NGÀNH ĐỒ HỌA
Những năm gần đây, nghề thiết kế đồ họa thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Hiện nay có nhiều trường dạy ngành đồ họa ở TP.HCM: khoa Mỹ thuật công nghiệp (trường ĐH Kiến trúc), ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, CĐ trang trí Đồng Nai, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, CĐ văn hoá TP, ĐH Hồng Bàng…
“Ngành đồ họa hiện đang rất thu hút sinh viên. Trong 6 năm làm công tác đào tạo, tôi ít thấy SV nào tốt nghiệp ra trường lại bị thất nghiệp. Vì nhu cầu của thị trường về nghề thiết kế đồ họa đang rất “khát”. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là một nỗi buồn vì chứng tỏ ngành đồ họa nước ta đang tụt hậu so với thế giới những 50 năm!” - hoạ sĩ, giảng viên Nguyễn Tri Phương Đông nhận xét.
Tỷ lệ nữ SV theo ngành thiết kế đồ họa rất cao: 95% (ở ĐH Kiến trúc) và 80% ở các trường khác. Nghề đồ họa đòi hỏi phải học ở khắp mọi nơi. Đặc thù lớn nhất của đồ họa là tính nhân văn và cảm xúc. Muốn làm nghề giỏi, người học cần có độ sâu về tình cảm, hiểu biết rộng, bởi đây là nghề 2 trong 1 - vừa trí thức, vừa nghệ sĩ.
Nhiều bạn cho rằng nghề này phù hợp với nữ mà không chuẩn bị tinh thần đề hiểu đây là một công việc hết sức vất vả. Một số bạn lại nghĩ nghề này mau kiếm tiền, làm việc trong phòng máy lạnh, với máy vi tính. Thật ra để đi được đến tận cùng với nghề đòi hỏi các bạn phải biết tự trau dồi thêm khi còn ngồi ở giảng đường để có kiến thức sâu về chuyên môn. Thực tế cho thấy, trong ngành đồ họa nam giới tỏ ra có ưu thế hơn. Ngày càng có nhiều bạn nữ theo ngành này nhưng tỷ lệ thành công thấp. Ngoài ra số bạn nữ bỏ nghề lại nhiều hơn nam.
Theo một số giảng viên chuyên ngành đồ họa, đó là điều đáng báo động về phương pháp đào tạo làm cho SV hiểu về ngành không giống nhau. Một số SV cho rằng đồ họa là nghệ thuật, cần tạo hình lãng mạn, phiêu linh. Số khác lại hiểu: cứ giỏi về vi tính, kỹ thuật là đủ trong khi tính ứng dụng chưa được xem trọng.
Ngoài ra, giáo trình khung hết sức lạc hậu, có từ 30 năm. Vì vậy những SV khá giỏi đều phải học thêm vi tính ở ngoài và đi làm thêm từ năm 1, năm 2. Trên thế giới, mode cập nhật từng tháng nên việc đào tạo thiết kế phải được đi trước về thẩm mỹ. VN chưa có trường ĐH chuyên ngành thiết kế độc lập mà chỉ là một khoa trong các trường ĐH.
Đối với ngành đồ họa, thiên hướng rất quan trọng nhưng vấn đề mấu chốt lại là phương pháp, kỹ năng và sự bền bỉ. Cứ 100 bạn thi vào ngành đồ họa chỉ có 5-10 bạn say mê thật nên dám dấn thân. Nhiều SV mạnh mẽ, tự tin đã viết đề cương, xin tài trợ và bán ý tưởng cho các doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường.
Theo cô Thiên Thư - hoạ sĩ trình bày báo, công việc sau khi ra trường của SV đồ họa rất phong phú và đa dạng: thiết kế quảng cáo, trình bày báo, thiết kế web, thiết kế bao bì sản phẩm lịch, văn phòng phẩm, tổ chức sự kiện…”Chúng tôi đã được đào tạo “chung chung” mỗi thứ biết một ít để ra trường có thể làm được mọi công việc mà thị trường cần. Cách thức đào tạo “rộng mà không sâu” đó là thiếu chuyên nghiệp. Bởi vì mỗi công việc có những đặc thù riêng.
Ví dụ đối với việc thiết kế bao bì sản phẩm, có đối tượng thiết kế là những khối sản phẩm 3 chiều, họa sĩ cần có hiểu biết về tạo dáng sản phẩm. Trình bày báo là một công việc thú vị, phải tổ chức cảm giác linh động nhưng cũng cần sự đồng nhất từ đầu tờ báo đến cuối trang. Tổ chức cảm giác đẹp quan trọng hơn thiết kế đẹp. Vì họa sĩ trình bày là đầu bếp cuối cùng trong một chuỗi các đầu bếp tạo ra món ăn tinh thần”.
Nguyễn Thanh Nga (nhân viên công ty quảng cáo Lowe) bày tỏ: “Tôi đã được học ở khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Kiến trúc) xem ra có lợi thế hơn các trường khác vì chương trình đào tạo tương đối chuẩn. Nhưng khi ra trường, đi làm chúng tôi đều phải học thêm rất nhiều những cái mới lạ. Làm nghề này giờ giấc không cố định.”
Trần Thanh Thảo, nhà thiết kế tự do, tâm sự: “Tôi đã từng thiết kế sản phẩm cho nhãn hiệu Toyota, làm logo cho các nhà hàng. Đi làm thường phải chiều theo yêu cầu của khác hàng nên sự sáng tạo của bản thân bị hạn chế ít nhiều. Nghề này đối với nữ bị hạn chế nhiều, nhất là vấn đề sức khoẻ do áp lực công việc cao”.
Thiên Phú, nhân viên công ty quảng cáo Leo Brunett, cũng đồng tình: “Khi đi học SV thoả sức sáng tạo. Đi làm hơi bị khác vì bị bó hẹp trong yêu cầu của khách hàng. Nhưng suy cho cùng, mỹ thuật công nghiệp là đem cái đẹp phục vụ cho công chúng, chúng tôi sẽ thành công nếu họ được chấp nhận!”.
Thiên Thư “bật mí” bí quyết: “Khi đi làm chúng tôi phải thích nghi với việc ngay cả khi không có…hứng. Do đó chúng tôi khắc phục bằng cách lúc nào có thời gian phải làm mình tươi mới lại, bằng cách đi thực tế, dã ngoại, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, bạn bè…”.
Nguồn Báo Phụ nữ TP.HCM