Nghe sư trưởng 304 kể chuyện "tiến về Sài Gòn"
Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, quân đoàn 2 đã bước sang tuổi 83. Tuổi già, sức khỏe cũng đã yếu, nhưng khi kể về câu chuyện của những ngày tháng oanh liệt của 35 năm về trước, lòng ông chộn rộn đến lạ. Ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chuyện những ngày vào Sài Gòn lúc giải phóng mà ông lúc đó là người chỉ huy và cũng là 1 người lính bình dị.
Trung tướng Nguyễn Ân
Chiếm căn cứ Nước Trong
Quân địch sau khi thất thủ ở Huế đã dồn 10 vạn quân về Đà Nẵng. Trước khi quân ta tấn công vào đây, tên tướng địch Ngô Quang Trưởng đã tuyên bố tử thủ tại Đà Nẵng. Nhưng khi quân ta tấn công, hắn đã co giò chạy ra tàu chiến bỏ trốn, bỏ lại hơn 10 vạn quân như rắn mất đầu. Ngày 29 quân ta đã giải phóng Đà Nẵng.
Trong những ngày đóng ở Đà Nẵng thì Quân đoàn 2 nhận được lệnh của Quân ủy Trung Ương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bấy giờ cả quân đoàn chuẩn bị lương thực, vũ khí, phương tiện, đi dọc theo Quốc lộ 1 tiến quân. Cả đoàn hơn 3 vạn quân và khoảng 600 xe, dài đến 5 - 6km, lừng lững hành quân từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Trên đường hành quân, quân đoàn nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Trong lúc này, ai còn do dự thì có tội với đất nước, với nhân dân”.
Dọc đường đi, tàu chiến và máy bay của địch thường xuyên bắn chặn. Đến Phan Rang thì gặp tuyến phòng thủ bên ngoài của Sài Gòn. Quân đoàn lúc đó còn lữ 203 xe tăng, sư đoàn 304, 325. Đánh quân Ngụy ở Phan Rang trong mấy ngày thì bọn chúng tan vỡ. Đến ngày 23, quân đoàn triệu tập các sư trưởng và chính ủy lên để giao nhiệm vụ. Sư đoàn 203 nhận nhiệm vụ đánh vào văn cứ Nước Trong.
Trung tướng Nguyễn Ân, lúc đó là Sư đoàn trưởng nhận lệnh với không ít lo lắng. Cả sư đoàn gồm toàn lính từ ngoài Bắc vào, không biết gì về địa hình ở khu vực, cũng không có người dẫn đường, chỉ biết nhận lệnh qua bản đồ. Nhận lệnh ngày 23, thì ngày 26 đã phải nổ súng rồi. Nhưng rất may, tối 23 thì trinh sát của quân ta vớ được tù binh của địch, bắt nó dẫn đến vị trí căn cứ Nước Trong.
Căn cứ Nước Trong nhưng thực tế là không hề có nước. Sư đoàn phải đóng quân chỗ sông Buông, cách căn cứ 5km. Khi trinh sát nắm được địa hình của địch thì quân ta bắt đầu tổ chức tấn công. Khi đó Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 đã kết hợp với Lữ 203 xe tăng lấy ở quân đoàn làm binh đoàn thọc sâu. Lúc đó trong tay Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân chỉ còn có 2 trung đoàn, phải đánh vào căn cứ Nước Trong rất kiên cố. Trước tình thế cấp bách, ban chỉ huy vừa tổ chức trinh sát lại vừa giao nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến luôn trên thực địa.
Pháo binh, xe tăng của ta đánh hơn 1 tiếng đồng hồ thì đập tan căn cứ Nước Trong. Nhưng lúc đó, tên Trung tướng Nguyễn Văn Toàn của địch đã lập tức điều 2 thiết đoàn ra phản kích. Quân ta phải đánh từ 27/4 - 28/4 mới đánh tan 2 thiết đoàn gồm toàn xe tăng, xe bọc thép của địch. Sáng 29 mở được đường, đến được Ngã 3 đường 15. Đi đến cầu Sông Buông bị địch phá cầu. Toàn bộ quân ta phải dừng lại để tổ chức chiến đấu. Vừa đánh để giãn địch, vừa cho sửa cầu, gần 2 tiếng mới sửa được xong. Sửa xong cầu, binh đoàn thọc sâu đi trước, đến cầu Xa Lộ (Đồng Nai). Lúc đó gặp Trung đoàn đặc công 116, cùng đánh chiếm cầu Xa Lộ. Vượt qua cầu Xa Lộ, đi đến Thủ Đức, thì quân ta lại gặp ngay địch đánh chặn. Quân ta phải dùng 1 trung đoàn để đánh lại. Toàn bộ sư đoàn và xe tăng thiết giáp vừa đi vừa bắn, đến thẳng cầu Sài Gòn.
Đến cầu Sài Gòn, địch bố trí lực lượng chặn không cho ta tiến công. Quân ta đã điều pháo binh bắn thẳng, đánh tan quân địch ở đây. Vượt qua cầu Sài Gòn cũng là lúc địch bị tiêu diệt gần hết.
Vào Sài Gòn ngày giải phóng
Vào đến Sài Gòn, đoàn quân gặp khó khăn vì không biết đường sá. Đến bên kia cầu Sài Gòn thì rất may là gặp ngay biệt động và dân Sài Gòn, họ dẫn đường vào Dinh Độc Lập. Trên đường đi, dân kéo ra vô cùng đông đúc, chật hết đường, chỉ vừa xe đi. Có nhiều người có cờ giải phóng mang ra phất. Dân hô vang: “Hòa bình rồi, chiến tranh không xảy ra trong thành phố”. Đó cũng là nguyện vọng lớn của dân Sài Gòn. Vì như chúng ta đã biết, nếu đánh nhau trong thành phố mức độ thiệt hại sẽ to lớn như thế nào.
Nhớ lại những thời khắc ấy, Trung tướng Nguyễn Ân hài hước kể: “Lúc ấy tôi đi chiếc xe jeep mui trần lấy được của địch. Đi trên đường, nhiều người dân đã chen nhau sờ vào tay tôi và nói: “Đ…m thằng Ngụy. Thế này mà chúng nó lại bảo Việt Cộng đói, khát đến nỗi bám cành đu đủ không gãy. Tại sao mà Việt Cộng mập và đẹp trai thế này”. Lúc đó tôi nặng 72kg cơ mà”.
“Vào đến dinh độc lập, xe tăng và trung đoàn đã vào trước rồi. Lúc đó các nhà báo nước ngoài nhảy cả lên xe tăng chụp ảnh, quay phim. Tôi ra lệnh mời các nhà báo đó xuống. Ai ngờ tất cả bọn họ đều biết tiếng Việt. Họ giới thiệu và xin chúng tôi cho phép được quay phim, chụp ảnh để làm tư liệu về cuộc đấu tranh vĩ vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.” - Trung tướng Nguyễn Ân kể tiếp.
Trung tướng Nguyễn Ân trong những ngày chỉ huy chiến dịch, từ ngày 23 cho đến ngày 30/4 không hề ngủ 1 giấc nào. Thỉnh thoảng trên đường cũng chỉ chập chờn ngủ được trong tích tắc. Ăn cũng chỉ toàn ăn lương khô với 1 chút nước ít ỏi. 7 ngày đêm liên tục như thế. Cho đến chiều 320/4 bàn giao dinh Độc Lập cho quân đoàn 4, Trung tướng Ân mới được ăn 1 bát mì ruột gà và được…tắm.
Bảy ngày đêm không tắm, trong chiến dịch đất cát bắn đầy lên người. Đến khi được tắm ở hầm tắm của Bộ nội vụ. Bao nhiêu đất cát, khói bom, thuốc súng bám vào cơ thể trong 7 ngày thì đến bây giờ mới được gột bỏ. Tắm xong, Trung tướng Ân ngủ 1 giấc đầu tiên sau những ngày tháng chiến đấu gian khổ. Ngủ đến 2, 3 giờ sang, dân khắp nơi hô vang: “Hòa bình muôn năm, độc lập muôn năm”. Trung tướng Nguyễn Ân bừng tỉnh, phải mất 1 lúc ông mới định hình lại là mình nằm ở đâu và cảm nhận hương vị chiến thắng lâng lâng, tràn ngập con tim.
Nguồn: Internet