MỞ ĐẦU
Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp phát triển của nền văn học dân tộc. Không chỉ có vậy, ông còn là một tấm gương sáng ngời về nghị lực, phẩm chất đạo đức cho người đời noi theo. Sống trong cảnh đất nước ngoại xâm, nỗi nhà tan biến, nỗi mình bị thương, bao nhiêu nghiệt ngã của của cuộc đời trút lên vai một người mù lòa, sự nghiệp công danh nửa đường dang dở. Sự thách thức nghiệt ngã ấy đặt cho Nguyễn Đình Chiểu thái độ phải lựa chọn lối sống và cách sống như thế nào cho thích hợp với vai trò người trí thức trước thời cuộc. Cuộc đời dù nghiệt ngã nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.
Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Đình Chiểu đã đạt được nhiều thành quả, nhưng thành quả lao động xuất sắc nhất của ông là ở ba lĩnh vực: nhà văn, nhà giáo đồng thời là một thầy thuốc đầy y đức. Ở ông hội tụ tất cả những phẩm chất của kẻ sĩ lúc bấy giờ đó là “nhân”, “trí”, “dũng”. Con người Đồ Chiểu toát lên một vẻ đẹp “thiên lương” khiến người đời tâm phục và kính trọng, ngay cả kẻ thù cũng phải run sợ trước một nhân cách cao lớn đến như vậy.
Có thể thấy rằng, trên cương vị là một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong sáng tác của Đồ Chiểu chính là ở chỗ khen chê, biểu dương, phê phán, yêu ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam.Với thái độ sống ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo ra những tác phẩm truyện thơ Nôm có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật: Lục Vân Tiên, Dương Từ_Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
Để đi vào tìm hiểu cụ thể những đóng góp to lớn đó của ông đối với văn đàn Việt Nam, chúng tôi đi vào tìm hiểu đề tài Nét đặc sắc trong truyện thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu.
2. Lịch sử nghiên cứu
Với một tấm lòng nhiệt huyết không ngại khó khăn gian khổ, Nguyễn Đình Chiểu đã hiến dâng cả cuộc đời và sự nghiệp văn chương của mình cho sự nghiệp vì dân, vì nước. Tên tuổi của ông luôn là niềm tự hào của nền văn hóa, văn học dân tộc. Với một vị thế rất đáng trân trọng đó, Nguyễn Đình Chiểu được giới nghiên cứu phê bình tập trung tìm hiểu, khảo cứu phê bình trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau. Cho đến nay, người ta đã thống kê được hàng trăm công trình, bài viết, hàng chục tập sách nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu đã được công bố. Có thể kể ra một số công trình tiêu biểu sau đây.
Nghiên cứu về tác gia Nguyễn Đình Chiểu nói chung thì phải kể đến nhóm tác giả: Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Văn Dung, Bảo Định Giang, Nguyễn Lộc, Thạch Phương, Vũ Khiêu với các bài viết tiêu biểu như Hoài Thanh với Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn, một tấm gương chói ngời tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuốn Mấy vấn đề về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964. Đặng Thai Mai với bài Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ yêu nước lớn của nhân dân Việt Nam, trong cuốn Trên đường học tập và nghiên cứu (tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội, 1965. Bài viết Những cống hiến đặc sắc của Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử văn hóa dân tộc của Nguyễn Lộc, in trong cuốn Nguyễn Đình Chiểu, Nxb Văn hóa thông tin và Hội văn nghệ, Bến Tre, 1984. Bài viết Kiên cường và bất khuất trước mọi thủ đoạn của quân cướp nước và bán nước – Nguyễn Đình Chiểu của Vũ Khiêu trong cuốn Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987. Bảo Định GIang với bài Nguyễn Đình Chiểu – người chiến sĩ kiên cường, nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam trong cuốn Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa thế kỉ XIX, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
Nghiên cứu về truyện thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu cũng đã có hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ đề cập tới, nhất là nghiên cứu về truyện Lục Vân Tiên – tác phẩm tiêu biểu cho thời kì sáng tác đầu của Nguyễn Đình Chiểu. Tiêu biểu là các tác giả như: Nguyễn Lộc, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Khiêu, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Ca Văn Thỉnh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Phong Nam…
Dưới đây là một số công trình nghiên cứu mang tính bao quát, toàn diện như: Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thiện, Nxb Giáo dục, 2001. Cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX của Nguyễn Lộc, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976. Cuốn Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam của Vũ Khiêu, Nxb Khoa học, xã hội và nhân văn, 1986. Tác giả Nguyễn Phong Nam với cuốn Giáo trình văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nôi, 1997…
Nhìn chung, ở các công trình trên, truyện thơ cảu Nguyễn Đình Chiểu được xem xét và nhìn nhận một cách khái quát. Mặc dù trong mỗi công trình, các tác giả đã đi vào nội dung tác phẩm song chỉ dừng lại ở mức độ nhận định về văn bản, thể loại, kết cấu, ngôn ngữ của tác phẩm.
Ngoài những công trình nghiên cứu kể trên còn có hàng chục bài viết, bài phê bình, tiểu luận về Nguyễn Đình Chiểu được in trên các tập san, tạp chí văn học như: Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ yêu nước lớn, nửa cuối thế kỉ XIX của Nguyễn Huệ Chi, báo Tiền Phong, Hà Nội, 3/7/1963. Bài viết Thử bàn về nguồn gốc truyện Lục Vân Tiên của Trần Nghĩa, Tạp chí văn học, Hà Nội, số 1, 7/1963. Bài viết Để làm rõ điều nghi vấn về truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Phong Nam, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1995…
Trên đây là một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Nôm của ông. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi có tiếp thu một cách sáng tạo các công trình nghiên cứu có liên quan để hoàn thành đề tài của mình.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là về tác gia Nguyễn Đình Chiểu và các truyện thơ Nôm của ông.
Phạm vi nghiên cứu: Trong đề tài này, do điều kiện về thời gian cũng như năng lực có hạn, chúng tôi chỉ tập trung vào tìm hiểu về vấn đề Nét đặc sắc trong truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp so sánh
5. Kết cấu đề tài
Trong đề tài này, ngoài phần mở đầu và phần kết luận ra, phần nội dung gồm có hai chương chính:
Chương 1: Nguyễn Đình Chiểu – Người trí thức yêu nước
Chương 2. Nét đặc sắc trong truyện thơ nôm Nguyễn Đình Chiểu
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – NGƯỜI TRÍ THỨC
YÊU NƯỚC
Nguyễn Ðình Chiểu là người mở đầu cho giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX, tên tuổi ông là tượng trưng cho lòng yêu nước của nhân dân miền Nam, và thơ văn ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta.
Nguyễn Ðình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương phủ Tân Bình, Gia Ðịnh và mất ngày 3-7-1888 tại Ba Tri, Bến Tre. Cuộc đời Nguyễn Ðình Chiểu sớm trải qua những chuỗi ngày gia biến và quốc biến hải hùng đã tác động đến nhận thức của ông.
Nguyễn Ðình Chiểu có nhiều nghị lực và phẩm chất, phải có nghị lực phi thường và khí phách cứng cỏi thì Nguyễn Ðình Chiểu mới vượt qua những bất hạnh của cá nhân và thời cuộc để đứng vững trước cơn binh lửa hãi hùng của lịch sử mà không sờn lòng, nản chí. Nguyễn Ðình Chiểu là hiện thân của nhiều phẩm chất cao đẹp làm người. Trong ứng xử cà nhân, Ðồ Chiểu là tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa nhân từ. Tất cả cô đúc lại thành khí tiết của nhà nho yêu nước Việt Nam tiêu biểu cho giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.
Văn chương chưa phải là toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Ðình Chiểu. Sự nghiệp của ông còn lớn hơn nhiều. Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà giáo, người thầy thuốc và là một nhà tư tưởng. Nhưng văn chương của ông đồ sộ đủ đứng thành sự nghiệp riêng.
Nguyễn Ðình Chiểu bắt đầu viết văn sau khi mù, hầu hết các tác phẩm đều viết bằng chữ Nôm. Căn cứ vào nội dung có thể chia ra thành hai thời kỳ sáng tác:
-Trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ: Tác phẩm Lục Vân Tiên là tác phẩm đầu tay, có tính chất tự truyện.
- Pháp xâm lược Nam Kỳ :
+ Tác phẩm Dương Từ-Hà Mậu có ý kiến cho rằng tác phẩm được viết trước khi Pháp xâm lược cũng có ý kiến ngược lại, mục đích của tác giả là dạy đạo Khổng cho học trò và sau này được sửa lại cho phù hợp với tình hình.
+ Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp chủ yếu nói về các phương thuốc và nghề làm thuốc nhưng tràn đầy tinh thần yêu nước.
+ Các bài thơ Ðường luật, các bài hịch, văn tế… tiêu biểu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc(1861), Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Ðịnh(1864), Mười bài thơ điếu Phan Tòng(1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh(1874), Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, Hịch đánh chuột chưa xác định thời điểm sáng tác.
Cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà thơ mù Nam Bộ là một bài học lớn về lòng yêu nước, về việc sử dụng ngòi bút như một vũ khí đấu tranh sắc bén. Tấm gương Nguyễn Ðình Chiểu theo thời gian vẫn không mờ đi chút nào.
1.2. Vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử văn học Việt Nam
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có một vị trí rất quan trọng. Ông là nhà văn có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của văn học dân tộc.
Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng về lòng yêu nước. Lòng ái quốc của ông không chỉ bộc lộ qua văn chương mà còn thể hiện qua hành động cụ thể. Vốn là nhà văn rất nhạy cảm với những vấn đề thuộc về đời sống chính trị xã hội, ông đã có những sự lựa chọn và hành xử đúng đắn.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn có nhiều đóng góp xuất sắc cho dòng văn học yêu nước, là một trong những người mở đường, dẫn đầu cho trào lưu văn học chống Pháp từ nửa sau thế kỉ XIX đến những năm đầu thế kỉ XX. Ông đã nêu một tuyên ngôn bất hủ về trách nhiệm, sứ mạng của người cầm bút: Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm/ Đâm mây thằng gian bút chẳng tà. Đấy là sự tiếp nối truyền thống tư tưởng và văn học của dân tộc. Ông đã khẳng định quan niệm trên một cách nhiệt thành và đầy sức thuyết phục.
Nguyễn Đình Chiểu là người thành công nhất trong việc xây dựng hình tượng người nông dân yêu nước chống ngoại xâm trong văn học Việt Nam thời trung – cận đại. Bằng những bài thơ, những bài văn tế xuất sắc, ông đã tạo dựng được một tượng đài cho người nghĩa sĩ chống xâm lăng, những kẻ thuộc giai tầng hèn kém nhất trong xã hội. Bức chân dung ấy được dựng bằng tấm lòng nhân ái vô bờ, một sự ngưỡng mộ sâu sắc và một tài năng trác tuyệt. Ông đã đưa thể loại văn tế tiến những bước nhảy vọt.
Nguyễn Đình Chiểu được coi là một hiện tượng văn học. Ông là một trong số rất ít các nhà văn mà tác phẩm có thể tồn tại trong kí ức của nhân dân bằng con đường truyền khẩu. Đây là nhà văn tiêu biểu có sức tác động lớn lao đối với sự phát triển của văn học, văn hóa Nam bộ.
CHƯƠNG 2. NÉT ĐẶC SẮC TRONG TRUYỆN THƠ NÔM
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
2.1.1. Tính nhân dân
Lòng thương dân vô hạn và sự gắn bó suốt đời với nhân dân của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là quan điểm và lập trường của nhân dân khi ông xem xét và giải quyết mọi vấn đề. Nhân dân đã đùm bọc, cưu mang giúp đỡ ông lúc hoạn nạn, đồng thời đã tạo ra những điều kiện và môi trường thích hợp cho tài nàng và trí tuệ của ông nảy nở. Đối với ông, nhân dân lao động như một bà mẹ thần kỳ, chẳng những đem lại cho ông một cuộc sống mãnh liệt, hữu ích và đầy ý nghĩa, mà còn chắp cho ông đôi cánh đủ sức bay tới những đỉnh cao của trí thức và nghệ thuật.
Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên cả một xã hội trong đó những nhân vật chính diện tiêu biểu là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã tượng trưng cho tài năng, trí tuệ, nhân phẩm của con người. Đó là những con người học rộng, tài cao. Tuy mỗi người mỗi vẻ, mỗi nét mặt khác nhau, nhưng họ đều là những người "cương trực", "khẳng khái", "vị tha" và “trọng nghĩa hiệp". Họ sẵn sàng cứu giúp người khác không sợ khó khăn nguy hiểm và nêu cao cái nghĩa khí “giữa đường gặp sự bất bình chẳng tha". Họ kiên trì đứng về lẽ phải mà suy nghĩ và hành động. Những đặc tính cao đẹp đó cũng chính là những đức tính cơ bản của con người Việt Nam nói chung và của nhân dân Nam Bộ nói riêng.
Ở những nhân vật chính diện của truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả phẩm chất đẹp đẽ của con người biểu hiện trong các mối quan hệ cha con, vợ chồng, bè bạn, thầy trò... Họ đã ăn ở, giao tiếp và đối xử với nhau thật là trọn tình vẹn nghĩa, thủy chung. Tinh nghĩa và lòng thủy chung đó chính là tình cảm đạo đức hồn nhiên trong sáng và lành mạnh vốn nảy sinh từ trong cuộc sống giản dị của nhân dân lao động.
Tiến trình phát triển của sự việc và của những tình tiết trong truyện Lục Vân Tiên đã diễn ra theo đúng như cái nhìn lạc quan và niềm tin như vậy của quần chúng
Hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga gặp bao nhiêu tai nạn và trắc trở trên đường đời, nhưng cuối cùng họ đã vượt qua tất cả để đi đến hạnh phúc.
Tóm lại, nhân dân lao động được phản ánh trong truyện Lục Vân Tiên với tất cả đặc tính và phẩm chất, sức mạnh và niềm tin của họ. Đó chính là một thành công tuyệt mỹ trong lịch sử văn học nước ta. Bởi vì trước Nguyễn Đình Chiểu, ở nước ta chưa có một nhà văn nhà thơ nào, kể từ đại thi hào Nguyễn Du cho đến các tác giả của những truyện nôm bình dân và truyện nôm bác học, lại miêu tả được sâu sắc, đa dạng tính cách của quần chúng nhân dân như truyện thơ Lục Vân Tiên. Những đặc tính và phẩm chất của họ không chỉ biểu hiện ở một hoặc hai nhân vật mà ở một loạt các nhân vật như Hớn Minh, Vương Tử Trực, ông Ngư, ông Triều, ông Quán, Tiểu đồng... Điều đó chứng tỏ rằng, nhân dân lao động kể cả những người trí thức gắn bó với họ đã từ cuộc đời thực bước vào truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu như một lực lượng xã hội đông đảo, hùng hậu.
2.1.2. Hình tượng con người vì nghĩa, con người đạo đức
Điểm thành công nhất của Nguyễn Đình Chiểu qua các truyện thơ Nôm là ở chỗ ông đã xây dựng thành công con người vì nghĩa, con người đạo đức. Quan niệm này đã được ông thể hiện trong tác phẩm của mình một cách nhất quán, triệt để từ việc mô tả nhân vật, tổ chức hệ thống sự kiện, xây dựng các hệ thống…
Không phải ngẫu nhiên mà trong các truyện thơ Nôm, ông luôn cố gắng để trình bày số phận các nhân vật một cách hoàn chỉnh, trọn vẹn. Lí do là khi kéo dài, mở rộng cuộc đời nhân vật, tác giả có điều kiện tốt nhất để chứng minh một cách thuyết phục quy luật nhân quả. Ngay đầu truyện Lục Vân Tiên, ông đã nói rằng nhân vật chính ở đây là kết quả của một quá trình tu nhân tích đức: Có người ở quận Đông Thành/ Tu nhân tích đức sớm sanh con hiền. Sự ra đời của Vân Tiên không đơn thuần là kết quả của hôn nhân mà còn do ứng nghiệm của quá trình tu nhơn tích đức.
Có thể khái quát cuộc đời của Vân Tiên từ khi xuất hiện cho tới khi kết thúc câu chuyện là một hành trình khổ ải để bồi đắp cái đức của mình ngày một cao hơn. Cũng chính vì thế mà chàng được báo đáp, được giúp đỡ. Sự báo bổ này không cần chờ đến phần cốt truyện mà nó xảy ra liên tục trong thế sóng đôi với những bất hạnh. Sau mỗi khó khăn hoạn nạn, bao giờ Vân Tiên cũng được cứu giúp: bị thả vào rừng thì có du thần dẫn ra gặp ông Tiều, bị đẩy xuống song thì có giao long dìu vào bờ để gặp nhà thuyền chài, mắt bị mù thì có tiên ông cho thuốc… Họa và phúc được trình bày như hai mặt đối lập nhau của cùng một sự kiện. Tinh thần lạc quan của Nguyễn Đình Chiểu, niềm tin vào cuộc đời, vào con người được bộ lộ rõ nhất ở đây: Trong cơn bĩ cực thới lai/ Giữ mình cho trọn việc ai chớ sờn. Nguyễn Đình Chiểu tuyệt vời biện chứng trong quan hệ giữa bĩ và thới, giữa giữ mình và vì ai. Đây là triết lí sống của nhân dân, chính xác và giản dị như chân lí. Tác giả khép lại câu chuyện bằng một viễn cảnh thật huy hoàng, trong đó những con người đực độ, nhân nghĩa sẽ nối nhau làm chủ trên mặt đất này: Trăm năm biết mấy tinh thần/ Sinh con sau nối gót lân đời đời. Đây là lối kết thúc có hậu đặc sắc bởi nó tạo được sự hô ứng với phần đầu của câu chuyện về nhân vật chính. Nó là lời khẳng định sự ngự trị vĩnh viễn của cái thiện, cái nhân nghĩa, cái đạo lý. Giữa tiền thân và hậu thân của nhân vật luôn có sự tiếp nối liên tục. Đó cũng là cái hậu lớn nhất của câu chuyện.
Các nhân vật làm điều ác trong truyện cuối cùng đều bị trừng trị, không loại trừ ai. Nhưng có một điểm đáng lưu ý là các hình phạt đối với kẻ bất nghĩa đa số đều có liên quan với hình thức gây thù trước kia và cách xử lí của Nguyễn Đình Chiểu cũng khá đặc biệt. Chẳng hạn Trịnh Hâm, kẻ đã đẩy Vân Tiên xuống sông thì về sau bị chết chìm, làm mồi cho cá. Võ Công thì xấu hổ mà chết, hai mẹ con lại bị hổ đưa vào hang sâu (nơi trước đây Võ đã nhốt Vân Tiên), rồi lấy đá chẹn ngang. Thái sư bị cách chức, về nhà,… Vấn đề đặt ra trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu luôn được hướng đến mục tiêu giáo huấn đạo lí đạo đức. Ông cố ý nhắc lại các chi tiết, sự kiện là nhằm để nhấn mạnh tính tất yếu của sự báo ứng, trừng phạt. Đây cũng là cách để làm nổi rõ hơn mối quan hệ biện chứng của nguyên nhân và kết quả.
Hình thức trừng phạt ở truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu khá độc đáo. Có cảm giác ông né tránh, không muốn để con người tham gia trực tiếp vào chuyện báo thù. Và vì thế ông tìm đến những giải pháp thật kì khôi. Chẳng hạn hai mẹ con Thể Loan bị hai con cọp chặn đường nhưng chúng không ăn thịt, mà phải cõng họ vào hang, lấy đá lấp hang xong đâu đó mới bỏ đi.
Việc dùng hình phạt đối với tội nhân dựa vào hình thức gây thù chuốc oán trước kia còn được lặp lại trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Trong cái phiên tòa dựng nên để xử những kẻ làm thuốc bất lương, tác giả đã để cho những bọn lang bịp có dịp trình bày hết các mánh khóe xoay tiền và đấy cũng chính là bản cáo trạng mà chúng tự đưa ra để tự luận tội bản thân. Hình phạt tội nhân phải chịu trong truyện gợi nhớ đến hình trạng của chúng lúc trước. Phiên tòa xử trong mộng ảo lời buộc tội lại rất thực. Chẳng hạn, Lão Đậu, một kẻ dốt nát trong khoa trị liệu bệnh đậu mùa “hai đời gây nợ oan gia để hồn” thì bị trừng trị bằng cách để cho bọn âm hồn “kéo đầu đòi mạng lây côn khỏ đầu” (NTYTVĐ. 3112). Lão Cứu làm nghề châm cứu, tham tiền làm ẩu (đó là điển hình cho loại thầy thuốc mà Nguyễn Đình Chiểu gọi là “quá cha giặc mùa) thì bị “kim châm lửa đốt nát da”. Lão Tam Sao làm nghề bào chế, sao tẩm thuốc cũng là một tay đạo tặc trong chốn y lâm; cái tội của lão ngoài tội bớt xén, còn là lừa đảo. Theo quan án, lão là một kẻ “miệng lưỡi già”, đem “cây lá tầm phào” lừa mị dân chúng… Với tội danh ấy, lão bị “quay chân vả miệng trả khi già hàm” (NTYTVĐ.3238). Bọn thầy pháp, thầy thuốc cao… đều bị xử theo nguyên tắc như thế.
Ở truyện này, Nguyễn Đình Chiểu hình dung bọn tội phạm nghề y là một bọn bất nhân bất nghĩa. Ông xem nhân cách của chúng còn tồi tệ hơn cả “giống con buôn” (là loại người mà ông khinh miệt hết sức). Ông cho rằng thà làm con buôn còn không đáng bị nguyền rủa bằng những kẻ lợi dụng nghề thuốc để kiếm ăn. Nhưng ông cũng xếp chúng vào một hạng, một “giống”, và dùng các khái niệm đổi chác bán buôn để cắt nghĩa căn nguyên hậu họa mà chúng lĩnh về sau.
Hai đời vay nợ oan gia để đời (NTYTVĐ.3100)
Có vay có trả kêu la lẽ nào (NTYTVĐ.3174)
Có ăn có chịu còn cưu hận gì (NTYTVĐ.3236)
Quay chân vả miệng trả khi già hàm (NTYTVĐ.3238)
Một vay một trả người mang nợ đời (NTYTVĐ.3522).
Tất cả những vay – trả, mượn – trả, ăn – chịu… thực chất là những biểu hiện của quan hệ nhân quả.
Quan niệm của tác giả về công lí, về cách giải quyết oán cừu, thái độ đối với cái ác ở cả ba tác phẩm đều cùng nằm trong một mạch. Trong Lục Vân Tiên, khi bình luận về những kẻ “vô nghì”, tác giả cho rằng vận của chúng là “không ra gì”, “chẳng làm gì nên thân”. Ở Dương Từ - Hà Mậu ông gay gắt hơn: Đã sa vào tội bất nhân/ Dẫu cho muôn kiếp cái thân ra gì (DTHM.1755). Cũng chính xuất phát từ quan niệm như thế mà ông đã tạo ra được một cảnh địa ngục lạ lùng nhất trong văn chương Việt Nam. Truyện thơ Nôm có nhiều tác phẩm nói đến địa ngục, song không có tác phẩm nào trình bày đầy đủ, chi tiết, sinh động với quy mô lớn, ý nghĩa triết lí sâu sắc như trong Dương Từ Hà Mậu. Địa ngục ở đây cũng là một thế giới, thế giới tội ác và trừng phạt. Cái đại pháp trường này dùng để xử tất cả mọi tội nhân trên dương thế. Quan niệm về địa ngục - nơi phán xét đạo đức của con người chốn trần ai là một quan niệm khá phổ biến trong văn học dân gian. Tuy nhiên, ở trường hợp này, tác giả không nhằm minh họa, hình tượng hóa một quan niệm. Điều cốt yếu mà Nguyễn Đình Chiểu muốn trần tình với mọi người qua cảnh tượng âm ty rùng rợn này là: tội ác nhất định sẽ bị trừng phạt, những hành vi nhơ nhớp, tội lỗi dù xảy ra ở đâu, vào lúc nào cũng không thể lẫn tránh, che đậy được.
2.1.3. Hệ thống nhân vật
Hệ thống nhân vật truyện thơ trung đại Việt Nam có hai đặc trưng nổi bật. Thứ nhất, mỗi nhân vật, dù được miêu tả đạt tới bề dầy một tính cách thì cũng chỉ là tính cách nhất phiến. Nghĩa rằng cái gọi là bề dầy ấy đã bị nguyên tắc thi pháp nhân vật của thể loại giát mỏng ra, dẹt hoá đi: nó không có chiều kích mang tính lập phương. Toàn bộ tính cách của nhân vật được ấn định một cách tiên nghiệm ngay từ trong ý đồ tác giả, và cố định trong suốt vận mệnh tác phẩm. Biến cố mà nhân vật trải qua chỉ là những sự kiện hầu như ngoại tại thuần tuý đối với tính cách, được gá hờ vào cốt truyện, làm thành những cơ hội giả tạo để nhân vật phô ra những gì đã được tác giả sắm sẵn cho, từ trước khi hạ sinh ra nó. Thứ hai, trong tác phẩm, con người bao giờ cũng được chia ra, xếp vào hai tuyến duy nhất: thiện–ác, chính–tà, trung–nịnh, tốt–xấu… Đường phân giới giữa chúng, về nguyên tắc, là tuyệt đối và cố định. Nhân vật bên này không được phép chuyển dịch sang nhập tịch bên kia; cũng không cho phép một nhân vật cùng lúc vừa thuộc bên này lại vừa thuộc bên kia…
Lục Vân Tiên tuân thủ nghiêm ngặt những quy phạm ấy. Các nhân vật đều nhất phiến về tính cách. Sự miêu tả từng nhân vật, hay giữa các nhân vật, xét trong nội bộ tác phẩm, không phải không phong phú, càng khó nói là đơn điệu. Tác giả sử dụng nhiều thủ pháp cá biệt hoá nhân vật, từ những góc độ và mức độ khác nhau. Có khi dùng người kể chuyện để giới thiệu nhân vật, bằng cách trực tiếp thuyết về phẩm chất bên trong (Vân Tiên), hoặc gián tiếp giới thiệu phẩm chất qua mô tả dáng vẻ bên ngoài (Hớn Minh). Có khi dùng lời của chính nhân vật, để nó tự tố nó (Trịnh Hâm), hoặc che đậy mà lộ liễu (Thể Loan), hoặc thổ lộ mà ngập ngừng (Nguyệt Nga)… Và thường khi nhất là dùng hành vi nhân vật (hành vi động tác và hành vi ngôn ngữ) để thể hiện: nói đi đôi với làm (Quán), nói ít làm nhiều (Hớn Minh, Ngư, Tiều), chỉ làm không nói (Tiểu Đồng), nói một đàng làm một nẻo (Võ Công, Trịnh Hâm), và có cả sự ngậm miệng ăn tiền (Bùi Kiệm), v.v... Tất cả nhằm xác định tính cách cho nhân vật, trước hết những nhân vật chính.
Quy phạm thứ hai về thi pháp nhân vật truyện thơ là sự phân tuyến đối lập các nhân vật cũng được Lục Vân Tiên tuân thủ triệt để. Hơn cả triệt để: cực đoan! – nhân vật chính chẳng những được xếp vào hai tuyến đối lập (chính diện–phản diện) như thông lệ truyện thơ Nôm, chúng còn được bố trí thành từng cặp tính cách đối lập, trực diện đối đầu nhau: Nguyệt Nga >/< Thể Loan; Kiều Công >/< Võ Công; Hớn Minh >/< Trịnh Hâm; Tử Trực >/< Bùi Kiệm; Quán-Ngư-Tiều >/< Lang-Bói-Pháp...Vân Tiên không thuộc cặp nào nhưng liên quan tất cả các cặp, thì đó là hình thức bề sâu của cấu trúc hệ thống nhân vật xác nhận vị trí nhân vật chính-trung-tâm của anh ta. Ở mỗi cặp, nhân vật đối lập nhau theo nguyên tắc vừa đối trọng vừa đối xứng, lấy nét trội đạo đức đã xác định làm phân giới và trục đối chiều ngang. Trên trục đối chiều ngang đó, hai nhân vật ở hai đầu mút của trục, hay là mỗi nhân vật ở một thái cực đối lập của cùng một nét đạo đức mà chúng có chức năng biểu thị. Người tốt, tốt tuyệt đối; kẻ xấu, cũng xấu tuyệt đối.
Vậy là các nhân vật Lục Vân Tiên đối lập kép, theo cả hai trục, trục dọc (theo tuyến) và trục ngang (theo cặp). Đặt cạnh mô hình đối lập nhân vật đơn trục (chỉ theo tuyến) của các truyện Nôm, rõ ràng đến Lục Vân Tiên, quy phạm này đã được khai thác đến tận cùng.
Mỗi tính cách trong Lục Vân Tiên, nếu nhìn riêng rẽ cô lập, là một nhân vật, một người. Nhưng nhân vật trong Lục Vân Tiên không xuất hiện đơn lập, mà song lập: mỗi nhân vật chính không xuất hiện một mình, mà bao giờ cũng gọi ra một nhân vật đối lập, cùng xuất hiện với nó thành một cặp. Có Nguyệt Nga thì lập tức có Thể Loan, Tử Trực xuất hiện thì cũng xuất hiện ngay Bùi Kiệm… Trong truyện, sự xuất hiện song lập ấy phổ quátnhư một cơ chế, đi vào tiếp nhận của độc giả, người đọc cảm thụ nhân vật truyện theo từng cặp như vậy.
Mỗi tính cách song lập, qua cặp nhân vật đồng hiện, sẽ biểu thị một nét đạo đức duy nhất; ngược lại, nét đạo đức duy nhất ấy trở thành toàn bộ nội dung tính-cách-người của hai nhân vật (thậm chí, về nguyên tắc, hoạt động trên cái nét đạo đức duy nhất đó không chỉ là hai người – hai nhân vật – mà có thể là mọi người, hay mọi khả năng mà con người có thể có ở nét đạo đức ấy).
Ở Dương Từ-Hà Mậu và Ngư Tiều thuật vấn đáp, các nhân vật không chia thành tuyến. Thế giới trong truyện không phải là tốt đẹp, càng không phải toàn bích tốt đẹp. Trái lại, đó là thế giới mà cái xấu mưu toan thống trị như ở Dương Từ-Hà Mậu hoặc hiện đang ngự trị Ngư Tiều thuật vấn đáp. Vì vậy, hiển nhiên nó đầy dẫy cái xấu và kẻ xấu của nó. Có điều, những cái xấu-kẻ xấu đó không được đưa vào bình diện mô tả tái hiện của tác phẩm, mà chỉ như những ám ảnh hậu trường, có chức năng phông nền cho chuyện và nhân vật truyện. Tuy nhiên, không vì vậy mà các nhân vật, trước hết, nhân vật chính, được mô tả là những người-tốt-hoàn-toàn, càng không phải tuyệt đối tốt, như các nhân vật chính diện đã thấy ở Lục Vân Tiên và thường thấy ở các truyện thơ Nôm.
Các nhân vật Dương Từ, Hà Mậu và Ngư Tiều thuật vấn đáp cố nhiên không phản diện, nhưng cũng không thể nói là chính diện thuần toàn. Cơ bản thì họ là người tốt, hiểu theo nghĩa người lương thiện, do đó cơ bản là chính diện. Nhưng trong con người toàn bộ của nhân vật, vẫn có một phần của sự không tốt, chưa tốt, chưa chính diện – phần này ở Dương, Hà rõ hơn, đủ trở nên có vấn đề hơn, so với Ngư, Tiều. Theo tôi, có thể gọi đây là dạng tính cách phi thập toàn thuần nhất, mà một cách tự nhiên lôgíc, nó hoàn toàn được phép trở nên lưỡng khả (hoặc thậm chí đa khả) về tính cách. Đặt cạnh khuôn hình phổ biến về nhân vật của các truyện thơ Nôm, kể cả Lục Vân Tiên, rõ ràng dạng nhân vật lưỡng khả phi thập toàn này là hiếm hoi, vì vậy nó độc đáo, ít có, thậm chí riêng có ở hai truyện thơ này.
2.2. Đặc sắc nghệ thuật trong truyện thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu
2.2.1. Cốt truyện
Nghệ thuật là cánh tay đắc lực tạo nên thành công của một tác phẩm văn học. Đề tài, cốt truyện, nhân vật, kết cấu, ngôn ngữ là những yếu tố nồng cốt của một kiệt tác văn học. Trong đó, cốt truyện là bộ xương sống, cái khung của một tác phẩm nên nó đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, văn học nói chung và truyện thơ Nôm nói riêng, cốt truyện là một phương tiện để người nghệ sĩ gửi gắm tư tưởng, tạo nên đứa con tinh thần của mình.
Đến với Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trên thi đàn văn học. Ông đã đóng góp rất nhiều trên thi đàn văn học. Ông đã đóng góp rất nhiều ở thể loại truyện thơ Nôm, tác phẩm tiêu biểu là Lục Vân Tiên. Nét đặc sắc trong truyện thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu không những ở phương diện nội dung mà ở phương diện thi pháp. Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng tốt kĩ thuật xây dựng cốt truyện. Cốt truyện trong truyện thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu bắt nguồn từ đời sống thực tại xã hội. Truyện Lục Vân Tiên được tác giả sáng tạo trên sự hư cấu cảnh ngộ, cuộc đời của chính tác giả. Cốt truyện Lục Vân Tiên Nguyễn Đình Chiểu xây dựng rất hợp logic, cụ thể như sau: Lục Vân Tiên quê ở quận Đông Thành khôi ngô tuấn tú, nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài, giữa đường chàng đánh tan bọn cướp Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga. Cảm ơn ân đức ấy Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự họa bức chân dung chàng giữ luôn bên mình. Còn Vân Tiên tiếp tục cuộc hành trình đi thi và kết bạn với các sĩ tử khác. Sau khi về nhà thăm cha mẹ Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi và ghé thăm Võ Công người đã hứa là gã con gái là Võ Thể Loan cho chàng. Từ đây Vân Tiên có thêm người bạn đồng hành là Vương Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, thấy Vân Tiên tài cao Trịnh Hâm đem lòng đố kỵ và ghen ghét. Lúc sắp vào trường thi Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi về quê chịu tang. Dọc đường về Vân Tiên bị đau mắt nặng, rồi bị mù cả hai mắt, bị Trịnh Hâm đẩy xuống sông. Chàng được gia đình ông Ngư cưu mang và và Vân Tiên gặp lại Hớn Minh và chàng đón Vân Tiên về an dưỡng. Khoa thi năm ấy Tử Trực đỗ thủ khoa, chàng trở lại nhà họ Võ hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngõ ý muốn gả Thể Loan cho chàng nhưng bị Tử Trực cự tuyệt và mắng thẳng vào mặt, Vương Công hổ thẹn và ốm chết. Nghe tin Vân Tiên chết, Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời. Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được đem lòng thù oán, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Quan, thuyền đi đến biên giới nàng ôm tấm hình vẽ Lục Vân Tiên và nhảy xuống sông tự tử. Sau đó, nàng được Quan Âm cứu giúp và được gặp lại Lục Vân Tiên, hai người sống với nhau rất hạnh phúc.
Cốt truyện trong truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng theo quan niệm truyền thống, mô hình ổn định của cốt truyện với ba sự kiện cơ bản: gặp gỡ, tai biến, đoàn tụ. Cốt truyện trong thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu nhằm tới mục tiêu giáo huấn, các yếu tố trong truyện được xây dựng một cách trình tự, hợp logic để nhằm tới mục đích văn dĩ tải đạo.
2.2.2. Ngôn ngữ
Với một nội dung có tính nhân dân sâu sắc, với một hình thức giản dị phù hợp với nếp suy nghĩ của quần chúng và với một ngôn ngữ trong sáng được nâng cao từ tiếng nói thân thuộc hàng ngày của nhân dân, truyện Lục Vân Tiên đã được đông đảo quần chúng say mê ưa thích.
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên phong vị của phương ngữ Nam Bộ được thể hiện khá độc đáo. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những danh từ cụ thể và những động từ, tính từ có đối lập giữa các phương ngữ : heo/ lợn ; bắp/ ngô ; nhang/ hương ; nhợ/ dây ; đui/ mù ; hối/ giục ; kêu/ gọi ; quái/ treo...với những trường hợp này, sự lựa chọn của Nguyễn Đình Chiểu gần như là điều tự nhiên đối với những từ rất gắn bó với cuộc sống bà con nơi quê hương tác giả. Tuy nhiên, tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, được truyền miệng mà lưu lại, nên những trường hợp biến thể ngữ âm giữa các phương ngữ, có thể nghĩ rằng người kể, người sao chép, người đọc đã theo cách phát âm phương ngữ, một cách phát âm mà nếu giải thích thì có nhiều lí do khác nhau cho các trường hợp. Đó là cách phát âm vẫn còn cho đến tận ngày nay, dù trên văn bản và trong nhận thức có thấy là “nhân”, là Nguyễn Đình Chiểu “chính” là“bệnh” thì trong cách phát âm của người miền Nam vẫn cứ là“ nhơn” là “chánh” là“bịnh” theo chuẩn phương ngữ. Có thể nói nhân dân miền nam yêu thích Lục Vân Tiên không phải chỉ do phương ngữ tao ra, nhưng phương ngữ vẫn có vai trò rất quan trọng. Phương ngữ niềm nam chính là một yếu tố trong giá trị hiện thực của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Nhờ có cuộc sống gắn bó ruột thịt với nhân dân, lăn lộn giữa cuộc sống “muối dưa hẩm hút” cùng bà con cô bác trên chặng đường chạy loạn, chữa bệnh, lưu lạc...ông đã học được hàng nghìn trang sách đời trong cuộc sống văn hóa dân gian phong phú. Cho nên tràn vào tác phẩm Lục Vân Tiên là hàng ngàn triết lý thực tiễn, tâm lý và ngôn ngữ dân gian Nam Bộ. Triết lý đạo đức nhân dân vốn sống rất bền dai rất sinh động trong đời sống đạo đức thực tiễn trong nền văn hóa văn hóa thực hành của nhân dân. ... Nguyễn Đình Chiểu đã dần dà lựa lọc, thâu thái cái vốn quí đó trực tiếp từ đám “dân ấp dân lân” mà ông cùng chung sống trong chòm xóm. Cả trong khi sáng tác, chau giũa Lục Vân Tiên, ông đã khéo léo lựa dòng cho nguồi suối dân gian trong mát ùa vào trong tác phẩm của mình. Để diễn đạt nông nỗi thăng trầm của hai nhân vật chính, hàng chục thành ngữ dân gian đã xen dày vào từng dòng thơ : sao dời vật đổi ; màn trời chiếu đất ; sớm còn tối mất, phận bạc như vôi....Chủ đề đạo đức trong tác phẩm đã khiến cho hàng loạt thành ngữ tục ngữ ca dao vụt đến với Đồ Chiểu trong khi sáng tác. Có thể tìm thấy trong Lục Vân Tiên những khuôn tục ngữ như: Chùa rách phật vàng ; nước có nguồn cây có cội ; sống sao thác vậy...
Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm vừa mang tính bác học vừa mang tính bình dân của một tác giả nhưng được truyền đi và bổ xung theo lối dân gian, được sáng tác trong một điều kiện của một nền văn hóa Đằng Trong nửa cuối thế kỷ XIX, với tất cả những đặc điểm về đời sống tinh thần, về văn chương và ngôn ngữ của một nền đất mới.
Về mặt ngôn ngữ, tuy còn một số câu còn thô vụng, giống như nhiều truyện nôm cổ xưa, nhưng lời kể bằng thơ toát lên sự nhiệt thành, thân mật như một truyện kể dân gian, có sắc thái ngôn ngữ địa phương...chưa nói có nhiều câu thơ hay, hay cả về hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu.
2.3. Không, thời gian nghệ thuật
Nhân vật truyện thơ nôm thường được trình bày như một số phận hoàn chỉnh. Người đọc tiếp xúc với nhân vật không phải với một thời gian hạn định, mà là chứng kiến cả một kiếp người, cả một đời người. Người ta hình dung các nhân vật với đầy đủ những vui buồn sướng khổ, mọi bước thăng trầm, mội biến cố quan trọng, các cảnh huống có ý nghĩa nhất,.. với một ý thức bao quát về chúng. Chẳng hạn trong Lục Vân Tiên, tác giả giới thiệu nhân vật hết sức tường tận, từ lúc mới ra đời, đi học, đi thi, gặp nạn, cho đến khi vinh hiển. Đặc biệt, tác giả còn phác thảo một chân dung sán lạn đối với cặp Vân Tiên – Nguyệt Nga: Trăm năm biết mấy tinh thần/ Sinh con sau nối gót lân đời đời. Có thể nhận thấy ý đồ nghệ thuật của nhà văn qua cái cầu nối của các thời (quá khứ - hiện tại – tương lai) của nhân vật. Việc khảo sát con người trong một không - thời gian dài rộng như thế không phải là vô cớ. Chính ý thức nghệ thuật về nhân vật, ý nghĩa triết lí của câu chuyện buộc tác giả phải dùng đến cái kiểu cốt truyện có tính phổ biến ấy của truyện thơ Nôm. Cái triết lí mà tác giả muốn trình bày trong truyện Lục Vân Tiên đòi hỏi phải triển khai câu chuyện trên quy mô dài rộng – quy mô một đời người. Có thế thì mới đủ điều kiện để chứng minh sự ứng nghiệp của nó. Cái kết có hậu rất huy hoàng, với những thành đạt của nhân vật chính, theo tác giả không gì khác là sự đền bù số phận, là kết quả của quá trình vì nghĩa. Hoặc các hình phạt mà nhân vật phản diện phải chịu chẳng qua là cái giá mà họ phải trả cho một quá trình ăn ở bất nhân vô đạo trước đó.
Quan niệm “con người đạo đức” cũng chi phối trực tiếp đến việc sáng tạo, sắp xếp, tổ chức các hình tượng nghệ thuật như không gian, thời gian… trong truyện của Nguyễn Đình Chiểu, các hình tượng này cũng có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn trong Lục Vân Tiên, không gian, thời gian luôn được tác giả trình bày theo nguyên tắc đảm bảo các điều kiện để nhân vật có thể bộc lộ phẩm chất của mình một cách thuận lợi nhất. Hoạt động của các nhân vật đều diễn ra xoay quanh trục đạo lí, đạo đức. Thành thử rất ít khi tác giả để cho nhân vật yên ổn một chỗ (để suy tư, chiêm nghiệm...) ; nghĩa là ông chú trọng đến sự vận động của thế giới nội tâm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hình tượng không – thời gian trong truyện của Nguyễn Đình Chiểu có sự khác biệt so với những truyện thơ Nôm khác, nhất là các truyện thiên về mô tả tâm lí nhân vật.
KẾT LUẬN
Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại, thể tài và truyện thơ Nôm là một trong những nét đặc sắc và đóng góp lớn của ông trong tiến trình phát triển văn học dân tộc. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động, khiến cho ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược.
Bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần xứng đáng cho đời sống văn hóa dân tộc trải qua thử thách nghiệt ngã được bảo tồn và phát triển. Sống trong tình thương và sự kính trọng của nhân dân, những người làm nên lịch sử và văn hóa, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa chân chính của nhân dân. Với tất cả vai trò xã hội và sứ mạng của con người mà Đồ Chiểu phải gánh vác, nhà thơ, thầy thuốc, người công dân, chiến sỹ yêu nước ấy cho đến cuối đời vẫn kiên cường vượt qua số phận để lại cho đời sau một tấm gương về cách sống trong sáng đến tuyệt vời. Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Giàu, (1983), Nguyễn Đình Chiểu – Đạo làm người, NXB Sở văn hóa thông tin Long An.
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2005), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Khiêu (1986), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam, NXB Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
4. Nguyễn Lộc (1976), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
5. Đặng Quang Lưu (1978), Tập nghị luận và phê bình văn học chọn lọc, NXB Giáo dục, Hà Nội.
6. Vũ Tiến Lựu (2000), Nguyễn Đình Chiểu, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Nguyễn Phong Nam (1995), Để làm rõ điều nghi vấn về truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Tạp chí Văn học, Hà Nội.
8. Nguyễn Phong Nam, (1997), Giáo trình văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội.
9. Nguyễn Phong Nam (1998), Nguyễn Đình Chiểu từ quan điểm thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
10. Nguyễn Phong Nam (2003), Giáo trình văn học Việt Nam, NXB Đà Nẵng.
11. Vũ Tiến Quỳnh (1998), Nguyễn Đình Chiểu, NXB Giáo dục, Hà Nội.
12. Nguyễn Ngọc Thiện (2001), Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
:26::26::26::26:.Hãy để tâm hồn cuốn theo gió....