• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nghệ thuật bi kịch của sêcxpia.

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1.[FONT=&quot] [/FONT]Lý do chọn đề tài
So với Italia và một số nước Tây Âu khác, nước Anh bước vào thời đại Phục hưng muộn màng hơn. Cũng như các nước Tây Âu khác, nước Anh cũng đi theo xu thế tiến lên chủ nghĩa tư bản. Phong trào Phục hưng ngay từ khi ra đời đã gặt hái được những mùa hoa trái tốt đẹp, phong phú vô cùng. Nó làm cho Tây Âu nói chung và nước Anh nói riêng như bừng dậy sau một “đêm trường trung cổ”, tiến nhanh và mạnh vào thời kì lịch sử cận đại. Vì vậy văn hóa Phục hưng được coi là nền văn hóa rực rỡ của loài người. Trong khi hướng về cổ đại để học tập những truyền thống tốt đẹp, văn hóa Phục hưng nói lên nhu cầu và khát vọng của con người mới, vạch rõ và biểu dương khả năng cũng như triển vọng của con người mới, xã hội mới. Con người mà thời Phục hưng cần đến, đó phải là những người “khổng lồ”, về tư tưởng, về sự nhiệt tình và tính cách, về tài năng mọi mặt, về sự hiểu biết sâu rộng.
Về văn học nổi bật lên là Sêcxpia,nhà soạn kịch thiên tài, người đại diện tiêu biểu nhất cho văn đàn nước Anh thời Phục hưng. Bi kịch được đánh giá là tầm cao của thiên tài Sêcxpia. Sêcxpia được coi là một trong những đại văn hào vĩ đại nhất của nhân loại. Là :“linh hồn của thời đại, kì tài của sân khấu”, là “thiên tài lớn nhất trong những người sáng tạo, là nhà thơ tuyệt diệu nhất, là con người kì diệu, là con người vĩ đại, con người không ai có thể sánh nổi” (Bêlinxki). Từ lâu, các sáng tác của Sêcxpia đã vượt ra ngoài phạm vi của một nước và đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Nó đã trở thành một gia tài quý báu nhất mà “nghệ thuật bi kịch” trong quá khứ để lại cho chúng ta tiếp thu và học tập. “Sêcxpia không chỉ thuộc về thời đại của mình mà còn thuộc về tất cả mọi thời đại”. Với tài năng thiên bẩm, cùng với sự tiếp nhận tinh thần của chủ nghĩa nhân văn cao cả của thời Phục hưng, Sêcxpia đã sáng tạo nên những kiệt tác bi kịch nổi tiếng. Các vở bi kịch Sêcxpia mặc dù được đánh giá cao về nội dung cũng như nghệ thuật, song nó vẫn chưa được các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình đi vào khai thác một cách sâu sắc về góc độ nghệ thuật. Vì thế mà việc nghiên cứu về bi kịch của Sêcxpia nói chung cũng như về “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia nói riêng vẫn còn là vấn đề bị bỏ ngỏ, một “vùng đất bí ẩn” thu hút các giới quan tâm nghiên cứu. Nghiên cứu về Sêcxpia cũng như một số vở bi kịch của ông, chúng ta sẽ hiểu được sự phát triển của kịch nói chung và những vấn đề của đời sống xã hội Anh thời Phục hưng nói riêng, thấy được những vấn đề của đời sống xã hội đương thời đã từng đi vào một số vở bi kịch của Sêcxpia. Đồng thời, qua những vở bi kịch kiệt tác của Sêcxpia cũng giúp cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của thể loại bi kịch trong văn học.
Vì vậy, việc tìm đến với “nghệ thuật bi kịch” trong các vở bi kịch Rômêô và Juliet, Hamlet và Ôtelô của Sêcxpia chính là tìm đến cái đẹp, nâng cao tầm hiểu biết cũng như cảm nhận cái đẹp trong văn chương, và trong cuộc sống. Đây chính là cơ sở cho chúng tôi đi sâu vào cảm nhận và đi vào tìm hiểu một cách sâu sắc nhất biểu hiện cụ thể của nó trong một số tác phẩm bi kịch cụ thể của thiên tài Sêcxpia. Qua đó giúp chúng ta nhận thấy tư tưởng sâu sắc và độc đáo trong khi xây dựng hình tượng nghệ thuật trong các kiệt tác này.
Chính vì những lí do nêu trên, chúng tôi lựa chọn “Nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia làm đề tài nghiên cứu.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
a. Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi ở đề tài này chính là “nghệ thuật bi kịch” trong các vở bi kịch là Rômêô và Juliet, Hamlet và Ôtelô với những biểu hiện và ý nghĩa của nó.
b. Phạm vi
Do điều kiện tư liệu và thời gian có hạn, trong khuôn khổ của tiểu luận, chúng tôi không có điều kiện khảo sát được toàn bộ bi kịch của Sêcxpia, mà ở đây chúng tôi chỉ xin đi sâu tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu là Rômêô và Juliet, Hamlet và Ôtelô thể hiện rõ nhất nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia, qua các bản dịch sau:
- Đặng Thế Bính (dịch) (1984), Rômêô và Juliet, Nxb Ngoại văn, HN.
- Bùi Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng (dịch) (1986), Hamlet – Bi kịch năm hồi, Nxb Văn học.

- Trần Anh Kim – Phúc Vĩnh Trọng (dịch) (2006), Ôtelô (Bi kịch năm hồi), Nxb, Hải Phòng.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích tìm hiểu “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia giúp chúng tôi có một cứ liệu để hiểu sâu sắc hơn về con người cũng như “nghệ thuật bi kịch” của ông. Qua đó mới thấy được những đóng góp của ông đối với nền kịch ở Anh và trên thế giới.
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Lịch sử của việc nghiên cứu về Sêcxpia nói chung, và về “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia nói riêng trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu cơ bản trên nhiều phương diện như : sưu tầm, dịch thuật, biên soạn… cho đến các công trình nghiên cứu, các bài viết, các bài lý luận, phê bình nó cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều hết sức công phu và có một giá trị không nhỏ, giúp cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia.
Nhiều nhà nghiên cứu nói đến chủ nghĩa hiện thực của Sêcxpia là vì căn cứ vào những cống hiến của ông đối với nền kịch của thế giới. Ở Anh, Pháp, Đức, Nga và nhiều nước khác. Sêcxpia được những nhà tiến bộ nhiệt liệt ca ngợi và học tập nghiên cứu. Mac, Ăng-ghen, những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới, đánh giá rất cao thiên tài Sêcxpia. Mac và Ăng-ghen cũng kêu gọi nên “học tập Sêcxpia”, nên “Sêcxpia hoá”. Quả đúng vậy, Sêcxpia là một bậc thầy vĩ đại không chỉ đối với nghệ thuật kịch mà còn đối với nghệ thuật văn chương nói chung. Nhiều nhà văn thế giới đã thừa nhận uy tín và ảnh hưởng lớn lao của ông. Ben Jônxơn, nhà viết kịch nổi tiếng đã khẳng định: “Sêcxpia không chỉ thuộc về nước Anh, mà ông thuộc mọi thời đại”. Gớt, Sile, Huygô, Banzăc, Gorki, Bêlinxki…và bao nhiêu nhà văn lớn khác nữa đều thừa nhận thiên tài của Sêcxpia. Nhiều đạo diễn và diễn viên ưu tú trong gần bốn trăm năm qua đã nổi tiếng nhờ dàn dựng và diễn xuất các vở kịch của Sêcxpia. Thế kỷ XX với sự phát triển mạnh mẽ của màn ảnh lớn và nhỏ đã đưa Sêcxpia đến với mọi nơi trên hành tinh này. Giới nghiên cứu, lí luận, phê bình cũng dành nhiều giấy bút để tìm hiểu, để phân tích, để lí giải về con người, về tác phẩm của nhà soạn kịch ưu tú đó.
Riêng trong mười năm đầu thế kỷ XX, người ta đã viết về ông nhiều hơn là cả ba thế kỷ trước cộng lại. "Sêcxpia cần thiết cho thời đại chúng ta, tác phẩm của ông làm những con người thế kỷ XX vui sướng, say sưa, cảm động và thúc đẩy họ suy nghĩ... Nó đã vào trong đời sống chúng ta làm thành một yếu tố quan trọng của đời sống văn hoá hiện đại" (Anixt).
Còn ở Việt Nam, ngay từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 giới trí thức, sinh viên, học sinh cũng đã từng say mê thưởng thức Sêcxpia qua tiếng Anh hoặc qua các bản dịch tiếng Pháp. Vài vở kịch của ông cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên phải đợi đến sau ngày hoà bình lập lại, ở miền Bắc mới xuất hiện một số công trình giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật đáng kể; các trường phổ thông trung học và Đại học (văn) mới bắt đầu giảng dạy một vài tác phẩm của Sêcxpia; các trường nghệ thuật sân khấu cũng bắt tay vào việc học tập Sêcxpia, dàn dựng một vài vở của ông. Ngày nay trên đất nước ta đã thống nhất, việc giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy Sêcxpia ngày càng phong phú.
Trong cuốn “Lịch sử sân khấu thế giới” (1977) do Đức Nam, Hoàng Oanh, Hải Dương (dịch), Nxb Văn hóa, Hà Nội, khi nhận định về các sáng tác của Sêcxpia cho rằng : “Kịch của ông là cái hồi quang nghệ thuật đầy đủ nhất của đời sống xã hội thời Phục hưng. Sêcxpia đã nhìn thấu vào tận bản chất của các quan hệ xã hội. với cái nhạy bén của một thiên tài chân chính, trước đó người khác không nhìn ra, phát hiện ra mâu thuẫn ngay trong mầm mống của những sự kiện này, sự kiện khác thuộc đời sống xã hội” [10, tr. 76].
Các tác giả cũng thấy rằng : “Trong những tác phẩm của mình, Sêcxpia đã phản ánh những mâu thuẫn của xã hội này, lúc bấy giờ mới nảy sinh và chỉ lộ ra một cách trọn vẹn trong thời kì sau. Ông không chỉ nhìn thấy quá khứ và hiện tại mà còn nhìn thấu tương lai bằng con mắt tiên tri” [10, tr. 76]
Khi đánh giá về giá trị nghệ thuật trong các sáng tác của Sêcxpia, họ nhận thấy : “Nghệ thuật của ông không những phản ánh hiện thực, mà còn thể hiện một thái độ nhất định đối với hiện thực. Sêcxpia là một nhà nhân bản và bằng những tác phẩm của mình tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phong kiến với tất cả những hậu quả của nó trong đời sống tinh thần và xã hội”. [10, tr. 77].
Minh Chính trong cuốn Văn học phương Tây giản yếu, Nxb ĐHQG TP.HCM, năm 2002 cũng cho ra mắt bạn đọc công trình nghiên cứu công phu về nền văn học của phương Tây nói chung và văn học Anh nói riêng. Sức mạnh tinh thần ở đây có chứa đựng trong nó biết bao ước mơ, khát vọng của con người, mà chính yếu tố “nghệ thuật bi kịch” đã góp phần không nhỏ để thể hiện thành công nhất về nó.
Trong cuốn Văn học phương Tây do tập thể các tác giả : Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính biên soạn, Nxb Giáo dục, năm 2004, cho ra mắt bạn đọc. Công trình này là nguồn tư liệu hết sức quý giá cho các nhà nghiên cứu khi đưa ra nhận định về nội dung, tư tưởng nghệ thuật cũng như những đóng góp to lớn của Sêcxpia với văn học thời Phục hưng ở Anh nói riêng và với kho tàng văn học phong phú của toàn thế giới nói chung.
Về nghệ thuật xây dựng các bi kịch kiệt tác của Sêcxpia, các tác giả nhận xét : “Sêcxpia có biệt tài trong việc chuyển một câu chuyện cũ thành kịch. Muốn làm công việc đó thì trước hết phải quan tâm đến việc tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Ở kịch lịch sử hoặc hài kịch, ông cũng đã làm tốt việc ấy. Tuy nhiên đến bi kịch thì tài năng này cành phát huy hết sức mạnh ngòi bút của ông” [16, tr. 211].
Lưu Đức Trung (chủ biên) trong cuốn “ Chân dung các nhà văn thế giới”, Nxb Giáo dục, năm 2004, đã giới thiệu đến đông đảo độc giả một nguồn tư liệu hết sức có giá trị. Các tác giả đã trình bày khá đầy đủ và công phu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác cũng như những đóng góp của những tác giả nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt không thể không nhắc đến Sêcxpia và những kiệt tác của thiên tài này, trong đó có các vở bi kịch Rômêô và Juliet, Hamlet và Ôtelô...
Với đề tài “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia, chúng tôi tiếp cận tác giả này từ góc độ nghệ thuật nhằm hiểu cống hiến to lớn của ông đối với nền kịch nhân loại. Cho dù có rất nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu về “nghệ thuật bi kịch” của ông nhưng tôi vẫn mạnh dạn đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu, đây là nén hương thành kính của một trong những con người Việt Nam ngưỡng mộ ông thắp lên để tưởng nhớ ông - một “bậc thầy soạn kịch nổi tiếng ở trên thế giới xưa và nay” – vĩ nhân của nước Anh và của nhân loại.
Sêcxpia đã được khai thác và còn được tiếp tục tìm kiếm như một vũ trụ. “Nghệ thuật bi kịch” là một thành tố nghệ thuật quan trọng của chủ nghĩa hiện thực Sêcxpia.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai làm đề tài này, chúng tôi đã tiến hành một số bước tiêu biểu quan trọng như: Thu thập, xử lý tài liệu về cuộc đời và các vở bi kịch tiêu biểu như: Rômêô và Juliet; Hamlet và Ôtelô của Sêcxpia, trước khi sử dụng các phương pháp khoa học sau:
-[FONT=&quot] [/FONT]Phương pháp thống kê, phân loại.
-[FONT=&quot] [/FONT]Phương pháp so sánh, đối chiếu.
-[FONT=&quot] [/FONT]Phương pháp phân tích, chứng minh.
-[FONT=&quot] [/FONT]Phương pháp tổng hợp.
Đây là những phương pháp hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong quá trình nghiên cứu văn học. Sử dụng một cách có hiệu quả, những điểm tối ưu của các phương pháp kể trên, để từ đó có cơ sở vững chắc, đảm bảo cho việc mở ra một hướng khai thác, khám phá vấn đề trên bình diện rộng hơn và sâu sắc hơn.
6. Cấu trúc tiểu luận
Tiểu luận gồm có 3 phần: Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung gồm có 2 chương:
- Chương 1: Nhận diện về nghệ thuật và bi bịch.
- Chương 2 : Nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia

B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 : NHẬN DIỆN VỀ NGHỆ THUẬTBI KỊCH
1.1. Nghệ thuậtbi kịch dưới góc nhìn văn học
* Về nghệ thuật
Nghệ thuật theo (tiếng Nga có nghĩa là: priom). Những nguyên tắc thi pháp trong việc tổ chức một phát ngôn nghệ thuật (nguyên tắc xây dựng cốt truyện, quy tắc thể loại, nguyên tắc phong cách, thể thức câu thơ). Tuy nhiên, trong nghiên cứu văn học, người ta thường nói tới biện pháp nghệ thuật khi xác định những hình thức mới hoặc khi nói đến việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật đã ổn định, cố định vào mục đích mới. Do đó, biện pháp nghệ thuật nào nổi bật sẽ có ý nghĩa đáng kể, ví dụ: việc đưa các yếu tố kì ảo và nghịch dị vào cốt truyện “giống như thật” của tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, toàn bộ các biện pháp nghệ thuật đặc thù của văn học “dòng ý thức”, việc sử dụng một cách khác thường các hình thức cú pháp và nhịp điệu trong thơ vào văn xuôi (ví dụ: cách dùng từ độc đáo, “lệch chuẩn” trong tuỳ bút Nguyễn Tuân)…
Bên cạnh những biện pháp nghệ thuật độc đáo của một tác giả hoặc một thời đại văn học nào đó, còn có những biện pháp nghệ thuật sáo mòn mà nhà văn thường muốn khắc phục.
Tuy vây, trong văn học vừa có việc cải biến một cách có ý thức các biện pháp nghệ thuật truyền thống, lại vừa có việc kế thừa chúng, cả ở cấp độ phong cách cá nhân, cả ở cấp độ “phong cách lớn” của một thời đại. Ví dụ: ở chủ nghĩa cổ điển việc bắt chước các mẫu mực được coi là tất yếu, làm khác đi sẽ bị coi là sai trái. Sự ổn định của các biện pháp nghệ thuật – nét đặc thù của một thời đại văn học - dẫn đến việc tạo nên các khuôn mẫu sẽ đưa tới thói học đòi. Các biện pháp nghệ thuật khuôn mẫu vốn có chức năng đặc biệt, đáng kể về mặt thẩm mĩ trong sáng tác dân gian.
* Về bi kịch
Bi kịch là một thể của loại hình kịch, thường được coi như là đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hoà được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn,…diễn ra trong một tình huống cực kì căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng. Theo Arixtốt (384 – 322 tr CN), bi kịch là “Sự bắt chước hành động hệ trọng và trọn vẹn” nhằm “dùng hành động chứ không phải bằng kể chuyện, bằng cách gây nỗi xót thương và nỗi sợ hãi để thực hiện sự thanh lọc những nỗi xúc động riêng tư”. (Nghệ thuật thi ca, chương 6). Như vậy, bi kịch sẽ không còn là bi kịch nữa nếu người xem không bị rung động bởi nhân vật và nếu toàn bộ nỗi xúc động và khiếp sợ không dẫn đến được một giải quyết nào đó về tình cảm theo hướng tích cực. Nhân loại tìm thấy ở các tác phẩm bi kịch những gì khủng khiếp mà cái ác gieo rắc, áp đặt cho mình, do đó không thể bàng quan và chịu khuất phục trước sức mạnh tàn bạo của nó được. Kết thúc bi thảm của số phận nhân vật bi kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh, dự báo về một cái gì đó tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong cuộc sống và trong mỗi con người. Trong bi kịch, qua cái chết của nhân vật chính, người ta tìm thấy cái thiêng liêng vô giá của sự sống chân chính và cái bất tử của cộng đồng. Vì thế, nhân vật chính của bi kịch thường là những nhân vật anh hùng với ý nghĩa tích cực cao cả.
Bi kịch ra đời rất sớm ở Hi Lạp cổ đại, bắt nguồn từ những nghi lễ thờ cúng thần rượu nho Đi-ô-ni-dốt. Ở đây, vào thế kỉ V tr CN, bi kịch đã là một thể loại sân khấu rất thịnh hành với các tác giả nổi tiếng như: Ét-si-lơ, Xô-phô-cơ-lơ, Ơ-ri-pít và những tác phẩm còn lưu giữ được đến nay như Prô-mê-tê bị xiềng, Ăng-ti-gôn, Ô-ne-xtơ,…Từ bấy đến nay, bi kịch đã trải qua nhiều bước thăng trầm và không ngừng đổi mới về hình thức và nội dung nghệ thuật để ngày một hoàn thiện hơn về mặt thể loại và đáp ứng được ngày một tốt hơn nhu cầu xã hội - thẩm mĩ của công chúng ở các thời đại khác nhau.
Vào thế kỉ XVI – XVII, ở một số nước Châu Âu như Anh, Pháp,…bi kịch là thể loại văn học – sân khấu rất thịnh hành gắn liền với tên tuổi các tác giả lớn như Sêcxpia (1564 – 1616), Coóc – nây (1606 – 1684) và những tác phẩm tiêu biểu như: Rômêô và Juliet, Hamlet, Ôtelô, LơXít, O-ra-xơ, An-đrô-mác,…Từ thế kỉ XVIII trở đi, bi kịch phát triển theo chiều hướng khác nhau và không còn bị ràng buộc chặt chẽ với các nguyên tắc thi pháp cổ điển của nó nữa. Ở Việt Nam, không có bi kịch như một thể loại văn học – sân khấu theo quan niệm cổ điển, chỉ có một số vở tuồng hoặc kịch hiện đại mà nội dung tư tưởng nghệ thuật có chứa đựng yếu tố bi kịch. Có thể coi vở Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là một ví dụ điển hình.
1.2. Nghệ thuậtbi kịch trong sáng tác của Sêcxpia
* Về nghệ thuật, đóng góp của ông cũng thật là to lớn ở mặt lí luận lẫn mặt sáng tác.
Nghệ thuật của Sêcxpia là nghệ thuật hiện thực. Quan điểm của ông cho rằng: nghệ thuật phải là một tấm gương phản ánh cuộc sống, rằng “chớ nên vượt khỏi sự khiêm tốn, giản dị của tự nhiên”. Đó là những quan điểm nghệ thuật tiến bộ không chỉ đối với thời đại ông mà còn đối với những thời đại sau, kể cả thời đại hiện nay, khi nhiều trường phái, nhiều học thuyết, nhân danh là “mới” đang muốn kéo nghệ thuật đi chệch khỏi con đường chân chính.
Với quan điểm nghệ thuật này, chúng ta thấy sân khấu của Sêcxpia là tất cả cuộc đời thu hẹp lại. Đề tài của Sêcxpia rút từ nhiều nguồn. Cái động lực chủ yếu thôi thúc nhà văn là cuộc sống, cuộc sống của dân tộc ông, con người và thời đại ông. Sêcxpia đã phản ánh sâu sắc hơn bất cứ nhà văn nào cùng thời với ông, con người thời đại ông, xã hội và đất nước Anh ở buổi giao thời của hai chế độ phong kiến và tư bản chủ nghĩa.
Cái đa dạng trong nghệ thuật của Sêcxpia chính là hồi quang của cảnh tượng muôn vẻ trong tự nhiên, trong cuộc sống.
* Về bi kịch trong sáng tác của Sêcxpia. Nội dung của các vở bi kịch là cuộc đấu tranh quật cường nhưng cũng đầy bi thảm của cá nhân con người đối với thế lực đen tối của xã hội, trong đó những thế lực đen tối quyết tâm tiêu diệt tất cả những gì và tất cả những ai cản trở nó, chống lại tham vọng thống trị của nó. Điều làm cho Sêcxpia, với các vở bi kịch của mình, càng được công chúng thêm yêu mến, quý trọng. Các vở bi kịch đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong tư tưởng của Sêcxpia. Hầu hết các nhân vật tích cực trong bi kịch của ông đều phải chết nhưng lý tưởng mà họ đấu tranh, theo đuổi vẫn sống, vẫn chiến thắng. Cảm tính của Sêcxpia ngả về phía những người này. Đấy là cái ánh sáng lạc quan chủ nghĩa trong bi kịch của ông.
1.3. Sêcxpia – Nhà soạn kịch tài ba
Uyliam Sêcxpia chào đời vào ngày 23 – 4 – 1564 tại Xtratfơt on Êvơn, một thị trấn nằm ở trung tâm nước Anh. Ngày sinh của Sêcxpia trùng với ngày lễ Thánh Gioóc, vị thánh yêu quý của người Anh. Cha Sêcxpia là ông Giôn Sêcxpia, vốn theo nghề nông nhưng rồi rời bỏ đồng ruộng ra thị trấn theo đuổi nghề làm bao tay. Nhờ cần cù, làm ăn phát đạt, Giôn Sêcxpia được bầu làm thị trưởng. Thuở nhỏ Sêcxpia theo học trường Grammar School và được tiếp xúc với các các môn phổ thong, cùng với tiếng Hi Lạp, Latinh và một vài tác phẩm cổ đại của Hi Lạp, La Mã.
Năm 14 tuổi, chưa học hết chương trình nhưng vì gia đình sa sút, bố không còn giữ chức Thị trưởng nên Sêcxpia bỏ học, đi làm phụ giúp gia đình. Thoạt tiên ông đến giúp việc tại lò mổ, về sau nhờ có ít chữ nghĩa ông chuyển sang nghề dạy học. Năm 18 tuổi, Sêcxpia kết hôn với An Hathauê, người hơn Sêcxpia tám tuổi. Ba năm sau, hai vợ chồng sinh được ba con. Hai con gái và con trai có tên là Hamnet. Năm 11 tuổi Hamnet chết.
Càng ngày cuộc sống gia đình ông càng túng quẫn hơn. Năm 23 tuổi, Sêcxpia rời Xtratfơt ra kinh thành Luân Đôn với hai bàn tay trắng và niềm đam mê sân khấu. Ông tìm đến rạp The Theatre xin làm chân giữ ngựa rồi soát vé. Về sau, do chứng tỏ được khả năng, Sêcxpia được giao làm chân nhắc vở và đóng những vai phụ. Trong thời gian này, Sêcxpia không ngừng học hỏi để nâng cao tri thức. Ngoài tiếng Pháp, tiếng Italia…Sêcxpia còn nghiền ngẫm cuốn Sử biên niên của Anh, Ailen và Xcôtlen của Hôlinset để hiểu thêm quá trình phát triển của nước Anh. Từ năm 1590, Sêcxpia bắt tay vào sự nghiệp sáng tác. Ông sáng tác hài kịch, kịch lịch sử, bi – hài kịch, bi kịch. Những vở hài kịch tiêu biểu của Sêcxpia là: Ầm ĩ vì chuyện không đâu, Đêm thứ mười hai, Giấc mộng đêm hè, Người lái buôn thành Vơnidơ…Rômêô và Juliet được xếp vào loại bi kịch lãng mạn. Hamlet là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của Sêcxpia. Ngoài ra, Ôtelô, Vua Lia, Macbet… cũng được đánh giá là những bi kịch kiệt xuất của ông. Trong khoảng hai mươi năm cầm bút, Sêcxpia để lại gần 40 vở kịch, hai trường ca và 154 bài thơ Xonnê.
Uyliam Sêcxpia là nhà soạn kịch thiên tài, người đại diện tiêu biểu nhất cho văn đàn nước Anh thời Phục hưng, là kịch gia số một của nhân loại. Trước ông không có ai sánh bằng và hơn bốn thế kỉ sau cũng chẳng có ai theo kịp. Thiên tài của Sêcxpia là độc nhất vô nhị. Chỉ mình ông thôi cũng đủ thâu tóm hết cả nền kịch nghệ thế giới.
Uyliam Sêcxpia mất ngày 23 – 4 – 1616. Thi hài của ông được an táng tại nhà thờ Hôli Tơriniti ở quê nhà. Năm 1623, toàn tập Sêcxpia mới được ra mắt bạn đọc.
1.4. Bi kịch - Đỉnh cao về sáng tạo nghệ thuật của Sêcxpia
Bi kịch được đánh dấu là tầm cao của thiên tài Sêcxpia. Các vở bi kịch lớn trong sáng tác của Sêcxpia, đã nâng cao vị trí của Sêcxpia trong lịch sử văn học Anh và thế giới. Đây là thể loại có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp sáng tác của Sêcxpia. Ông sáng tạo nên thể bi kịch này nhằm phê phán những mặt đen tối, xấu xa và tàn bạo của một xã hội, một thời đại khủng hoảng, bế tắc. Quá trình sáng tác của Sêcxpia âu cũng là một sự phản ánh sinh động bước quá độ từ phong kiến lên tư bản chủ nghĩa của nước Anh. Đó là một thời kì đầy biến động. Có điều khi thì xoáy lên thành giông tố, phong ba như muốn nhấn chìm, muốn hất tung đi tất cả. Khi thì nó âm thầm, lặng lẽ như mạch nước ngầm xuyên chảy dưới đất sâu. Điều này chứng tỏ tài năng của nhà văn. Nó cũng chứng tỏ rằng ngay giữa lúc đang muốn công chúng vui cười thoả thích, ông vẫn cảm nhận được những mối nguy cơ đe doạ con người, mưu toan bóp nghẹt tiếng cười của nó, gây nên bao cảnh tan tóc đau thương, khiến nước mắt và cả máu còn phải đổ ra không ít. Năm tháng và cuộc đời sẽ ngày càng giúp ông thấy rõ hơn những gì trước đó mới chỉ là cảm nhận. Các vở bi kịch của ông càng chứng tỏ điều đó.
Thành công của ông ở thể loại bi kịch ở cả mặt nội dung và nghệ thuật đã phá vỡ những giới hạn ngặt nghèo của cái cũ sáng tạo những cái mới để mở ra những chân trời bao la cho nghệ thuật nói chung, chuyển những câu chuyện cũ thành kịch nhưng đầy sáng tạo, dẫn dắt hành động kịch một cách tài tình…Điều này sẽ thấy rõ hơn ở phần khảo sát của chúng tôi ở chương hai.
CHƯƠNG 2 : NGHỆ THUẬT BI KỊCH CỦA SÊCXPIA.
2.1. Sêcxpia có biệt tài trong việc chuyển những câu chuyện cũ thành kịch đầy sáng tạo
Rômêô và Juliet là vở bi kịch đầu tay của Sêcxpia, ra đời giữa lúc mà ông đang hào hứng sáng tác kịch lịch sử, hài kịch và đang gặt hái được những thành công vang dội với hai thể loại này. Ngay lập tức công chúng nước Anh mà trước hết là ở Luân Đôn, đã chào đón nó hết sức nồng nhiệt. Vở bi kịch đã gây xúc động chưa từng thấy trên kịch trường và trong dư luận. Từ đó đến nay Rômêô và Juliet đã được lịch sử sân khấu thế giới nói chung thừa nhận là một trong những kiệt tác hàng đầu.
Câu chuyện về mối tình oan trái, bi thảm của Rômêô và Juliet vốn là câu chuyện có thật, từng xảy ra ở Italia dưới thời Trung cổ. Nó đã được một số nhà văn, nhà thơ Italia ghi chép lại, nhuẫn sắc thêm, nhờ vậy mà khá phổ biến, không những ở Italia mà còn ở Pháp, ở Tây Ban Nha qua các bản dịch hoặc phỏng tác của một số cây bút ở hai nước này. Ví như Pie Boatô là người đã dịch ra tiếng Pháp thiên truyện bằng văn xuôi của nhà văn Italia Matêô Banđelô xuất bản năn 1554. Nhà thơ trẻ người Anh là Actơ Bruc có thể là đã dựa vào bản dịch tiếng Pháp để biến câu chuyện này thành một truyện bằng văn vần dài ngót 3000 câu. Chắc là Sêcxpia đã đọc thiên truyện ấy của Bruc hoặc đọc bản dịch của Boatô và câu chuyện tình bi thảm đó đã gây cho ông xúc động. Sêcxpia đã mượn cái cốt của câu chuyện và dựng thành vở bi kịch. Dưới ngòi bút tài hoa của ông, Rômêô và Juliet trở thành bất tử, khiến cho công lao của những người đi trước cũng được biết đến, được ghi nhận như là đã góp phần vào sự ra đời của thiên kiệt tác. Sêcxpia thường trả món nợ văn chương một cách hậu hĩ. Ông luôn luôn trả nhiều hơn những gì ông đã vay.
Tuy nhiên Sêcxpia cũng đã chú ý đổi mới bi kịch này bằng một số biện pháp đáng kể. Về hành động kịch, ông không tự trói tay mình vào luật ba duy nhất. Thời gian ở đây tuy được dồn lại để làm tăng thêm tính chất gay gắt của mâu thuẫn nhưng cũng phải diễn ra trong bốn ngày đêm. Địa điểm cũng luôn luôn thay đổi. Hành động kịch khi diễn ra trong nhà, khi ở ngoài vườn họ Capiulet, hoặc trên đường phố, hoặc trong hầm mộ…Sêcxpia cũng phá vỡ quy luật nghiệt ngã phân biệt bi kịch với hài kịch, không cho phép trộn lẫn cái bi với cái hài trong một vở kịch. Ông đã đưa nhiều yếu tố hài vào trong vở bi kịch này. Thậm chí đưa một số cảnh tràn đầy một không khí lạc quan, vui vẻ vào trong đó.
Cũng như vở kịch Rômêô và Juliet của Sêcxpia, kịch bản Hamlet cũng được dựa theo tích cũ và các văn bản kịch được lưu hành trước đó. Lần theo mối dây phát triển này, ta sẽ xác định được quá trình hình thành tư tưởng - chủ đề chính của tác phẩm. Hamlet có cốt truyện phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch. Truyện này được Saxo Grammaticus, một thầy tu Đan Mạch sống vào thế kỷ XII, ghi lại trong cuốn “Truyện lịch sử Đan Mạch. Nội dung chính như sau: Horwendil và Feng là hai anh em sinh trưởng ở xứ Jơtlan. Horwendil tài hoa, đánh thắng vua Na Uy trong cuộc đấu tay đôi và làm rễ vua Đan Mạch. Horwendil lên ngôi vua sau khi vua Đan Mạch qua đời. Do ghen ghét anh, Feng lập mưu giết Horwendil, lên nối ngôi và lấy chị dâu. Con trai của Horwendil là Amleth giả điên để tìm cách trốn tránh và báo thù. Feng không tin, cho người nấp sau rèm rình nghe cuộc nói chuyện giữa Amleth và Hoàng hậu, Amleth phát hiện và giết chết kẻ đó. Feng phái Amleth sang Anh với bức thư yêu cầu vua Anh giết chết Amleth. Amleth đánh tráo thư, yêu cầu vua Anh chém hai kẻ tháp tùng và gả công chúa cho Amleth. Một năm sau, Amleth từ biệt vợ, trở về giết chết Feng và lên ngôi vua. Câu chuyện có nội dung gần như giống hệt với Hamlet nhưng chủ đề thì lại không giống. Đây chỉ là sự trả thù đẫm máu mang tính gia đình, chứ không có tính bi kịch.
Năm 1570, nhà văn Pháp Francois De Belleforest’ đã viết lại câu chuyện này, đưa vào bộ “Những truyện bi thảm”, tập V. Ông khai thác khía cạnh vô đạo đức của Feng bằng cách để Feng yêu chị dâu trước rồi rồi mới giết anh đoạt vợ. Vậy nên về cơ bản, chủ đề của câu chuyện vẫn như cũ.
Khoảng cuối thế kỷ XVI, các nhà soạn kịch Anh đã đưa Amleth lên sân khấu. Thomas Kit được xem là soạn giả đầu tiên của Hamlet. Công lao của Kit là sáng tạo nên nhân vật hồn ma vua cha Hamlet và để Hamlet chết chứ không phải giành thắng lợi như trong truyện cổ…Tuy nhiên chủ đề Hamlet của Kit cũng chỉ giới hạn trong phạm vi của một bi kịch báo thù gia đình chứ chưa đạt đến tầm bi kịch xã hội như Hamlet của Sêcxpia khi ông đưa thêm vào cốt truyện những người phu đào huyệt, Fortinbras và cái chết của Ôphêlia…
Để làm được điều đó, Sêcxpia đã mở rộng, khai thác sâu hơn bối cảnh kịch và xây dựng Hamlet thành mẫu lý tưởng của thời đại. Hamlet hội đủ mọi tố chất của một con người Phục hưng. Ngoài ra, Hamlet còn là một đạo diễn tài ba, một trí thức am hiểu sâu sắc nhiều phương diện cuộc sống…Sêcxpia trao cho chàng hai nhiệm vụ: báo thù cha và dựng xây thời đại. Hamlet với trách nhiệm, bổn phận hoàng tử của mình, người sẽ gánh vác vai trò đứng đầu nhà nước, lại thiên về nghĩa vụ dựng xây. Việc kết hợp hai chủ đề này trong tác phẩm đã khiến mỗi lời nói, hành động của hình tượng trung tâm Hamlet thêm phần đa dạng. Người đọc, người nghiên cứu có thể khai thác ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Như vậy, khi viết tác phẩm này Sêcxpia đã kế thừa những người đi trước một phần đáng kể cho cốt truyện và những tình tiết cơ bản. Nhưng chỉ có ông thì chuyện Amleth mới trở thành bi kịch Hamlet với tất cả giá trị có thể bất chấp thời gian, không gian tường tồn như một kì quan nghệ thuật.
Cống hiến to lớn của Sêcxpia là đã cải biến câu chuyện trả thù mang tính chất riêng tư của người xưa thành một vở kịch phản ánh sâu sắc những đặc trưng của thời đại ông, nói lên được những nỗi băn khoăn trăn trở về lẽ sống, về ước vọng của người thời đại ấy một cách vô cùng thống thiết. Đó là một tác phẩm kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa sân khấu và cuộc đời.
Bi kịch Ôtelô cũng như một số vở trước, khi viết Ôtelô, Sêcxpia dựa vào một câu chuyện có sẵn. Đó là truyện “Người Môrơ ở Vơnizơ của nhà văn Italia Xintiô. Truyện như sau: Một viên tướng người Môrơ được triều đình Vơnizơ trọng dụng. Cảm phục con người dũng cảm, từng trải, tài ba ấy, Đexđêmôna, con gái yêu của một viên thượng nghị sĩ, lại là người đẹp nhất thành Vơnizơ đem lòng yêu gã. Họ bí mật làm lễ cưới với nhau. Nhưng tên tuỳ tướng của gã người Môrơ cũng từng theo đuổi Đexđêmôna và bị nàng lạnh nhạt. Ghen tuông và căm giận cả gã người Môrơ lẫn Đexđêmôna, hắn đặt điều vu khống Đexđêmôna là một cô gái lẳng lơ và giờ đây vẫn ngựa quen đường cũ. Viên tướng người Môrơ sinh lòng ngờ vực rồi ghen tuông lồng lộn. Gã cùng tên tuỳ tướng “tâm phúc” bàn cách trừng phạt Đexđêmôna. Chúng dùng bao cát đánh nàng đến chết. Để phi tang, chúng phá sập nhà để lấp xác nàng rồi bỏ trốn.
Câu chuyện thương tâm và ghê tởm này được vợ tên tuỳ tướng tố giác sau khi tên này đã chạy trốn và bỏ rơi nàng. Rõ ràng là Xintiô chỉ muốn kể lại một câu chuyên ghen tuông li kì, rùng rợn. Gã người Môrơ lẫn viên tuỳ tướng đều tàn bạo và đáng ghê tởm như nhau.
Vở Ôtelô của Sêcxpia trước hết đã tẩy uế bầu không khí bị ô nhiễm đó, hướng người xem chú ý đến một vấn đề có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Kẻ thù của Ôtelô ngay từ đầu đã công khai bộc lộ thái độ thù ghét Ôtelô trước mọi người. Nó chỉ đóng kịch với Ôtelô và với Đexđêmôna thôi. Tai hại thay là Ôtelô và Đexđêmôna lại nhầm tin tưởng hắn. Họ coi hắn là một người trung thực, một người bạn tốt. Bởi lẽ họ tin ở con người, ở bản chất tốt đẹp của con người.
Toàn bộ tấn bi kịch Ôtelô phơi bày ra ánh sáng mối nguy cơ và cái tai hoạ khi những con người ngay thẳng, trung thực, cao thượng lại vấp phải lũ gian manh, quỷ quyệt, hèn hạ rắp tâm hãm hại mình. Bi kịch Ôtelô nổi tiếng là một vở có cấu trúc chặt chẽ, rõ ràng, đơn giản. Cho nên suốt mấy trăm năm qua, bi kịch Ôtelô luôn luôn được đánh giá cao, như là một đỉnh chót vót của nghệ thuật bi kịch. Ca sĩ da đen nổi tiếng Pôn Rôbơxơn từng lấy làm hãnh diện khi nhận đóng vai Ôtelô trên sân khấu và trên màn ảnh. Nhiều đạo diễn và diễn viên đã nổi tiếng nhờ dàn dựng và diễn xuất vở bi kịch này.

2.2. Những khám phá, phát hiện và dự báo thiên tài của bi kịch Sêcxpia
Bi kịch của Sêcxpia là những khám phá và phát hiện của ông về một thế lực đen tối mới, tuy đang trong quá trình sinh sôi nảy nở nhưng đã tỏ ra cực kì nguy hiểm, cực kì đáng lo ngại. Đó là đồng tiền và những kẻ nắm được nhiều tiền. Ông báo động rằng giờ đây nó đang vượt ra khỏi những giới hạn nhỏ hẹp, kìm hãm nó để vươn tới địa vị thống trị những quốc gia, thậm chí nó còn mưu toan thống trị toàn thế giới “biến cả thế giới thành một nhà tù”. Ông đã lên tiếng tố cáo như vậy trong bi kịch Hamlet. Đến Taimơn ở Aten ông tiếp tục vạch rõ thêm:
“…Vàng, hoàng kim óng ánh, quý giá vô ngần…Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để đổi trắng thay đen, biến xấu thành tốt, biến kẻ gian thành người ngay, hèn hạ thành cao sang, già cả thành trẻ trung, khiếp nhược thành dũng cảm !...”
“Đó là cái gì ? Hỡi các đấng thần linh bất tử ?
Đó là một vật nó làm cho cha cố các vị và đệ tử của họ
Ngoảnh mặt làm ngơ đối với bàn thờ của các vị…
Tên nô lệ màu vàng ấy xây dựng và phá huỷ tôn giáo của các vị, làm cho những kẻ độc ác được hưởng phúc lành.
Làm cho những kẻ ghê tởm được tôn sùng, đặt bọn trộm cắp lên ghế nguyên lão.
Và làm cho bọn chúng được hưởng chức tước, danh vọng và được người quỵ luỵ.
Nó làm cho mụ đàn bà goá già nua, tàn tạ thành cô dâu mới.
Thôi đi, đồ đáng đày vào địa ngục, đồ đĩ của loài người…”
Sêcxpia còn vạch rõ sự câu kết giữa thế lực cũ và mới, giữa phong kiến và tầng lớp xã hội mới sinh thành, mà sau này có tên gọi là tư sản. Sự câu kết đó càng khiến cho Hamlet của ông đau đớn nói rằng “Đan Mạch là nhà tù đen tối nhất” trong cái nhà tù thế giới này. Chính sự câu kết đó đang đẩy con người dần đến bờ vực thẳm. Những gì mà chủ nghĩa nhân văn hứa hẹn đem lại cho con người thì giờ đây đang bị các thế lực đen tối đó chà đạp một cách không thương tiếc. Bi kịch của ông phản ánh sự bế tắc và sự tan vỡ của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng trước sức mạnh tàn phá của những thế lực phản nhân văn ấy. Nhưng Sêcxpia không hề truyền bá chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa thất bại. Ông đặc biệt tin tưởng ở con người, ở thiên hướng vươn tới cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ của con người, ở khả năng vô tận của nó, ở lí trí sáng suốt của nó, ở lương tri của nó. Hamlet và Ôphêlia, Ôtelô và Đexđêmôna của ông tuy đều phải chết oan uổng nhưng đó là những cái chết đầy sức mạnh tố cáo, những cái chết kêu gọi tinh thần đấu tranh cho sự sống.
Bi kịch Rômêô và Juliet tuy kết thúc với hai cái chết của đôi uyên ương nhưng không hề gợi lên tâm lý bi quan tuyệt vọng. Về mặt tinh thần, đôi uyên ương này đã chiến thăng và chiến thắng đến hai lần. Khi còn sống họ đã bất chấp mọi cản trở, tiến hành hôn lễ và đã thành vợ thành chồng, khi chết họ cùng chết bên nhau và cái chết của họ mới đủ sức giải được mối hận thù dai dẳng. Chính vì vậy mà Rômêô và Juliet được gọi là một vở “bi kịch lạc quan”. Cái chết của đôi trai tài gái sắc đem lại niềm tin và hy vọng, đó là cái chết gieo mầm cho sự sống.
Ngoài những khám phá, phát hiện và dự báo thiên tài như trên vừa nói còn có vấn đề tài năng thể hiện. Nói đúng hơn thì sức mạnh nghệ thuật của bi kịch Sêcxpia trước hết chính là ở tài năng thể hiện các khám phá, phát hiện và dự báo đó.
2.3. Sự trộn lẫn giữa cái bi với cái hài trong bi kịch Sêcxpia
Sêcxpia có cái năng khiếu kì diệu là chọn đúng và xác định được ngay ngôn ngữ thích hợp nhất, đắt nhất để thể hiện điều mà ông muốn nói. Là nhà soạn kịch, ông có thể lựa chọn giữa bi kịch với hài kịch hoặc với kịch lịch sử. Cả ba thể loại này ông đều đã thử thách qua và đều tỏ ra có biệt tài làm chủ chúng, điều khiển chúng theo ý mình. Nhưng đến lúc này, để thể hiện những khám phá, phát hiện và dự báo lớn lao, sâu sắc nhất của mình, ông chọn thể loại bi kịch. Không chỉ dứt khoát chọn bi kịch, ông còn thấy rõ là ở đây phải trộn lẫn cái bi với cái hài, cái bi với cái hùng, cả cái cao cả với cái ti tiện.
Sỡ dĩ như vậy, bởi vì các vấn đề mà ông đề cập đến là những vấn đề lớn lao và nghiêm trọng liên quan đến vận mệnh của con người nói chung, của hôm nay và của cả ngày mai nữa. Hài kịch hoặc kịch lịch sử do tính chất và đặc điểm của chúng, không thích hợp để thể hiện cái đó. Ngay cả bi kịch truyền thống với quan điểm tách biệt cái bi với cái hài, bi kịch với hài kịch, với các yêu cầu về việc đảm bảo tính duy nhất về hành động và về thời gian…cũng không còn đủ sức để thể hiện những vấn đề mới mẻ và lớn lao đến thế. Chúng ta thấy Sêcxpia chẳng những đã phá vỡ những giới hạn ngặt nghèo, cũ kĩ mà còn sáng tạo ra những biện pháp mới, mở ra những chân trời bao la cho nghệ thuật nói chung.
Sự trộn lẫn giữa cái bi với cái hài trong các vở kịch, mà rõ nhất là trong các tác phẩm Rômêô và Juliet, Hamlet và Ôtelô. Trong vở bi kịch Rômêô và Juliet, ông đã đưa nhiều yếu tố hài, thậm chí đưa hẳn một số cảnh tràn đầy một không khí lạc quan, vui vẻ vào trong đó. Những cảnh có vai nhũ mẫu là một ví dụ. Đây là một nhân vật gần gủi với hài kịch hơn là với bi kịch. Đáng lưu ý hơn nữa là việc ông chăm chút gây dựng bầu không khí rạo rực, ngào ngạt nhựa sống, chất men, nhằm bao bọc, che chở, ủ ấp đôi uyên ương chống lại bầu không khí hận thù đang tìm mọi kẽ hở để ùa vào, đầu độc tất cả. Và nhiều lúc ông đã để cho bầu không khí trong lành kia thắng thế. Như khi đôi uyên ương trao gửi lời hẹn ước dưới trăng hoặc như khi tu sĩ Lôrân làm lễ xe duyên cho họ. Những lúc ấy cái bi đã bị đẩy lùi, nhường chỗ cho một không khí chứa chan niềm vui và hạnh phúc.
Ở Hamlet và Ôtelô thì cái bi với cái hùng, cái cao cả với cái ti tiện được ông thể hiện rất tài tình. Ông thường dẫn dắt nhân vật và tình huống đi trên đường ranh giới vô hình, mong manh mà vẫn tồn tại giữa cái bi với cái hài. Ông đã dẫn nhân vật đi trên con đường chênh vênh ấy mà không hề để chúng sảy chân, vấp ngã hoặc bước nhầm sang phía bên kia. Nhưng vì ranh giới giữa cái bi với cái hài thật quá mong manh nên cho đến nay giới nghiên cứu vẫn đôi khi phân vân tự hỏi: liệu nên xếp vài vở kịch của ông vào thể loại gì, vào bi kịch hay vào hài kịch.
Hamlet là vở bi – hài kịch tiêu biểu nhất của Sêcxpia. Qua xung đột giữa cái tốt và cái xấu đã làm các yếu tố bi – hài lần lượt xuất hiện. Sự thắng thế của cái xấu càng làm tăng thêm tính bi đát, khôi hài của vở kịch, Hamlet, Côđiut…vừa là nhân vật bi kịch, vừa là nhân vật hài kịch. Cái bi – hài của Hamlet toát lên ở chỗ nhân vật mang khát vọng, dục vọng thật lớn lao nhưng kết quả thì không được như ý muốn. Còn cái xấu, cái ác, cái kệch cỡm…phải bị tuyệt diệt thì lại nhởn nhơ tồn tại, lên mặt giáo huấn cái tốt đẹp, nhân văn.
Với Hamlet, có lẽ Sêcxpia muốn tạo nên một vở kịch cân bằng giữa niềm vui và nỗi buồn, như cách nói của Clôđiut. Nhưng cuộc đời thì làm gì có được sự cân bằng đó nên kịch dù được Sêcxpia lồng ghép vào đó nhiều chuyện vui nhưng âm hưởng chung thì lại không như vậy.
Cái hài, về bản chất, là xuất hiện để dùng tiếng cười tống tiễn cái xấu, cái già cỗi, lỗi thời…nhưng ở Hamlet, cái hài lại được dùng để khóc cho sự suy tàn của lý tưởng nhân văn Phục hưng. Có lẽ chính Sêcxpia vẫn ý thức được, chủ nghĩa tư bản, ngay thời kì trứng nước, tuy đã bộc lộ nhiều điểm xấu nhưng không phải không có những mặt tích cực, phù hợp với thời đại. Vậy nên, Hamlet không hề chống lại xu hướng tất yếu của thời đại - sự hình thành tư bản – mà chỉ chống những mặt trái, mặt xấu xa của nó mà thôi.
Trong cuộc sống, cái xấu và cái tốt lẫn lộn, đạo đức và ti tiện, tiếng cười và những giọt nước mắt thường xen lẫn nhau. Để phản ánh cuộc sống đó, Sêcxpia đã vận dụng cả bi kịch và hài kịch và bi kịch lẫn lộn. Sêcxpia đã phá vỡ cái quy tắc rạch ròi vốn tồn tại từ xưa phân biệt bi kịch và hài kịch. Sân khấu của ông là cả thế giới, thế giới trần gian và cả thế giới thần tiên, thế giới địa ngục.
2.4. Nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch
Một phương diện rất đặc sắc khác của nghệ thuật bi kich của Sêcxpia là nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Sêcxpia có biệt tài trong việc chuyển một câu chuyện cũ thành kịch. Muốn làm được công việc này thì phải quan tâm trước hết đến việc tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Ở kịch lịch sử hoặc ở hài kịch, ông cũng đã làm tốt công việc này. Tuy nhiên, đến thể loại bi kịch thì tài năng này càng phát huy hết sức mạnh của ngòi bút ông.
Ở vở bi kịch Hamlet, Sêcxpia đã khéo quy tụ vô khối xung đột, tạo nên tầng tầng lớp lớp mâu thuẫn đan xen, quyện chặt lấy nhau: xung đột cá nhân, xung đột gia đình, xung đột xã hội, xung đột bên trong, xung đột bên ngoài, xung đột đơn (Hamlet – Clôđiut), xung đột kép (Hamlet – Clôđiut – Laơctơ), xung đột bi kịch xen lẫn xung đột hài kịch…Xung đột nào cũng lên tiếng dành quyền nói tiếng nói cuối cùng về phía mình. Do vậy, hiểu Hamlet không phải dễ vào thời nào người đọc cũng đều có cách lý giải, cách hiểu riêng.
Bi kịch Ôtelô được xem là một mẫu mực về phương diện nghệ thuật. Hành động ở đây tuy đơn giản nhưng kết cấu rất chặt chẽ, Sêcxpia đã khai thác triệt để mâu thuẫn và nâng dần kịch tính của tác phẩm lên mức độ cao nhất, căng thẳng nhất. Càng về cuối, hành động kịch càng diễn ra bão táp. Bão táp của cuộc đấu tranh, và bão trong nội tâm mỗi nhân vật, đặc biệt là trong nội tâm nhân vật chính: Ôtelô.
Sêcxpia đã đặt nhân vật của mình vào tình huống bi kịch và dẫn dắt chúng qua các tình huống đầy mâu thuẫn, để chúng đối đầu với các tình huống ấy và đối địch lẫn nhau. Chẳng những thế mà ông còn để chúng tự bộc lộ những mâu thuẫn bên trong của chúng…thì mới thấy hết công phu tạo dựng nên hành động kịch của ông. Tình huống trước làm nảy sinh xung đột, những xung đột này lại làm nảy sinh những mâu thuẫn mới xô đẩy nhân vật vào trong những tình huống mới…cứ thế, lớp mâu thuẫn trước gọi lớp mâu thuẫn tiếp theo. Vì vậy mà hành động trong các bi kịch của Sêcxpia diễn ra như một chuỗi những mâu thuẫn và xung đột căng thẳng, khẩn trương, cuồn cuộn như cơn gió lốc.
Hành động kịch của Sêcxpia duy nhất nhưng không phải là đơn nhất. Bên cạnh hành động chính, ông thường đưa thêm hành động phụ nhằm mở rộng và khoét sâu thêm những mâu thuẫn, khiến cho tấn bi kịch mà ông trình bày càng mở rộng thêm về kích thước, quy mô, càng gay gắt thêm về tính chất, mức độ.
2.5. Nghệ thuật điển hình hoá trong cách xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật
Thành tựu nổi bật nhất, cống hiến xuất sắc nhất của bi kịch Sêcxpia là nghệ thuật điển hình hoá.
Sêcxpia thường đặt nhân vật của ông vào một chuỗi những tình huống đầy mâu thuẫn, phức tạp, do đó mà toàn bộ tính cách của nó được bộc lộ ra hết, bản chất của nó cũng được phơi bày rõ rệt. Trong khi Sêcxpia xây dựng nhân vật, ông rất chú ý đến việc mổ xẻ nó, phân tích cái quá trình diễn biến tâm lý của nó trước mỗi tình huống mà nó gặp phải. Ông quan tâm mô tả không phải chỉ “cái việc mà nhân vật làm” mà đến cả “cái cách mà nhân vật làm” nữa. Chính nhờ vậy mà nhân vật của ông được cá tính hoá cao độ. Trong cái thế giới đông đúc mà ông miêu tả trong kịch của mình, mỗi nhân vật là một cá thể xác định, là “con người này” (chữ dùng của Ăngghen). Nhưng con người đó, với sự đa dạng phong phú, phức tạp trong tính cách của nó, lại không phải là một con người cá biệt, nó phản ánh được tâm lý, tính cách của một kiểu người, một lớp người nhất định. Nói khác đi, nó đã được điển hình hoá. Với Sêcxpia, cái cốt lõi của nghệ thuật điển hình hoá nhân vật chính là nghệ thuật hoá tính cách của nó. Rômêô và Juliet yêu nhau say đắm và thuỷ chung, không được hưởng hạnh phúc dưới ánh mặt trời thì họ sẵn sàng chết cạnh nhau, chết cùng một nơi, cùng một lúc để mãi mãi được gần nhau, chẳng hề đắn đo, lưỡng lự, chẳng mảy may luyến tiếc…Chính vì thế mà mối tình của họ, ngoài ý nghĩa bi kịch của nó, mãi mãi vẫn là một mối tình tuyệt đẹp, nói lên đầy đủ nhất, sâu sắc nhất tình yêu của lứa tuổi vừa mới bước vào đời. Tính cách Hamlet lại thuộc về một dạng khác hẳn. Rất khó “đọc” hết được tính cách này. Nó phức tạp đến mức kì ảo. Hamlet cũng cùng trang lứa với Rômêô, cũng đang yêu. Nàng Ôphêlia cũng có những nét gần gủi với Juliet, nàng yêu Hamlet. Ấy thế mà hai mối tình này lại khác hẳn nhau. Vậy thì cái gì làm nên sự khác hẳn đó? Chính tính cách của họ đã quy định tất cả: tình yêu của họ, những khổ đau của họ, cái chết của họ. Khỏi cần nhắc lại rằng tính cách, dưới ngòi bút của Sêcxpia, chịu sự tác động của hoàn cảnh nhưng cũng không hề thụ động để hoàn cảnh chi phối.
Trong khi xây dựng nhân vât, Sêcxpia luôn luôn chú ý đến hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh chung, tức hoàn cảnh xã hội, đất nước, thời đại lẫn hoàn cảnh riêng, đó là hoàn cảnh gia đình, cá nhân và những mối quan hệ hẹp. Ông không mô tả nhiều cái hoàn cảnh đó, chỉ cần đôi nét tiêu biểu ông nêu bật bản chất. Cái tài tình là chỉ qua một đôi nét khéo chọn đó, ông đã làm nổi rõ vừa cái chung vừa cái riêng.
Như vậy, ông đã xây dựng được hoàn cảnh điển hình. Từ trong hoàn cảnh điển hình đó, đã nảy sinh các tính cách điển hình. Đây chính là sự cống hiến của Sêcxpia cho chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng mà bi kịch của ông đã góp phần chủ yếu. Sêcxpia đã khẳng định được ưu thế của thể loại bi kịch tính cách mà ông đã sáng tạo nên. Ở đây cái bi đã được soi rọi từ thế giới bên trong đầy mâu thuẫn của nhân vật. Nhân vật được tác giả miêu tả trong cấu trúc đa cực mà mỗi cực lại luôn đấu tranh, giằng xé với nhau.
Chủ nghĩa hiện thực của Sêcxpia thể hiện trong việc xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật hết sức sinh động và sắc nét. Nhà văn đã cá tính hoá cao độ nhân vật của mình khiến cho các nhân vật của ông đã là những “con người này” chứ không phải là con người chung mờ nhạt nào. Tuy nhiên không phải vì vậy mà nhân vật của Sêcxpia là một sáng tạo hoàn toàn chủ quan, phi hiện thực.
2.6. Hiệu quả của việc sử dụng nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia
Qua nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia, chúng ta thấy được cống hiến của ông là đã giúp cho con người hiểu thêm sâu sắc chính bản thân nó. Ông không những hiểu biết con người mà còn giúp sáng tạo nên con người cần có cho đương thời và cho cả mai sau. Sêcxpia đã dùng ngòi bút của mình để hành động. Toàn bộ các tác phẩm bi kịch của ông toát lên tư tưởng đó.
Sêcxpia sinh ở buổi giao thời giữa hai chế độ. Chế độ phong kiến trung cổ đã tàn nhưng gốc rễ của nó vẫn bám sâu vào đời sống xã hội. Chế độ tư bản chưa được xác lập nhưng thế lực của nó đã toả rộng đến tận các ngõ ngách của xứ sở, quốc gia…Nhà nhân văn chủ nghĩa tiên tiến Sêcxpia, đứng về phía con người, phía nhân dân, đã lên tiếng tố cáo mọi thế lực đen tối đó. Sêcxpia đứng trên lập trường thống nhất quốc gia, ủng hộ nền quân chủ chuyên chế, đã lên án mọi mưu toan chia rẽ đất nước, lôi kéo nước Anh trở về tình trạng chia cắt phong kiến ngày xưa, dìm nước Anh trong vòng lửa máu. Lên án chế độ phong kiến dưới ngòi bút của Sêcxpia một mặt là lên án những kẻ đại diện cho chế độ đó, mặt khác ông còn là lên án nền đạo đức, luân lý của nó. Tình yêu dưới ngòi bút của ông trở thành một sức mạnh vô địch. Vai trò của người phụ nữ, họ là những hình tượng hết sức tươi sáng trong tác phẩm của Sêcxpia. Ý chí đấu tranh của họ, tài tình của họ nhiều khi vượt hẳn nam giới.
Trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến trung cổ, Sêcxpia còn đả kích vào nền học thuật của chế độ đó. Sêcxpia không chỉ tấn công vào chế độ phong kiến lỗi thời. Sức sống của Sêcxpia còn mãnh liệt hơn nữa ở thiên tài “vung ngọn giáo” bóc trần lớp sơn hào nhoáng bịp bợm của chủ nghĩa tư bản ngay từ lúc nó vừa mới ra đời. Xuất phát từ quan niệm: “Mục đích của nghệ thuật sân khấu, trước kia cũng như ngày nay đều thế cả, là giơ cao một tấm gương ra trước tự nhiên để phản ánh bộ mặt thật của thời đại mình sao cho thật đúng hình dáng và đặc điểm của nó, mặt tốt cũng như mặt xấu của nó, những đòi hỏi bức thiết của nó”. Sêcxpia đã phanh phui ra ánh sáng một thời đại mà ông lên án là “đảo điên, tan tác”, một thế giới mà ông tố cáo là “một thế giới nhà tù” trong đó Đan Mạch của Hamlet (ám chỉ nước Anh của ông) là “nhà tù đen tối nhất”. Tuy nhiên, giữa thời đại đảo điên ấy, trong cái thế giới nhà tù ấy, giữa cái xã hội nhà tù ấy, vẫn có những con người xứng đáng với danh hiệu Con người – như Hamlet – đã dũng cảm chiến đấu để “xây dựng lại cho nó ngay ngắn, vững vang” để giành lại Tự do và lập lại công lý, dù biết rằng mình có thể phải hy sinh.
Lên án chế độ phong kiến, tố cáo chủ nghĩa tư bản, Sêcxpia đã tấn công quyết liệt vào những thành kiến phản động về màu da, về chủng tộc. Nhà văn vĩ đại trân trọng các dân tộc, các chủng tộc. Sêcxpia còn có cái nhìn vào quần chúng tiến bộ. Ông đã phần nào mô tả được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Những người thị dân, thợ thủ công, lái buôn, nông dân…trong các vở bi kịch của Sêcxpia tuy hầu hết các vở bi kịch vẫn ở bình diện thứ hai, nhưng tiếng nói của họ quả là thước đo của công lý, của chính nghĩa. Quan điểm nhân dân này còn thể hiện trong các vai hề. Chính họ là hiện thân của tâm lý sống lành mạnh và tài trí của nhân dân. Chính vì vậy mà Huygô gọi Sêcxpia là “con người đương đại”, Bêlinxki đã không tài nào ngăn nổi xúc cảm khi ông thốt lên: “Sêcxpia thần thánh và vĩ đại, Sêcxpia không một ai sánh kịp kia đã ôm lấy cả địa ngục, trần gian và thiên đường. Như một chúa tể của Tự nhiên, ông đã bắt cả cái thiện và cái ác phải triều cống cho mình và trong cái nhìn đầy cảm hứng, ông đã nghe đập nhịp mạch của vũ trụ. Mỗi vở kịch của ông là một vũ trụ thu nhỏ lại…”.
Tóm lại, qua nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia có thể khẳng định rằng: Sêcxpia chính là một nhà nhân đạo chủ nghĩa sáng ngời của thời đại Phục hưng. Vì thế mà nhân loại tiến bộ ngày nay càng trân trọng những đóng góp thiên tài của ông.


C. PHẦN KẾT LUẬN
Sự nghệp sáng tác của Sêcxpia thật là vĩ đại. Hiếm có nhà soạn kịch nào mà lại có nhiều tác phẩm tường tồn như ông. Đặc biệt là đối với “nghệ thuật bi kịch”. Ở địa hạt này ông là đỉnh cao chót vót. Sêcxpia đã để lại một loại bi kịch vĩ đại nhất trong văn học nhân loại về trình độ sâu sắc của tư tưởng, kịch tính của hành động cũng như về trình độ hiện thực của nhân vật. Nó phản ảnh một cơn khủng hoảng sâu sắc và toàn diện tư tưởng của một thời đại. Trước hết, đó là cơn khủng hoảng của ý thức hệ văn hoá trung cổ trước sự tấn công của tư tưởng nhân đạo. Nhưng lúc thế giới phong kiến chấm dứt vĩnh viễn ở thế kỷ XVII cũng là lúc chủ nghĩa nhân đạo lâm vào tình trạng bi kịch. Lý tưởng giải phóng cá nhân để hưởng thụ cuộc sống đã tan vỡ trước một tiêu chuẩn mới của cuộc sống: đó là cuộc chạy đua điên cuồng theo lợi nhuận, giẫm đạt lên tất cả những giá trị mà chủ nghĩa nhân đạo đã từng nêu lên: con người, tự do, hạnh phúc cá nhân.
Ra đời trong một không khí chính trị xã hội oi bức và ngột ngạt lúc bấy giờ, khi mà con người phải đối mặt với biết bao là cám dỗ, xáo trộn. Bị kịch của Sêcxpia không những đã phản ánh không khí hận thù ghê tởm về tôn giáo, sắc tộc, màu da, về đẳng cấp…và các tệ nạn xã hội phức tạp thời Phục hưng, mà Sêcxpia còn phản ánh được những trăn trở trước những lo lắng của con người khi phải đối mặt với những xu thế phát triển đi lên của tư bản trong nước Anh nói riêng và của Châu Âu nói chung lúc bấy giờ.
Yêu thương con người, yêu thương đồng loại trước hết là yêu thương nhân dân mình, yêu mẹ cha, yêu anh chị em, yêu bạn bè, ông lên án những kẻ nào chà đạp lên những tình cảm đó, ông ca ngợi những ai vun đắp cho tình cảm đó đơm hoa kết trái. Đặc biệt, ông ngợi ca tình yêu nam nữ. Theo ông đó là sức mạnh có khả năng chinh phục hết thảy, kể cả hận thù, đẩy lùi cái chết. Đó cũng là đôi cánh nâng con người bay cao, bay xa. Ông ca ngợi trí tuệ con người, những khả năng vô tận của nó. Ngược lại ông lên án những thế lực đen tối kìm hãm con người trong ngu dốt, trong những tín điều và giáo điều cũ kĩ lỗi thời, phản chân lí.
Vì vậy, những giá trị “nghệ thuật bi kịch” mà Sêcxpia tạo ra thông qua các vở bi kịch có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ tới xã hội trong thời kì ông sống mà còn mãi về sau này. Những nhà văn tiến bộ đương thời và các nhà văn sau này học tập rất nhiều ở Sêcxpia. Ben – Giônxơn đã đánh giá cao sự ảnh hưởng này: “Sêcxpia không chỉ thuộc về nước Anh mà ông thuộc về mọi thời đại”. Mác và Ăng ghen cũng động viên mọi người nên “học tập theo Sêcxpia”, nên sáng tác theo kiểu “Sêcxpia hóa”, vì “nghệ thuật bi kịch” của Sêcxpia thể hiện một tầm vóc khái quát lớn lao và một chiều sâu đặc biệt nhận thức, lí giải và lĩnh hội con người và cuộc đời của nó. “Nghệ thuật bi kịch” mà Sêcxpia tạo ra đã làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp hơn. Có thể khẳng định rằng: Sêcxpia đã chinh phục được trái tim của chúng ta và mãi mãi chinh phục mọi trái tim trên hành tinh này.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Huy Bắc (2004), Phê bình - Lí luận văn học Anh – Mỹ, Tập 1, Nxb GD
2. Đặng Thế Bính (dịch) (1984), Rômêô và Juliet, Nxb Ngoại văn, HN.
3. Minh Chính (2002), Văn học Phương Tây giản yếu, Nxb ĐHQG, TP.HCM.
4. Lê Nguyên Cẩn (biên soạn) (2006), Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường- Uyliam S êcxpia, Nxb ĐHSP.
5. Trần Duy Châu (1979), Lịch sử văn học Phương Tây, Nxb GD.
6. Đặng Anh Đào (2007), Văn học Phương Tây, Nxb GD.
7. Nhiều tác giả (2004), Văn học Phương Tây, Nxb Giáo dục.
8. Lê Bá Hán (chủ biên), (2007), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Văn học
9. Hoàng Mạnh Hùng, Nguyễn Trung Hiếu (1994), Văn học nước ngoài, Nxb Trường CĐSP, Nghệ An.
10. Nguyễn Quốc Hùng (1989), Hamlet – Hoàng tử xứ Đan Mạch, Nxb ĐH và THCN.
11. Viện ngôn ngữ học (2002), Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb, TP.HCM.
12. Viện Văn học (1999), 40 năm tạp chí Văn học 1960-1999- Văn học nước ngoài, Nxb Giáo dục.
13. Bùi Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng (dịch) (1986), Hamlet – Bi kịch năm hồi, Nxb Văn học.
14. Trần Anh Kim – Phúc Vĩnh Trọng (dịch) (2006), Ôtelô (Bi kịch năm hồi), Nxb, Hải Phòng.
15. Cao Hùng Linh (dịch) (2006), Lịch sử văn học Anh quốc, Nxb Văn hóa thông tin.
16. Đức Nam, Hoàng Oanh, Hải Dương (dịch) (1977), Lịch sử sân khấu thế giới, Nxb Văn hóa, HN.
17. Vũ Đình Phong (1984), Kể chuyện Sêcxpia, Nxb Thanh Niên.
18. Tủ sách CĐSP (1994), Văn học nước ngoài, tập 2, Nxb GD.
19. Vũ Tiến Quỳnh (1999), Phê bình-Bình luận Văn học, Nxb Văn nghệ, TP.HCM.
20. Vũ Anh Tuấn (chủ biên), (2006), 101 vẻ đẹp văn chương Việt Nam và thế giới, Nxb Văn hóa thông tin.
21. Hồ Tôn Trinh (2005), Tác giả văn học Việt Nam và Thế giới, Nxb Từ điển Bách Khoa.
22. Lưu Đức Trung (2007), Giáo trình văn học thế giới, tập1 , Nxb Giáo dục.




MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3. Mục đích nghiên cứu
5. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
4. Phương pháp nghiên cứu
6. Cấu trúc tiểu luận
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1 : NHẬN DIỆN VỀ NGHỆ THUẬTBI KỊCH
1.1. Nghệ thuậtbi kịch dưới góc nhìn văn học
1.2. Nghệ thuậtbi kịch trong sáng tác của Sêcxpia
1.3. Sêcxpia – Nhà soạn kịch tài ba
1.4. Bi kịch - Đỉnh cao về sáng tạo nghệ thuật của Sêcxpia
CHƯƠNG 2 : NGHỆ THUẬT BI KỊCH CỦA SÊCXPIA.
2.1. Sêcxpia có biệt tài trong việc chuyển những câu chuyện cũ thành kịch đầy sáng tạo
2.2. Những khám phá, phát hiện và dự báo thiên tài của bi kịch Sêcxpia
2.3. Sự trộn lẫn giữa cái bi với cái hài trong bi kịch Sêcxpia
2.4. Nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch
2.5. Nghệ thuật điển hình hoá trong cách xây dựng và thể hiện tính cách nhân vật
2.6. Hiệu quả của việc sử dụng nghệ thuật bi kịch của Sêcxpia
C. PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top