- Xu
- 458
NỀN VĂN HÓA NÀO ĐƯỢC XEM LÀ MỞ RA KỈ NGUYÊN CỦA VĂN MINH THỜI ĐẠI ĐỒ ĐỒNG Ở VIỆT NAM?
Theo tiến trình phát triển của thời đại đồ đá, Hạ Long là văn hóa hậu kỳ thời đại đồ đá mới, nhưng đỉnh cao tột cùng của kỹ thuật chế tác hiện vật bằng đá lại là ở văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ). Những thành tựu nghiên cứu từ trước đến nay về nền văn hóa này cho phép kết luận rằng, Phùng nguyên vừa là tột đỉnh của thời đại đồ đá mới lại cũng là sơ kỳ của thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Trong kỹ thuật chế tác đá, người Phùng Nguyên đã có thêm một phát kiến mới, đó là tiện đá. Chính sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật mài đá, cưa đá và khoan đá trước đó với kỹ thuật tiện đá của chính mình, người Phùng Nguyên đã làm cho đồ đá đạt đến trình độ hoàn hảo.
Nhưng, công lao lớn nhất của người Phùng Nguyên lại là ở chỗ chính họ đã mở ra kỷ nguyên của văn minh thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Lịch sử đồ đồng ở Việt Nam đã phát triển qua bốn chặng đường lớn, với bốn nền văn hóa kế tục nhau đó là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), văn hóa Gò Mun (Phú Thọ) và văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa).
View attachment 10001
Ở Phùng Nguyên, đồ đồng mới chỉ bước đầu xuất hiện. Trong các di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên, người ta đã tìm thấy một số cục đồng và xỉ đồng. Sự tồn tại của xỉ đồng tỏ rõ rằng đồ đồng được chế tạo tại chỗ, văn minh thời đại đồ đồng ở Phùng Nguyên nói riêng và ở các địa phương trên lãnh thổ nước ta lúc bấy giờ nói chung là văn minh bản địa. Do tỷ lệ đồ đồng lúc này còn rất khiêm nhường, các nhà khảo cổ học đã xếp văn hóa Phùng Nguyên vào sơ kỳ của thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Nền văn hóa này có niên đại cách nay khoảng 4.000 năm. Tương đương với văn hóa Phùng Nguyên kể về niên đại lẫn tính chất còn có văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa).
Đồng Đậu có sự phát triển tiếp nối với một trình độ cao hơn của Phùng Nguyên. Văn hóa Đồng Đậu có niên đại cách nay khoảng 3.300 năm và được xếp vào trung kỳ thời đại đồ đồng ở Việt Nam.
Sau Đồng Đậu và phát triển trên cơ sở Đồng Đậu là văn hóa Gò Mun được coi là hậu kỳ của thời đại đồ đồng. Ở đây, tỷ lệ hiện vật đồ đồng rất cao và quan trọng hơn, đồ đồng đã có mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Gò Mun có niên đại cách nay chừng trên dưới 3000 năm.
Theo Sách Hỏi đáp Lịch Sử Việt Nam*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: