Ngành Sư phạm đang mất dần vị thế của mình

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Những năm gần đây, lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành sư phạm năm sau luôn giảm so với các năm trước. Không ít khối, ngành sư phạm trong tình trạng số lượng thí sinh nộp hồ sơ còn thấp hơn cả chỉ tiêu.

Chẳng hạn như trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, năm 2008, tỉ lệ chọi 1/16, thì đến năm 2009 giảm xuống một nửa, chỉ còn 1/8. Mùa tuyển sinh năm 2010 vừa qua, các trường thuộc ngành sư phạm phần lớn có tỉ lệ chọi dưới 5. Các trường sư phạm cả nước cũng trong tình cảnh “sa sút” lượng thí sinh đăng ký dự thi, đành phải “chữa cháy” bằng cách tuyển NV2, NV3.

hoang%20long.jpg

Sự hấp dẫn của Khối ngành Sư phạm đối với thí sinh đang có xu hướng giảm dần
Ảnh:
HOÀNG LONG
Đến với các buổi tư vấn tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy mức độ quan tâm đến các ngành học sư phạm của học sinh giảm đi rõ rệt, thay vào đó là các lĩnh vực về kinh tế, bách khoa, ngân hàng... Không ít học sinh từng có sở thích, nguyện vọng đến với nghề giáo, song họ đành gác lại ước mơ của mình để theo đuổi những ngành học khác hấp dẫn hơn. Ngay cả cha mẹ là cán bộ, đảng viên, giáo viên cũng không có mấy người ủng hộ, khích lệ con cái mình chọn thi nghề giáo mà được tiếng gọi là nghề cao quý. Vinh - học sinh lớp 12 một trường THPT ở Q.4 (TPHCM) trong một buổi tham gia tư vấn tuyển sinh tại trường tâm sự, hồi nhỏ khi biết cậu thích làm thầy giáo, bố mẹ rất ủng hộ nhưng từ khi cậu lên cấp 3, họ thay đổi và thích con trai phải thi vào kinh tế, ngân hàng. Từ đầu năm học cuối cấp, giữa Vinh và gia đình ngày càng căng thẳng về việc chọn nghề. Bố mẹ Vinh phân tích, nghề giáo bây giờ khổ, thu nhập thì thấp mà cũng chẳng còn được trọng vọng như trước. Đặc biệt là mẹ Vinh, bà thường xuyên cập nhật các hạn chế, tiêu cực trong ngành giáo dục như việc bạo hành học sinh, giáo viên bị lên án, thị cử, phong bì, chuyện thưởng Tết... về “đe” con. Mới đây nhất, khi ngày nộp hồ sơ đến gần, mẹ Vinh còn... dọa: “Mày làm thầy giáo, mẹ chết cho mày xem”. Một ví dụ khiến chúng tôi- những người trong nghề, cảm thấy chạnh lòng.


Em Lê Thị Thanh Trang, lớp 12, trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) cho biết: “ Hồi học cấp 1, cấp 2, em có ước nguyện sau này sẽ trở thành cô giáo. Nhưng lên cấp 3, em lại không thích nghề dạy học nữa, mặc cho bố mẹ em khuyên con gái nên đi sư phạm cho nhàn. Sắp tới, em sẽ đăng ký thi vào trường kinh tế. Ra trường, có cơ hội phát triển tốt hơn nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, 60 tuổi ở thị trấn La Hà, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nói: “Tôi có cô con gái đầu dạy mầm non, lương tháng trên dưới 1,5 triệu đồng, không đủ sống. Tuy đã lập gia đình, ra ở riêng nhưng chúng tôi vẫn phải trợ cấp thêm cho cháu để trang trải cuộc sống”. Chính vì thế, cô con út của ông Hùng đang học lớp 12 trường huyện, bản thân cũng rất thích nghề giáo nhưng nhìn “gương” chị lại bị gia đình cản nên quyết định tìm ngành học khác.

Đãi ngộ, lương bổng chưa thỏa đáng

Những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ của Nhà nước đối với ngành giáo dục, như không phải đóng học phí trong quá trình học tập ở các trường sư phạm, được hưởng mức phụ cấp từ 30% đến 70% theo từng vùng, từng cấp khi ra trường giảng dạy, là rất cần thiết. Một thời làm yên lòng đội ngũ thầy cô giáo, nhiều học sinh học hết cấp ba đã mạnh dạn, tự tin chọn và thi vào ngành sư phạm. Nhưng đến thời điểm này, chính sách ấy không còn hấp dẫn nữa. Đối tượng học sinh khá, giỏi ở trường phổ thông thật sự mặn mà, hứng thú, quyết tâm theo đuổi nghề sư phạm đếm được trên đầu ngón tay. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi các trường, ngành sư phạm trong mấy năm trở lại đây ngày càng giảm rõ rệt. Tỉ lệ chọi thấp, thậm chí không đủ chỉ tiêu dẫn đến hệ lụy hiển nhiên, khó có nhiều sinh viên, thầy cô giáo giỏi khi học nghề và bước ra nghề. Trong khi đấy, ở nhiều nước khác, điểm trúng tuyển vào trường sư phạm thường cao ngất ngưởng, trường sư phạm luôn là giấc mơ, là khát khao đối với không ít học sinh. Thậm chí, họ còn có thêm qui chuẩn về ngoại hình và ngôn ngữ nói để tuyển chọn sinh viên sư phạm.

Cái gốc, cái lõi của vấn đề đặt ra ở đây là ở chính sách đãi ngộ, lương bổng cho giáo dục chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức của các thầy cô đã bỏ ra. Học sinh, phụ huynh bây giờ khác học sinh, phụ huynh ngày trước. Họ có cái nhìn thực tế hơn. Họ chấp nhận con em họ công việc có thể vất vả, cạnh tranh nhưng có thu nhập cao, còn hơn những công việc có vẻ thanh nhàn mà thu nhập thì lại thấp. Soi vào thực tế, đối với những người làm công ăn lương, thì thu nhập và mức sống của nhà giáo vẫn thấp hơn nhiều (trung bình khoảng 2 triệu đồng/ tháng/ người).

Mặt khác, theo xu hướng của thời đại, nhiều phụ huynh, học sinh không muốn học sư phạm, bởi vì ngành nghề này quá lặng lẽ, gò bó, công việc cứ đều đều, lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán, rồi thu nhập cũng bình bình, chẳng khấm khá lên được. Kể cả gia đình giáo viên, nhiều người cũng không có ý định hướng cho con em mình nối nghiệp bố, mẹ, vì thấy nghề này vất vả, thu nhập lại thấp, ít có cơ hội thăng tiến. Vợ chồng anh Bùi Văn Thuận, chị Nguyễn Thị Phương Lan đều là giáo viên ở huyện Chư Sê ( Gia Lai) tâm sự:” Chúng tôi đã có 15 năm gắn bó với nghề dạy học. Cả nhà, 4 người, sống dựa vào đồng lương. Vật giá càng leo thang, cuộc sống càng chật vật. Đến tuổi này mà vẫn chưa xây nổi cái nhà cấp 4 để ở. Về tương lai, hai đứa con, chúng tôi chẳng bao giờ muốn chúng nối nghiệp dạy học. Mình đã quá thấm thía nỗi nhọc nhằn rồi, không muốn con cháu mình lại vương vào đó”.

Giáo dục đang “khát” những thầy cô có đủ tâm và tài. Họ có giỏi thì mới đào tạo, giáo dục nên những thế hệ học trò giỏi được. Thầy và trò là quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Mọi lời hô hào, hứa hẹn chung chung lâu nay phỏng ích gì. Điều quan trọng là cần những quyết sách đúng đắn, thực tiễn, hấp dẫn hơn nữa để ngành giáo dục, trường sư phạm luôn là “ mảnh đất hứa” cho tất cả học sinh.

Theo Đỗ Tấn Ngọc
Đại đoàn kết
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top