Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Xuất hiện trong trào lưu đổi mới của văn học Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp đã khuấy động cả một bầu không khí sinh hoạt văn hoá, văn nghệ nước nhà. Trong khi văn học đổi mới đang hăng hái làm công việc phơi bày tố cáo những hiện thực xã hội phức tạp, thì Nguyễn Huy Thiệp lại đi theo một con đường khác.
Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là thể loại truyện ngắn đã gây ra không ít những tranh cãi. Tranh cãi nổ ra thể hiện sự đa dạng trong tầm đón và thị hiếu nơi bạn đọc bởi văn chương của ông là thứ văn chương đa nghĩa. Nó quá phong phú bởi các yếu tố có hàm lượng nghệ thuật cao và có khả năng khơi gợi những liên tưởng nhiều chiều ở bạn đọc.
Sức quyến rũ thật khó cưỡng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là ở chỗ ông có một lối văn đầy “ma lực”. Nó vừa sắc sảo, lạnh lùng, dửng dưng vừa nghiêm túc vừa suồng sã, lúc giễu cợt kín đáo, lúc hài hước, trào lộng biến ảo linh hoạt lại có những lúc đằm thắm trữ tình đến xót xa. Những điều này góp phần làm cho truyện ngắn của ông có sức hút lâu dài đối với bạn đọc.
Từ những lý do nêu trên, chúng tôi đi vào nghiên cứu
Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Với mong muốn được khảo sát một số phương diện tiêu biểu trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn. Qua đó, có cái nhìn đầy đủ hơn về sự đóng góp của tác giả vào thành tựu chung của truyện ngắn
Việt Nam đương đại.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Trong luận văn này, chúng tôi tập trung đi vào khảo sát một số phương diện của nghệ thuật trần thuật như: Hình tượng người
trần thuật, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật và tổ chức trần thuật.
- Phạm vi nghiên cứu của Luận văn là các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được in trong Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Hội nhà văn (2005).
3. Phương pháp nghiên cứu
Tìm hiểu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Luận văn vận dụng một số thao tác cơ bản trong lý thuyết tự sự học, thi pháp học để tìm hiểu, giải mã cấu trúc văn bản, từ đó phát hiện ý nghĩa nghệ thuật của nó.
- Phương pháp so sánh: Phương pháp này nhằm phát hiện những nét chung và riêng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, từ đó thấy được cá tính sáng tạo của ông trong nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
- Phương pháp thống kê: Phương pháp này hướng tới việc nghiên cứu các hiện tượng lặp đi lặp lại trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp để thấy được dụng ý nghệ thuật của nhà văn trong từng tác phẩm.
4. Lịch sử vấn đề
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngay từ khi xuất hiện đã gây ra tiếng vang trên văn đàn. Với những cách tân độc đáo, truyện ngắn của ông đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước cũng như trên thế giới bàn luận trên nhiều bình diện khác nhau: Tư tưởng nghệ thuật, thi pháp, quan niệm nghệ thuật về con người, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng nhân vật,…
Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp khá nhiều về số lượng. Trước hết cần kể đến các bài viết trong cuốn
"Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” do Phạm Xuân Nguyên thực hiện.
Cuốn sách đã tập hợp được hầu hết những tiểu luận nghiên cứu, phê bình, trao đổi, tranh luận, giới thiệu, đọc sách và điểm sách cơ bản nhất liên quan đến sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.
Tập sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp gồm 54 mục bài đã tập hợp và bao quát được nhiều ý kiến xung quanh hiện tượng
Nguyễn Huy Thiệp. Hoàng Ngọc Hiến đã mạnh dạn chỉ ra chất “người” và đưa ra khái niệm “Thiên tính nữ” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. TN. Philimonova đã chỉ ra “chất thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp có mức độ đậm đặc khác nhau” [14, tr.162].
Thái Hòa phát hiện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nghệ thuật “ba – rốc”. Đông La tìm thấy “cái ma lực” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”. Đặng Anh Đào phát hiện Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng thuật ngữ “giả lịch sử”, thuật ngữ “giả cổ tích”. Nguyễn Vi Khanh phát hiện trong truyện và kịch của Nguyễn Huy Thiệp huyền thoại mà rất “đời” và “tục”; Nguyễn Đăng Mạnh đã chỉ ra đặc điểm trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: có cốt truyện ly kỳ, có một thế giới nhân vật độc đáo, cái “tục”. Đỗ Đức Hiếu tìm thấy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có không khí “kỳ ảo” – cả hư ảo nữa...
Riêng về Vàng lửa và Phẩm tiết đã có nhiều bài viết công phu, góp phần làm rõ những mặt đạt, không đạt của Nguyễn Huy Thiệp. Đáng lưu ý là bài viết của tác giả Tạ Ngọc Liễn; Văn Giá; Tạ Ngọc Liễn, Đỗ Văn Khang, Nguyễn Diệp, Trương Hồng. Về cơ bản các tác giả đã luận bàn về những hạn chế của Nguyễn Huy Thiệp khi nhìn nhận và đánh giá những nhân vật lịch sử (vua Gia Long và Nguyễn Du), làm rõ những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với văn hóa Việt. Đồng thời các bài viết cũng đã đi vào làm rõ nghệ thuật kết cấu, người kể chuyện trong tác phẩm.
Nhìn chung các bài viết trong cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp có một điểm dễ thống nhất, dù khen hay chê, các ý kiến đều thừa nhận văn Nguyễn Huy Thiệp mới mẻ, hấp dẫn, có “ma lực”.
Sau khi cuốn sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp ra đời, người ta vẫn tiếp tục “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”! Châu Minh Hùng tìm thấy “hình thức đa thanh mới của văn xuôi hiện đại” qua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Lê Huy Bắc tìm thấy một “kỹ thuật nhại” mang phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Phạm Phú Phong đi tìm “giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp”. Nguyễn Văn Tùng đi tìm “Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”...Như vậy, các bài viết đã đề xuất những hướng tiếp cận đúng đắn, góp phần lí giải “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” trên phương diện nghệ thuật.
Bên cạnh những cách tiếp cận trên, còn có những nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn Phân tâm học. Hồ Thế Hà đã ứng dụng lí thuyết của Freud vào lí giải một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Trần Thị Thanh Nhị đã vận dụng lí thuyết tính dục vào phân tích một số truyện ngắn Việt Nam sau 1975, trong đó tác giả có đề cập tới truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Luận văn là một sự tiếp nối các công trình đi trước, góp tiếng nói vào việc nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật trần thuật, giải mã các dấu hiệu nghệ thuật được cho là những đóng góp của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong thời kỳ văn học đổi mới. Qua đó, khẳng định giá trị và vị trí to lớn của nó trong văn học Việt Nam từ sau 1986.
5. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, Luận văn của chúng tôi sẽ triển khai trên ba chương:
Chương 1: Nguyễn Huy Thiệp trong tiến trình vận động của văn xuôi Việt Nam từ sau 1975.
Chương 2: Nghệ thuật trần thuật qua hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Chương 3: Tổ chức trần thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: