Nếu ai đã học xong chương trình Văn học ở Trung học phổ thông chắc không thể nào quên được câu chuyện về cô gái Giônxi ốm nặng đã từng có lúc tuyệt vọng đến mức buông xuôi cuộc đời nhưng lại được cứu sống nhờ hình ảnh trường tồn của một chiếc lá thường xuân kỳ diệu. Nhưng để có được chiếc lá thường xuân kỳ diệu đó, người họa sỹ già Bơmen đã tự nguyện dồn hết sức lực và tài năng hội họa của mình hoàn thành tác phẩm trong một đêm mưa dầm, gió bấc. Kết quả là cô gái Giônxi ốm nặng đã dần dần lấy lại được niềm tin vào cuộc sống và quyết tâm điều trị để khỏi bệnh. Còn họa sỹ Bơmen thì lại bị nhiễm lạnh và chết. Nhưng cái chết ấy của người họa sỹ già là để cứu một tài năng nghệ thuật trẻ; cái chết vì nghệ thuật.
Chiếc lá cuối cùng. Ảnh sưu tầm
Có thể nói, thành công của tác phẩm là sự kết hợp hài hòa của tính nhân văn trong nội dung và tính độc đáo trong nghệ thuật. Nhưng trước tiên phải kể đến sự có mặt của yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống. Với thủ pháp nghệ thuật này, O.Henry đã để lại cho đời Chiếc lá xanh - chiếc lá gieo mầm cho sự sống được vẽ bằng trái tim và tình yêu thương của con người. Có lẽ cũng vì vậy mà “Chiếc lá cuối cùng” đã trở thành một trong những câu chuyện hay nhất về vẻ đẹp của tình thương yêu giữa con người với con người mà O.Henry muốn gửi gắm tới độc giả.
Tìm hiểu các tác phẩm khác của O.Henry, ta thấy tác giả rất tài hoa trong việc sử dụng các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên cho dù truyện có thể đề cập đến bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống xã hội. Chính yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống đã làm cho những câu chuyện của nhà văn trở nên hấp dẫn, lý thú.
Chẳng hạn, khi viết những câu chuyện về tình yêu, người ta có thể thấy vô vàn cách mà những người yêu nhau thể hiện tình cảm, nhưng có lẽ ít ai có thể ngờ tới những cách thể hiện tình yêu như truyện ngắn của O.Henry. Tác phẩm “Món quà giáng sinh” là một ví dụ.
Câu chuyện viết về tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Tài sản của họ không có gì ngoài tình yêu đang nồng nàn, tha thiết. Để thể hiện tình yêu thương với người bạn đời nhân dịp lễ Nôen, họ mong muốn tặng cho nhau một món quà thật ý nghĩa. Cuối cùng, họ đã hi sinh vật quí giá nhất của cuộc đời để có được quà tặng cho người mình yêu thương: Đella đã bán mái tóc dài tuyệt đẹp để có đủ tiền mua dây đồng hồ tặng chồng. Còn Jim thì quyết định bán chiếc đồng hồ bằng vàng là tài sản của dòng họ trao lại để mua chiếc lược quý tặng vợ.
Mong muốn làm đẹp lòng người yêu, nhưng kết quả cuối cùng thì thật bất ngờ, trớ trêu: khi người chồng hối hả trở về, dịu dàng đặt chiếc lược lên tay tặng vợ thì cũng là lúc nhận ra mái tóc dài của vợ đã không còn nữa. Còn người vợ sau một thoáng chần chừ cũng lặng lẽ đưa cho chồng chiếc dây đồng hồ có mạ vàng óng, nhưng chiếc đồng hồ giờ đây cũng đã không còn. Tình huống trong chuyện đã bị đảo ngược gây một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Ở truyện ngắn “Sự giúp đỡ của tình yêu”, yếu tố bất ngờ, tình huống đảo ngược lại xuất hiện trong một hoàn cảnh khác: Đó là câu chuyện về một đôi vợ chồng trẻ có chung niềm đam mê là tình yêu nghệ thuật. Người chồng theo nghề hội họa còn người vợ theo nghề âm nhạc. Gia đình họ có tình yêu nghệ thuật nâng cánh nên lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Nhưng cuộc sống ngày một khắc nghiệt hơn, nghệ thuật không còn khả năng giúp cho cuộc sống gia đình của họ nữa. Đêlya quyết định ra khỏi nhà, khi trở về cô nói với chồng rằng: Cô được vị bá tước mời dạy nhạc cho cô con gái nhỏ và được trả tiền công rất hậu hĩnh. Cô khuyên chồng vẫn tiếp tục phát triển nghề hội họa, hi vọng lúc nào đó các bức tranh của chồng sẽ bán được với giá cao. Còn Giô cũng ra ngoài và khi trở về thì thông báo với vợ: Tranh của anh đã bán được cho một người giàu có. Hai vợ chồng rất vui và tổ chức ăn mừng vì đã có thể tin tưởng vào cuộc sống. Họ động viên nhau cố gắng theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật mà mình yêu thích và hi vọng cuộc sống của họ sẽ dần khá lên. Tuần sau, Giô trở về lại có 18 đôla với đôi tay dính sơn đen. Còn Đêlya mang về 15 đôla nhưng bàn tay phải bị băng bó trong một mớ giẻ. Giô xót xa cầm tay vợ. Vết thương ở tay sẽ ảnh hưởng đến nghệ thuật chơi đàn của người vợ yêu dấu. Nhưng… chỗ băng bó có bông bị dính dầu máy. Anh chợt hiểu ra tất cả. Bởi chiều nay, khi anh đang sửa máy giặt ở xưởng giặt là, có một cô gái ở gác trên bị bỏng bàn là và chính anh là người đưa miếng bông có dính dầu máy qua ô cửa sổ cho cô gái ấy.
Qua tác phẩm, chúng ta nhận thấy, để bảo vệ tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật cho người mình yêu trước cuộc sống đầy sóng gió, mỗi người trong câu chuyện đều đã hi sinh niềm đam mê của mình, sẵn sàng lao động và tin tưởng sự hi sinh của mình có thể nuôi dưỡng, phát triển tài năng nghệ thuật cho người bạn đời yêu quý. Nhưng cuối cùng, họ đều nhận ra rằng nghệ thuật mà họ mong muốn nuôi dưỡng đã bị cuộc sống vùi dập. Song điều cao đẹp hơn là họ đã gặp nhau ở một thứ nghệ thuật lý tưởng. Đó là nghệ thuật sống vì nhau.
Có lẽ không ở đâu người đọc có thể thấy được sự cao cả, thiêng liêng như tình yêu trong truyện ngắn của O.Henry. Những câu chuyện trên đều kết thúc rất ngắn gọn nhưng vô cùng ấn tượng và sâu sắc bởi chất thơ, chất nhân văn trong đó.
Ở truyện ngắn “Tên cớm và bản thánh ca”, tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên lại được xuất hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đó là câu chuyện về một thanh niên nghèo, thất nghiệp, không nhà cửa phải ngủ trên một ghế đá tại vườn hoa. Mùa đông đến rét cắt da, cắt thịt. Sopy lo nghĩ và mơ ước: Giá được vào ngồi tù ba tháng mùa đông thì sung sướng biết bao. Anh ta bắt đầu tìm cách phạm tội. Anh vào một khách sạn sang trọng gọi đồ ăn rồi không trả tiền, ném đá vào cửa kính của một cửa hàng, trêu gái điếm, ăn cắp ô, hát toáng lên làm mất trật tự trước cửa rạp hát nhưng tất cả những lần gây sự đó đều không ai quan tâm. Vì vậy, anh ta vẫn không được toại nguyện là “được tống vào tù”. Sopy trở về góc phố tĩnh mịch nơi có một nhà thờ cổ kính. Bên trong, người nhạc công đang chơi dương cầm ôn lại bài thánh ca. Tâm hồn Sopy thay đổi lạ lùng. Tiếng nhạc đem đến một cuộc cách mạng trong con người anh ta, ý định vào tù tự nhiên tan biến. Sopy nghĩ: Bắt đầu từ ngày mai mình sẽ kiếm việc làm, mình sẽ sống lương thiện. Nhưng cảnh sát đến, tưởng anh là kẻ trộm. Họ đã bắt và kết án anh ta ba tháng tù.
Hoàn cảnh của Sopy chỉ là một trong vô vàn những cảnh đời bất hạnh trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Người đọc vừa xót xa trước cuộc đời nhân vật nhưng cũng không khỏi bất ngờ trước việc thực hiện pháp luật của xã hội Mỹ đương thời. Bằng nghệ thuật sử dụng yếu tố bất ngờ, đảo ngược tình huống, O.Henry phê phán một xã hội đầy rẫy những bất công vô lý. Những người nghèo đói, thất nghiệp bị đẩy đến bước đường cùng và dẫn đến phạm tội. Trong khi đó, pháp luật không có khả năng thực hiện chức trách của mình. Người phạm tội thì nhởn nhơ ngoài xã hội, người sống lương thiện thì lại bị kết án bỏ tù. Đó là một xã hội mà pháp luật trắng đen lẫn lộn.
Có thể thấy, việc sử dụng các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc được tác giả sử dụng xuyên suốt trong hầu hết tác phẩm. Những tình tiết ngẫu nhiên có lúc khắc nghiệt, oái oăm hoặc mỉa mai đến mức khôi hài, dở khóc dở cười, để rồi kết thúc trong bất ngờ làm người đọc thích thú nhưng không quá thỏa mãn, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Ngay cả khi ông viết về những cách thể hiện tình yêu, người ta vẫn có thể thấy được nét khôi hài bất ngờ đó.
Có lẽ vì thế mà đọc truyện của O.Henry, ta khó lường trước được kết cục. Bởi mâu thuẫn lôi cuốn người đọc đôi lúc chỉ là mâu thuẫn vờ. Để thõa mãn và tạo sức lôi cuốn cho tác phẩm,O.Henry rất thiện nghệ trong nghệ thuật xây dựng và dẫn dắt tình huống truyện phát triển. Bút pháp tự sự của ông giấu kĩ, nhưng bày ra cũng rất nhanh. Nhiều truyện của ông, đến đoạn cuối độc giả mới nhận ra được điều tác giả muốn nói.
Nhiều người ngạc nhiên về tính đa dạng của bút pháp nghệ thuật trong các truyện ngắn của O. Henry. Những dư hương nhẹ nhàng như thế đọng trong tâm tư người đọc khá lâu. Có lẽ do vậy mà một số tác phẩm của nhà văn đã được chuyển thể qua sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Trên sân khấu kịch Việt Nam cũng có những vở diễn được chuyển thể từ truyện của O.Henry.
Nói đến Văn học Mỹ, bạn đọc thế giới thường nhắc đến O.Henry như một trong những tác giả viết truyện ngắn có duyên nhất. Với vốn sống phong phú, O.Henry đã sáng tác hơn 400 truyện ngắn và góp phần vào nền văn học Mỹ một tiếng nói rất riêng, một phong cách nghệ thuật đặc sắc. Việc sử dụng các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống là một trong những thủ pháp nghệ thuật độc đáo của truyện ngắn O.Henry.
Tác giả:
ThS. Chu Thị Thanh Tâm – ThS. Nguyễn Thị Minh Hậu
Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang
------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Vĩnh Viễn (dịch giả). Truyện ngắn Ơ.Henry, Chiếc lá cuối cùng. NXB Văn học, 2014.
2. Lưu Đức Trung. Chân dung các nhà văn thế giới (từ tập 1 đến tập 5). NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. Nhiều tác giả. Giáo trình Văn học thế giới (tập 2). NXB Đại học Sư phạm. Hà Nội, 2007.
4. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp các 6,7,8,9. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2011.
Chiếc lá cuối cùng. Ảnh sưu tầm
Có thể nói, thành công của tác phẩm là sự kết hợp hài hòa của tính nhân văn trong nội dung và tính độc đáo trong nghệ thuật. Nhưng trước tiên phải kể đến sự có mặt của yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống. Với thủ pháp nghệ thuật này, O.Henry đã để lại cho đời Chiếc lá xanh - chiếc lá gieo mầm cho sự sống được vẽ bằng trái tim và tình yêu thương của con người. Có lẽ cũng vì vậy mà “Chiếc lá cuối cùng” đã trở thành một trong những câu chuyện hay nhất về vẻ đẹp của tình thương yêu giữa con người với con người mà O.Henry muốn gửi gắm tới độc giả.
Tìm hiểu các tác phẩm khác của O.Henry, ta thấy tác giả rất tài hoa trong việc sử dụng các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên cho dù truyện có thể đề cập đến bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống xã hội. Chính yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống đã làm cho những câu chuyện của nhà văn trở nên hấp dẫn, lý thú.
Chẳng hạn, khi viết những câu chuyện về tình yêu, người ta có thể thấy vô vàn cách mà những người yêu nhau thể hiện tình cảm, nhưng có lẽ ít ai có thể ngờ tới những cách thể hiện tình yêu như truyện ngắn của O.Henry. Tác phẩm “Món quà giáng sinh” là một ví dụ.
Câu chuyện viết về tình yêu của đôi vợ chồng trẻ. Tài sản của họ không có gì ngoài tình yêu đang nồng nàn, tha thiết. Để thể hiện tình yêu thương với người bạn đời nhân dịp lễ Nôen, họ mong muốn tặng cho nhau một món quà thật ý nghĩa. Cuối cùng, họ đã hi sinh vật quí giá nhất của cuộc đời để có được quà tặng cho người mình yêu thương: Đella đã bán mái tóc dài tuyệt đẹp để có đủ tiền mua dây đồng hồ tặng chồng. Còn Jim thì quyết định bán chiếc đồng hồ bằng vàng là tài sản của dòng họ trao lại để mua chiếc lược quý tặng vợ.
Mong muốn làm đẹp lòng người yêu, nhưng kết quả cuối cùng thì thật bất ngờ, trớ trêu: khi người chồng hối hả trở về, dịu dàng đặt chiếc lược lên tay tặng vợ thì cũng là lúc nhận ra mái tóc dài của vợ đã không còn nữa. Còn người vợ sau một thoáng chần chừ cũng lặng lẽ đưa cho chồng chiếc dây đồng hồ có mạ vàng óng, nhưng chiếc đồng hồ giờ đây cũng đã không còn. Tình huống trong chuyện đã bị đảo ngược gây một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Ở truyện ngắn “Sự giúp đỡ của tình yêu”, yếu tố bất ngờ, tình huống đảo ngược lại xuất hiện trong một hoàn cảnh khác: Đó là câu chuyện về một đôi vợ chồng trẻ có chung niềm đam mê là tình yêu nghệ thuật. Người chồng theo nghề hội họa còn người vợ theo nghề âm nhạc. Gia đình họ có tình yêu nghệ thuật nâng cánh nên lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Nhưng cuộc sống ngày một khắc nghiệt hơn, nghệ thuật không còn khả năng giúp cho cuộc sống gia đình của họ nữa. Đêlya quyết định ra khỏi nhà, khi trở về cô nói với chồng rằng: Cô được vị bá tước mời dạy nhạc cho cô con gái nhỏ và được trả tiền công rất hậu hĩnh. Cô khuyên chồng vẫn tiếp tục phát triển nghề hội họa, hi vọng lúc nào đó các bức tranh của chồng sẽ bán được với giá cao. Còn Giô cũng ra ngoài và khi trở về thì thông báo với vợ: Tranh của anh đã bán được cho một người giàu có. Hai vợ chồng rất vui và tổ chức ăn mừng vì đã có thể tin tưởng vào cuộc sống. Họ động viên nhau cố gắng theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật mà mình yêu thích và hi vọng cuộc sống của họ sẽ dần khá lên. Tuần sau, Giô trở về lại có 18 đôla với đôi tay dính sơn đen. Còn Đêlya mang về 15 đôla nhưng bàn tay phải bị băng bó trong một mớ giẻ. Giô xót xa cầm tay vợ. Vết thương ở tay sẽ ảnh hưởng đến nghệ thuật chơi đàn của người vợ yêu dấu. Nhưng… chỗ băng bó có bông bị dính dầu máy. Anh chợt hiểu ra tất cả. Bởi chiều nay, khi anh đang sửa máy giặt ở xưởng giặt là, có một cô gái ở gác trên bị bỏng bàn là và chính anh là người đưa miếng bông có dính dầu máy qua ô cửa sổ cho cô gái ấy.
Qua tác phẩm, chúng ta nhận thấy, để bảo vệ tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật cho người mình yêu trước cuộc sống đầy sóng gió, mỗi người trong câu chuyện đều đã hi sinh niềm đam mê của mình, sẵn sàng lao động và tin tưởng sự hi sinh của mình có thể nuôi dưỡng, phát triển tài năng nghệ thuật cho người bạn đời yêu quý. Nhưng cuối cùng, họ đều nhận ra rằng nghệ thuật mà họ mong muốn nuôi dưỡng đã bị cuộc sống vùi dập. Song điều cao đẹp hơn là họ đã gặp nhau ở một thứ nghệ thuật lý tưởng. Đó là nghệ thuật sống vì nhau.
Có lẽ không ở đâu người đọc có thể thấy được sự cao cả, thiêng liêng như tình yêu trong truyện ngắn của O.Henry. Những câu chuyện trên đều kết thúc rất ngắn gọn nhưng vô cùng ấn tượng và sâu sắc bởi chất thơ, chất nhân văn trong đó.
Ở truyện ngắn “Tên cớm và bản thánh ca”, tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên lại được xuất hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đó là câu chuyện về một thanh niên nghèo, thất nghiệp, không nhà cửa phải ngủ trên một ghế đá tại vườn hoa. Mùa đông đến rét cắt da, cắt thịt. Sopy lo nghĩ và mơ ước: Giá được vào ngồi tù ba tháng mùa đông thì sung sướng biết bao. Anh ta bắt đầu tìm cách phạm tội. Anh vào một khách sạn sang trọng gọi đồ ăn rồi không trả tiền, ném đá vào cửa kính của một cửa hàng, trêu gái điếm, ăn cắp ô, hát toáng lên làm mất trật tự trước cửa rạp hát nhưng tất cả những lần gây sự đó đều không ai quan tâm. Vì vậy, anh ta vẫn không được toại nguyện là “được tống vào tù”. Sopy trở về góc phố tĩnh mịch nơi có một nhà thờ cổ kính. Bên trong, người nhạc công đang chơi dương cầm ôn lại bài thánh ca. Tâm hồn Sopy thay đổi lạ lùng. Tiếng nhạc đem đến một cuộc cách mạng trong con người anh ta, ý định vào tù tự nhiên tan biến. Sopy nghĩ: Bắt đầu từ ngày mai mình sẽ kiếm việc làm, mình sẽ sống lương thiện. Nhưng cảnh sát đến, tưởng anh là kẻ trộm. Họ đã bắt và kết án anh ta ba tháng tù.
Hoàn cảnh của Sopy chỉ là một trong vô vàn những cảnh đời bất hạnh trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Người đọc vừa xót xa trước cuộc đời nhân vật nhưng cũng không khỏi bất ngờ trước việc thực hiện pháp luật của xã hội Mỹ đương thời. Bằng nghệ thuật sử dụng yếu tố bất ngờ, đảo ngược tình huống, O.Henry phê phán một xã hội đầy rẫy những bất công vô lý. Những người nghèo đói, thất nghiệp bị đẩy đến bước đường cùng và dẫn đến phạm tội. Trong khi đó, pháp luật không có khả năng thực hiện chức trách của mình. Người phạm tội thì nhởn nhơ ngoài xã hội, người sống lương thiện thì lại bị kết án bỏ tù. Đó là một xã hội mà pháp luật trắng đen lẫn lộn.
Có thể thấy, việc sử dụng các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc được tác giả sử dụng xuyên suốt trong hầu hết tác phẩm. Những tình tiết ngẫu nhiên có lúc khắc nghiệt, oái oăm hoặc mỉa mai đến mức khôi hài, dở khóc dở cười, để rồi kết thúc trong bất ngờ làm người đọc thích thú nhưng không quá thỏa mãn, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Ngay cả khi ông viết về những cách thể hiện tình yêu, người ta vẫn có thể thấy được nét khôi hài bất ngờ đó.
Có lẽ vì thế mà đọc truyện của O.Henry, ta khó lường trước được kết cục. Bởi mâu thuẫn lôi cuốn người đọc đôi lúc chỉ là mâu thuẫn vờ. Để thõa mãn và tạo sức lôi cuốn cho tác phẩm,O.Henry rất thiện nghệ trong nghệ thuật xây dựng và dẫn dắt tình huống truyện phát triển. Bút pháp tự sự của ông giấu kĩ, nhưng bày ra cũng rất nhanh. Nhiều truyện của ông, đến đoạn cuối độc giả mới nhận ra được điều tác giả muốn nói.
Nhiều người ngạc nhiên về tính đa dạng của bút pháp nghệ thuật trong các truyện ngắn của O. Henry. Những dư hương nhẹ nhàng như thế đọng trong tâm tư người đọc khá lâu. Có lẽ do vậy mà một số tác phẩm của nhà văn đã được chuyển thể qua sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Trên sân khấu kịch Việt Nam cũng có những vở diễn được chuyển thể từ truyện của O.Henry.
Nói đến Văn học Mỹ, bạn đọc thế giới thường nhắc đến O.Henry như một trong những tác giả viết truyện ngắn có duyên nhất. Với vốn sống phong phú, O.Henry đã sáng tác hơn 400 truyện ngắn và góp phần vào nền văn học Mỹ một tiếng nói rất riêng, một phong cách nghệ thuật đặc sắc. Việc sử dụng các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên theo hướng đảo ngược tình huống là một trong những thủ pháp nghệ thuật độc đáo của truyện ngắn O.Henry.
Tác giả:
ThS. Chu Thị Thanh Tâm – ThS. Nguyễn Thị Minh Hậu
Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang
------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Vĩnh Viễn (dịch giả). Truyện ngắn Ơ.Henry, Chiếc lá cuối cùng. NXB Văn học, 2014.
2. Lưu Đức Trung. Chân dung các nhà văn thế giới (từ tập 1 đến tập 5). NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. Nhiều tác giả. Giáo trình Văn học thế giới (tập 2). NXB Đại học Sư phạm. Hà Nội, 2007.
4. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp các 6,7,8,9. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2011.