T
Tuyền Nguyễn
Guest
Nghệ thuật, đâu là giá trị đích thực?
Những năm gần đây, chúng ta không được nhận nhiều đánh giá của thế giới về văn học nghệ thuật Việt Nam, bởi một thực tế là trong ba thập kỷ qua chưa có một tác phẩm xuất sắc nào gây tiếng vang cho khu vực cũng như quốc tế. Thực tế đó nói lên điều gì?
Bề nổi chỉ là giá trị ảo.
Trong một lần giao lưu cách đây không lâu, một số văn nghệ sĩ - được bạn nghề đánh giá cao - đã rất cởi mở trao đổi với tôi về giá trị của nghệ thuật trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Hầu hết trong số họ đều nhất trí cho rằng nghệ thuật đích thực bây giờ khó nhìn thấy hoặc không có nhiều để cho ta thấy nữa. Nếu muốn tìm những tác phẩm có giá trị thực sự thì không thể tìm nổi ở những triển lãm (dành cho tranh, ảnh) hay ở tạp chí, báo, internet (dành cho tác phẩm văn học). Xem ra họ rất có lý.
Ví dụ, một nhà nghiên cứu lịch sử nọ thường xuyên xuất hiện ở những hội nghị quan trọng cấp quốc gia, trên các kênh truyền hình, thậm chí hình ảnh của ông gần như tháng nào cũng có mặt không ở tờ báo này thì ở tờ báo kia lại không được bạn nghề đánh giá cao bởi lý do rất dễ hiểu: Vì ông không có công trình đáng giá nào được độc giả, bạn nghề ghi nhận nên việc ông tự tạo cho mình một vầng hào quang - giá trị là điều đương nhiên, việc này giống như những người đàn ông có tâm hồn yếu đuối thường tự trang trí cho mình một bộ râu quai nón gầm ghì, cách ăn nói bặm trợn tạo cảm giác dữ tợn để thấy mình tự tin hơn trước đám đông.
Còn những văn nghệ sĩ thực sự muốn sống để cống hiến cho đời đâu có đủ thời gian tự PR cho hình ảnh của mình? Họ không khi nào lãng phí thời gian để làm cái việc PR vô bổ đó mà dồn hết tâm huyết trong cái xó xỉnh nào đó vừa tối tăm, vừa thiếu thốn điều kiện (đa số VNS chân chính đều nghèo) để nung nấu, trau chuốt cho đứa con tinh thần của mình mà sau này là đứa con tinh thần của xã hội ra đời. Do vậy, các văn nghệ sĩ nói đùa rằng, muốn thấy một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì hãy ghé tận sân nhà nghệ sĩ chân chính mới mong tìm được.
Mặt bằng cảm thụ nghệ thuật ngày càng thấp
Nhưng nói cho công bằng, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị ngày càng ít đi cũng bởi lẽ mặt bằng cảm thụ nghệ thuật của dân ta ngày càng thấp và dễ dãi quá chăng? Chắc chắn chúng ta không phải thiếu những văn nghệ sĩ tài năng, nhưng đôi khi để tồn tại được, họ (VNS) phải hạ thấp mình để làm vừa lòng đại đa số lượng độc giả, khán giả thiếu trình độ cảm nhận, thừa khả năng tài chính mua hoặc điều khiển tác phẩm của họ. Hơn nữa xã hội nào chẳng thế? Văn nghệ sĩ cũng là con người, họ cũng có vợ, chồng, con cái và phải sống cho cuộc đời của chính họ. Bởi họ giống người bình thường thì đương nhiên cũng chẳng có gì đáng nói. Có đồng chí họa sĩ ABC nào đó còn lý giải cho việc không thành công ở tác phẩm của mình bằng một câu đại loại như “tại vợ tớ nó kiếm tiền giỏi quá, sống trong sung sướng thì làm sao mà có tác phẩm hay được?”. Tôi cho rằng đây là một câu nói vui, còn nếu nói thật thì chẳng qua cũng là một câu nói bao biện hết sức tầm thường. Chúng ta đều biết có rất nhiều nghệ sĩ xuất thân từ tầng lớp quí tộc, giàu có mà họ vẫn có những tác phẩm để đời đấy thôi. Số văn nghệ sĩ ít ỏi còn lại không chịu hạ thấp mình để cho bằng với mặt bằng dân trí thì mới là những người đáng để chúng ta nghiêng mình kính trọng. Những văn nghệ sĩ này dám vượt qua cái gọi là tầm thường “cơm áo gạo tiền” để sống và làm việc đích thực đời nghệ sĩ - hết lòng vị nghệ thuật. Họ đã vượt được cái ngưỡng mà không phải người nghệ sĩ nào cũng làm được, góp phần nâng cao mặt bằng cảm nhận nghệ thuật lên cao hơn. Dù mong manh nhưng vẫn là một việc có ích.
Đâu là giá trị đích thực?
Những năm gần đây, chúng ta không được nhận nhiều đánh giá của thế giới về văn học nghệ thuật Việt Nam bởi một thực tế là trong ít nhất ba, bốn thập kỷ qua chưa có một tác phẩm xuất sắc nào gây tiếng vang cho khu vực cũng như quốc tế. Thực tế đó nói lên điều gì?
Điều đó nói lên rằng, hầu hết các tác phẩm hiện nay đều do kỹ nghệ và phương tiện lăng xê thái quá. Đến nỗi người đọc, người xem như bị tung hỏa mù, không thể biết đâu là thật, đâu là giả. Ngay cả những người có trình độ cao, bản lĩnh vững vàng đôi khi cũng phải tự phân vân không biết mình đánh giá tác phẩm ấy có đúng không nữa. Tác phẩm văn học thì mới chỉ chạm ở mức kể lại hiện tượng mà chưa đi đến tận cùng sâu xa hiện thực cuộc sống, còn tác phẩm hội họa, điêu khắc thì dường như cũng na ná như vậy, hời hợt, vay mượn ý tưởng, thiếu sâu sắc… Mà như vậy thì còn khuya mới có thêm những “Tắt đèn”, “Bước đường cùng” hay “Bỉ vỏ” - trong lĩnh vực văn học, “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Phố cổ Hà Nội”, “”Kim Vân Kiều” - trong lĩnh vực hội họa v.v…
Nhiều tác phẩm và tác giả hiện nay nổi như cồn nhờ báo chí, nhờ internet, nhờ các mối quan hệ… đó chính là cái mà tất cả chúng ta (độc giả, khán giả và tác giả) đều phải cùng nhau nhìn nhận lại. Chính tác giả được lăng xê cũng đâm ra ảo tưởng không hề biết sự lăng xê đang vô tình biến thành con dao hai lưỡi, giết chết sức sáng tạo của mình, làm cho mình mê muội với thứ hào quang ảo. Với cung cách như vậy, tác phẩm chỉ có giá trị ở bề nổi, dài lắm cũng chỉ được vờ ghi nhận khi tác giả đang sống mà thôi. Làm sao phải được như họa sĩ Van Gogh (người Hà Lan) hay như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng (Việt Nam) khi sống thì không ai biết mấy, nhưng khi họ qua đời các tác phẩm của họ sáng chói và có giá trị bền vững. Đó mới gọi là nghệ thuật giá trị đích thực, là cái đích để chúng ta hướng tới.