Nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng

beobeo_success

New member
Xu
0
Truyen-thuyet-dan-gian-Gia-Cat-Luong-bai-su-hoc-D_Tin180.com_001.jpg


[Chanhkien.org]
«Tam quốc diễn nghĩa» nổi bật ở một chữ “nghĩa”: Ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào; Quan Công ba lần giữ Thổ Sơn, một ngựa vượt năm ải chém sáu tướng; Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo; Quan Vân Trường vì nghĩa tha Hoàng Hán Thăng; Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan, v.v. Ngoài nổi bật một chữ “nghĩa” ra, «Tam quốc diễn nghĩa» cũng miêu tả thế nào là “trí tuệ”. Trong rất nhiều tình tiết đấu trí trong «Tam quốc diễn nghĩa», xuất sắc nhất là đoạn Tôn-Lưu liên hợp kháng Tào, hỏa thiêu Xích Bích. Từ câu chuyện Tôn-Lưu liên hợp kháng Tào, chúng ta có thể thấy nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng.

Tào Tháo đốt lương tại Ô Sào phá Viên Thiệu, sau lại uy bức Giang Nam, Kinh Châu đã đầu hàng Tào Tháo, bởi vậy kẻ địch ngăn Tào Tháo bình định Giang Nam chỉ còn có Lưu Bị và Tôn Quyền. Tháo bèn phát hịch cho Tôn Quyền ở Đông Ngô: “Ta phụng mệnh vua, đánh kẻ có tội. Cờ trỏ về nam, Lưu Tôn phải bó tay, dân Kinh Tương nghe thấy tin, răm rắp hàng phục. Nay thống lĩnh trăm vạn hùng binh, nghìn viên thượng tướng, muốn cùng với tướng quân họp săn ở Giang Hạ, để đánh Lưu Bị, cùng chia đất đai, giao hảo với nhau mãi mãi. Xin đừng ngờ vực, trả lời ngay cho”. Đây chính là kế “mượn đường diệt Quắc” [1], trước diệt Lưu Bị, sau diệt Đông Ngô.

Trước sự truy bức của Tào Tháo, Lưu Bị chỉ còn cách liên minh với Đông Ngô để kháng Tào, hình thành thế chân vạc. Tuy nhiên khi ấy Đông Ngô vẫn đang lưỡng lự là nên đánh hay là hàng. Cũng bởi Tào Tháo một mặt mượn danh thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, mặt khác lấy trăm vạn hùng binh uy hiếp Giang Nam, do đó nếu kháng Tào không thành, cơ nghiệp ba đời của Giang Đông sẽ không cánh mà bay, bởi thế rất nhiều mưu sĩ Đông Ngô đều chủ trương “hàng thì dễ yên, đánh thì khó thắng“. Trước vấn đề kháng Tào, Tôn Quyền vẫn còn do dự: vừa không muốn chịu áp chế của Tào Tháo, lại sợ không đánh nổi quân giặc đông. Vì thế để hình thành liên minh Tôn-Lưu, điều cốt yếu nhất là phải thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào.

Thuyết phục Tôn Quyền không phải là dễ, mưu sĩ tâm phúc của Tôn Quyền là Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền rằng: “Mọi người, ai cũng có thể hàng Tào Tháo được, duy có tướng quân thì không hàng được. Như Lỗ Túc này mà hàng, thì Tháo phong cho làm quan, áo gấm về làng, mà cũng không phải mất đất đai gì cả. Tướng quân mà hàng Tào thì về đâu? Chức tước bất quá phong hầu là cùng, xe một cỗ, ngựa một con, đầy tớ vài ba người, muốn ngồi ngoảnh mặt về nam mà xưng cô [2] có còn được nữa không?” Lời của Lỗ Túc mặc dù đã động đến chỗ tự ái và khiến Tôn Quyền rất xúc động, nhưng vẫn chưa đánh tan được sự lưỡng lự của Tôn Quyền.

Khi Tôn Quyền nghe có Ngọa Long tiên sinh đến Đông Ngô, liền nghĩ ngay đến hỏi kế Gia Cát Lượng. Nhưng trong cuộc hội kiến, Tôn Quyền lại dẫn một đám mưu thần Đông Ngô tới, vừa cho Gia Cát Lượng thấy Giang Đông cũng có người tài, lại xem Gia Cát Lượng có thể thuyết phục những người chủ trương đầu hàng hay không. Từ đó dẫn tới cuộc khẩu chiến giữa Gia Cát Lượng và đám quần Nho. Trong cuộc đấu trí này, Gia Cát Lượng mạnh mẽ biện giải khi bị căn vặn, hoặc dẫn ra điển cố, hoặc mượn cổ dụ kim, hoặc lấy ví dụ Lưu Bị thắng Tào Tháo, khiến những người căn vặn hoặc cứng họng, hoặc chỉ biết ngồi im và cảm thấy xấu hổ.

Thuyết phục của Gia Cát Lượng với Tôn Quyền là trước thì nói khích, sau mới khuyên nhủ. Tôn Quyền sợ quân Tào nhiều, Khổng Minh càng phóng đại Tào Tháo binh nhiều tướng giỏi, lại khuyên Tôn Quyền đừng đánh mà hãy sớm ngoảnh mặt về phương Bắc mà hàng. Tôn Quyền nói: “Nếu quả như lời ông, thì sao Lưu Dự Châu không hàng Tào đi?” Khổng Minh đáp: “Ngày xưa Điền Hoành [3] là một tráng sĩ nước Tề còn biết giữ nghĩa không chịu nhục, huống chi Lưu Dự Châu là tôn thân nhà Hán, anh hùng lừng lẫy trên đời, kẻ sĩ thảy đều trông mong. Việc không xong là bởi trời, có đâu lại chịu luồn cúi người ta?” Tôn Quyền nghe Khổng Minh nói xong, nét mặt hầm hầm, rũ áo đứng dậy, lui vào nhà sau. Các quan cùng tủm tỉm cười và giải tán. Họ đâu biết Khổng Minh đang khích ý chí đế vương của Tôn Quyền, nên khi Tôn Quyền nghe Lỗ Túc nói Khổng Minh có diệu kế phá Tào, Tôn Quyền vội đổi giận làm vui và đi hỏi ngay. Tôn Quyền hỏi: “Tào Tháo vốn chỉ ghét Lã Bố, Lưu Biểu, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Dự Châu với tôi mà thôi. Nay đã trừ được cả, duy chỉ còn Dự Châu với tôi. Tôi không thể đem cả nước Ngô dâng cho người ta được. Kế của tôi đã quyết, nhưng khi Lưu Dự Châu giúp cho thì cũng không ai đương nổi được Tào Tháo bây giờ. Mà Dự Châu lại vừa mới thua trận, làm thế nào mà chống được nạn này“. Khổng Minh đáp: “Dự Châu tuy mới thua, nhưng Quan Vân Trường còn thống lĩnh hàng vạn tinh binh; Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có chừng vạn quân sĩ. Quân Tào Tháo từ xa đến, tất cũng mỏi mệt; mới đây, lại đuổi Dự Châu, quân khinh kỵ đi ba trăm dặm một ngày, khác nào nỏ cứng giương lên đã đuối sức, chưa chắc bắn thủng được mảnh lụa mỏng. Vả lại người phương bắc không quen đánh thuỷ; quân dân ở Kinh Châu gặp thế bí phải phục Tào, chớ không phải là tự nguyện. Nay tướng quân thật muốn đồng tâm hiệp lực với Dự Châu, thì làm gì không phá được Tào Tháo? Quân Tào mà bị phá, tất phải kéo về bắc, thì thế Kinh, Ngô lại mạnh, mà hình thành thế chân vạc được. Cơ hội được thua, chỉ trong lúc này, xin tướng quân hãy nghĩ cho kỹ mà quyết đi!” Quyền mừng lắm, nói: “Mấy lời của tiên sinh, thật đã làm sáng mắt tôi. Ý tôi đã quyết, không còn hồ nghi gì nữa“. Ngay hôm ấy, Tôn Quyền bàn bạc cất quân để cùng đi phá Tào Tháo. Đây chính là cơ sở ban đầu cho liên minh Tôn-Lưu sau này.

Khổng Minh biết rằng Tôn Quyền tuy đã đưa ra quyết định, nhưng cơ sở liên minh Tôn-Lưu vẫn chưa ổn định, và còn một nhân vật đứng ngăn ở giữa là Chu Du. Chu Du chủ trương kháng Tào, Chu Du và Lỗ Túc thân với nhau nhất, nhưng Chu Du lại nói với Lỗ Túc trước mặt Khổng Minh: “Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, thì không nên kháng cự; vả lại thế Tào to lắm, chưa dễ địch nổi. Đánh thì tất thua, mà hàng thì dễ yên. Ý ta đã quyết, ngày mai ta vào hầu chúa công xin sai sứ đi hàng Tào“. Mục đích Chu Du là để phía Lưu Bị phải cầu Đông Ngô, từ đó đưa ra yêu sách. Hai người Chu Du và Lỗ Túc cùng tranh luận, Khổng Minh chỉ ngồi thu tay cười mát. Khi được hỏi tại sao cười, Khổng Minh nói cười Lỗ Túc không thức thời. Khổng Minh nói: “Tháo rất giỏi việc dùng binh, thiên hạ không ai địch nổi. Trước chỉ có Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu là dám chống cự. Mấy người ấy đều bị Tháo giết cả rồi, thiên hạ không còn ai nữa! Chỉ có Lưu Dự Châu là không thức thời, mới dám gượng gạo chống lại, nay thân cô thế cô ở đất Giang Hạ, mất còn chưa biết ra sao? Tướng quân quyết kế hàng Tào, để bảo toàn vợ con, phú quý; còn như vận nước đổi thay, phó mặc trời, có chi đáng tiếc!” Đây là lời nói khích của Khổng Minh, rằng Chu Du tham sống sợ chết mà không dám báo nước.

Khổng Minh tiến thêm một bước, nói có một kế, đó là chỉ cần dâng hai nàng Kiều ở Giang Nam thì lập tức trăm vạn quân Tào cũng cởi giáp, cuốn cờ rút lui ngay. Chu Du hỏi có gì làm chứng về việc Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều không, Khổng Minh bèn ứng khẩu đọc luôn bài phú đài Đồng Tước của Tào Thực rằng: “… Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc long dữ Kim phụng; lãm nhị kiều ư Đông Nam hề! Lạc chiêu tịch chí dữ cộng”. (Nghĩa là: … Dựng hai đài ở bên tả bên hữu, có đài Ngọc long, có đài Kim phụng. Nhốt hai nàng Kiều bên Đông Nam; để sớm chiều cùng vui vầy) [4]. Chu Du nghe xong mấy câu ấy, đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy trỏ tay về phương Bắc mà mắng rằng: “Thằng giặc Tào này khinh ta quá chừng!” Khổng Minh vội ngăn lại, nói: “Ngày xưa chúa rợ Hung Nô hay xâm lấn bờ cõi, thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa gả cho nó, để cầu hoà, nay tướng quân tiếc làm chi hai người con gái thường dân ấy?” Chu Du nói: “Ông chưa rõ Đại Kiều là vợ Tôn Bá Phù, Tiểu Kiều là vợ Du đó”. Khổng Minh giả vờ sợ sệt nói: “Tôi thật vô tình, nói năng lỗ mỗ, tội đáng chết, đáng chết!” Chu Du nói: “Ta thề cùng thằng giặc già một còn một mất!” Khổng Minh nói: “Tướng quân nên nghĩ cho chín, kẻo hối về sau“. Chu Du nói: “Ta đã vâng lời Tôn Bá Phù uỷ thác, lẽ đâu hạ mình hàng Tào. Vừa rồi ta nói thế, là thử lòng nhau đó thôi. Ta từ khi ở Phiên Dương về đây, vẫn có chủ trương đánh miền Bắc; dù dao búa kề đầu cũng không lay được. Xin Khổng Minh giúp ta một tay, cùng phá giặc Tào“. Đây chính là nghệ thuật nói khích Chu Du của Khổng Minh.

Ý muốn kháng Tào của Chu Du đã thúc đẩy một bước nữa liên minh Tôn-Lưu. Hôm sau, để biểu đạt quyết tâm kháng Tào, Tôn Quyền rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng: “Các quan các tướng, ai còn nói hàng Tào, sẽ như cái góc bàn này“. Nói xong, tặng luôn thanh gươm cho Chu Du, phong Chu Du làm đại đô đốc. Trình Phổ làm phó đô đốc; Lỗ Túc làm tân quân hiệu uý. Nếu văn quan võ tướng, ai không tuân lệnh, dùng thanh gươm ấy chém đi.

Khổng Minh biết rằng Tôn Quyền mặc dù đã biểu đạt quyết tâm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn trừ bỏ hết nghi hoặc, và cũng biết rằng mình là quân sư của Lưu Bị thì hiệu quả thuyết phục khác với Chu Du là người thân tín và phụ trách quân đội của Tôn Quyền. Bởi vậy khi Chu Du về hỏi Khổng Minh kế hay phá giặc Tào, Khổng Minh nói: “Bụng Tôn tướng quân chưa thật ổn, không thể định kế được vội. Vẫn còn có ý sợ quân Tào nhiều, quân mình ít không địch nổi. Tướng quân nên nói rõ quân số để Tôn tướng quân vững dạ thì việc lớn ắt xong“. Khi vào thăm Tôn Quyền, Chu Du hỏi: “Ngày mai cất quân, chúa công còn nghi hoặc chút nào không?” Quả nhiên Tôn Quyền đáp: “Ta chỉ còn lo quân Tào nhiều lắm, sợ không địch nổi thôi“. Chu Du nói: “Tôi chỉ vì việc ấy mà đến đây, nói rõ để chúa công biết. Chúa công thấy hịch Tào Tháo nói dối có trăm vạn quân, nên sinh lòng nghi sợ, không xét rõ hư thực thế nào. Nay xét ra, hắn huy động quân mã trong nước chẳng qua được mười lăm, mười sáu vạn, mà đã mệt mỏi cả rồi; số quân thu được của họ Viên cũng độ bảy tám vạn, nhưng đa số vẫn còn nghi ngờ chưa phục. Quân số tuy nhiều cũng không đáng sợ. Tôi chỉ xin năm vạn quân là đủ phá nổi. Chúa công chớ nên áy náy nữa“. Quyền vỗ vào lưng Chu Du mà nói rằng: “Công Cẩn nói đến điều ấy, thật gỡ được mối hoài nghi cho ta. Tử Bố không biết gì, ta mất tin cậy. Chỉ có ngươi với Tử Kính là hợp bụng với ta thôi“.

Từ đó liên minh Tôn-Lưu mới hoàn toàn được hình thành. Từ nhãn quan lịch sử mà xét, liên minh Tôn-Lưu tuy có cơ sở, nhưng đều xuất phát từ lợi ích của hai bên; nếu như không có chuyến du thuyết của Khổng Minh, thì e rằng liên minh khó mà thực hiện, cũng chẳng có trận hỏa thiêu Xích Bích, hình thành thế chân vạc nữa. Tất nhiên lịch sử là có an bài, nhưng Khổng Minh là nhân vật thúc đẩy sự việc này. Từ chuyến làm thuyết khách của Khổng Minh, chúng ta có được gợi ý gì cho việc dùng trí huệ giảng chân tướng? Bề mặt là Gia Cát Lượng có tài ăn nói, biết người biết mình, tùy cơ ứng biến, nhưng chuyến du thuyết cũng cho thấy Khổng Minh có đầy đủ trí tuệ và hiểu biết về lịch sử, thế thái, nhân vật, địa lý, khả năng nhận định tình hình và quan sát nét mặt, cũng như vận dụng các nghệ thuật như khuyến, khích, biện, giải, v.v. khiến mỗi lần thuyết phục đều là một bước chắc chắn thúc đẩy thành công.

Chú thích: [1] Đời Xuân thu, nước Tấn mượn đường của nước Ngu để đi qua cướp nước Quắc, cướp xong nước Quắc liền quay lại cướp luôn nước Ngu. [2] Vương tự xưng là “cô” cũng như hoàng đế tự xưng là “trẫm”. [3] Điền Hoành người nước Tề thời cuối Tần. Khi vua Tề bị bắt, Điền Hoành tự xưng là vua Tề. Hán Cao tổ sai người đến dụ hàng, Điền Hoành cùng bộ hạ không chịu khuất phục, tự sát. [4] Chính trong bài phú đài Đồng Tước thì vế sau là: “Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống”, nghĩa là “Liền hai cái cầu ở bên đông bên tây, như cầu vồng ở trên không”. Khổng Minh đổi chữ kiều là cầu ra chữ Kiều là nàng Kiều, đông tây ra đông nam để khích Chu Du, vì Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top