Ngày sinh Các Mác

nucuoixaydung

New member
Xu
0
[h=2]
Ngày sinh Các Mác
[/h]

Ngày 5-5-1818, Các Mác (Karl Marx) ra đời tại thành phố Tơ- ri- a cổ kính nằm bên dòng sông Mô-den, một nhánh của sông Ranh nổi tiếng. Ông cụ thân sinh của Mác là Hen-rích- Mác, một luật sư có tầm hiểu biết rộng lớn, có tài năng về tư pháp và phẩm cách liêm chính, được mọi người tôn kính. Trong những ngày còn ở trường trung học, Các Mác đã bộc lộ tư chất thông minh, ý chí tự lập và khả năng sáng tạo đầy hứa hẹn. Trong bài luận văn tốt nghiệp viết năm 17 tuổi, ông đã xác định sự nghiệp và hạnh phúc của mỗi con người mới không còn là ích kỷ, hạn chế và đáng thương, mà trái lại, nó sẽ trở thành hoàn thiện và vĩ đại.

Thời gian học tập ở trường đại học (1835-1841) của Mác thật là sôi nổi, khẩn trương và có ý nghĩa quan trọng đối với kho tàng trí thức và tài năng xét đoán của ông. Với trí thông minh và đức tính cần cù, ông đã nghiên cứu sâu sắc các vấn đề triết học, luật pháp, kinh tế, lịch sử và nhiều bộ môn khoa học khác. Ông tham gia các nhóm nghiên cứu, các câu lạc bộ triết học, các cuộc tranh luận học thuật trong giới bác học Đức. Kiến thức phong phú, sức mạnh lô- gích, tính chất sâu sắc và triệt để trong các kết luận của ông không những đã thuyết phục người nghe mà còn làm cho nhiều người bạn hữu tỏ lòng ngưỡng mộ. Một người bạn đã kể về Mác như sau: "Tiến sĩ Mác- đó là thần tượng của tôi- là một người hãy còn rất trẻ (ông ta chưa chắc đã đến 24 tuổi). Ông ta sẽ đánh đòn cuối cùng vào tôn giáo và chính trị thời trung cổ, trong con người ông ta có một sự nghiêm túc triết học sâu sắc kết hợp với một sự hóm hỉnh hết sức tinh vi. Anh hãy hình dung là Rút-xô, Vôn-te, Hôn-bác, Lét-xinh, Hai- nơ và Hê-ghen (Tên các danh nhân của thế kỷ 18 và 19 ở châu Âu) đã kết hợp vào trong một con người; tôi nói kết hợp chứ không phải hỗn hợp một cách máy móc- và như vậy, anh sẽ có một quan niệm đầy đủ về tiến sĩ Mác".

Thời gian lịch sử có ý nghĩa quyết định đối với lập trường cách mạng của Mác là từ năm 1841 đến 1847. Từ những bài viết trên "Báo sông Ranh" mang nội dung dân chủ sâu sắc đến những công trình phê phán triết học Hê-ghen trên "Niên giám Pháp- Đức", Các Mác đã kết hợp làm một, nhiệt tình sôi sục của người chiến sĩ cách mạng với sự phân tích khoa học của nhà nghiên cứu. Ông kịch kiệt phản bác những quan điểm duy tâm và siêu hình của triết học Đức khi đó, dứt khoát chuyển sang chủ nghĩa duy vật, xây dựng cơ sở triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Từ lập trường dân chủ, ông đứng hẳn sang lập trường cộng sản chủ nghĩa Ông đi đến kết luận thiên tài về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và từ đó, ông giành trọn sự nghiệp mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản toàn thế giới. Cuộc gặp gỡ giữa Mác và Ăng-ghen ở Pa-ri (1844) đã nhân gấp bội sức mạnh đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, mở đầu sự nghiệp chiến đấu vĩ đại của giai cấp vô sản mà tên tuổi của hai ông gắn bó bên nhau hầu như hòa làm một vậy. Kết quả của sự cộng tác đó là việc hoàn thành các tác phẩm "Gia đình thần thánh", "Hệ tư tưởng Đức"... nhằm trình bày một cách hệ thống những quan điểm cơ bản về chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1848, công trình do hai ông soạn thảo là "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" được xuất bản lần đầu tiên ở nước Anh. Tuyên ngôn là một văn kiện bất hủ của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tuyên ngôn ra đời đánh dấu sự hình thành của học thuyết Mác như một học thuyết cách mạng hoàn chỉnh của giai cấp công nhân. Khẩu hiệu của tuyên ngôn: "Vô sản tất cả, các nước đoàn kết lại!" trở thành tiếng kèn xung trận giục giã giai cấp công nhân toàn thế giới tiến lên đấu tranh giải phóng khỏi mọi xiềng xích áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản.

Thực tiễn của phong trào cách mạng năm 1848 đã kiểm nghiệm tính chính xác của những nguyên lý mác-xít. Từ đó, Mác đã đúc kết kinh nghiệm đấu tranh trong hai tác phẩm mẫu mực "Đấu tranh giai cấp ở Pháp" và "Ngày 18 tháng Sương mù của Lu-y Bô-na-pác-tơ". Đồng thời, Mác đấu tranh không khoang nhượng chống lạI các trào lưu cơ hội chủ nghĩa đang gây tác hạI trong phong trào công nhân. Cùng với Ăng-ghen và nhiều đồng chí khác, Mác đã tập hợp các lực lượng cách mạng và tiến bộ của giai cấp công nhân các nước trong một tổ chức chung. Năm 1864, "Hội liên hiệp giải phóng lao động" tức Quốc tế thứ nhất ra đời đã thực hiện việc truyền bá rộng rãi học thuyết mác-xít trong công nhân, đặt nền tảng vững chắc cho phong trào công nhân quốc tế.

Các Mác đã giành hàng chục năm trời để nghiên cứu quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản, vạch trần quan hệ bóc lột giữa chủ và thơ trong xã hội đó. Quyển thứ nhất của công trình đồ sộ "Tư bản" đã trình bày những nguyên lý cơ bản của quan điểm kinh tế- xã hội của Mác và sư phê phán của ông đối với xã hội tư bản chủ nghĩa.

Đỉnh cao của phong trào công nhân giữa thế kỷ 19 là cuộc cách mạng vô sản Pháp năm 1871 dẫn đến sự thành lập Công xã Pa-ri. Mác theo dõi sát tiến trình của các sự biến ở Pháp, góp ý kiến chỉ đạo như một chiến sĩ thực thụ của công xã và kêu gọi giai cấp công nhân thế giới ủng hộ Công xã. Chỉ hai ngày sau khi công xã thất bại, Mác đã trình bày bảng báo cáo tổng kết nổi tiếng "Nội chiến ở Pháp". Trong đó, ông đã đúc kết một cách tài tình lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản.

Sau khi Quốc tế thứ nhất tự giải tán (1872), Mác và Ăng-ghen vẫn không ngừng chỉ đạo giai cấp công nhân các nước về mặt lý luận và tổ chức. Cuốn "Phê phán cương lĩnh Gô-ta" là một mẫu mực về tinh thần đấu tranh nghiêm khắc, tính nguyên tắc về mặt tổ chức và bước phát triển về mặt lý luận. Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ 19, nhiều đảng công nhân thành lập ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã tiếp thu chủ nghĩa Cộng sản khoa học của Mác Ăng-ghen.

Tổng kết công lao vĩ đại của Các Mác, Ăng-ghen nêu lên hai cống hiến của Mác đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Một là, ông đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Đả phá những quan điểm duy tâm siêu hình, Mác đã vận dụng triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử vào việc xem xét tiến trình xã hội loài người. Ông khẳng định quy luật đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh đó tất yếu sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản. Nền chuyên chính đó là bước quá độ tiến lên xóa bỏ giai cấp, xây dựng một xã hội không có giai cấp. Học thuyết về chuyên chính vô sản là hòn đá tảng của chủ nghĩa xã hội khoa học, sợi chỉ đỏ xuyên suốt học thuyết Mác. Hai là, ông đã giải thích triệt để quan hệ bóc lột của bọn tư bản đối với công nhân, phát hiện quy luật "Giá trị thặng dư", đặt nền móng cho khoa học kinh tế chính trị học tư sản. Nói tóm lại, công lao và đồng thời cũng là thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp kịp thời và chính xác những vấn đề lớn của thời đại mà loài người tiến bộ đặt ra để tìm con đường và biện pháp giải phóng hoàn toàn các giai cấp lao động khỏi ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản.

Trên những chặng đường đi đến mục tiêu đó, Các Mác phải trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ chống các chính phủ phản động châu Âu luôn theo dõi, kiểm soát và trục xuất ông. Ông chống lại một cách kiên cường những đối thủ về tư tưởng và lý luận đang tìm cách xuyên tạc và phỉ báng ông, để lũng đoạn phong trào công nhân. Ông phải vượt qua mọi khó khăn của nghèo túng và bệnh tật thường xuyên ám ảnh cuộc sống của gia đình ông. Jen-ny Mác- người vợ yêu quý của ông đã thốt lên rằng không sao thoát được "những sợi dây ràng buộc của những hiệu bánh, hiệu thịt, hiệu sữa, hàng rau, hàng củi và những lực lượng đối địch khác nữa". ông phải nhanh chóng làm quen và sử dụng thông thạo các ngôn ngữ chính của châu Âu, coi đó là những "cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài", là những vũ khí của cuộc đấu tranh... Đến khi 50 tuổi, ông bắt đầu học tiếng Nga để nghiên cứu và đón chờ một cuộc cách mạng sẽ nổ ra ở đây. "Khối óc của ông giống như một con tàu đang ở cửa biển, nhưng khi cần thì luôn luôn sẵn sàng đi bất cứ phương nào trên đại dương tư tưởng".

Các Mác đã vượt lên mọi trở ngại để đi thẳng đến mục tiêu của mình. Ông đã đấu tranh và đã chiến thắng với trái tim nóng bỏng, ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Không bao giờ ông nhân nhượng kẻ thù, lùi bước trước khó khăn. Mác mang hết công sức nghiên cứu khoa học để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng: "Đối với khoa học, không có con đường nào bằng phẳng thênh thang cả, chỉ có những người không sợ chồn chân mỏi gối để trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của khoa học mới có hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi".

Sau những năm tháng lao động miệt mài, sức khỏe của Mác ngày càng giảm sút. 2 giờ 30 chiều ngày 14, tháng 3, năm 1883, Các Mác từ trần, thọ 65 tuổi. Vĩnh biệt người đồng chí vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, Ăng-ghen nêu lên công lao to lớn của Mác và kết luận rằng :Trước hết, Mác là một người cách mạng (...). Đấu tranh là yếu tố tồn tại của cuộc đời Mác. Và Mác đã đấu tranh một cách say sưa, kiên cường, đạt được những thành công hiếm có". Những đại biểu chân chính của phong trào công nhân quốc tế đã đưa Mác đến nơi yên nghỉ tại nghĩa trang Hai-ghết ở Luân Đôn. Lễ tang được tổ chức giản dị theo ý nguyện của người đã khuất, chứa chan niềm thương tiếc và tình đồng chí của những người công sản.

Các Mác đã qua đời nhưng tư tưởng vĩ đại của Mác trở thành bất tử và học thuyết Mác-xít mãi mãi soi đường cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Mác đã chỉ ra con đường duy nhất để tư giải phóng mình là dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, giai cấp vô sản liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân, dùng bạo lực cách mạng lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay mình. Thực tiễn của phong trào đấu tranh đã kiểm nghiệm và làm phong phú kho tàng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đầu thế kỷ 20, V.I.Lê-nin đã phát triển sáng tạo những nguyên lý mác-xít và đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Đến nay, học thuyết Mác- Lê-ninđã trở thành một hiện thực sinh động trên tráI đất, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Học thuyết Mác- Lê nin chẳng những đem lại cho giai cấp vô sản vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản mà còn vạch cho nhân dân bị áp bức con đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc.

Nguồn sưu tầm
Từ những năm 20 của thế kỷ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã tiếp thu và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lê nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thấm nhuần sâu sắc ý chí cách mạng tiến công, nhận thức sáng suốt trào lưu lịch sử của thời đại, Người đã khẳng định con đường cách mạng của Việt Nam phải là con đường chủ nghĩa Mác- Lênin, phải là gắn liền cách mạng dân tộc dân chủ với cách mạng xã hội chủ nghĩa, l2 "không có con đường nào khác cách mạng vô sản". Thắng lợi rực rữ của cách mạng Việt Nam trong nửa thế kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã chứng minh sức mạnh vô địch của học thuyết Mác-Lênin, vạch ra xu thế tất yếu của thời đại là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Trong niềm vui lớn lao của những ngày thắng lợi và quyết tâm xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn Các Mác và mãi mãi đi theo con đường chủ nghĩa Mác- Lê-nin vĩ đại.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top