Ngày Nguyễn Tuân ra đi
Nguyễn Tuân tự coi mình là một lữ khách. Người ta gắn tên ông với “căn bệnh xê dịch” nổi tiếng. Và nếu con người ấy gắn với những chuyến đi, thì xin hãy gọi cuộc ra đi lần này của ông là cuộc ra đi vĩnh viễn.
Nói đến Nguyễn Tuân mà chỉ gọi gọn ghẽ là nhà văn, theo ý nghĩa thông thường đầy vinh dự của chữ đó, e vẫn còn thấy thiếu thiếu thế nào. Vâng, ông là nhà văn, là tác giả văn xuôi xuất sắc, là diễn viên điện ảnh và sân khấu, là nhà hoạt động văn hóa, là nhà nghệ thuật học sành sỏi… − ấy là nói về văn nghiệp, về sở trường, về hoạt động và đóng góp của ông. Nhưng không chỉ sản phẩm do ông tạo ra bằng ngòi bút tài hoa bậc thầy mới là tác phẩm; chính ngay con người ông, lối sống của ông, ông cũng muốn nó phải là một tác phẩm. Nguyễn Tuân − đó còn là một hiện tượng văn hóa phong cách, một hiện tượng văn hóa nhân cách. Con người ông, phong cách ông cũng đẹp một cách độc đáo như câu văn ông, loại câu văn hầu như có một không hai trong nghệ thuật ngôn từ tiếng Việt.
Tiễn biệt Nguyễn Tuân, chúng ta tiễn biệt con người tài tử cuối cùng, kiểu người mà phổ hệ tính ngược lên là gồm Từ những Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương, Tản Đà… Mỗi một người trong số những “lãng tử” nổi tiếng đó, khi in được bóng dáng mình vào văn học, đều đem lại một cái gì đó tuy có vẻ dư thừa nhưng lại vô cùng cần thiết: ấy là ý thức về tự do, là niềm tự hào về năng lực và phẩm giá của “kẻ sĩ”, là bản lĩnh vững vàng của nhân cách người Việt…
Dĩ nhiên, đồng thời với một Nguyễn-Tuân-lãng-tử vẫn có một Nguyễn-Tuân-cán-bộ. Ngọn bút tùy bút của ông không tách rời các nhiệm vụ cách mạng, hơn nữa, đó luôn luôn là ngọn bút rất thời sự, ngay những trang viết sau cùng.
Tên tuổi nhà văn Nguyễn Tuân gắn bó với thể tuỳ bút, − thể tài này, qua sự sáng tạo của ông, đã tích luỹ được vô vàn khả năng nghệ thuật, để mô tả thực tế đời sống, để bộc lộ cái nhìn sâu sắc và độc đáo của tác giả. Trong tay Nguyễn Tuân, thể tùy bút đã hội được trong nó những ngọn nguồn khác nhau: tư thế trữ tình của kiểu thi nhân cổ điển Đông phương, truyền thống của các thể tản văn dân tộc, sắc thái lời nói miệng dân gian, kiểu độc thoại và dòng ý thức của văn xuôi hiện đại… Tất cả đều được huy động rộng rãi, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của một cái tôi nhà văn đầy cá tính mạnh mẽ và am tường đến lọc lõi những gì mình viết.
Với Nguyễn Tuân, tiếng Việt thật sự là một kho báu và qua bàn tày tài tình của ông, nó thật sự trở thành những hạt ngọc lóng lánh trên từng nống dệt, trên khắp tấm dệt ngôn từ tinh vi của người thợ cả tài hoa. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật. Bởi đạt đến một trình độ như vậy trong sử dụng ngôn từ cũng là đạt đến một giới hạn mới của tự do sáng tạo − cái tự do chỉ có được ở những tài năng lớn. Đi trên con đường nghệ thuật ngôn từ, con người lãng tử Nguyễn Tuân trở thành người phát hiện, người khám phá những khả năng chưa từng biết của tiếng Việt văn học.
Phong cách sống Nguyễn Tuân như là phong cách của mẫu người tài tử cuối cùng còn sót lại trong sự biểu hiện văn học; sáng tạo vô cùng độc đáo của Nguyễn Tuân trong thể tùy bút; nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Tuân như là biểu hiện rực rỡ của tài năng tự do trong nghệ thuật, − tất thảy đều là những điều rất khó học hỏi và cho đến hiện giờ vẫn chưa nhìn thấy gương mặt những người kế tục. Nhưng di sản nghệ thuật của Nguyễn Tuân vẫn còn đó, như một sự thách thức, như một sự cổ vũ tất cả những ai đi trên đường sáng tạo. Chưa hẳn là để học theo, đúng hơn là để đi tìm những con đường mới.
Ngay lúc này, lúc vĩnh biệt nhà văn quá cố, vẫn không thể hình dung gương mặt Nguyễn Tuân mà lại thiếu một nụ cười. Một nụ cười hiền minh, hiểu biết, nụ cười của con người đã nắm được nghĩa lý của cuộc đời, nghĩa lý của sáng tạo, nghĩa lý của nghệ thuật.
Sưu tầm.