Nét đẹp trong văn hóa tặng quà của người Nhật Bản

Maruko Dương

New member
Xu
0

Nét đẹp trong văn hóa tặng quà của người Nhật Bản
Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Nhật Bản. Người Nhật coi trọng các mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem như một sợi dây gắn kết con người lại với nhau và giúp thể hiện tâm tư, tình cảm và sự trân trọng. Chỉ qua một món quà nhỏ mà ta có thể thấy ở trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa sâu sắc và rất nhân văn của người Nhật.

sanwa-viet-van-hoa-tang-qua.jpg


Người Nhật tặng quà vào dịp nào?

Với người Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một thói quen hiện hữu trong cuộc sống, người Nhật tặng quà cho nhau không những trong các dịp lễ đặc biệt như: tết, ngày cưới hỏi, sinh nhật… mà ngay cả trong những sinh hoạt hàng ngày, việc tặng quà giữa người Nhật với nhau cũng rất thường xuyên, chẳng hạn như người Nhật có thể tặng một món quà để tỏ lòng biết ơn đến người chủ nhà của họ, hay một món quà thể hiện sự quý mến đối với người bạn đã mời dùng bữa… Nếu như có thống kê những dịp tặng quà của Nhật Bản, ta có thể kể như: bắt đầu từ tiền mừng tuổi đầu năm, các công việc như nhập học, tốt nghiệp, nhận việc làm, nghỉ hưu, ngày cuối năm, ngày kết hôn, sinh nhật, khám bệnh, dọn nhà… Trong văn hóa Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một phong tục rất quan trọng, vì thế mà Nhật Bản còn được biết đến với tên gọi “Thiên đường tặng lễ vật cho nhau”.

Trong văn hóa của mình, người Nhật dành riêng cả hai mùa tặng quà nhằm để tỏ lòng biết ơn và gửi gắm những tình cảm của mình đến mọi người trong mối quan hệ xã hội, hai mùa tặng quà quan trọng của Nhật Bản được gọi là Chugen và Seibo, Chugen là mùa quà tặng giữa năm vào cuối tháng 6, và Seibo là mùa quà tặng cuối năm vào cuối tháng 12. Mục đích của việc gửi quà tặng trong dịp Seibo và Chugen là để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình và mong muốn một mối quan hệ lâu dài, có thể là họ tặng quà cho các giám sát viên công việc của mình để tỏ lòng kính trọng, các cặp vợ chồng gửi quà cho những người đã mai mối và phục vụ nghi lễ hôn nhân của họ, một số người gửi quà đến bác sĩ gia đình của họ, phụ huynh tặng quà cho những giáo viên đã giảng dạy cho con, cháu họ. Hơn nữa, trong các mùa tặng quà không phải là bó hẹp trong phạm vi các cá nhân, các công ty và cơ sở kinh doanh gửi quà tặng cho khách hàng, đối tác của họ, và khách hàng trung thành của mình…

Quà tặng với văn hóa Nhật

Bên cạnh giá trị sử dụng của các món quà, quà tặng của người Nhật còn mang tính biểu trưng rất cao, như: quà tặng là xôi đậu đỏ biểu trưng cho sự may mắn, tốt lành; hay người Nhật cũng rất thích tặng nhau đũa, vì trong nhận thức của họ, đũa lúc nào cũng có đôi có cặp, và với công dụng với đũa là “gắp lấy”, người Nhật hình tượng hóa lên với ý nghĩa rằng với đôi đũa họ sẽ “gắp lấy” được những điều tốt đẹp trong cuộc sống như sẽ được lấy một cơ hội tốt, lấy một nghề nghiệp tốt, lấy một người yêu tốt…

sanwa-viet-tang-qua.jpg


Lưu ý khi tặng quà đối với người Nhật

sanwa-viet-tang-qua-1.jpg


- Các món quà không nhất thiết phải đắt tiền, đôi khi chỉ là hộp bánh nhưng cần phải được gói bọc cẩn thận và đẹp mắt. Người Nhật rất coi trọng hình thức cũng như nghi thức trao quà vì đây là cả một nghệ thuật giao tiếp tinh tế và nhiều ý nghĩa. Cách gói quà của họ cũng rất cầu kỳ, với nhiều lớp giấy và vải bọc, cuối cùng được thắt bằng một sợi dây lụa.

- Nên đựng quà trong túi kín, không để cho người nhận nhìn thấy ngay từ lúc trao tay.

- Nếu bạn muốn tặng quà riêng cho ai đó thì không nên tặng trong lúc có mặt người khác. Nếu bạn muốn tặng quà cho một nhóm người thì bạn phải đảm bảo có đủ quà cho tất cả những nguời có mặt. Nếu không đủ thì, một là không tặng nữa, hai là chỉ tặng cho một người có chức vụ cao nhất. Ngừời Nhật rất phân biệt thứ bậc. Món quà có giá trị cao hơn phải được tặng cho người có chức vụ cao hơn.

- Khi tặng hay nhận quà bạn nên đưa và nhận bằng cả hai tay và hơi cúi người xuống để tỏ lòng kính trọng và cám ơn.

- Cũng giống phong tục Việt Nam, khi được tặng quà người Nhật thường lịch sự nói đôi ba câu từ chối trước khi nhận quà. Người Nhật cũng không mở quà ngay trước mặt người tặng.

Những món quà không nên tặng người Nhật
- Không nên tặng quà có số lượng 4 hoặc 9 vì với người Nhật, số 4 đồng âm với chữ "tử" và số 9 được coi là không may mắn vì có nghĩa là đau khổ.

- Không nên tặng dao, kéo hay những vật sắc nhọn vì nó thể hiện cho sự chia cắt, không trọn vẹn, không hạnh phúc

- Những món quà có in hình con cáo, vì họ cho rằng con cáo tượng trưng cho tính tham lam, giảo hoạt.

- Không được tùy tiện biếu trà cho người khác vì đây là lễ vật mà người Nhật đáp lễ sau khi cúng bái.

- Không nên tặng đồ vật làm bằng thủy tinh, sành sứ và vật có hình dáng như bình hay lọ, vì điều đó thể hiện sự dễ tan vỡ, không bền.

- Dịp lễ tết không được tặng hoa cúc (Kiku) và hoa trà (Tsubaki) vì hoa cúc chỉ dùng trong đám tang còn hoa trà được coi là vật không may mắn và cũng nên tránh những loại hoa có màu tối.

Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Nhật Bản. Người Nhật coi trọng cộng đồng và các mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem một sợi dây, một chất xúc tác để biểu hiện tâm tư, tình cảm, sự trân trọng với mọi người xung quanh mình. Cũng chính vì thế mà người Nhật không bao giờ xem tặng quà là một hành vi hối lộ. Họ cũng không quen tặng các món quà đắt tiền, mà giá trị thật sự của các món quà tặng chính cách thức món quà được chuẩn bị, sự tỉ mỉ, cầu kì trong cung cách chuẩn bị và trang trí món quà, điều này còn được thể hiện trong rất nhiều thành tố văn hóa khác của Nhật Bản như nghệ thuật Origami, nghệ thuật cắm hoa Ikebana, Chabana… Cách thức tặng quà và nhận quà cũng phản ánh rõ nét đức tính khiêm nhường, trọng lễ nghĩa, và sự kính đáo, tinh tế của người Nhật Bản. Chỉ qua một món quà nhỏ mà ta có thể thấy ở trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa sâu sắc và rất nhân văn của người Nhật.
Theo sanwa Việt
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top