Nghệ thuật truyện ngắn Jack London - Nguyễn Trọng Đức

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Nghệ thuật truyện ngắn Jack London

Jack London (1876 - 1916) là một trong những nhà văn ngoại quốc được người đọc Việt Nam hết sức yêu mến. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đã đến với người đọc nước ta từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, thế nhưng lâu nay người ta chỉ tập trung nghiên cứu J. London với tư cách là một tiểu thuyết gia, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống về J. London với tư cách là một “bậc thầy truyện ngắn”. Với mong muốn lấp dần khoảng trống mà giới nghiên cứu còn để ngỏ, bài viết này sẽ bàn về những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật truyện ngắn của J. London.


1. Sự pha trộn giữa Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa lãng mạn và Chủ nghĩa tự nhiên trong bút pháp sáng tạo


J. London không phải là nhà văn theo Chủ nghĩa tự nhiên thuần túy, nhưng tác phẩm của ông cho thấy ông đã chịu ảnh hưởng của trường phái này một cách đậm nét. Nghiên cứu truyện ngắn của J. London trong mối liên hệ với các nhà văn thuộc Chủ nghĩa tự nhiên ở Mỹ như Stephen Crane, Frank Norris, Theodore Dreiser chúng ta sẽ thấy biểu hiện của chất tự nhiên chủ nghĩa ở J. London hoàn toàn khác biệt. Các nhà Chủ nghĩa tự nhiên thuần túy chủ trương tái hiện một cách "trung thành với tự nhiên", mô phỏng nghiêm ngặt hiện thực đời sống. Trong truyện ngắn của J. London ta thấy đầy ắp những sự thật tàn nhẫn nhưng cũng ngập tràn những ước mơ khát vọng và cảm xúc cá nhân; ông lên án quy luật mạnh được yếu thua và đề cao sự thắng thế của bản năng nhưng đồng thời cũng biểu dương những con người giàu tình yêu cuộc sống. J. London chịu ảnh hưởng nặng nề thuyết tiến hóa của C. Darwin, nhưng học thuyết của K. Marx vẫn là hạt nhân tư tưởng để tạo nên sự cân bằng trong lối viết của ông, khiến ông trở thành một dòng chảy riêng trong trường phái tự nhiên chủ nghĩa của nền văn học Mỹ.


Cùng với sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên, trong bút pháp của J. London còn có sự ảnh hưởng đậm nét Chủ nghĩa lãng mạn. Đọc truyện ngắn của ông chúng ta sẽ thấy có không ít khổ đau, chết chóc, bất hạnh, ngang trái,… nhưng tư duy nghệ thuật của ông luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Ông luôn hướng nhân vật của mình về sự sống, ánh sáng và tương lai. Lời văn của ông bay bổng, giọng văn hùng tráng, mang âm hưởng ngợi ca. Là một nhà văn hiện thực từng bị tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt xếp vào hàng ngũ những nhà văn “khuấy bùn” (muckrakers) vì đã mạnh dạn phơi bày những thối nát của giới chính trị và kinh doanh Mỹ, nhưng ngòi bút của J. London không thô ráp mà vẫn đầy chất lãng mạn bay bổng. Có lẽ chính vì thế mà có người đã gọi J. London là kiểu nhà văn “đứng bên cạnh chủ nghĩa hiện thực”[SUP](1)[/SUP]. Hay cũng có ý kiến nhận định ông là “một nhà văn cơ bản lãng mạn”[SUP](2)[/SUP].


Mặc dù chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa tự nhiên và Chủ nghĩa lãng mạn nhưng Chủ nghĩa hiện thực vẫn là khuynh hướng chủ đạo trong sáng tác của J. London. Ngòi bút của ông luôn bám vào hiện thực đời sống xã hội nước Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của chính cuộc sống và bằng cách điển hình hóa các sự kiện của thực tế đời sống. Bên cạnh đó, ông cũng rất coi trọng những chi tiết cụ thể, coi trọng việc khách quan hóa những điều được mô tả. Thế giới nhân vật trong tác phẩm của ông luôn có quan hệ mật thiết với môi trường sống. Tính cách của nhân vật hình thành và phát triển dựa trên mối quan hệ tương tác với hiện thực đời sống.


Sự phong phú, đa dạng trong bút pháp của J. London một phần do ông tiếp xúc với nhiều hệ tư tưởng, nhiều học thuyết của thời đại. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận được trí tuệ, tầm hiểu biết sâu rộng và năng lực sáng tạo kỳ diệu của ông.


2. Truyền thống và hiện đại trong phương thức tổ chức trần thuật


Là người của hai thế kỷ, hai thời đại văn học, J. London vừa tiếp nối các hình thức trần thuật quen thuộc trong văn học truyền thống, vừa có sự nhạy bén trong việc tiếp cận và sáng tạo nhiều hình thức trần thuật của văn xuôi hiện đại. Xét theo ngôi trần thuật, J. London tập trung sử dụng hai hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, nhưng ở mỗi hình thức trần thuật ông đều tạo ra nhiều mô thức trần thuật khác nhau. Trong đó, hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất được ông sử dụng ở bốn dạng thức: trần thuật theo một điểm nhìn tự truyện, trần thuật theo một điểm nhìn quan sát, trần thuật theo nhiều điểm nhìn tập trung (nhiều điểm nhìn cùng nhìn về một đối tượng), trần thuật theo nhiều điểm nhìn phân tán (nhiều điểm nhìn nhưng mỗi điểm nhìn nhìn về một đối tượng khác nhau). Hình thức trần thuật ở ngôi thứ ba trong truyện của J. London cũng có bốn dạng: trần thuật theo điểm nhìn toàn tri, trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài, trần thuật theo điểm nhìn tập trung bên trong (trường hợp người kể chuyện nhập thân vào nhân vật chính, hòa mình vào nhân vật chính để kể theo cái nhìn chủ quan của mình), trần thuật theo điểm nhìn phức hợp (đan xen điểm nhìn của người kể hàm ẩn và điểm nhìn của các nhân vật trong truyện).


Xét theo số lượng người trần thuật, truyện ngắn của J. London có các hình thức trần thuật theo điểm nhìn đơn chủ thể và trần thuật theo điểm nhìn đa chủ thể. Khảo sát truyện ngắn của J. London chúng tôi thấy hình thức trần thuật theo điểm nhìn đơn chủ thể chiếm số lượng rất ít (38/99 truyện). Ngược lại, hình thức trần thuật theo điểm nhìn đa chủ thể được sử dụng rất nhiều (61/99 truyện), với nhiều dạng thức khác nhau (trần thuật theo nhiều điểm nhìn tập trung ở ngôi thứ nhất, trần thuật theo nhiều điểm nhìn phân tán ở ngôi thứ nhất, trần thuật theo điểm nhìn phức hợp ở ngôi thứ ba). Việc tạo ra nhiều người kể, tăng thêm nhiều điểm nhìn, sử dụng nhiều dạng hình thức trần thuật đã phá vỡ sự thống trị của lối trần thuật đơn điệu theo một điểm nhìn trong văn xuôi truyền thống; đồng thời, tạo ra tính phức điệu, đa nghĩa cho tác phẩm, và phát huy cao độ vai trò đồng sáng tạo ở người đọc. Đây là điểm thể hiện rõ nhất sự nỗ lực và đóng góp của J. London trong tiến trình hiện đại hóa nghệ thuật tự sự của nền văn học Mỹ và thế giới.


Như vậy, bằng việc phát huy tinh hoa của lối kể chuyện truyền thống kết hợp với những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, J. London đã nhanh chóng hòa nhập với kỹ thuật tự sự hiện đại để có thêm nhiều dạng thức trần thuật mới mẻ. Có thể nói rằng những hình thức trần thuật, những dạng người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật phổ biến trong văn xuôi ngày nay đều đã xuất hiện trong truyện ngắn của J. London từ những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.


3. Yếu tố xung đột và những tìm tòi sáng tạo ở phương diện cốt truyện


Nhà nghiên cứu G.N. Pospelov từng khẳng định: “chức năng quan trọng nhất của cốt truyện là bộc lộ các mâu thuẫn đời sống, tức là các xung đột”[SUP](3)[/SUP]. Về điểm này, có thể nói truyện ngắn của J. London là nguồn minh chứng rõ ràng và tiêu biểu nhất. Xung đột là yếu tố bao trùm trong cốt truyện của J. London, được khai thác một cách triệt để ở nhiều góc độ khác nhau, bao gồm: xung đột bên ngoài giữa con người với thiên nhiên, với xã hội; xung đột bên trong thế giới nội tâm con người. Trong đó, J. London chủ yếu thiên về các xung đột bên ngoài, như xung đột tay đôi giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội, xung đột tay ba giữa con người với con người. Các xung đột này thường nảy sinh trong cuộc chiến sinh tồn của cá nhân con người, trong những hoàn cảnh cụ thể, nhưng tất cả đều có xu hướng vươn tới thể hiện mối xung đột mang tính khái quát: xung đột giữa giấc mơ văn minh và hiện tại man rợ đang diễn ra trong xã hội Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bên cạnh các xung đột bên ngoài, J. London cũng có không ít truyện được triển khai trên nền tảng xung đột bên trong thế giới nội tâm con người (tiêu biểu như truyện ngắn Sóng lớn Kanaca). Các xung đột này có xu hướng thiên về biểu hiện những quan niệm nhân sinh giàu tính triết lí của nhà văn.


Xung đột trong truyện của J. London thường biểu hiện dưới dạng bi kịch. Ban đầu, ông đặt nhân vật vào những tình huống hết sức căng thẳng, hoặc đối đầu với thiên nhiên hung bạo, hoặc bất bình cao độ với xã hội. Trong hoàn cảnh ấy, các nhân vật của ông phải ra sức hành động để đảm bảo sự tồn sinh của mình. Các sự kiện cứ theo đó mà tăng dần kịch tính. Khi tình huống được giải quyết thì đa số nhân vật trung tâm đều có kết cục bi kịch. J. London chủ yếu sử dụng yếu tố bi kịch để thể hiện xung đột, đó là phương thức “cô đặc” bản chất xã hội để phản ánh một cách chân thực và sâu sắc hiện thực xã hội ở thời đại ông. Tuy nhiên, cũng có lúc J. London dùng yếu tố hài kịch để nhấn mạnh sự phản ánh của mình hơn, chẳng hạn như trường hợp truyện ngắn Mất mặt (Lost face). Ở truyện ngắn này, nhân vật chính Subienkow bị đặt vào nghịch cảnh phải đứng bên bờ vực cái chết, nhưng anh ta không muốn phải chết sau khi chịu sự dày vò, hành hạ thân xác. Subienkow đã bịa ra câu chuyện thần dược hoang đường để đánh lừa kẻ độc ác Makamuk. Các nhân vật chứng kiến sự việc và cả người đọc cứ thấp thỏm chờ đợi hiệu quả phương thuốc của Subienkow, nhưng khi truyện kết thúc thì “mọi người ngạc nhiên, im lặng, đầu óc họ dần dần nhận ra rằng chẳng có thuốc men quái gì cả. Subienkow đã đánh lừa được họ. Trong cả đám tù nhân có mỗi một mình chàng đã thóat khỏi sự tra tấn. Chàng đã đánh nước bài đó để giành được điều này. Mọi người ồ lên cười. Makamuk ngượng ngùng cúi đầu. Subienkow đã lừa hắn. Chúng vẫn tiếp tục hét cười rũ rượi. Makamuk quay mình bỏ đi, đầu cúi gầm. Hắn biết rằng từ nay trở đi người ta sẽ không gọi hắn là Makamuk nữa. Hắn sẽ được mệnh danh là Mất Mặt, và nỗi nhục của hắn sẽ theo hắn mãi cho tới khi hắn lìa cõi đời”[SUP](4)[/SUP].

Xung đột trong truyện ngắn của J. London thường thể hiện một cách trọn vẹn và theo sát tiến trình các sự kiện được miêu tả. Chính đặc điểm này đã khiến cho truyện ngắn của J. London luôn ngập tràn kịch tính. Đành rằng cốt truyện xung đột không chỉ có ở J. London, nhưng ở ông tính chất xung đột được in đậm, khắc sâu hết sức rõ nét, trở thành một điểm nổi bật trong thi pháp truyện ngắn của ông, khiến cho người ta phải ghi nhận và suy tôn “J. London là bậc thầy xây dựng xung đột”[SUP](5)[/SUP].


Ngoài việc khai thác triệt để yếu tố xung đột làm nền tảng cho cốt truyện, J. London còn có những nỗ lực để tạo ra dấu ấn của riêng mình. Một trong những điểm sáng tạo của J. London là mỗi cốt truyện của ông thường có sự pha trộn của nhiều kiểu cốt truyện khác nhau. Chẳng hạn, truyện ngắn Một cuộc phiêu lưu trên biển (An Adventure in the Upper Sea) có sự pha trộn giữa cốt truyện kịch với cốt truyện phiêu lưu. Sự kết hợp giữa chất kịch với chất viễn tưởng là đặc tính của cốt truyện trong truyện ngắn Một ngàn cái chết (A Thousand Deaths). Cốt truyện trong một số truyện ngắn như Đoạn kết của câu chuyện cổ tích (The End of the Story), Sóng lớn Kanaka (The Kanaka Surf ), Người ngoại đạo (The Heathen),… là kết quả của sự pha trộn giữa cốt truyện kịch với cốt truyện huyền thoại. Cốt truyện trong các truyện ngắn Odyssey của phương Bắc (An Odyssey of the North), Con trai của chó Sói (The Son of the Wolf), Căn bệnh của người thủ lĩnh cuối cùng (The Sickness of Lone Chief),… có sự pha trộn giữa cốt truyện kịch với cốt truyện sử thi và cả cốt truyện phiêu lưu, huyền thoại.


J. London chủ yếu sử dụng kiểu cốt truyện đơn tuyến, nhưng trong mỗi cốt truyện đơn tuyến của ông luôn hàm chứa nhiều chủ đề khác nhau. Xét trên bề mặt văn bản thì mỗi truyện ngắn chỉ kể về một câu chuyện, thể hiện một chủ đề của hiện thực đời sống, thế nhưng trong mạch ngầm của câu chuyện ấy lại ẩn chứa nhiều chủ đề. J. London không chủ ý sáng tác theo “nguyên lí tảng băng trôi” như Hemingway, nhưng với kiểu cốt truyện đơn tuyến đa chủ đề thì truyện “ngắn” của ông lại đủ sức truyền tải nhiều tầng ý nghĩa. Cái mà nhà văn quan tâm thể hiện nhiều khi không phải là chủ đề đã lộ rõ trên bề mặt văn bản tác phẩm, mà chính là những chủ đề ngầm ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ. Chẳng hạn như ở truyện ngắn Nhóm lửa (To Build a Fire), chủ đề lộ rõ trên bề mặt văn bản là mối xung đột giữa con người với thiên nhiên; đan lồng trong chủ đề ấy nhà văn muốn thể hiện một chủ đề khác, đó là hiện thực khốc liệt của xã hội Mỹ đương thời. Chủ đề chính của truyện ngắn này chính là hiện thực nghiệt ngã của xã hội. Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên chỉ là cái áo nghệ thuật mà nhà văn khoác lên bên ngoài tác phẩm để che kín bộ mặt của hiện thực xã hội.


Một điểm nữa đã góp phần làm nên thi pháp cốt truyện riêng của J. London đó là ông đã phát huy tối đa tác dụng của các thành phần đan xen trong cốt truyện. Đọc truyện ngắn của J. London chúng tôi thấy bên cạnh hệ thống sự kiện trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau còn có sự đan xen của rất nhiều thành phần “ngoài lề”. Nổi bật nhất trong các thành phần được xem là “ngoài lề” là những trường đoạn miêu tả. Những sự vật, sự kiện, con người và ngoại cảnh trong truyện của ông luôn được miêu tả một cách tỉ mỉ, tường tận. Chẳng hạn như ở truyện ngắn Khe núi toàn vàng (All Gold Canyon), khung cảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả suốt năm trang đầu của truyện; người đọc chờ mãi mới thấy sự xuất hiện của con người và các sự kiện chính của truyện. Ở truyện ngắn Miếng bít tết (A Piece of Steak), J. London đã giành hẳn một trang để miêu tả riêng về khuôn mặt của nhân vật Thom King. Thành phần miêu tả có tác dụng mở rộng chiều kích của các sự kiện, nhân vật, làm tăng dung lượng hiện thực và khả năng phản ánh đời sống của tác phẩm. Thành phần miêu tả còn có tác dụng kết nối hệ thống sự kiện, thúc đẩy diễn tiến của cốt truyện, quyết định đến nhịp điệu trần thuật và quy định mô hình cấu trúc cốt truyện.


Truyện ngắn của J. London hiếm khi xuất hiện trữ tình ngoại đề, nhưng mỗi khi đã xuất hiện thì dù chỉ một vài dòng cũng đủ để khái quát được những sự việc và con người được kể, hoặc biểu đạt thái độ của người kể đối với những gì do anh ta kể lại, và đề xuất một triết lí nhân sinh sâu sắc của nhà văn. Chẳng hạn như mở đầu truyện ngắn Tình yêu cuộc sống (Love of Life) là những dòng thơ: Sẽ còn lại, trong tất cả, điều này/ Họ đã sống và đã gieo mãn cuộc: Canh bạc đời chừng ấy – xem là được/ Dù có mất đi vàng thoi sáu mặt thò lò(6). Những câu thơ ấy dù nằm “ngoài lề” cốt truyện nhưng có ý nghĩa khái quát toàn bộ tư tưởng mà nhà văn muốn thể hiện trong tác phẩm. Trữ tình ngoại đề trong truyện ngắn của J. London vừa có tác dụng bồi đắp linh hồn cho sự kiệnvừa tạo nên những khoảng lặng để có sự hài hòa trong kiểu cốt truyện xung đột giàu kịch tính.


Trong truyện ngắn của J. London, thành phần hồi cố xuất hiện khá nhiều, nhưng nó không chỉ là “chất xúc tác” như cách nói của R. Barthes mà còn là máu thịt của những sinh thể nghệ thuật. Có lúc thành phần hồi cố có ý nghĩa giúp người đọc nắm bắt rõ hơn về quá trình phát triển tính cách của nhân vật, cũng có lúc thành phần hồi cố giúp cho các sự kiện xuất hiện một cách tự nhiên hơn. Sử dụng thành phần hồi cố sẽ giúp tác giả đi sâu vào mọi ngõ ngách tâm tư của con người, phản ánh cuộc sống cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đặc điểm cốt truyện đơn tuyến đa chủ đề trong truyện của J. London – một dấu hiệu cho thấy sự giản nở về chiều kích của cốt truyện
.

Tóm lại, J. London là một bậc thầy về nghệ thuật xây dựng xung đột. Ông luôn sử dụng yếu tố xung đột ở nhiều dạng thức khác nhau để làm nền tảng cho việc triển khai cốt truyện, qua đó biến cốt truyện thành một phương diện nghệ thuật mang chức năng tạo nghĩa cho tác phẩm. Mặc dù dù chưa thoát li kiểu cốt truyện theo quan niệm truyền thống, nhưng J. London đã có nhiều điểm sáng tạo theo hướng cách tân hiện đại.


4. Thế giới nhân vật mang khuynh hướng sử thi và dấu ấn ngụ ngôn

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của J. London có đủ mọi hạng người, thuộc mọi giai tầng trong xã hội. Trong đó, nổi bật hơn cả là kiểu nhân vật người hùng– những nhân vật giữ vai trò trung tâm và phảng phất bóng dáng các nhân vật anh hùng trong tác phẩm sử thi.


Trong các tác phẩm sử thi dân gian, nhân vật chính “là những anh hùng - tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí và trí thông minh, lòng dũng cảm của cộng đồng, được miêu tả (…) trong vẻ đẹp kì diệu khác thường”(7). Trong truyện ngắn của J. London, nhân vật người hùng không đại diện cho cộng đồng, mà là những cá nhân mang vóc dáng xã hội, thường xuất hiện trong tư thế đơn độc. Hành động của người hùng xét cho cùng có phần vì sự tiến bộ của cộng đồng, nhưng trước hết và chủ yếu là vì mục đích thoát khỏi nghịch cảnh đời thường của cá nhân mình. Chẳng hạn, nhân vật người đàn ông trong truyện Nhóm lửa (To Build a Fire)một mình đấu tranh chống lại môi trường băng tuyết để tiến về vùng đất của những cái que hàn, nơi những người bạn của anh ta đang đợi. Người đàn ông trong truyện Khe núi toàn vàng(All Gold Canyon)lẻ loi giữa không gian rừng rậm bao la cũng chỉ vì muốn có thật nhiều vàng. Vị thủ lĩnh Lone trong truyện Căn bệnh của người thủ lĩnh cuối cùng(The Sickness of Lone Chief)một mình đi chinh phạt cả một bộ lạc láng giềng cũng chỉ vì mệnh lệnh của người cha…


Người hùng của J. London cũng có những phẩm chất cơ bản như: mạnh mẽ, dũng cảm, gan dạ, giàu ý chí nghị lực và niềm tin, nhưng J. London không đưa đến cho người đọc mẫu người hùng đã “hoàn chỉnh” theo bút pháp lí tưởng hóa. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật người hùng hội tụ đầy đủ những nét chính diện cũng như phản diện, cả những nét hài hước cũng như cao cả và nghiêm túc, cả sự nhỏ bé cũng như to lớn. Chẳng hạn, nhân vật Mackenzie trong truyện Con trai của chó Sói (The Son of the Wolf) là người từng đi đầu trong công cuộc khai phá những vùng đất mới, anh ta được xem là người hùng của thế giới văn minh. Khi buộc phải đối đầu với những chàng trai trong bộ tộc Sticks để giành một cô gái thổ dân làm vợ, thì “một vạn năm văn minh đã biến khỏi con người Mackenzie như một cái vỏ bên ngoài, anh ta đã trở thành một người nguyên thuỷ sống trong hang động quyết chiến để giành giật con mái của mình”(8)


Người hùng của J. London là nơi hội tụ tinh hoa nhiều nguồn tư tưởng và học thuyết lớn của thời đại. Chúng ta có thể thấy ở kiểu nhân vật người hùng trong truyện của J. London những biểu hiện tư tưởng vô sản của K. Marx, thuyết tiến hóa của C. Darwin, quan niệm về sự thích nghi của muôn loài được áp dụng vào xã hội của H. Spencer, và đặc biệt là quan niệm “siêu nhân” của triết gia F. Nietzsche. Điều đáng lưu ý là J. London đã tiếp biến các học thuyết khoa học để làm nên sự độc đáo của riêng mình. Điều đó khiến cho kiểu nhân vật người hùng của J. London vượt ra khỏi quan niệm truyền thống về người anh hùng để thể hiện cái nhìn độc đáo của nhà văn về con người và xã hội.


Nhân vật người hùng trong truyện ngắn của J. London trước hết thể hiện qua cách giới thiệu về xuất xứ nhân vật theo lối sử thi; chẳng hạn như trong truyện Odyssey của phương Bắc (An Odyssey of the North): “Tôi là Naass, một tù trưởng và cũng là con trai của một vị tù trưởng (…). Chòm xóm chúng tôi ở trên đảo Akatan (…). Tôi mang trong mình dòng máu lạ lùng, hùng mạnh của người da trắng từ ngoài biển tới”(9). Cách giới thiệu nhân vật như vậy tự nó đã phần nào làm toát lên chất người hùng trong nhân vật của ông. Nhưng sâu xa hơn, ông muốn cho người đọc thấy rằng, trong quan niệm của ông, phẩm chất “người hùng” của gười Mỹ hiện đại không phải được nảy sinh do thời thế, mà đó là bản chất tiềm ẩn trong con người, được tiếp nối từ truyền thống của cha ông.
Cùng với cách giới thiệu nhân vật theo lối sử thi, J. London cũng rất quan tâm đến ngoại diện của nhân vật. Ông không miêu tả chi tiết về ngoại hình mà chỉ khái quát một vài nét nhưng cũng đủ toát lên vẻ hùng mạnh của nhân vật. Chẳng hạn ở truyện ngắn Alo ha oe (Aloha Oe), tác giả mượn lời nhân vật Dorothy Sambrooke để nhận xét về nhân vật Steve: “một người đàn ông thực thụ, một nhà thể thao, một vị thần màu đồng hun của biển cả, một tay bơi cừ khôi (…). Hình ảnh của anh đã in sâu trong tâm trí cô, và với một sự thích thú vô ý thức, cô hình dung thấy một cơ thể uyển chuyển tuyệt đẹp, đôi vai khỏe, đôi tay đầy tin cậy có thể nhẹ nhàng bế cô lên yên ngựa”(10).


Một trong những thủ pháp xây dựng nhân vật nổi bật của J. London là miêu tả hành động và cách ứng xử mạnh mẽ của con người. Ông thường đặt nhân vật vào những hoàn cảnh oái oăm, bi kịch, để rồi sau đó các nhân vật phải tự hành động, tự bộc lộ phẩm chất của mình. Chẳng hạn, nhân vật Charley – đội trưởng đội tuần tra cá trong truyện Hành động táo bạo của Charley (Charley's Coup) cùng với các đồng đội đã rơi vào một hoàn cảnh hết sức nguy hiểm đến tính mạng. Họ đuổi bắt đám ngư dân Hy Lạp đánh bắt cá trái phép, và bị chống lại một cách dữ dội. Tất cả ngư dân đều có súng, và họ tấn công hàng loạt. Khi tất cả thủy thủ đã tìm chỗ ẩn nấp, và người chủ của con thuyền tuần tra đã đề nghị rút lui, thì chính Charley đã một mực chỉ huy đồng đội tiến lên. Mặc dù “đạn vẫn nổ cho đến khi con thuyền chỉ còn lại một điểm đen, nhưng Charley vẫn nhe răng cười và bình tĩnh”(11). Anh liên tục nói: “Chúng ta không thể dừng lại”. “Tôi không bao giờ nghĩ đến nó, chúng ta không thể dừng lại”. Ngay cả khi người chủ thuyền đã tuyệt vọng thì Charley vẫn bình tĩnh nói: “Chúng ta không bao giờ gặp nguy hiểm”, “tất cả chúng ta phải làm, bất kể khi nào, chúng ta sẽ đi mãi”(12).


Xét về vai trò, ý nghĩa, kiểu nhân vật người hùng trước hết là hiện thân cho cuộc đời và con người tác giả, một con người đã phải nếm đủ mọi đắng cay cũng như vinh quang của chế độ xã hội. Người hùng mang trong mình cả những phẩm chất tốt đẹp cũng như thấp hèn, văn minh và man rợ cũng là sự biểu trưng cho giấc mơ và bi kịch của nước Mỹ ở thời đại nhà văn. Nhân vật người hùng dưới ngòi bút của J. London còn có ý nghĩa tượng trưng cho phẩm chất và tính cách của người Mỹ trong cuộc đấu tranh sinh tồn: dũng cảm, gan dạ, thực dụng, ưu phiêu lưu mạo hiểm, hành động mạnh mẽ, ý chí nghị lực phi thường và tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Bằng việc đề cao những cá nhân người hùng, J. London mong muốn hướng dẫn hành động của con người thoát khỏi thực tế cuộc sống khốc liệt và chuyển đến người đọc nhiều thông điệp về lẽ sống. Trong hiện thực xã hội đầy rấy những mối hiểm họa, nếu con người tồn tại trong thế cô độc thì cũng có nghĩa là con người đã tự khai tử cho chính mình. Những cá nhân người hùng trong truyện ngắn của J. London có ý nghĩa thôi thúc sự trỗi dậy của ý thức con người để phá vỡ bức màn đen tối đang bao phủ xã hội hiện tại. Người hùng theo quan niệm của J. London mặc dù còn có những điểm mâu thuẫn, nhưng vượt lên trên những điểm hạn chế, kiểu nhân vật này đã thể hiện những khát vọng cháy bỏng của nhà văn: khát vọng xóa bỏ lối sống thực dụng và thiếu vắng tình người, khát vọng đưa đến cho loài người một xã hội văn minh hơn. Mặt khác, với kiểu nhân vật người hùng, J. London dường như muốn thu hẹp sự quan sát của mình vào một phần cụ thể của hiện thực đời sống xã hội, dồn nén nhãn lực vào đó với mục đích tạo ra những hình tượng nghệ thuật gây được ấn tượng mạnh về cái hiện thực mà con người trong kỷ nguyên hiện đại đang phải đối diện.


Bên cạnh kiểu nhân vật người hùng mang bóng dáng của nhân vật tráng sĩ trong các tác phẩm anh hùng ca, J. London còn có một kiểu nhân vật khá độc đáo, đó là những con chó lai sói mang đậm dấu ấn ngụ ngôn.


Chó sói là con vật đã hết sức quen thuộc trong văn thơ truyền thống, đặc biệt là ở thể loại ngụ ngôn. Các nhà ngụ ngôn chính thống đã sử dụng thủ pháp nhân hóa để biến loài vật này thành nhưng con vật đội lốt người. Đó là những con chó biết nói tiếng người, biết suy nghĩ và hành động giống như con người, qua đó phản ánh hiện thực cũng như đề xuất nhiều bài học giáo huấn cho con người. J. London cũng viết rất nhiều về kiểu nhân vật Chó – Sói, cũng nhân hóa loài vật này, nhưng với một hệ thống phương thức nghệ thuật khác chứ không giống như cách mà các nhà ngụ ngôn Tây phương đã làm. Dưới ngòi bút của J. London, chó là những sinh thể bán hoang dã bán “văn minh”. Trong đó nhà văn đặc biệt nhấn mạnh tính chất tự nhiên hoang dã của loài sinh vật này. Ví dụ, trong truyện Sự im lặng màu trắng (The White Silence): “Bầy chó cắn xé lẫn nhau (…). Những ngọn roi quất mạnh xuống đầu chúng cũng chẳng ăn thua gì. (…) bất chấp quy luật của chủ, đã nhảy vào định ăn phần thức ăn dự trữ và, một tấn bi kịch truyền thống của quy luật sinh tồn đã diễn ra với tất cả sự dã man của nó. Con người và con vật quyết chiến để giành phần thắng”(13). Đằng sau tính chất hoang dã của loài chó, J. London muốn nói đến cái hung dữ tàn bạo của một bộ phận người trong xã hội tư bản: mạnh được yếu thua, con người vô tình vô nghĩa, cắn xé lẫn nhau để tồn tại và giành lợi ích về mình. J. London mượn loài chó sói để phê phán và giáo huấn loài người, điều đó khiến cho nhân vật trong truyện của ông rất gần gũi với nhân vật trong truyện ngụ ngôn truyền thống.

5. Không gian nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng

Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của J. London khá đa dạng. “Đó là vùng Bắc cực hoang vu mịt mù tuyết rơi và gió hú. Đó là những cơn lốc, cơn bão ghê người. Đó là băng lở, động đất, chó sói, đói, rét, bệnh dịch và trăm ngàn nguy hiểm của rắn độc và thú dữ trên các hòn đảo hoang vu. Tất cả tự nhiên đe doạ con người”(14).


Không gian miền Bắc trong truyện ngắn của J. London mang đặc tính hoang dã, ngập tràn tuyết trắng giá lạnh và thú dữ. Trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống (Love of Life) nhà văn đã khái quát lên đặc điểm của vùng đất hoang sơ này: “Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi (…). Chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông và ghê gớm”(15). Cũng trong truyện ngắn này nhà văn viết: “Vùng này có chó sói. Suốt cảnh tiêu điều này vẳng tới vẳng lui tiếng sói hú, dệt cả bầu không khí thành một tấm màn đe doạ có thể sờ mó thấy”(16). Điều độ đáo là, không gian vùng Bắc cực trong truyện của J. London không chỉ là cái sân khấu cho các nhân vật của ông được thể hiện mình, mà còn là ẩn dụ về một xã hội vô cảm, thù địch, đầy những mối hiểm hoạ đang tồn tại trên nước Mỹ ở thời đại nhà văn. Qua mảng không gian hoang mạc và tuyết trắng miền Bắc, J. London thể hiện một triết lí về nền tảng tồn tại của con người: hiện thực xã hội luôn ẩn chứa nhiều mối hiểm họa, bởi vậy con người cần phải quan tâm đến nhau nhiều hơn, đừng lạnh lùng vô cảm, có như thế thì cuộc sống tốt đẹp mới có thể tồn tại được.


Cùng với miền tuyết trắng Bắc cực, mảng không gian vùng biển phương Nam cũng có mặt trong rất nhiều tác phẩm của J. London. Nét đặc trưng của J. London là ở chỗ ông viết về biển với đầy đủ tính chất hoang sơ, dữ dội và sức mạnh tàn hại khủng khiếp của nó. Trong truyện ngắn Ngôi nhà của Mapuhi (The House of Mapuhi), sóng và gió được nhà văn thể hiện như những kẻ thù đang cùng nhau gia tăng sức mạnh tàn phá môi trường bình yên của con người: “gió ào ào tới một cây pandan trên đầu và vèo qua những cây dừa mé bên kia (…) rồi đến cơn mưa từ đằng xa tiến tới, làm cho nước hồ bốc lên cuồn cuộn”(17). Sau một trận cuồng phong “trong số một nghìn hai trăm người sống đêm hôm trước, nay chỉ còn lại ba trăm (…). Trong hồ ngổn ngang xác chết. Không một ngôi nhà, một túp lều nào đứng vững. Trên khắp đảo san hô, không còn lấy hai viên đá nào chồng lên nhau. Một phần năm mươi số cây dừa còn đứng vững thì cũng đã tả tơi, không cây nào còn lấy một quả trên cành”(18). Trong truyện ngắn Solomon quần đảo khủng khiếp (The Terrible Solomons) J. London đã khai thác tận cùng tính chất hoang sơ, man dại của khung cảnh tự nhiên và cuộc sống con người vùng biển: “trên hòn đảo này các bệnh sốt nhiệt đới, bệnh lỵ và đủ các thứ bệnh ngoài da khác vẫn ngang nhiên hoành hành; không khí trên đảo độc đến nỗi nó có thể thấm vào bất cứ vết xước hay vết xây xát nào và biến chúng thành những vết lở loét hôi thối, nên hiếm có người nào sống sót khi rơì đảo, thậm chí cả những người khoẻ mạnh, cường tráng nhất khi rời đảo trở về cũng chỉ còn là những cái thân tàn ma dại. Còn đám thổ dân trên đảo thì cũng đúng là vẫn đang sống trong tình trạng khá man rợ; họ rất thích ăn thịt người, và lúc nào họ cũng thèm khát tìm kiếm thật nhiều sọ dừa”(19).


Không gian miền biển phương Nam đầy mầm mống của sự chết trong truyện của J. London là sự biểu trưng cho hiện thực khốc liệt của xã hội nước Mỹ ở thời đại ông – một xã hội đầy những bất công ngang trái, chết chóc, khổ đau, đầy những hiểm họa bất trắc đối với con người. Qua mảng không gian này nhà văn đã thể hiện thái độ căm uất lên đến tận cùng đối với hiện thực xã hội. Nhà văn mong muốn có một sức mạnh vô địch nào đó để quét sạch những "rác rưởi" đang tồn tại trên xã hội Mỹ thời đại bấy giờ.


Cùng với không gian thiên nhiên hoang dã, trong truyện ngắn của J. London còn xuất hiện một mảng không gian khác – không gian xã hội với tất cả sự tàn khốc của nó. Tiêu biểu như các truyện ngắn: Miếng Bít tết (A Piece of Steak), Kẻ bỏ đạo (The Apostate), Sự điên rồ của John Harned (The Madness of John Harned), Người Mêhicô (The Mexican), Sự ranh ma của lão Porportuk (The Wit of Porportuk), Người sinh ban đêm (The Night-Born), Kalau hủi (Koolau the Leper)…Trong những tác phẩm này, J. London đã khắc họa thành công bức tranh sinh động về một xã hội Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đó là một xã hội xô bồ, đầy rẫy bất công ngang trái. Người da trắng bành trướng xâm chiếm lãnh thổ, vơ vét của cải và tàn hại cuộc sống của những bộ tộc da màu. Những ông chủ tư bản “hút máu” đồng loại một cách tàn nhẫn, còn những người lao động chân chính thì cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi “luật dùi cui và răng nanh” của chế độ người bóc lột người.



Tóm lại, không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của J. London khá đa dạng. Nét đặc trưng của J. London thể hiện ở chỗ ông luôn khai thác không gian với tất cả tính chất hung dữ, thù địch với con người. Đó là cách để nhà văn vạch trần bộ mặt đen tối của xã hội, đồng thời thể hiện những trăn trở, những ước mơ khát vọng của mình đối với con người và xã hội.

*
* *
Thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo của J. London đang là một vũ trụ chứa đầy bí mật. Bài viết này chỉ là những phác thảo ban đầu về phong cách nghệ thuật truyện ngắn của ông. Hy vọng những người yêu mến J. London và tác phẩm của ông sẽ góp thêm nhiều tiếng nói mới, để qua đó có sự đánh giá tròn vẹn hơn về nhà văn nổi tiếng này.


(1) Nguyễn Đức Đàn (1996), Hành trình văn học Mỹ, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.195.

(2) Hữu Ngọc (2006), Hồ sơ văn hoá Mỹ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 621.

(3) G.N. Pospelov (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 42.

(4) Nguyễn Trọng Đức dịch từ tập Lost Face

(5) Lê Huy Bắc, Văn học Mỹ (2003), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, tr.321.

(6) Jack London truyện ngắn chọn lọc, (Trần Đức Thành tuyển chọn), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 95.

(7) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1997), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, tr. 233 – 234.

(8) Jack London truyện ngắn chọn lọc, (2002), (Trần Đức Thành tuyển chọn), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.223.

(9) Nguyễn Trọng Đức dịc từ The Yukon Writings of Jack London (1996), Tally Hall Press, Ann Arbor, p. 382.

(10) Tuyển tập truyện ngắn J. London , (1997), (Phạm Sông Hồng tuyển chọn), Hội Nhà văn, H., tr. 276 – 284.

(11), (12) Nguyễn Trọng Đức dịch từ tập Tales of the Fish Patrol, https://www.jacklondons.net/writings.

(13) Nguyễn Trọng Đức dịc từ The Yukon Writings of Jack London (1996), Tally Hall Press, Ann Arbor, P. 277 – 288.

(14) Lê Đình Cúc (2004), Tác gia văn học Mỹ thế kỷ XVIII – XX, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 342.

(15), (16), (17), (18), (19): Tuyển tập Jack London, (1999), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 61, 79, 99, 245.

 
Nghệ thuật truyện ngắn Jack London

Tình huống truyện độc đáo
Tính chất sử thi
Dấu viết ngụ ngôn
Nghệ thuật tâm lý nhân vật
Tính hoang dã
Sự ảnh hưởng của tự nhiên
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top