Nét đẹp đoạn thơ Kim Trọng trở lại vườn Thúy

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
--- Phạm Ngọc Diệp ---


"Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành cây khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người. Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt cay đắng" (Raxum Gamatốp). Thơ ca văn chương, cũng như nghệ thuật nói chung đều bắt nguồn từ tấm lòng và tài năng của người nghệ sĩ. Trái tim tràn đầy tình yêu thương chứng kiến nhiều cuộc "thay đổi sơn hà", trải qua "nhiều cuộc bể dâu" và tài năng vĩ đại của đại thi hào Nguyễn Du là hai cánh chim nâng người lên những giây phút xuất thần viết nên thiên truyện Kiều bất tử, viết nên những dòng thơ cảnh cũ người xưa ngậm ngùi nhớ nhung đau xót tinh tế khi "Kim Trọng trở lại vườn Thúy", như có máu rỏ đầu ngọn bút nước mắt thấm trang giấy.

Tình yêu giữa Thúy Kiều "sắc sảo mặn mà" - Kim trọng"đề huề lưng túi gió trăng" là mối tình say đắm trong sáng, thanh khiết thiết tha. Kim Kiều - đôi trai tài gái sắc tự nguyện đến với nhau với trái tim nồng cháy - trải qua những phút giây hạnh phúc thơ ngây:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e


Kim Kiều có những kỷ niệm êm đềm khó quên ở vườn Thúy, nơi sau này Kim Trọng trở lại ....

Trở lại nơi hẹn ước xưa kia, Kim Trọng bồi hồi sau:

Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất liêu Dương tại nhà


Thi hào Nguyễn Du viết nên những câu thơ xuất phát từ cách nhìn cách cảm của chàng Kim. Đất Liêu Dương đã xa lại càng trở nên xa xôi cách trở hơn khi gợi lên một không gian mênh mông rộng lớn "muôn dặm phù tang". Thời gian Kim Trọng xa Thúy Kiều cũng mới có nửa năm nhưng với chàng Kim thì dài dặc "từ ngày muôn dặm..." Rõ ràng cả thời gian và không gian ở đây đều được cảm nhận qua tâm trạng bồn chồn nôn nóng khao khát gặp lại người yêu của chàng Kim. Niềm khao khát gặp mặt người yêu của chàng trai trẻ tất yếu dẫn đến thái độ:

Vội sang vườn Thúy dò la

Bao bồn chồn lo lắng dồn nén ở từ "vội "! Dường như Kim Trọng có cái gì đó rất nghịch lý: "vội có nghĩa là gấp gáp háo hức ngược với "dò la" có nghĩa là chậm chạp thận trọng. Hai hành động tưởng chừng như mâu thuẫn ấy thực ra lại rất thống nhất, xuất phát từ một trái tim phấp phỏng, lo âu. Phải chăng linh tính đã báo cho chàng Kim biết điều gì đó bất bình thường xảy ra với người mình yêu. Tiếc thay linh tính chẳng lành ấy trở thành sự thực:

Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa

Chỉ nửa năm trước đây thôi, nơi này rực rỡ tươi sáng trong những ngày đầu Kim Kiều hội ngộ. Nơi đây hai người đã sống những giây phút tuyệt vời nhất của mối tình đầu trong trắng thanh cao. Họ từng tình tự, thề nguyền dưới ánh minh nguyệt và chia ly chính ở đây. Bởi vậy khi trở lại vườn Thúy, chàng Kim trở lại với những kỷ niệm của mối tình say đắm, thiết tha... Kim Trọng chính là người tình trở lại nơi tình tự.

Cảm nhận đầu tiên của Kim Trọng là nhà cửa vườn tược gia đình Thúy Kiều đã hoàn toàn đổi khác. Tất cả đều hoang vắng điêu tàn:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ , vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Cảnh vật hiện lên hoang tàn, đổ nát. Nơi đây xưa kia đầm ấm như vậy, bây giờ đã là nơi ngự trị của cỏ cây, gai góc, chim muông. Không khí lạnh lẽo u ám "lặng ngắt như tờ" bao trùm lên cảnh vật: song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời, cỏ mọc lau thưa, gai góc mọc đầy. Không gian vắng lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng động rất nhỏ của những con chim én. Giờ đây, chàng Kim đứng trước một vườn xuân, cũng có cánh én, cũng có đầy gió xuân, cũng có cả hoa đào mùa xuân - hoa của tình yêu, nhưng khu vườn thật thiếu sinh khí. Từng đàn én tự do chao cánh một cách hoang dại ở độ cao rất thấp. Vì thiếu bóng người nên chúng không còn biết sợ hãi là gì "xập xè én liệng tầng không". Cánh én giờ đây khác xa với "cánh én đưa thoi" ngày nào. Vườn tược hoang phế, nhà cửa cũng tiêu điều làm sao! Những song cửa không có người đóng, mở để mặc cho ánh trăng quạnh quẽ chiếu vào. Mưa gió phũ phàng nên tường vách rã rời. Như vậy chỉ qua một vài chi tiết, Nguyễn Du đã dựng lên một cảnh tượng hoang phế, tiêu điều, vừa cụ thể, vừa sinh động.

Dưới đôi mắt chàng Kim, cảnh vật như chết lặng thấm thía nỗi đau đáu thất vọng. Vì là người tình trở lại nơi tình tự nên mỗi ngọn cỏ lá cây đều đánh thức ở Kim Trọng những kỷ niệm khó quên. Vẫn cảnh đấy mà người thì vắng bóng! Kim Trọng bâng quơ tự hỏi: cảnh đó người đâu... chàng lặng đi trong trường suy tư....

Tuy nhiên, trong cảnh hoang tàn đổ nát, con mắt Kim Trọng; không, tấm lòng Kim Trọng vẫn tìm thấy, vẫn hiện ra dấu vết của cảnh vật con người và kỷ niệm cũ ngày xưa. Đôi mắt chàng Kim cứ mỗi lần nhìn vào cảnh nào, cảnh ấy lại sững sờ nhận ra một dấu vết về mối tình đầu trong sáng rạo rực:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Tất cả cảnh vật "nay đã khác xưa", đều đã đổi thay, nhưng chỉ có một vật không đổi, đó là cây hoa đào. Nguyến Du đã tập cổ tứ thơ Thôi Hộ với một tinh thần đầy sáng tạo:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiấu đông phong


(Đê đô Thành nam trang)

Nghĩa là:

Giờ đây, gương mặt người năm ngoái không biết đi đâu
Chỉ còn hoa đào vẫn cười trước gió đông như cũ.

Đại thi hào Nguyễn Du tập cổ từ hai câu thơ ấy mà sáng tạo nên:

Trước sau nào có bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông


Hoa đào trong thơ Thôi Hộ gợi nhớ về quá khứ, còn hoa đào trong thơ Nguyễn Du chính là sự hiện diện của quá khứ, của kỷ niệm. Câu thơ của thi nhân, vì thế, thể hiện sâu sắc hơn tâm trạng của chàng Kim trong cảnh này. Hoa đào là hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân, cho tình yêu. Hoa đào với chàng Kim còn gợi nhớ đến Kiều, đến kỷ niệm:

Dưới đào dường có bóng người thướt tha

Chàng bồi hồi nhớ lại buổi chàng thoáng thấy bóng Kiều dưới cây đào và việc ngẫu nhiên chàng bắt được cành kim thoa của nàg năm trước. Như vậy cây đào là một nhân chứng, đồng thời là khung cảnh làn nền cho mối tình đầu của Kim Kiều. Sự hiện diện của bông "hoa đào năm ngoái" tươi thắm rực rỡ đối lập gay gắt với cảnh hiện tại, là một nghịch cảnh trớ trêu, làm tăng thêm tính bi kịch của một người đang trong tâm trạng tìm kiếm tuyệt vọng.

Không chỉ gặp bông hoa đào năm ngoái , chàng Kim còn nhận ra dấu chân của nàg Kiều:

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày

Biết bao yêu thương trân trọng của chàng Kim đưọc gửi gắm trong một từ "phong". Dấu giày của nàng Kiều đưọc rêu nâng niu nhẹ nhàng, giữ lại một cách đầy trân trọng. Và từ dấu giày ấy , Kim trọng nhận ra lối cũ nàng Kiều vẫn đi về , hình dung ra cả bước chân và hình bóng của nàng:

Đi về này những lối này năm xưa

Chính tình yêu thương tha thiết Thúy Kiều của Km Trọng, đã làm cho những kỷ niệm cũ sống lại xiết bao cảm động. Kỷ niệm trỗi dậy trong trái tim ngập tràn yêu thương của chàng trai trẻ. Lớp bụi thời gian không làm mờ đi hình ảnh của Thúy Kiều, ngược lại, nó làm đậm nét thêm hình ảnh của nàg trong tâm khảm Kim Trọng. Chữ "này" trong khẩu ngữ hằng ngày đưọc dùng lại hai lần trong câu thơ tám chữ khắc học thêm tâm trạng đau đớn chua xót của chàng Kim trước "cảnh đấy người đâu".

Cuối tường gai góc mọc đầy

"Gai góc mọc đầy" là sự thật phũ phàng, còn "cuối tường" lại ít nhiều gợi lên dĩ vãng tươi đẹp - dĩ vãng kỷ niệm đôi lứa:

Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường


Tất cả vườn, cỏ, song, vách, hoa đào, bức tường ... đều có sưc khơi gợi sâu xa; vì nó gắn bó với kỷ niệm cũ của mối tình nồng cháy say đắm thiết tha. Lửa lòng chàng Kim đang rực cháy. Thời gian và cảnh vật... Tất cả... tất cả đã đổi thay, duy chỉ có tình yêu dằm thắm thủy chung son sắc của chàng Kim là không hề thay đổi. Chính trong tâm trạng tột cùng đau xót khi không sao tìm thấy người yêu xưa, đã bật lên trong lòng chàng Kim một tiếng nói nội tâm, một tiếng lòng xiết bao đau đớn, tuyệt vọng:

Chung quanh lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?


Tóm lại, sử dụng thi đề "cảnh đấy người đâu". Với thái độ cảm thông và trân trọng đối với tình yêu đôi lứa, Nguyễn Du đã thể hiện một cách sâu sắc tâm trạng người tình tìm đến nơi tình tự. Đoạn thơ có nội dung trữ tình hoài cổ, có sức lay động xâu xa đối với nhiều thế hệ độc giả. Ít nhiều nó đánh thức người đọc những kỷ niệm một đi không trở lại, khiến họ có tình cảm bồi hồi xao xuyến.

Trên xứ sở của giấy trắng mực đen, nổi lên một tiếng lòng bất tử của một con người vĩ đại - người ấy mang tên: Nguyễn Du.

Nguồn: Sưu Tập
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top