Nghị luận xã hội (chuyên đề)

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ

1- Khái niệm


Quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng, đạo lí trong cuộc đời.


- Tư tưởng, đạo lí trong cuộc đời bao gồm:


+ Lí tưởng (lẽ sống)


+ Cách sống


+ Hoạt động sống


+ Mối quan hệ trong cuộc đời giữa con người với con người (cha con, vợ chồng, anh em và những người thân thuộc khác). ở ngoài xã hội có các quan hệ trên, dưới, đơn vị, tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bạn bè...



2-Yêu cầu


a . Hiểu được vấn đề cần nghị luận là gì.


b. Từ vấn đề nghị luận đã xác định, người viết tiếp tục phân tích, chứng minh những biểu hiện cụ thể của vấn đề, thậm chí so sánh, bàn bạc, bác bỏ... nghĩa là biết áp dụng nhiều thao tác lập luận.


c. Phải biết rút ra ý nghĩa vấn đề


3- Cách làm


- Trước khi tìm hiểu đề phải thực hiện ba thao tác


+ Đọc kĩ đề bài


+ Gạch chân các từ quan trọng


+ Ngăn vế (nếu có)


- Tìm hiểu đề


a1. Tìm hiểu về nội dung (đề có những ý nào)


a2. Thao tác chính (Thao tác làm văn)


a3. Phạm vi xác định dẫn chứng của đề bài


- Lập dàn ý


+ Mở bài ® Giới thiệu được hiện tượng đời sống cần nghị luận.


+ Thân bài ® Kết hợp các thao tác lập luận để làm rõ các luận điểm và bàn bạc hoặc phê phán, bác bỏ.


- Giải thích khái niệm của đề bài


- Giải thích và chứng minh vấn đề đặt ra


- Suy nghĩ (cách đặt vấn đề ấy có đúng? hay sai). Mở rộng bàn bạc bằng cách đi sâu vào vấn đề nào đó - một khía cạnh. Phần này phải cụ thể, sâu sắc tránh chung chung.


+ Kết bài ® Nêu ra phương hướng, một suy nghĩ mới trước hiện tượng đời sống.


Câu hỏi và bài tập


ĐỀ 1


" Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận ". (Euripides)

Anh (chị) nghĩ thế nào về câu nói trên?

1/ Giải thích khái niệm của đề bài (câu nói)


• Giải thích câu nói: "Tại sao chỉ có nơi gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương số phận ?" Vì gia đình có giá trị bền vững và vô cùng to lớn không bất cứ thứ gì trên cõi đời này sánh được, cũng như không có bất cứ vật chất cũng như tinh thần nào thay thế nổi. Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, chở che cho ta khôn lớn?"


- Suy ra vấn đề cần bàn bạc ở đây là: Vai trò, giá trị của gia đình đối với con người.


2/ Giải thích, chứng minh vấn đề: Có thể triển khai các ý:


+ Mỗi con người sinh ra và lớn lên, trưởng thành đều có sự ảnh hưởng, giáo dục to lớn từ truyền thống gia đình (dẫn chứng: văn học, cuộc sống).


+ Gia đình là cái nôi hạnh phúc của con người từ bao thế hệ: đùm bọc, chở che, giúp con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.


3/ Khẳng đinh, bàn bạc mở rộng vấn đề:


+ Khẳng định câu nói đúng. Bởi đã nhìn nhận thấy được vai trò, giá trị to lớn của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con người, là nền tảng để con người vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu nói chưa hoàn toàn chính xác. Bởi trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không được sự chở che, đùm bọc, giáp dục, nâng đỡ của gia đình nhưng vẫn thành đạt, trở thành con người hữu ích của xã hội.


+ Câu nói trên đã đặt ra vấn đề cho mỗi con người, xã hội: Bảo vệ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần: trong gia đình mọi người phải biết thương yêu, đùm bọc chở che nhau; phê phán những hành vi bạo lực gia đình, thói gia trưởng....


ĐỀ 2


Anh / chị nghĩ như thế nào về câu nói:


"Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố"


( Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm)


1/ Giải thích khái niệm của đề bài (câu nói)


+ Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội .


+ Câu nói khẳng định: cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan. ( Đây là vấn đề nghị luận)


2/ Giải thích, chứng minh vấn đề: Có thể triển khai các ý:


+ Cuộc sống nhiều gian nan, thử thách nhưng con người không khuất phục.


+ Gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người.


3/ Khẳng đinh, bàn bạc mở rộng vấn đề:


+ Câu nói trên là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng.


+ Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực : sống không sợ gian nan , thử thách , phải có nghị lực và bản lĩnh.


+ Câu nói gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên. Để có được điều này thì cần phải làm gì?


ĐỀ 3


"Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường . không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống » (Lép-Tôi-xtôi ) . Anh (chị )hiểu câu nói ấy thế nào và có suy nghĩ gì trong quá trình phấn đấu tu dưỡng lí tưởng của mình


Sau khi vào đề bài viết cần đạt được các ý


1/ Giải thích:


- Giải thích lí tưởng là gì ( Điều cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, trở thành lẽ sống


mà người ta mong ước và phấn đấu thực hiện).


- Tại sao không có lí tưởng thì không có phương hướng


+ Không có mục tiêu phấn đáu cụ thể


+ Thiếu ý chí vươn lên để giành điều cao cả


+ Không có lẽ sống mà người ta mơ ước


- Tại sao không có phương hướng thì không có cuộc sống


+ Không có phương hướng phấn đấu thì cuộc sống con người sẽ tẻ nhạt, sống vô vị, không có ý nghĩa , sống thừa


+ Không có phương hướng trong cuộc sống giống người lần bước trong đêm tối không nhìn thấy đường.


+ Không có phương hướng, con người có thể hành động mù quáng nhiều khi sa vào vòng tội lỗi ( chứng minh )


- Suy nghĩ như thế nào ?


+ Vấn đè cần bình luận : con người phải sống có lí tưởng. Không có lí tưởng, con người thực sự sống không có ý nghĩa.


+ Vấn đề đặt ra hoàn toàn đúng.


+ Mở rộng :


* Phê phán những người sống không có lí tưởng


* Lí tưởng của thanh niênta ngày nay là gì ( Phấn đấu đẻ có nội lực mạnh mẽ, giỏi giang đạt đỉnh cao trí tuệ và luôn kết hợp với đạo lí)


* Làm thế nào để sống có lí tưởng


+ Nêu ý nghĩa của câu nói.



ĐỀ 4


Gớt nhận định : Một con người làm sao có thể nhận thức được chính mình . Đó không phải là việc của tư duy mà là của thực tiễn . Hãy ra sức thực hiện bổn phận của mình, lúc đó bạn lập tức hiểu được giá trị của chính mình.


Anh (chị ) hiểu và suy nghĩ gì .



Sau khi vào đề bài viết cần đạt được các ý


- Hiểu câu nói ấy như thế nào ?


+ Thế nào là nhận thức ( thuộc phạm trù của tư duytrước cuộc sống. Nhận thức về lẽ sống ở đời, về hành động của người khác, về tình cảm của con người).


+ Tại sao con người lại không thể nhận thức được chính mình lại phải qua thực tiễn .


* Thực tiễn là kết quả đẻ đánh giá, xem xét một con người .


* Thực tiễn cũng là căn cứ để thử thách con người .


* Nói như Gớt : "Mọi lí thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi."


- Suy nghĩ


+ Vấn đề bình luận là : Vai trò thực tiễn trong nhận thức của con người.


+ Khẳng định vấn đề : đúng


+ Mở rộng : Bàn thêm về vai trò thực tiễn trong nhận thức của con người.


* Trong học tập, chon nghề nghiệp.


* Trong thành công cũng như thất bại, con ngưoiừ biết rút ra nhận thức cho mình phát huy chỗ mạnh. Hiểu chính mình con người mới có cơ may thnàh đạt.


+ Nêu ý nghĩa lời nhận định của Gớt


ĐỀ 5


Bác Hồ dạy : "Chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm, xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động" . Anh (chị ) hiểu và suy nghĩ gì


Sau khi vào đề bài viết cần đạt được các ý


- Hiểu câu nói ấy như thế nào ?


+ Giải thích các khái niệm.


* Thế nào là đức tính trong sạch ( giữ gìn bản chất tốt đẹp, không làm việc xấu ảnh hưởngđến đạo đức con người.)


* Thế nào là chất phác ( chân thật, giản dị hòa với đời thường, không làm việc xấu ảnh hưởng tới đạo đức con người)


* Thế nào là đức tính cần kiệm ( siêng năng, tằn tiện)


+ Tại sao con người phải có đức tính trong sạch, chất phác hăng hái cần kiệm?


* Đây là ba đức tính quan trọng của con người : cần kiệm, liêm chính, chân thật ( liêm là trong sạch ).


* Ba đức tính ấy giúp con người hành trình trong cuộc sống.


* Ba đức tính ấy làm nên người có ích.


- Suy nghĩ


+ Vấn đè cần bình luận là gì ?


Bác nêu phẩm chất quan trọng, cho đó là mục tiêu để mọi người phấn đấu rèn luyện. Đồng thời Người yêu cầu xóa bỏ những biểu hiện của tư tưởng, hành động nô lệ, cam chịu trong mỗi chúng ta.


+ Khẳng định vấn đề : đúng


+ Mở rộng :


* Làm thế nào để rèn luyện 3 đức tính Bác nêu và xóa bỏ tư tưởng, hành động nô lệ.


* Phê phán những biểu hiện sai trái


* Nêu ý nghĩa vấn đề.


ĐỀ: 6


"Một quyển sách tốt là một người bạn hiền"


Hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên


I/ Mở bài:


Sách là một phwong tiện quan trọng giúp ta rất nhiều trong quá trình học tập và rèn luyện, giúp ta giải đáp thắc mắc, giải trí...Do đó, có nhận định" Một quyển sách tốt là người bạn hiền


II/ Thân bài


1/ Giải thích Thế nào là sách tốt và tại sao ví sách tốt là người bạn hiền


+ Sách tốt là loại sách mở ra co ta chân trời mới, giúp ta mở mang kiến thức về nhiều mặt: cuộc sống, con người, trong nước, thế giới, đời xưa, đời nay, thậm chí cả những dự định tương lai, khoa học viễn tưởng.


+ Bạn hiền đó là người bạn có thể giúp ta chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống, giúp ta vươn lên trong học tập, cuộc sống. Do tác dụng tốt đẹp như nhau mà có nhận định ví von "Một quyển sách tốt là một người bạn hiền".


2/ Phân tích, chứng minh vấn đề


+ Sách tốt là người bạn hiển kể cho ta bao điều thương, bao kiếp người điêu linh đói khổ mà vẫn giữ trọn vẹn nghĩa tình:


- Ví dụ để hiểu được số phận người nông dân trước cách mạng không gì bằng đọc tác phẩm tắt đèn của Ngô Tất Tố, Lão Hạc của Nam Cao.


- Sách cho ta hiểu và cảm thông với bao kiếp người, với những mảnh đời ở những nơi xa xôi, giúp ta vươn tới chân trời của ước mơ, ước mơ một xã hội tốt đẹp.


+ Sách giúp ta chia sẻ, an ủi những lúc buồn chán: Truyện cổ tích, thần thoại,...


3/ Bàn bạc, mở rộng vấn đề


+ Trong xã hội có sách tốt và sách xấu, bạn tốt và bạn xấu.


+ Liên hệ với thực tế, bản thân:



ĐỀ 7


Có người yêu thích văn chương, có người say mê khoa học. Hãy tìm nội dung tranh luận cho hai người ấy.



I/ Mở bài: Giới thiệu vai trò, tác dụng của văn chương và khoa học. Nêu nội dung yêu cầu đề


II/ Thân bài:


1/ Tìm lập luận cho người yêu khoa học


+ Khoa học đạt được những thành tựu rực rỡ với những phát minh có tính quyết định đưa loài người phát triển.


- Hàng trăm phát minh khoa học: máy móc, hạt nhân,...Tất cả đã đẩy mạnh mọi lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục,...


- Ví dụ: Sách vở nhờ kĩ thuật in ấn, con người mới ghi chép được


+ Nhờ khoa học mà con người mới khám phá ra được những điều bí ẩn trong vũ trụ, về con người. Đời sống con người mới phát triển nâng cao.


+ Trái với lợi ích của khoa học, văn chương không mang lại điều gì cho xã hội: lẫn lộn thực hư, mơ mộng viển vông; chỉ để tiêu khiển, đôi khi lại có hại...


2/ Lập luận của người yêu thích văn chương


+ Văn chương hình thành và phát triển đạo đức con người, hướng con người đến những điều: chân, thiện, mỹ.


+ Văn chương hun đúc nghị lực, rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho ta


+ Văn chương còn là vũ khí sắc bén để đấu tranh cho độc lập dân tộc.


+ Trái với mọi giá trị về tư tưởng, tình cảm mà văn chương hình thành cho con người. Khoa học kĩ thuật chỉ mang lại một số tiến nghi vật chất cho con người, mà không chú ý đến đời sống tình cảm, làm con người sống bàng quang, thờ ơ, lạnh lùng. Hơn nữa khoa học kĩ thuật có tiến bộ như thế nào mà không được soi rọi dưới ánh sáng của lương tri con người sẽ đẩy nhân loại tới chỗ bế tắc.


III/ Kết luận: Khẳng định vai trò cả hai (Vật chất và tinh thần)


ĐỀ 8:


"Điều gì phải thì cố làm cho kì được dù là điều phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ"


Suy nghĩ về lời dạy của Bác Hồ.



I/ Mở bài:


Giới thiệu lời dạy của Bác.


II/ Thân bài


1/ Giải thích câu nói


+ Điều phải là gì? Điều phải nhỏ là gì? Điều phải là những điều đúng, điều tốt, đúng với lẽ phải, đúng với quy luật, tốt với xã hội với mọi người, với tổ quốc, dân tộc. Ví dụ


+ Điều trái là gì? Điều trái nhỏ là gì?


=> Lời dạy của Bác Hồ: Đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta phải cố sức làm cho kì được, tuyệt đối không được có thái độ coi thường những điều nhỏ. Bác cũng bảo chúng ta: đối với điều trái, dù nhỏ cũng phải hết sức tránh tức là đừng làm và tuyệt đối không được làm.


2/ Phân tích chứng minh vấn đề


+ Vì sao điều phải chúng ta phải cố làm cho kì được, dù là nhỏ? Vì việc làm phản ánh đạo đức của con người. Nhiều việc nhỏ hợp lại sẽ thành việc lớn.


+ Vì sao điều trái lại phải tránh. Vì tất cả đều có hại cho mình và cho người khác. Làm điều trái, điều xấu sẽ trở thành thói quen.


3/ Bàn bạc mở rộng vấn đề


+ Tác dụng của lời dạy: nhận thức, soi đường.


+ Phê phán những việc làm vô ý thức, thiếu trách nhiệm.



ĐỀ 9


" Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương".


(Nam Cao)


Suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.


HƯỚNG DẪN:



1/: Giải thích ý kiến của Nam Cao:


Cẩu thả: làm việc thiếu trách nhiệm, vội vàng, hời hợt, không chú ý đến kết quả. Bất lương: không có lương tâm.


Nam Cao phê phán với một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát (dùng câu khẳng định): cẩu thả trong công việc là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm, của sự bất lương.( Vấn đề cần nghị luận)


2/ Phân tích, chứng minh, bàn luận vấn đề: Vì sao lại cho rằng cẩu thả trong công việc là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm, của sự bất lương. Vì:


+Trong bất cứ nghề nghiệp, công việc gì, cẩu thả, vội vàng cũng đồng nghĩa với gian dối, thiếu ý thức,


+ Chính sự cẩu thả trong công việc sẽ dẫn đến hiệu quả thấp kém, thậm chí hư hỏng, dẫn đến những tác hại khôn lường.


3/ Khẳng định, mở rọng vấn đề:


Mỗi người trên bất cứ lĩnh vực, công việc gì cũng cần cẩn trọng, có lương tâm, tinh thần trách nhiệm với công việc; coi kết quả công việc là thước đo lương tâm, phẩm giá của con người.


Thực chất, Nam Cao muốn xây dựng, khẳng định một thái độ sống có trách nhiệm, gắn bó với công việc, có lương tâm nghề nghiệp. Đó là biểu hiện của một nhân cách chân chính.


Đối với thực tế, bản thân như thế nào?


Thầy Phan Danh Hiếu ( Thành phố Biên Hòa. Đồng Nai)
 
Cách làm bài văn nghị luận xã hội

Có 2 dạng đề:

Một là: Nghị luận về một hiện tượng đạo lý, lối sống.

Cách làm:

Mở bài :nêu vấn đề cần nghị luận: (0.25 đ)

Thân bài:

Giải thích khái niệm:0.5đ

Biểu hiện của đạo lý, lối sống 1.0 đ

Phê phán những biểu hiện không đúng, sai lệch: 0.5đ

Biện pháp: 0.5

Kết bài: 0.25



Hai là: Dạng đề bàn về xã hội



Mở bài: Nêu vấnđề nghị luận

Thân bài:

Thực trạng của vấn đề.

Nguyên nhân

Kết quả (Hậu quả)

Biện pháp khắc phục

Kết bài: Nêu cảm nghĩ

Thầy Phan Danh Hiếu ( Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top