Nghệ thuật khắc họa nhân vật của Trần Đăng Khoa

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
MỞ ĐẦU

  1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Nhắc đến Trần Đăng Khoa, bạn đọc sẽ nhớ đến một “thần đồng” làm thơ từ năm bảy, tám tuổi, từng trở thành một “sự tích Trần Đăng Khoa” trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Sau mùa thơ xuất thần ấy, có người cho rằng “người đàn ông Trần Đăng Khoa bây giờ chỉ là cái bóng mờ của cậu bé tám tuổi Trần Đăng Khoa xưa kia”. Trần Đăng Khoa nói: “Tôi rất kinh ngạc có những người cứ lấy Trần Đăng Khoa ngày xưa để đo Trần Đăng Khoa bây giờ. Ai mà đi lấy cậu bé ngày xưa mười tuổi để đo tôi xù xì hôm nay? Phải đo cùng chủng loại mới đúng chứ?”.
Bất ngờ, năm 1998, Trần Đăng Khoa cho ra đời Chân dung và đối thoại và được người đọc đón nhận như một hiện tượng thứ hai trong cuộc đời mình. Người đọc gặp lại Trần Đăng Khoa “trong một vùng văn nghệ khác” không kém thú vị, cũng không ít sóng gió. Đã có nhiều ý kiến khen chê, nhưng bản lĩnh, cá tính thể hiện ở nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật thì không ai chối cãi được. Cùng với Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa còn thể hiện chân dung nhân vật trong các tập Đảo chìm, Người thường gặp và cả trong thơ.
Trước và cùng thời với Trần Đăng Khoa cũng không ít người viết thể tài chân dung, nhưng Trần Đăng Khoa vẫn tìm được cách riêng, giọng riêng. Đi sâu tìm hiểu Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của Trần Đăng Khoa không chỉ để có dịp cảm nhận thêm một phương diện tài năng của ông, mà còn phát hiện thêm những đóng góp của một nhà thơ vào mảng thể tài này của văn học đương đại. Mặt khác, nếu biết vận dụng hợp lí, từ nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của một nhà thơ có tài cũng có thể giúp ích rất nhiều cho việc dạy học văn trong nhà trường.

  1. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
    1. Sơ lược tình hình nghiên cứu thơ văn Trần Đăng Khoa nói chung
2.1.1. “Sự nghiệp Trần Đăng Khoa là thơ, nghi lễ đầu tiên để Trần Đăng Khoa đến với cuộc đời này là thơ”. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đều có chung nhận xét nhận xét: “Thơ Trần Đăng Khoa vẫn là một miền riêng, không trộn lẫn. Giống như ca khúc Trịnh Công Sơn, giai điệu bài hát khi cất lên, dù nghe ở đâu vẫn nhận ra chất nhạc của riêng một người. Nhà văn chỉ có thể đóng góp cái gì đó cho nền văn học khi họ có cái gì đó của riêng mình. Trần Đăng Khoa có cái TÔI của riêng mình trong thơ”.
2.1.2. Tuy vậy, văn xuôi Trần Đăng Khoa còn độc đáo hơn. Năm 1998, Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa ra đời lại gây một tiếng vang trong giới nghiên cứu văn học, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Tập hợp các bài về Chân dung và đối thoại, chúng tôi nhận thấy ý kiến khen cũng nhiều, chê cũng không ít.
Trước hết là ý kiến của những nhà văn, nhà thơ được bàn tới trong Chân dung và đối thoại.
Tố Hữu “cười tít mắt, chậm rãi nói”: “Bàn về tôi, Khoa viết dễ thương, về anh Xuân Diệu cũng vậy. Đọc vui, có nét lạ”.
Lê Lựu: “Tôi đọc, thấy cái tình của Khoa là chính. Còn về những chi tiết Khoa nêu ra để đùa hoặc giễu tôi ấy ư? Xin thưa: Khả năng tôi đến đâu, tôi thể hiện ra đến đó, tác phẩm đòi hỏi bạn đọc và thời gian kiểm chứng”.
Nguyễn Khắc Trường: “Việc có một quyển sách được nhiều người đọc và nhiều ý kiến khác nhau như Chân dung và đối thoại là một không khí lành mạnh. Và như vậy chỉ có lợi cho không khí sáng tác và nghiên cứu”.
Nguyễn Quang Sáng: “Điều đáng buồn nhất của nhà văn là tác phẩm của mình không ai đọc. Tôi cảm ơn Trần Đăng Khoa đã để thời gian đọc của tôi và để cả thời gian viết về tôi nữa. Với tôi đó là một niềm vui”.
Ngoài ra, trong hội thảo báo Văn nghệ tổ chức ngày 13/03/1999, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà lí luận phê bình, nhà giáo và bạn đọc cũng đã đưa ra rất nhiều ý kiến khen chê khác nhau.
Tiêu biểu cho những ý kiến khen ngợi, đồng tình:
Bùi Văn Ngợi: “Đã khá lâu, chúng tôi mới được thấy sự chào đón nồng nhiệt của nhiều tầng lớp bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ với một cuốn sách ở thể loại phê bình, cảm nhận văn chương và phác họa chân dung tác giả - một thể loại xưa nay còn ít hấp dẫn”.
Bùi Bình Thi: “Đây là một cuốn sách rất có ích và lí thú với người đọc, với tất cả những ai quan tâm đến văn học, và với các nhà văn, nhà thơ”.
Nguyễn Đăng Mạnh: “Người viết khen chê thoải mái, ăn nói thẳng thừng theo một quan điểm riêng, một cái “gu” riêng. Khen chê có thể đúng hoặc sai, cái đó là bình thường. Nhưng cái tôi thích là thái độ thẳng thắn, chân thật”.
Hồ Sĩ Vịnh: “Trần Đăng Khoa là Quốc Trượng trên sân khấu chèo: hóm hỉnh, có duyên, tự tin, có chính kiến”.
Phạm Tiến Duật: “Việc tập sách ra đời chưa lâu đã tái bản nhiều lần cho thấy ba điều này: Một, công chúng không hề thờ ơ với văn học; hai là, trên cánh đồng phê bình, qua mấy giọt mưa này, thấy nó khô hạn như thế nào; ba là, Trần Đăng Khoa, chú bé thuở nào vẫn được đông đảo bạn đọc yêu mến và quan tâm”.
Tiêu biểu cho những ý kiến phản bác, chê bai có thể kể:
Nguyễn Mạnh Tuấn: “Trần Đăng Khoa tự vẽ chân dung mình và mượn người khác làm đạo cụ để độc diễn, để giễu cợt Tố Hữu, trịch thượng với Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, v.v…”.
Phạm Tường Hạnh: “Khoa đi học sáu năm ở một đất nước đã sụp đổ và đang lao đao về một mớ lí luận cải tổ. Không biết anh ta có tiêm nhiễm ít nhiều mớ lí luận hổ lốn này không. Nhưng đọc Chân dung và đối thoại, thì tôi thấy rõ anh đang muốn làm một cuộc cải tổ trong văn xuôi Việt Nam”.
Trần Đình Sử: “Ngoài một số bài phỏng vấn, một số nét chân dung của một vài nhà văn gây hứng thú, nhìn chung, nó không có giá trị gì về phê bình văn học. Cố gán nó vào phê bình thì nó chỉ có thể là một thứ phẩm của phê bình, một thứ “cận phê bình”.
Vương Trí Nhàn: “Cách nói của Trần Đăng Khoa là sự kết hợp hai yếu tố: một mặt, nhún mình ra vẻ mình không biết gì; mặt khác, lại có cái giọng ban phát chân lí y như trời phật ứng vào miệng mình, gán cho điều mình nói ra một giá trị”.

  1. Những bài viết trực tiếp bàn về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của Trần Đăng Khoa
Riêng tên gọi Chân dung và đối thoại, đã thấy có nhiều ý kiến:
Hoàng Xuân Tuyền: “Thực tế đây là một cuốn chân dung và … chân dung. Đối thoại chỉ là cái mẹo để Trần Đăng Khoa dựng chân dung: chân dung các nhà văn, chân dung một thời kì văn học”.
Bùi Việt Sơn: “Hai mươi ba chân dung và đối thoại thực ra không phân biệt rõ ràng lắm. Cả chân dung và đối thoại đều có trong một bài của Khoa. Trong cái này có cái kia. Và có cả đối thoại. Có điều, khi đối thoại thì Khoa đối thoại với chính mình”.
Bàn riêng về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật, chúng tôi nhận thấy ý kiến lại không nhiều, nhưng cũng có cả khen lẫn chê.
Vũ Nho: “Đọc cuốn sách của Trần Đăng Khoa, ta thú vị như đi vào một phòng tranh. Chân dung mà! Có rất nhiều chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình được vẽ với nhiều dạng, nhiều kích cỡ, khuôn khổ, nhiều màu sắc khác nhau”.
Phạm Tiến Duật: “Phần lớn số trang trong tập sách là mảng chân dung. Đúng là Trần Đăng Khoa không vẽ ai đầy đủ cả. Có người chỉ được vẽ cái tai, có người chỉ được vẽ cái mũi. Nếu chỉ lấy một cái lá mà nói được cả một cánh rừng thì là sự tuyệt diệu”.
Hoàng Xuân Tuyền: “Đối thoại để dựng chân dung. Qua việc dựng chân dung mà trình bày những quan điểm về học thuật. Bởi vậy, cuốn sách có sức hút người đọc”.
Trung Trung Đỉnh: “Chân dung các nhà văn được Trần Đăng Khoa “dựng” trên cơ sở anh “dựng” đúng chân dung mình”.
Trần Thị Bích Thủy: “Tôi đọc, thấy lão không viết, mà vẽ bằng những nét cọ màu sắc nét, tái hiện chân dung một cách chân thực, độc đáo và mới mẻ. Tôi cũng chẳng hiểu lão đang viết, đang vẽ hay là đang làm chú tễu diễn hài, nét hài thật đáng yêu, hài trong sự uyên thâm của từng câu chữ để cho người đọc cảm nhận, trân trọng”.
Tóm lại, số lượng bài viết về tác phẩm Chân dung và đối thoại là không ít, tạo nên một hiện tượng sôi nổi trong đời sống phê bình văn học. Tuy nhiên, những bài viết đi sâu bàn về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của Trần Đăng Khoa lại không nhiều, chưa hệ thống. Vì vậy, trên cơ sở trân trọng tiếp thu ý kiến người đi trước, qua việc nhận diện những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật trong Chân dung và đối thoại và một số tác phẩm khác của Trần Đăng Khoa, luận văn này muốn đi sâu tìm hiểu thêm đóng góp của nhà thơ Trần Đăng Khoa ở một thể tài đã và đang phổ biến trong văn học đương đại hôm nay.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn bước đầu tìm hiểu những nét đặc sắc về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của Trần Đăng Khoa trong sự so sánh với nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của một vài nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình của văn học Việt Nam hiện đại.


  1. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn chủ yếu khảo sát qua ba tập Chân dung và đối thoại, Đảo chìm, Người thường gặp, cùng một số bài thơ mang tính khắc họa chân dung của Trần Đăng Khoa.

  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Phương pháp tiếp cận hệ thống
4.2. Phương pháp so sánh
4.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp v.v…

  1. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
Muốn khẳng định và phát hiện thêm đóng góp của Trần Đăng Khoa vào nền văn học hiện đại, bên cạnh một sự nghiệp thơ đã từng nổi tiếng là “thần đồng”.
Góp phần vào việc nghiên cứu, giảng dạy chân dung văn học trong nhà trường, mở ra một hướng nghiên cứu mới về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật trong nền văn học đương đại.

  1. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, gồm ba chương:
Chương 1: Thể tài chân dung văn học trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Chương 2: Những chân dung “thường gặp” trong sáng tác của Trần Đăng Khoa.
Chương 3: Những đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của Trần Đăng Khoa.View attachment 7684
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top