Nêu ý nghĩa to lớn và bài học kinh nghiệm của Hiệp định Pa-ri (1973)

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
NÊU Ý NGHĨA TO LỚN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA HIỆP ĐỊNH PA-RI (1973)



* Ý Nghĩa:
- Trong lịch sử hàng nghìn năm đánh – đàm của dân tộc Việt Nam và trong lịch sử ngoại giao thế giới hiện đại, cuộc đàm phán ròng rã năm năm ở Paris về Việt Nam chiếm vị trí vô cùng quan trọng, thể hiện đỉnh cao của quá trình đấu tranh ngoại gia phục vụ chống Mỹ, cứu nước, đưa đến thắng lợi vĩ đại.
Hiệp định Paris là một văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh ngoại giao bền bỉ trong một giai đoạn đầy khó khăn, phức tạp của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.


- Trong nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh thì hội nghị Paris và hiệp định Paris đã đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc mà các thế hệ cán bộ ngoại giao rất đỗi tự hào. Với sự kết hợp của 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp chưa từng có, giành thắng lợi vẻ vang cho bản “anh hùng ca chống Mỹ cứu nước”. Về thắng lợi của hiệp định thì đến nay quốc tế vẫn còn ca tụng. Như việc tổng thống Iran, Khatami, đã nói trong hội đàm với chủ tịch Trần Đức Lương, 20/10/2002, rằng “thắng lợi của Việt Nam là mọt trong những sự kiện nổi bật nhất trong thế kỷ qua”.

- Hội nghị Paris là cuộc đụng đầu ngoại giao tay đôi đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kết thúc bằng hiệp định Paris, buộc chính phủ Hoa Kỳ phải làm điều mà họ đã lẩn trốn ở hiệp định Giơnevơ năm 1954 là “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.


- Hội nghị Paris và hiệp định Paris đã góp phần tạo nên bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta khi buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và từng bước đi vào giải pháp chấm dứt chiến tranh và can thiệp ở Việt Nam, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, rút quân đội xâm lược ra khỏi miền Nam. Việc buộc Mỹ phải “cút” khỏi miền Nam đã mở ra cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để quân và dân ta tiến tới “đánh cho Ngụy nhào” mà đỉnh cao là đại thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia, góp phần đưa sự nghiệp đấu tranh của nhân dân hai nước láng giềng đến thắng lợi cuối cùng.

- Hiệp định Paris về Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi đem lại lợi ích cao nhất cho cả 3 dân tộc trong thời gian gần nhau cụ thể là: Việt Nam ngày 30/4/1975 hoàn thành độc lập và thống nhất đất nước; còn Campuchia ngày 17/4/1975 chấm dứt sự can thiệp của Mỹ, Phnôm Pênh được giải phóng; Lào ngày 2/12/1975 chấm dứt sự can thiệp của Mỹ, xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Kể từ đây, ba nước Đông Dương đều vĩnh viễn thoát khỏi sự can thiệp và xâm lược của đế quốc, tự do lựa chọn con đường tiến lên của dân tộc mình. Đó là cục diện mới trên bán đảo Đông Dương sau khi giành độc lập.


- Ý nghĩa to lớn của hiệp định Paris còn thể hiện ở tính thời đại là chứng minh cho tính tất thắng của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, cho sức mạnh bất diệt của một dân tộc nhỏ “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cho chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những bài học kinh nghiệm từ hội nghị Paris và hiệp định Paris trở thành di sản cua phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.


* Bài học kinh nghiệm:
- Bài học kinh nghiệm bao trùm lên tất cả những vấn đề liên quan đến hội nghị Paris là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh lãnh đạo vững vàng của Đảng ta và về việc vận dụng đúng đắn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Nhờ đó mà trong mọi hoàn cảnh, mọi biến động của tình hình thế giới, ở mọi thời khắc khó khăn và phức tạp, trước mọi ý đồ và mưu mô xảo quyệt của đối phương chúng ta vẫn giữ vững lập trường (chính trị) và ứng phó linh hoạt với tình hình mới và tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các mặt trận đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao ở trong và ngoài nước. Vì vậy mà, mặt trận ngoại giao của ta ở Paris luôn kiên định mục tiêu nhất quán mà vẫn linh hoạt trong bước đi và sách lược, luôn giữ vững độc lập, tự chủ mà vẫn tranh thủ rộng rãi bạn bè, dư luận quốc tế và không ngừng chủ động tấn công.

- Bài học về độc lập, tự chủ là bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và cuộc đấu tranh ngoại giao xung quanh và tại hội nghị Paris nói riêng. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách, trong từng bước đi, đã giúp ta đứng vững ngay cả khi tình hình quốc tế bất lợi với ta. Nhờ giữ vững độc lập tự chủ mà ta luôn giữ được thế chủ động tiến công, kiên định trong nguyên tắc, bảo vệ được lợi ích đất nước.

- Bài học tiếp theo là biết tận dụng thời cơ. Có thể thấy trong suốt quá trình đàm phán và kết thúc đàm phán Paris là một sự vận dụng tài tình tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong việc đánh giá cục diện quốc tế, diễn biến và so sánh lực lượng ở chiến trường, nội tình nước Mỹ mà tận dụng thời cơ thích hợp trên bàn đàm phán. Nhờ biết tạo dựng thời cơ, đánh giá đúng thời cơ, nắm bắt và tận dụng thời cơ nên ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước, gắn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để giành thắng lợi. Đặc biệt là ta biết vận dụng 3 nhân tố quan trọng là chiến trường, đàm phán và quốc tế để tăng cường thế và lực cho đất nước, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, nhằm đưa cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta đến thắng lợi vẻ vang hơn.

- Bài học về sự kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Đó là sự phối hợp giữa đánh và đàm. Thắng lợi trên chiến trường, thực lực trên chiến trường đóng vai trò quyết định đối với thắng lợi trên bàn đàm phán và ngược lại đấu tranh trên bàn đàm phán cũng góp phần tác động đến thắng lợi trên chiến trường và tạo điều kiện cho thắng lợi lớn hơn. Như thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 mở ra cục diện đàm phán giữa ta và Mỹ ở Paris. Với thất bại của Mỹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ phải chấp nhận ký hiệp định Paris về Việt Nam. Trong khi đó, những bước tiến công của ta trên mặt trận ngoại giao đã buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi và bàn đàm phán và đơn phương rút dần quân về nước, tạ điều kiện cho miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh và tăng cường chi viện cho miền Nam đánh thắng trong chiến dịch Xuân – Hè 1972. Cũng như việc hiệp định Paris được ký kết năm 1973 đã làm chuyển đổi so sánh lực lượng có ý nghĩa quyết định đến đại thắng mùa xuân năm 1975.

- Bài học dựa vào đấu tranh dư luận và giành lợi thế trên mặt trận pháp lý này. Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris là cuộc đấu tranh dựa trên dư luận, đạo lý và pháp lý để phân rõ đúng sai, tranh thủ dư luận đồng tình với cuộc chiến đấu của Việt Nam. Điều đó đã góp phần làm cho chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của dân tộc ta được nêu cao, vạch trần tính chất phi nghĩa, mưu đồ đen tối, hòa bình giả tạo, sự lật lọng và tội ác của Mỹ.

* Tóm lại : cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris là một sự vận dụng tư tưởng, nghệ thuật và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris là kết quả, là đỉnh cao của nghệ thuật đàm phán ngoại giao Việt Nam mà bài học rút ra là cách tổ chức cuộc đấu tranh ngoại giao, tập hợp lực lượng, đấu tranh dư luận cũng như nghệ thuật đàm phán ngoại giao.


ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top