Nên uống thuốc với nước gì?
Khi phải uống thuốc, tiện có nước gì là tôi uống kèm với thuốc, kể cả nước ngọt hay nước chè... Nhiều người nói uống như thế là không tốt, thậm chí phản tác dụng của thuốc. Xin hỏi, uống thuốc với nước gì thì đúng và hiệu quả?
Anh Văn Nhân (Gia Lâm)
Đa số thường nghĩ đơn giản là uống nước gì kèm với thuốc cũng được, miễn là có đủ nước để viên thuốc trôi xuống dạ dày chứ ít ai biết rằng, trong nhiều trường hợp, thuốc và loại nước uống kèm không hợp với nhau, làm giảm tác dụng của thuốc, thậm chí còn xảy ra phản ứng tạo thành chất độc hại cho cơ thể… Chẳng hạn như khi dùng nước cam, nước táo uống thuốc có thể làm chất sinh học ở ruột đảm nhận việc vận chuyển thuốc vào máu không hoạt động được. Nước cam, nước chanh có vị chua (là acid hữu cơ) có thể làm cho thuốc kháng sinh như ampicillin, erythromycin, lincomycin bị hỏng do các kháng sinh này kém bền vững ở môi trường acid. Nghiêm trọng nhất là nước bưởi chùm (grape-fruit), loại đồ uống thông dụng ở một số nước cũng đã được chứng minh gây hại khi dùng với thuốc. Loại bưởi này chứa hoạt chất naringin và bergamotin (với bưởi ta, hai chất này có trong vỏ nhiều hơn), khi uống chung với một số thuốc như statin trị rối loạn lipid, thuốc atenolon trị tăng huyết áp... sẽ làm tăng độc tính của thuốc do naringin ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan, dẫn đến nồng độ thuốc tăng cao trong máu.
Nước dùng để uống thuốc tốt nhất là nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc hợp vệ sinh. Có thể dùng nước đóng chai nhưng phải là nước tinh khiết, không dùng nước chứa các chất khoáng để uống thuốc, bởi vì chất khoáng như canxi, natri... cũng có thể kỵ thuốc. Tuyệt đối không được nuốt khan viên thuốc vì rất có thể thuốc sẽ bị dính lại ở thực quản, gây viêm loét thực quản.
Theo HNM.