Nên chọn ngành gì cho phù hợp?
- Em thấy nhiều chuyên gia giáo dục khuyên để chọn được ngành nghề phù hợp cần quan tâm đến sở thích. Còn theo em nghĩ, chỉ cần có năng lực là đủ cốt được đào tạo để vững tay nghề, suy nghĩ của em liệu có đúng? (Nguyễn Thanh Quang, THPT Tenlơman, Q.1, TP.HCM).
- Chính vì nghĩ như em mà rất nhiều bạn trẻ đã chọn nhầm nghề và nhầm trường. Khi tìm hiểu một nghề, em cần biết rõ nghề đó đòi hỏi những phẩm chất gì nơi người hành nghề. Đơn giản như nghề lái xe đòi hỏi rất cao về tính cẩn thận và đức kiên nhẫn. Nếu ai quen chạy ẩu và thiếu nhường nhịn thì không nên chọn nghề đó. Khi trắc nghiệm hướng nghiệp, các chuyên gia không chỉ đo chỉ số IQ của em, mà quan trọng hơn họ đo chỉ số EQ và AQ của em nữa, xem em có đủ bản lĩnh để học và làm được một nghề cần vững vàng về tâm lực và tính cách hay không. Đặc biệt, em đừng bỏ qua hay coi nhẹ sợ thích khi chọn nghề. Nhiều HS chọn nghề chỉ vì nghe theo lời khuyên của gia đình hay theo trào lưu xã hội, đua theo bạn bè… thế nên khi ra trường đều không bám trụ được với nghề mình đã chọn mà phải chuyển qua ngã rẽ khác. Điều này gây tốn kém không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà ảnh hưởng rất lớn đến việc phân hóa ngành nghề của xã hội. Theo tôi, tương lai của em được quyết định từ sở thích và năng lực của chính bản thân em.
(Thầy Trần Lâm Bạch, Trường CĐ KT-KT Phú Lâm)
- Em học khá khối A và dự đoán có khả năng đậu CĐ. Em thích ngành Tài chính – Ngân hàng và đang dự định thi vào Trường CĐ Nguyễn Tất Thành. Xin cho biết, ngành này đào tạo những gì, ra trường có dễ xin việc không? (Phạm Quân, Quận 1. TP.HCM)
- Ngành Tài chính – Ngân hàng của Trường CĐ Nguyễn Tất Thành đào tạo trình độ cử nhân. Sinh viên được trang bị các kiến thức kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, luật ngân sách nhà nước, luật thuế, luật ngân hàng,… Đồng thời, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức chuyên ngành như tài chính doanh nghiệp, phân tích tài chính doanh nghiệp, nghiệp vụ ngân hàng thương mại, nghiệp vụ kinh doanh hối đoái,… Ngoài kiến thức quản lý kinh tế, sinh viên còn được trang bị những kiến thức về quản lý tài chính và tài chính quốc tế ở các nước phát triển trên thế giới và được điều chỉnh lại cho thích hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể vào làm ở rất nhiều lĩnh vực thuộc hai chuyên ngành Tài chính và Ngân hàng như: Các cơ quan về tài chính và thuế do nhà nước quản lý; các công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty cho thuê, qũy tín dụng,… Ngoài ra, sinh viên có thể đảm nhận việc tư vấn tài chính, tư vấn ngân hàng hoặc tư vấn chứng khoán,… theo đơn đặt hàng của khách hàng hoặc thực hiện các dịch vụ ngân hàng khác.
(Phòng đào tạo trường CĐ Nguyễn Tất Thành )
Theo Đất việt.