Ngày Tết: sai lầm nào cần tránh?

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Chỉ có mấy ngày Tết mà người tăng cân “vèo vèo”, người lo sút ký, người lại sợ phát sinh đủ thứ bệnh tật... Nguyên do là từ những thói quen không tốt: đi chơi quên bữa; tích trữ quá nhiều thực phẩm, có khi đến rằm cũng chưa ăn hết; dùng nhiều rượu bia, nước ngọt, bánh mứt; ăn nhiều món ngon trong một bữa…


Theo BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2, có 3 sai lầm lớn mà chúng ta cần tránh trong dịp Tết là:

anuong2.jpg

1. Kết hợp các món ăn chưa hợp lý

Vì sao chưa hợp lý? Đó là do việc hấp thu quá nhiều chất bột đường: có bánh chưng nhưng vẫn thêm cơm, bún, miến, rồi bánh mứt, kẹo, nước ngọt… dẫn đến dư bột đường.

Ngoài ra, còn do dung nạp quá nhiều chất đạm (vừa có thịt heo, thịt bò, thịt gà , giò chả, lại vừa có thêm hải sản); thừa dầu mỡ, chất béo do nhiều món chiên xào cùng lúc; quá nhiều muối do những món dưa muối mặn, thực phẩm chế biến sẵn trong khi lại thiếu rau và trái cây.

Cách khắc phục:

Chọn món ăn vừa phải, xoay vòng để thưởng thức nhiều món, hạn chế chiên xào và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nên tăng phần thủy hải sản thay vì dùng thịt.

Chọn những món ăn có nhiều rau như: cá hấp cuốn rau, salad, lẩu nấm, lẩu hải sản rau, gỏi.

Ăn trái cây, rau củ nhiều hơn. Chọn nước trái cây không đường hay nước lọc thay cho nước ngọt để hạn chế bớt đồ ngọt.

Rượu bia chỉ dùng thật hạn chế để khai vị.

2. Bố trí bữa ăn ngày Tết chưa phù hợp

Lưu ý tránh trường hợp bỏ bữa. Với người già và trẻ em, nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế (1 hộp sữa cung cấp năng lượng tương đương với 2/3 chén cơm vừa: khoảng 150 kcal).

Đối với trẻ nhỏ, có thể cho trẻ ăn cháo nấu với chà bông, trứng, phô mai, thịt, cá… hoặc thay bằng bún, miến, phở, bột, bánh mì, các loại bánh… Cứ 1 chén bột hay cháo khoảng 200ml cung cấp 100-200 kcal. Nếu sợ mất nhiều thời gian, các bà mẹ nên chuẩn bị trước cháo trắng rồi cho trẻ ăn kèm cháo với đồ ăn nấu chín sẵn ở ngoài.

Đừng để xảy ra tình trạng đói quá hay no quá, cần ăn đủ no, không ăn cố, tận dụng nguồn rau và trái cây vì nguồn thực phẩm này chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, đồng thời giảm trừ bớt độc tố cho cơ thể.

3. Tích trữ quá nhiều thức ăn:

Thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh thì càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn. Nhưng, vi khuẩn có thể ồ ạt hoạt động trở lại ngay khi nhiệt độ tăng lên. Việc tái đông thực phẩm làm cho quá trình hư hại tăng lên gấp nhiều lần. Nếu rã đông thực phẩm bằng cách để thực phẩm ở nhiệt độ bình thường trong vài giờ, vi sinh vật hoạt động lại sẽ phá hoại thực phẩm.

Cách khắc phục:

Chỉ nên trữ vừa đủ dùng, chia thức ăn thành nhiều gói nhỏ để có thể dùng hết sau khi rã đông. Sau khi mua thực phẩm về, cần rửa sạch và làm lạnh nhanh để tránh hư hại.

Hạn chế tích trữ các loại thức ăn chế biến sẵn như: mứt, dưa, đồ khô, giò chả... Những thực phẩm này thường tẩm ướp nhiều các hóa chất không có lợi cho sức khỏe, nhất là với người bị bệnh gan, thận, đái tháo đường (như: các chất bảo quản, hàn the, thuốc diệt nấm mốc, phẩm màu công nghiệp…), quá nhiều muối hay đường. Nên tận dụng nguồn thức ăn tươi sống.

Việc làm khô thực phẩm cũng cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh. Chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và dán tem đảm bảo chất lượng.

Theo PNO.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top