Nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong buổi đầu của nền văn học quốc ngữ Việt Nam, Thế Lữ được mệnh danh là người “khởi điểm của những khởi điểm” (Đỗ Lai Thuý). Tên tuổi của ông gắn liền với tiến trình hiện đại hoá của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Ông không chỉ là người mở đầu cho phong trào Thơ mới, mà còn là một trong số những nhà văn góp phần hiện đại hoá truyện truyền kỳ, mở đầu truyện kinh dị huyễn tưởng hiện đại và cũng là một trong những người đặt nền móng cho thể loại truyện trinh thám Việt Nam. Ở những lĩnh vực văn chương này, ông luôn bộc lộ đầy đủ cốt cách của người đi “tiên phong” với những thể nghiệm mới mẻ trên cả bình diện nội dung lẫn nghệ thuật. Ngoài ra, Thế Lữ còn là một nhà báo, một cây bút phê bình văn học xuất sắc của Tự lực văn đoàn. Đặc biệt ở lĩnh vực sân khấu, ông còn được mệnh danh là người khai phá nền kịch nói Việt Nam, góp phần to lớn trong việc xây dựng nền kịch nói từ buổi đầu phôi thai đến những đỉnh cao của nó.
Nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ là đề tài hướng tới việc khám phá những đặc sắc về nghệ thuật của Thế Lữ qua một mảng sáng tác rất tiêu biểu nhưng ít được chú ý nghiên cứu hơn so với lĩnh vực thơ ca đồ sộ của ông.
Truyện kinh dị là một kiểu truyện tiếp nối truyền thống truyện truyền kỳ của Việt Nam thời trung đại. Nó xuất hiện ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, đây là giai đoạn chuyển tiếp, mở đầu và phát triển các thể loại và thể tài văn học. Những tác giả trong giai đoạn này thường dùng phương pháp mô phỏng truyện truyền kỳ, truyện dân gian trong sáng tác của mình. Trong khi đó Thế Lữ đã tạo nên một sự chuyển đổi quan trọng; tạo ra một mạch truyện hẳn hoi. Và đây cũng là một mảng văn xuôi đặc sắc cả về thi pháp, bút pháp, nội dung và tư tưởng của Thế Lữ.
Việc nghiên cứu nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ góp phần hiểu rõ hơn về con người và phong cách văn xuôi Thế Lữ, thấy được những giá trị văn chương và đóng góp đáng quý của Thế Lữ vào nền văn xuôi hiện đại.
2. Lịch sử vấn đề
Là một nghệ sĩ tiên phong của nền văn học lãng mạn, sáng tác của Thế Lữ được các nhà nghiên cứu văn học rất quan tâm. Tuy vậy, ý kiến đánh giá về văn nghiệp của Thế Lữ ở mỗi giai đoạn lịch sử có sự khác nhau.
Trước cách mạng tháng Tám đến năm 1980, các nhà nghiên cứu phần lớn chú trọng đến lĩnh vực thơ ca của Thế Lữ. Ở lĩnh vực này, Thế Lữ được đánh giá là người có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ mới. Tập Mấy vần thơ của Thế Lữ được đánh giá là một thi phẩm đặc sắc, ghi nhận đóng góp của Thế Lữ trong thi đàn Việt Nam hiện đại.
Lần lượt các cây bút viết văn, viết phê bình trong và ngoài nhóm Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Nhược Pháp, Lê Tràng Kiều… đã đăng bài cổ vũ ngợi ca thơ Thế Lữ trên các báo Phong hóa, Đời nay… Họ đã lấy thơ Thế Lữ làm mẫu cho Thơ mới và nhận định: “những vần thơ của ông Thế Lữ đã tỏ ra rằng Thơ mới đã vượt ra những khuôn sáo chật hẹp của thi văn cũ mà đi vào một con đường khá rộng rãi tốt đẹp hơn nhiều” (Nguyễn Tường Bách, báo Phong hoá, số 97, 11/5/1937). Trên Hà Nội báo (số 14 ngày 8/4/1936) Lê Tràng Kiều cho rằng hồn thơ, cảm hứng của Thế Lữ “dồi dào”. Đến bài Thơ mới Thế Lữ đăng ở Hà Nội báo (số 24, ngày 7/6/1937) khi so sánh bài Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ với đoạn Nguyễn Du tả tiếng đàn của nàng Kiều (Truyện Kiều), Lê Tràng Kiều nhận xét: “cái tài của Thế Lữ về một phương diện này quả không kém Nguyễn Du là mấy” [6, tr.230].
Chính vì lẽ đó Hoài Thanh đã tôn vinh Thế Lữ là “đệ nhất thi sĩ” và ngợi ca: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam… Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này… Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa đã tan vỡ” [51, tr. 56].
Năm 1942, trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nhận định về thơ Thế Lữ: “Ông là một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ mới”. Cũng trong bài viết này, Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới”.
Đến những giai đoạn sau này, tên tuổi của Thế Lữ càng được giới nghiên cứu quan tâm nhiều hơn. Tiêu biểu là Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến đã có lời nhận định: “Thế Lữ đặt cho Thơ mới một nền móng vững chắc, ông gây được niềm tin mãnh liệt trong lòng khách yêu thơ, những sáng tác của ông vừa xuất hiện đã khua những tiếng vang sâu rộng, tựa như tia lửa loé sáng trong màn đêm, những hồn thơ còn đang mò mẫm sợ sệt cái táo bạo của Thơ mới, bỗng nhiên bắt được mục tiêu tiến bước”.
Năm 1974, trên Tạp chí văn học (Sài Gòn, tháng 10 - 1974), trong bài viết Đợt sóng mới của làng thơ Việt Nam: Thế Lữ, Uyên Thao đã nhất trí với ý kiến của Giáo sư Dương Quảng Hàm: “Thế Lữ là một trong những nhà thơ mới tiên phong. Đọc thơ ông, người đọc bị lôi cuốn không bởi ý nghĩa của toàn bài mà của từng câu, từng tiếng”.
Từ sau 1980 đến nay, đã có hàng loạt các bài nghiên cứu, các chuyên luận về Thế Lữ như Hà Minh Đức, Nguyễn Hoành Khung, Phan Cự Đệ, Vũ Ngọc Phan… Họ đều nhận định đóng góp của Thế Lữ vào việc hiện đại hoá thơ ca Việt Nam, người mở đầu của phong trào Thơ mới. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là lời nhận định của Nguyễn Hoành Khung qua tập Mấy vần thơ của Thế Lữ: “Thế Lữ đã đem lại phần quyết định cho “thơ mới”, đưa “thơ mới” vượt qua tình trạng non nớt, chập chững tới chỗ vững vàng, thuần thục”. Cũng trong bài viết này, Nguyễn Hoành Khung đã nhận định sự đóng góp to lớn của Thế Lữ trong quá trình hiện đại hóa thơ ca: “Là một trong những nhà thơ mở đầu phong trào Thơ mới, Thế Lữ đã có những đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa thơ ca dân tộc” [6, tr.181].
Không chỉ là nhà thơ chân tài, đặt nền móng vững vàng cho thơ mới, Thế Lữ còn là một nhà văn có tài, người mở đầu cho một số thể loại văn xuôi nghệ thuật như truyện trinh thám, truyện kinh dị, truyện đường rừng. Những trang văn xuôi đặc sắc của Thế Lữ đã thực sự là những đóng góp quý vào văn xuôi Việt Nam trước cách mạng. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu về văn nghiệp của Thế Lữ ở lĩnh vực văn xuôi chưa được nghiên cứu nhiều, nhất là ở loại truyện kinh dị. Từ trước Cách mạng tháng Tám, đến năm 1980, văn xuôi nói chung, truyện kinh dị của Thế Lữ dường như bị lãng quên, nhiều tác phẩm bị thất lạc. Số bài viết đề cập đến truyện kinh dị của Thế Lữ rất ít ngoài hai bài viết của Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942) và Phạm Thế Ngũ trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3 (1965). Ở hai bài viết này, Vũ Ngọc Phan và Phạm Thế Ngũ đã nghiên cứu và nhìn nhận giá trị sáng tác của Thế Lữ ở lĩnh vực văn xuôi nghệ thuật, đồng thời họ đều thừa nhận biệt tài của Thế Lữ ở loại truyện kinh dị.
Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan khẳng định: “về thơ, người ta thấy rõ cái thi cốt, cái chân tài của Thế Lữ. Về tiểu thuyết, tuy về loại hình trinh thám ông chưa thành công, nhưng về những truyện ghê sợ ông đã chứng tỏ ra một tiểu thuyết gia có biệt tài”. “Trong tiểu thuyết rùng rợn của ông cũng vậy, những đoạn làm cho người đọc dựng tóc gáy là những đoạn mà tác giả đã dàn đủ mọi cảnh kỳ quái chung quanh… toàn là những cảnh vô hình, những cảnh trong tưởng tượng, mà chỉ những cảnh ấy người ta mới khiếp sợ vì cái sức tưởng tượng người ta lớn được bao nhiêu, những cảnh ấy được sinh sôi nẩy nở bấy nhiêu… điều chắc chắn là ông rất giàu tưởng tượng, nên về thơ cũng như về tiểu thuyết, ông đã tỏ ra một thi gia và một tiểu thuyết gia có biệt tài”. Vũ Ngọc Phan còn cho rằng: “Thế Lữ là một tiểu thuyết mà tác giả tỏ ra một văn gia có biệt tài. Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Thế Lữ ở đây đã lên tới trình độ cao”.
Cũng giống như Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, ông cho rằng: “Bên cạnh một Thế Lữ mở đường cho Thơ mới còn có một Thế Lữ văn xuôi đặc sắc”. Cũng trong bài viết này, Phạm Thế Ngũ đã khẳng định: “Tác phẩm đầu tiên đã làm cho Thế Lữ nổi danh, trước cả những bài thơ mới là tiểu thuyết Vàng và máu (Nxb Đời nay) kèm với mấy truyện ngắn cùng một tính cách là thuật những điều dị thường, gây những cảm giác mạnh, từ ngạc nhiên đến hãi hùng: Một đêm trăng, Con châu chấu tre, ma xuống thang gác”.
Đặc biệt, những sáng tác của Thế Lữ gắn với tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, đồng thời mang những cách tân đổi mới về nghệ thuật. Chính vì vậy, từ những năm 1980 đến nay văn xuôi của Thế Lữ nói chung, truyện kinh dị của Thế Lữ nói riêng được nhiều nhà ngiên cứu quan tâm hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, những bài viết này chủ yếu tập trung dưới dạng: giới thiệu tiểu sử tác giả và tác phẩm, những lời tựa hoặc những nhận xét về một số tác phẩm tiêu biểu của Thế Lữ hay một vài mối quan hệ đồng nghiệp và đời tư của nhà văn. Hầu hết các bài viết này đều dừng lại ở mức độ nêu vấn đề hoặc đề cập đến một vài khía cạnh nghệ thuật trong những truyện kinh dị của Thế Lữ. Tiêu biểu là những bài viết của Lê Đình Kỵ, Tế Hanh, Hoài Việt, Nam Chi, Nguyễn Văn Dân, Phạm Đình Ân…
Cụ thể là bài viết của Lê Đình Kỵ trong lời giới thiệu Tuyển tập Thế Lữ đã đánh giá cao Thế Lữ ở những “truyện lạ”: “yêu cầu của việc làm báo đã đưa anh đến một lĩnh vực khá bất ngờ, nó sẽ chiếm một tỉ lệ quan trọng và góp phần làm nên diện mạo riêng trong sự nghiệp thơ văn của Thế Lữ: tôi muốn nói đến các “truyện lạ” theo kiểu Etga Pô từ Vàng và máu (1934), Bên đường Thiên Lôi (1936), đến Trại Bồ Tùng Linh (1941). Loạt sáng tác này cho ta thấy một Thế Lữ có tài quan sát, có óc phân tích sắc bén, có trí tưởng tượng dồi dào, cho nên dù ít đề cập đến vấn đề gì quan trọng về xã hội và nhân sinh, nó vẫn được đón nhận và tìm đọc một cách thích thú. Cho đến nay, trong lịch sử văn học Việt Nam, không thấy có tên tuổi nào đáng được xếp cạnh Thế Lữ trong loại sáng tác khá độc đáo này” [6, tr.427].
Trong bài Thương tiếc nhà thơ Thế Lữ, tác giả Tế Hanh khẳng định kết cấu chung của những truyện ly kỳ của Thế Lữ: “Thế Lữ thích viết những truyện ly kỳ nhưng kết cấu lúc nào cũng rõ ràng, khoa học như Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi”. Trong bài viết này Tế Hanh còn cho rằng Thế Lữ là một người có nhiều tài năng và nhiều sáng tạo: “Ở anh cái chất mở đường đi tiên phong thật rõ ràng, trong thơ, trong truyện, trong báo chí, sân khấu”. Nguyễn Hoành Khung trong lời giới thiệu bộ sách Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945, đã khẳng định: “Ngôi sao rực rỡ nhất của phong trào Thơ mới thời kì đầu, cũng là cây bút văn xuôi đặc sắc, dồi dào đề tài và bút pháp khá đa dạng. Ông được biết trước hết là ở loại truyện kinh dị… ông là một trong những người dẫn đầu về thể loại tiểu thuyết ở nước ta”.
Năm 1991, trong cuốn Thế Lữ, cuộc đời trong nghệ thuật, tác giả Nam Chi có bài Những đóng góp của Thế Lữ vào phong trào Thơ mới. Mặc dù bài viết đề cập đến đóng góp của Thế Lữ vào phong trào Thơ mới, nhưng trong bài viết, tác giả còn đề cập đến tính luận lý và sự sáng sủa của câu văn Thế Lữ trong truyện kinh dị. Đồng thời, trong bài viết Nam chi còn khẳng định Thế Lữ không đi vào con đường chung của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là không cần sự lôgíc: “Tiểu thuyết nhóm Tự lực văn đoàn thời đó, là chuyện phong tục, tình cảm, không cần logic… Thế Lữ không đi vào con đường chung đó: ông viết truyện trinh thám, truyện ly kỳ, dù hay dù dở, đều phải hợp lý… Hợp lý trong tình tiết, thì phải thuận lý trong câu văn. Thế Lữ đã đưa vào tiểu thuyết Việt Nam cấu trúc câu văn Tây phương, minh bạch, khúc chiết, mà vẫn giữ được dáng dấp mềm mại của câu nói Việt Nam”.
Cũng trong cuốn Thế Lữ, cuộc đời và nghệ thuật, tác giả Hoài Việt có bài Thế Lữ như tôi biết. Trong bài viết của mình, Hoài Việt đã đánh giá rất cao những truyện kinh dị của Thế Lữ so với truyện viết về đề tài đường rừng của các nhà văn khác cùng thời điểm như Lan Khai, Tchya - Đái Đức Tuấn. Ông cho rằng Thế Lữ là tay trên của những nhà văn này: “Tôi mê loại truyện quái dị của ông: Bên đường Thiên Lôi, Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh… lúc đó lác đác đã có một số sách viết về đề tài đường rừng của Lan Khai, Tchya - Đái Đức Tuấn, nhưng Thế Lữ vẫn là tay trên của các ông vừa kể. Bên cạnh đó Hoài Việt còn khẳng định: Thế Lữ là một nhà văn giàu tưởng tượng, giàu mơ mộng nhưng ông lại rất tỉnh táo trong phương pháp suy luận khoa học”.
Tiếp đến, trên Tạp chí Văn học số 7 năm 1997, Phan Trọng Thưởng đăng bài Thế Lữ nghệ sĩ hai lần tiên phong. Tác giả phát biểu: “Với loại truyện ly kỳ rùng rợn, không biết ông có phải là tác giả đầu tiên hay không? Nhưng với Vàng và máu (1934), ông có thể được coi là tác giả đạt đến đỉnh cao của thể loại truyện này”. Cũng trong bài viết này Phan Trọng Thưởng khẳng định thêm công lao to lớn của Thế Lữ trong việc mở ra khuynh hướng mới cho văn chương nhóm Tự lực văn đoàn. Ông nói: “Cùng với Lan Khai và một vài tác giả khác chuyên viết về loại truyện đường rừng, bí hiểm văn xuôi Thế Lữ mở ra một khuynh hướng mới của văn chương Tự lực văn đoàn”. Đồng thời, Phan Trọng Thưởng nhấn mạnh: “Điều đáng chú ý là sự thay đổi về thể loại ở Thế Lữ cũng đồng thời kéo theo cả sự thay đổi về thế giới nghệ thuật trong sáng tác của ông. Nếu ở thơ mới, ông thích ngao du lên Cõi Tiên; ở truyện trinh thám ông thích mạo hiểm vào Cõi Đời thì ở truyện ly kỳ rùng rợn, ông lại thích phiêu lưu vào Cõi Âm”.
Năm 2003, trên Tạp chí Văn học số 8, Phạm Đình Ân có bài viết “Thế Lữ trong tự lực văn đoàn”. Trong bài viết này, bên cạnh việc khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của Thế Lữ với nhóm Tự lực văn đoàn, tác giả còn chỉ ra văn xuôi Thế Lữ có một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn, đặc biệt là những truyện kinh dị, ma quái: “Chính trong khoảng thời gian tám, chín năm làm việc trong Tự lực văn đoàn, Thế Lữ còn viết và công bố nhiều tác phẩm văn xuôi nghệ thuật, đó là truyện huyễn tưởng, kinh dị (hòa vào những truyện gần cùng loại của Phạm Cao Củng, Lan Khai… Văn xuôi nghệ thuật của Thế Lữ có một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn, cho thấy một khía cạnh khác đáng lưu ý ở tài năng Thế Lữ”.
Năm 2005, Phạm Đình Ân cho ra đời cuốn Thế Lữ - tác gia và tác phẩm. Đây là một công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp. Cuốn sách đã tập hợp toàn bộ sự nghiệp sáng tác và những bài nghiên cứu có giá trị về tác gia Thế Lữ.
Ngoài những bài nghiên cứu nói trên đã có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về thơ Thế Lữ, về sự đóng góp của Thế Lữ trong công cuộc hiện đại hoá văn học…
Như vậy, nhìn chung trong nhiều năm qua, truyện kinh dị của Thế Lữ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đã có khá nhiều bài viết với những khía cạnh khác nhau. Có bài điểm qua nội dung tư tưởng, nghệ thuật của một số truyện huyễn tưởng, kinh dị của Thế Lữ, có bài khẳng định những đóng góp mới mẻ của Thế Lữ đối với nhóm Tự lực văn đoàn ở loại truyện kinh dị, có bài đề cập đến một vài khía cạnh nổi bật trong truyện kinh dị của Thế Lữ. Nhìn chung, các bài viết chỉ mới dừng lại ở đôi nét khái quát về truyện kinh dị của Thế Lữ ở một vài phương diện về nội dung và nghệ thuật, nhưng họ chưa đi sâu vào nghiên cứu một cách cụ thể nghệ thuật viết truyện kinh dị của Thế Lữ trên nhiều bình diện một cách hệ thống. Bởi vậy ở luận văn này, chúng tôi dựa trên ý kiến đánh giá của những người đi trước, cùng những gợi ý tham khảo của họ về truyện kinh dị của Thế Lữ, ngõ hầu nhìn nhận rõ hơn những điểm sáng mới trong nghệ thuật viết truyện của nhà văn tài ba này.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Tìm hiểu về “Nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ”, chúng tôi sẽ đề cập đến những vấn đề thuộc về phương diện nghệ thuật như: nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và đặc sắc ngôn từ nghệ thuật.
Các tác phẩm chính được chúng tôi khảo sát bao gồm 14 tác phẩm trong các tập truyện: Vàng và máu (1934), Bên đường Thiên Lôi (1936), Ba hồi kinh dị (1940), Trại Bồ Tùng Linh (1941).
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài luận văn này, chúng tôi đã sử dụng phối hợp một số phương pháp để lý giải vấn đề. Trong đó có các phương pháp chủ yếu sau:
- Phương pháp cấu trúc - hệ thống: phương pháp này giúp người nghiên cứu tìm hiểu những đặc trưng về cấu trúc, cốt truyện, nghệ thuật ngôn từ trong truyện kinh dị của Thế Lữ.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: nhằm đi sâu vào phân tích những nét nổi bật về nghệ thuật viết truyện của Thế Lữ. Từ đó đưa ra những kết luận chung về nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ.
- Phương pháp so sánh: nhằm tìm ra sự kế thừa, tiếp biến, sáng tạo của Thế Lữ ở truyện truyền kỳ truyền thống. Đồng thời tìm hiểu những nét riêng, độc đáo về nghệ thuật viết truyện kinh dị của Thế Lữ so với những nhà văn cùng thời, qua đó thấy được những nét mới trong nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ.
5. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn gồm ba chương.
Chương 1. Thế Lữ - Người mở đầu mạch truyện kinh dị hiện đại Việt Nam. Trong chương này, chúng tôi tập trung làm rõ các nội dung như: Chân dung nhà văn Thế Lữ; Thế Lữ và thể tài phỏng truyền kỳ, truyện kinh dị hiện đại Việt Nam.
Chương 2. Nghệ thuật dựng truyện truyện kinh dị của Thế Lữ. Chương này, chúng tôi tìm hiểu đặc điểm cốt truyện, đặc trưng bối cảnh; Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện kinh dị của Thế Lữ.
Chương 3. Đặc sắc ngôn từ nghệ thuật truyện kinh dị của Thế Lữ. Trong chương này, chúng tôi tập trung làm rõ hai nội dung chính: cách tổ chức văn bản nghệ thuật và những đặc sắc về lối kể chuyện ma quái của Thế Lữ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top