứt, băn khoăn hay dằn vặt. Nhẹ nhàng biết bao! Thanh thản biết bao! Nhưng như thế liệu cuộc đời có còn đáng yêu nữa hay không?

Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời thì tôi đã tự bắt mình phải coi mọi chuyện thật nhẹ, coi như tôi đã quên hết tất cả những cảm xúc mình đã từng có. Và tôi tưởng là mình đã hoàn toàn thăng bằng. Đôi khi nhớ lại cũng không khỏi một chút buồn, một chút luyến tiếc nhưng lại vô cùng thanh thản. Tôi không còn băn khoăn, không còn thắc mắc. Ừ, cứ để mọi chuyện cho gió cuốn đi.

Rồi đột ngột như từ trước đến nay, một lời chúc bất ngờ, rồi chọn cho tôi một bài hát nho nhỏ vì thấy rất giống. Tôi lắng nghe "Để gió cuốn đi" trong một tâm trạng bàng hoàng... Tôi hiểu ra rằng tôi chưa bao giờ có thể quên bất cứ điều gì... Vẫn như ngày xưa, luôn luôn không thể nắm bắt...

Hạnh phúc đôi khi là một cảm xúc thật lạ. Vừa như muốn nổ tung ra trong lồng ngực, vừa như muốn nép chặt vào tận sâu trong đáy tim để nằm lại trong đó mãi mãi...

Khi người ta "để gió cuốn đi" thì người ta không cần nghe một lời cảm ơn nữa. Đã là những người bạn thì không cẩn phải nói cảm ơn vì được biết nhau trong cuộc đời này đã là một
niềm vui lớn.
 
Những khiếm khuyết nhìn thấy không phải là những khiếm khuyết đáng sợ nhất mà những khuyết tật tâm hồn

:smile:Đề 2.

Cần nêu được những ý sau:

- Khiếm khuyết là sự thiếu hụt, là sự ko hoàn hảo, ko hoàn thiện. Người dị tật, khuyết tật...là những người khiếm khuyết trên cơ thể. Khiếm khuyết trên cơ thể dễ nhìn thấy và có thể sửa chữa bằng sự can thiệp của y học hoặc vượt qua bằng ý chí, nghị lực...Nó ko đáng sợ. Những người tình cảm lệch lạc, hẹp hòi, hời hợt, tâm hồn đen tối, tù túng, yếu duối...là những người khiếm khuyết tâm hồn. Khiếm khuyết tâm hồn vô hình nên khó sửa chữa và dễ dẫn con người đến hành vi xấu xa, tàn bạo, độc ác...Nó là mầm tai họa nên vô cùng đáng sợ.

- Bằng cách so sánh khiếm khuyết trên cơ thể với khiếm khuyết trong tâm hồn--> đề cao vai trò của đời sống tâm hồn đối vs con người.

- Suy nghĩ về vai trò , ý nghĩa của đời sống tâm hồn : Tâm hồn trong sáng, cao đẹp, lành mạnh...có tác động tích cực đến việc hình thành và khẳng định nhân cách con người, góp phần xây dựng xã hội thân thiện, nhân ái, ưu việt....Khiếm khuyết trong tâm hồn sẽ làm đời sống mỗi con người nghèo nàn , lệch lạc, ...sự đố kị , tính đa nghi , cố chấp, thói ích kỉ, bệnh vô cảm và các hành vi bất nhân, tội ác dễ dàng hình thành. Mất tâm hồn sẽ mất nhân cách...

- Suy nghĩ về việc nuôi dưỡng , bồi dưỡng ngọn lửa tâm hồn cho con người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa dễ làm thanh niên thờ ơ, mắc bệnh vô cảm, sao nhãng việc bồi dưỡng đời sống tâm hồn. Hậu quả là làm xuất hiện trong đời sống lối sống lệch lạc, bệnh hoạn, những hành vi tội ác, những con người thiếu nhân cách...Bồi dưỡng, nuôi dưỡng ngọn lửa tâm hồn là việc làm cần thiết của mỗi cá nhân. của từng gia đình và của toàn xã hội.

- Liên hệ với câu nói của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký: "Con người ta chỉ sợ khiếm khuyết tâm hồn, đó là mầm tai họa, còn bất cứ khiếm khuyết nào trên cơ thể cũng không đáng sợ nếu ta dũng cảm đối diện và vượt qua để trở thành người không khiếm khuyết" (Báo Văn nghệ Trẻ ngày 16/11/2008)

- Rút ra bài học: Rèn luyện tu dưỡng hướng tới sự phát triển hoàn thiện: khỏe mạnh về thể chất, phong phú, cao đẹp về tâm hồn là việc làm cần thiết của tuổi trẻ ngày nay.

Bài làm ngắn (dùng để tham khảo)

Những khiếm khuyết nhìn thấy không phải là những khiếm khuyết đáng sợ nhất mà những khuyết tật tâm hồn mới là khiếm khuyết khiến chúng ta phải sợ hãi! Ít khi chúng ta được mục kích những khiếm khuyết của tâm hồn vì chúng bị che khuất bởi sự hoàn hảo của cơ thể! Ai có thể ngờ một cô gái xinh đẹp lại ham thích đồng tiền và sống chết vì nó? Dùng thủ đoạn và tìm cách hãm hại người khác để có được thứ họ muốn! Con người như thế mới thực sự đáng sợ!


Sự khuyết tật tâm hồn khó nhìn nhận nên cũng khó được chữa trị, một khi chúng ta nhìn thấy nó thì nó dường như đã mục ruỗng và hư hại. Chỉ còn cách cắt bỏ mới có thể giúp tâm hồn lấy lại được sự hoàn hảo ban đầu! Nhưng chỉ những ai thực sự quyết tâm, thực sự chia tay với cái xấu xa để hướng về tính thiện mới có thể làm được cuộc đại phẩu thuật cắt bỏ ung nhọt của tâm hồn!


Rất nhiều người nhìn bề ngoài vô cùng hoàn mỹ nhưng bên trong những chiếc ung nhọt đang lớn dần, những mục đích, dự định và toan tính mờ ám khiến họ trở thành những kẻ đáng sợ! Làm thế nào để bạn không bị khuyết tật tâm hồn? Chỉ có một cách đó là bạn hãy tìm cho mình những ý nghĩa sống tích cực và tốt đẹp. Tránh xa ma lực đồng tiền và cạm bẫy của danh vọng! Bạn muốn thành công, hãy sử dụng chính khả năng của bạn! Đừng cố gắng chèn ép và gia hại người bên cạnh để có nó! Làm như thế thành công của bạn sẽ không thể nào bền vững được!


Khuyết tật trên cơ thể chỉ là những khuyết tật không mong muốn, nhưng khuyết tật tâm hồn sinh ra bởi lý tưởng sống không lành mạnh và những giá trị sống chưa được xác định đúng đắn! Thế nên, bạn hãy xác định cho mình đường đi đúng đắn để không bao giờ phải phẫu thuật tâm hồn bỏ đi những khiếm khuyết không đáng có!

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top