Ngành giáo dục không có quy định thưởng Tết cho giáo viên
Cứ gần đến ngày Tết, mọi người ai cũng nóng lòng chờ đợi thưởng Tết năm nay là bao nhiêu. Còn giáo viên vùng cao lại ngậm ngùi vì có nóng cũng chẳng có.
Thưởng tết: Tự lo!
Quy định thưởng Tết cho giáo viên từ trước tới nay chưa bao giờ có, do vậy, việc thưởng Tết cho giáo viên là do các trường tự cân đối ngân sách, trong năm trường nào tiết kiệm được nhiều thì thưởng nhiều, trường nào tiết kiệm được ít thì thưởng ít.
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo và nữ công Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết: “Ngành giáo dục không có quy định thưởng Tết vì không có nguồn nào chi nào cho khoản này. Tuy nhiên, tại các cuộc giao ban ngành, công đoàn đã nhắc nhở các địa phương chú ý, quan tâm tới cuộc sống của giáo viên khó khăn nhất là trong các dịp Tết. Đặc biệt, chú ý tới lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, động viên giáo viên trong dịp Tết”.
Ngành giáo dục không có, địa phương không có, vậy lấy đâu ra nguồn để thưởng Tết cho giáo viên. Tại các trường học ở thành phố do đời sống người dân khá giả nên có nhiều khoản thu. Do vậy, thưởng tết cho giáo viên năm nào cũng có, nhiều hay ít phụ thuộc vào từng trường.
Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Chủ tịch công đoàn Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay: “Để chăm lo Tết cho giáo viên, hàng năm Sở GD-ĐT Hà Nội đều công văn gửi tới khuyến khích các trường bố trí thưởng Tết cho giáo viên tháng lương thứ 13, đặc biệt quan tâm tới giáo viên khó khăn để họ được đón tết vui vẻ nên năm nào giáo viên Hà Nội cũng có thưởng Tết. Năm 2010, tại Hà Nội có trường giáo viên được thưởng tết tới 3 triệu, trường thưởng thấp nhất là 500.000 đồng”.
Sơn La là tỉnh miền núi vẫn còn nhiều khó khăn nhưng theo ông Phạm Đăng Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La cho biết: “Mỗi khi Tết đến, sở khuyến khích các trường tạo điều kiện trên tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, kêu gọi nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, thưởng Tết cho giáo viên, mỗi giáo viên ít nhất cũng được thưởng 100 nghìn đồng. Đối với giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cố gắng thưởng khoảng 1 triệu đồng, còn ít khó khăn hơn 500 nghìn đồng”.
Nơi giáo viên không có khái niệm thưởng Tết
Cô giáo T.T.L ở Trường tiểu học số 1 Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tâm sự: “Em dạy ở đây được 10 năm rồi nhưng chưa bao giờ có thưởng Tết vì trường còn rất nghèo. Giáo viên ở trường chúng em hầu hết là ở xuôi nên đến Tết trường cho ứng lương trước tháng 2 để có tiền về quê chi tiêu ngày Tết”.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Sở GD-ĐT ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... cho biết giáo viên ở các huyện vùng cao, vùng khó khăn hầu như không biết đến khái niệm thưởng Tết. Chỉ có những giáo viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình nghèo thì nhận mức hỗ trợ chung của Nhà nước.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai Trương Kim Minh tâm sự: “Chưa bao giờ giáo viên vùng cao ở Lào Cai có thưởng Ttết. Các em học sinh ở vùng khó khăn như Lào Cai đi học được nhà nước miễn phí nhưng có em vẫn bỏ học. Thậm chí, trong năm học nhiều giáo viên phải trích tiền lương của mình ra để mua gạo, mì tôm giúp đỡ các em học sinh nghèo khó khăn. Trong khi đó, giáo viên vùng cao còn nghèo lắm, cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng lương (người cao nhất là 3 triệu, người thấp nhất là 2 triệu), chứ ngoài ra không có thêm khoản nào hết. Chi thường xuyên của các trường còn không đủ để trả tiền điện, nước sinh hoạt hàng ngày cho học sinh nên các trường lấy đâu ra nguồn để thưởng tết cho giáo viên. Các trường cũng chỉ cố lấy lương sớm tháng 2 để giáo viên ứng trước về quê ăn tết vì chủ yếu các thầy cô giáo đều ở dưới xuôi”.
Mong muốn, Nhà nước có nguồn ngân sách để thưởng Tết cho giáo viên, dù chỉ là một món quà nhỏ trong dịp Tết, như vậy đã động viên họ rất nhiều và họ cảm thấy ấm lòng hơn, nhiệt huyết hơn với nghề cao quý mà họ đang thực hiện - ông Minh đề nghị.
Cùng quan điểm với ông Minh, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT khác ở vùng khó khăn như Nghệ An, Tuyên Quang, Quảng Bình… cũng đề nghị: “Nhà nước cần xem xét để có chính sách cụ thể đối với việc thưởng Tết cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng khó khăn”.
Theo Dân trí.