Năm Ngọ nói chuyện thành ngữ về ngựa

Thandieu2

Thần Điêu
Năm Ngọ nói chuyện thành ngữ về ngựa

Trong số các thành ngữ liên quan tới ngựa của ông cha ta có nhiều điều thú vị. Điều này thể hiện ở chỗ ngoài đời, ngựa luôn luôn được coi là loài vật hiền lành, có ích, đáng yêu nhưng trong thành ngữ, nghĩa của nó lại “lưỡng phân” thành hai hướng, nửa tích cực, nửa... tiêu cực.Bốn thành ngữ dưới đây là một ví dụ. Với câu “Mã đáo thành công” và "Thẳng như ruột ngựa" thì ngựa mang một thông điệp hay, tốt lành, còn hai thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” và “Ngựa quen đường cũ” thì chú ngựa lại mang ý nghĩa… “bất kham”, hàm ý xấu.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

“Mã đáo thành công”

Nguyên văn đầy đủ theo âm Hán Việt của câu này là "Kì khai đắc thắng, mã đáo thành công", có nghĩa là: "cờ phất (làm hiệu) chiến thắng, ngựa quay về (báo tin) thành công".

images917878_namconngua.jpg

Có truyền thuyết liên quan tới chuyện này. Số là, vào năm Kỉ Dậu 1789, sau cuộc hành binh thần tốc từ Nam ra Bắc, tướng quân Nguyễn Huệ đã đánh tan 20 vạn quân Thanh và kéo quân vào thành Thăng Long đúng ngày mùng 5 Tết. Để cấp báo tin thắng trận, Nguyễn Huệ sai người mang một cành đào thật đẹp, cưỡi ngựa chuyển ngay cho Công chúa nhà Lê là Ngọc Hân. Quân sĩ tuân lệnh, cho năm sĩ tốt, ngựa khỏe, tức tốc nhận sứ mệnh mang cành đào Nhật Tân của kinh thành Thăng Long đi ngay. Khi Công chúa Ngọc Hân nhận được, hoa và nụ trên cành đào kia vẫn còn tươi rói. Thế là cành đào kia mang ý nghĩa tin báo tiệp.

Đấy là một cách cắt nghĩa xuất xứ của câu thành ngữ "Mã đáo thành công". Nhưng trong dân gian hiện nay, theo quan niệm phong thủy truyền thống, thì "mã đáo thành công" được coi là 4 chữ vàng đối với những người làm ăn, trong kinh doanh hay buôn bán. Thêm nữa, do chữ "bát" cùng cùng âm với chữ "phát", có nghĩa là "phát đạt" nên bức tranh "Bát mã phi nước đại" với dòng chữ trang trọng viết câu thành ngữ "Mã đáo thành công" được coi như món quà mừng cho những ai bắt đầu khởi nghiệp làm ăn, khai trương cửa hàng, mừng tân gia (nhà mới)...

Dần dần, câu "Mã đáo thành công" không chỉ dùng trong giới thương gia hay những người làm ăn, liên quan tới kinh tế mà người ta còn dùng để chúc nhau, mong muốn cho nhau gặp thuận lợi, mọi việc được hanh thông, tấn tới, phát tài phát lộc: Mã đáo như gió cưỡi mây/Thành công sẽ tới hôm nay rất gần...

“Thẳng như ruột ngựa”

Chắc ai trong chúng ta cũng biết một điều là khi nói về tính tình của một người bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, không giấu giếm... dân gian hay dùng thành ngữ “Thẳng ruột ngựa hay thẳng như ruột ngựa" để diễn tả.

Nhưng sao lại nói "thẳng như ruột ngựa" mà lại không nói "thẳng như ruột bò" (vì ruột ngựa mà thẳng thì chúng ăn uống, tiêu hóa thế nào)!

Thành ngữ "Thẳng (như) ruột ngựa" được hình thành nhờ vào sự quan sát con vật nuôi quen thuộc, dùng để kéo xe thồ, chở hàng, dùng làm phương tiện chiến đấu cho các hiệp sĩ, các đội kị binh ngày xưa.

Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu bò, nhưng bộ máy tiêu hoá của ngựa lại khác rất xa với trâu bò. Dạ dày ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hoá được nhiều chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày (gọi là manh tràng) cũng dài tới 1m và rất lớn giống một chiếc ống, thẳng và to với đường kính 15-25cm. Quá trình tiêu hoá chủ yếu diễn ra ở đây chứ không phải ở dạ dày. Có lẽ dựa vào cơ sở giải phẫu nội tạng của con ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan mà trong nhận thức của người Việt Nam, ruột ngựa được xem là một đối chứng về tính chất "thẳng" và trái ngược với "cong queo", "ngoằn ngoèo" vốn là đặc điểm của ruột các con vật nói chung.

Thoạt đầu phép so sánh thẳng (như) ruột ngựa chắc là chỉ miêu tả tính chất hình thể, vật thể mà con người có thể thấy được, quan sát được. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, ruột hay bụng, lòng, dạ, đều có ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người. Ta thấy còn có các câu, như: ruột đau như cắt, bầm gan tím ruột, nóng gan nóng ruột, (đau) đứt từng khúc ruột, ruột để ngoài da… Chính nhờ vào tính biểu trưng của ruột theo quan niệm của người Việt mà thành ngữ thẳng (như) ruột ngựa được “cấp” thêm một nét nghĩa mới. Thành ngữ được chuyển từ ý nghĩa miêu tả đặc điểm, tính chất cụ thể bề ngoài trực quan đến ý nghĩa biểu thị tính tình con người hoặc tính chất hình tượng thuộc phạm vi tinh thần.

Trong sử dụng ngôn ngữ, thẳng như ruột ngựa thường được dùng để chỉ sự bộc trực ngay thẳng, thật thà của tính cách con người. Trong cách đối xử, người có tính thẳng ruột ngựa được xem là người hiền lành, không có ác tâm, không lắt léo, không tính toán vòng vo, không so đo hơn thiệt.

Trong nhiều trường hợp, thành ngữ thẳng ruột ngựa được dùng để chỉ tính chất mộc mạc, dung dị và chân phương. Thí dụ: “Nếu thơ Thái và thơ Mường bay bướm thì thơ Mèo thẳng ruột ngựa, không bóng gió” (Báo Văn nghệ).

Vậy là, theo đánh giá của người đời, đặc tính thẳng ruột ngựa được xem là tốt, tích cực, đáng yêu, dễ cảm thông. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những gì trái với tính chất thẳng ruột ngựa đều xấu, đều tiêu cực. Thực ra, người Việt trong nhiều cảnh huống, nhiều trường hợp chỉ dùng thành ngữ thẳng ruột ngựa để xác định tính của của con người, tính chất sự vật đối lập với sự kín đáo, tế nhị, bóng bẩy, hoa lá và những tính chất đa dạng khác trong cuộc sống.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là một thành ngữ Hán Việt đã khá quen thuộc trong giao tiếp hiện nay. Xét nghĩa từng thành tố, ta thấy: ngưu là “trâu”, mã là “ngựa”, tầm là “tìm”. Ghép lại theo cấu trúc tổng thể, ngữ nghĩa chung sẽ là “trâu tìm đến trâu, ngựa tìm đến ngựa”. Chuyện này cũng quá rõ rồi. Vì thông thường, mọi loài vật sống theo bầy đàn, có thói quen đi cùng nhau khi kiếm ăn hay về chuồng…

Thế nhưng điều thú vị là hiện tại, ngữ nghĩa chung của thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” này lại lệch theo hướng khác. Nó hàm chỉ “những kẻ xấu thì thường hay tìm đến những kẻ xấu khác, để cùng giao du hay mưu đồ làm những việc mờ ám”.

Nhưng sao thành ngữ này lại chỉ biểu hiện nghĩa xấu thế nhỉ? Vì nếu chỉ “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa” thì câu chuyện ở đời thật đơn giản: loài nào đi tìm loài ấy.

Sách Tả truyện, được coi là sáng tác của Tả Khâu Minh (viết trong khoảng năm 722 đến 468 trước công nguyên), có chép một truyện về danh tướng Ngô Khởi. Ngô Khởi là đệ tử của Khúc Ban mà Khúc Ban lại là học trò yêu của Khổng Tử. Trong một lần chinh chiến, con ngựa của Ngô Khởi bị tuột cương, chạy lạc vào một bầy trâu rừng. Thấy kẻ lạ, bầy trâu bèn quây lại húc con ngựa lạc kia tơi bời. Phải khó khăn lắm ngựa ta mới thoát khỏi vòng vây, may mắn chạy đến một đàn ngựa thả rông trên thảo nguyên. Không chỉ thoát chết, chú ngựa này còn được một bác tiều phu đem về nhà chăm sóc và cuối cùng tìm được chủ tướng Ngô Khởi.

Về xuất xứ là như vậy. Nhưng với người Việt ta, trâu ngựa vốn chỉ được coi là loài vật thân phận thấp hèn (Làm thân trâu ngựa cho loài khuyển dương) và hay có những hành vi độc ác, kiểu súc vật (đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi). Có lẽ chính vì lẽ đó mà câu thành ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” đã mang một nét nghĩa tiêu cực, chỉ hành động a dua, đua đòi của những kẻ xấu, "thầy nào thì tớ ấy" thôi.

“Ngựa quen đường cũ”

Chắc mọi người đã từng nghe nói tới câu thành ngữ ngựa quen đường cũ? Câu này đã đi vào kho tàng thành ngữ Việt Nam với nghĩa quen dùng để nói về hiện tượng ai đó vẫn cứ lặp lại những sai lầm đã mắc, do nhận thức chưa tiến bộ hay do một thói quen khó bỏ nào đấy.

Nghĩa được dùng hiện tại như vậy là rõ rồi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, xuất xứ của câu thành ngữ này lại khá đặc biệt, bắt nguồn từ điển tích liên quan đến ngựa.

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, trong sách Cổ học tinh hoa (NXB Văn học, 2003) kể rằng: Ngày xưa, Quản Trọng (725-645 trước công nguyên) - một danh tướng thời Xuân Thu - vốn xuất thân từ nghề chăn nuôi voi ngựa và có biệt tài “nói chuyện được với voi và ngựa”. Quản Trọng có một chú ngựa đực, ức nở, lông mượt, chạy phi nước kiệu như gió. Có một lần, Quản Trọng phi ngựa tới nhà Thấp Bằng bàn chuyện đánh nước Cô Trúc. Đến nơi, Quản Trọng thả ngựa ra vườn cho nó gặm cỏ. Trong khi hai chủ nhân bàn chuyện, chú ngực đực của ông nghe tiếng hí xa xa của “nàng” ngựa cái của Thấp Bằng. Ngựa cái vừa cựa mình vào máng tàu ngựa, vừa hí. Ngựa của Quản Trọng cũng hí ra điều đáp lại. Thế là qua tiếng hí gọi bầy, hai con ngựa làm quen với nhau và trở nên thân thiết.

Mấy hôm sau, khi trở lại nhà rồi, chú ngựa của Quản Trọng nhớ bạn, nhân lúc được thả rông ngoài vườn, nó liền vượt đường xa, đến thăm “cô bạn cũ” của mình. Con ngựa của Thấp Bằng thấy bạn đến thì vui mừng, hí lên mấy tiếng, như có ý hỏi: “Làm sao mà anh biết đường?”. Ngựa đực lấy chân cào cào xuống cỏ cũng như muốn trả lời rằng: “Ấy là giống ngựa nhà ta một lần đi là quen đường cũ”. Biết chuyện này, Quản Trọng không trách ngựa mà còn khen: “Chà! Mày quả là kẻ có tình có nghĩa”.

Sau này, Quản Trọng cùng Thấp Bằng dựng cờ theo Tề Hoàn Công đánh Cô Trúc. Một lần, đánh trận xong, quay trở về tuyết bỗng rơi xoá hết đường cũ khiến Quản Trọng và Thấp Bằng không còn nhớ đường về. Bỗng Quản Trọng nhớ đến con ngựa giỏi tìm đường của mình năm xưa. Ông liền nói với nó: Này ngựa ơi, hãy đưa chúng ta về chốn cũ! Chú ngựa như hiểu ý liền tung vó phăm phăm chạy lên trước, đoàn quân của Quản Trọng và Thấp Bằng cứ thế theo sau, vòng qua các khe sâu, rừng thẳm, tuyết dày tìm được đường về nước.

Như vậy, câu chuyện trên nói về một con ngựa, nhờ khứu giác tài tình đã giúp chủ tìm lại đường về trong cơn hoạn nạn. Nhưng qua thời gian, khi vận dụng vào cuộc sống, dân gian đã dùng diễn tả một ngữ nghĩa khác: Ai đó cứ theo thói quen cũ, không dứt bỏ được, chứng nào tật ấy, không chịu tu tỉnh cải sửa thì thật là điều đáng chê trách. Sự biến chuyển nghĩa đó quả là lạ với chúng ta bây giờ. Nhưng sự thay đổi như vậy không phải ngoại lệ, vì có rất nhiều trường hợp từ ngữ mà dân gian sử dụng thành thói quen đã khác hẳn ngữ nghĩa ban đầu:
Ngày xưa tình nghĩa ngựa về
Bây giờ là kẻ theo nghề quen mui
Chuyện nghe tuy đã cũ rồi
Vẫn là bài học cho đời hôm nay…


Sưu tầm
 
Ukm,còn có câu chuyện này nữa.Đọc thấy cũng khá hay.
[h=2]Dùng Trí Thắng Đua Ngựa[/h]​
Sau khi Cầm Hoạt đã dùng kế "ve sầu lột xác", cứu được Tôn Tẩn ra khỏi nước Ngụy bèn thúc ngựa chạy nhanh trở về đô thành của nước Tề là Lâm Tri. Tôn Tẩn tắm rửa xong, thay quần áo mới, ăn no mấy hôm, đã khôi phục gương mặt oai dũng của mình. Do được Mặc Tử tiến cử, lại biết Tôn Tẩn dùng kế giả điên để thoát thân, nên Tề Uy Vương rất kính nể Tôn Tẩn, định phong một chức quan to cho ông. Nhưng Tôn Tẩn từ chối, nói :

- Thần một là chưa có công lao gì nên không thể nhận bổng lộc, lại nữa, nếu Bàng Quyên biết được thần đã trốn về nước Tề, thì hắn tất sẽ gây sự. Vậy tạm thời để thần mai danh ẩn tích, chờ Đại vương có cơ hội dùng đến thần, thì thần sẽ góp sức với triều đình.

Đại tướng Quân Điền Kỵ là người muốn biết tài năng của Tôn Tẩn, nên đứng ra nói :

- Xin mời Tôn tiên sinh tạm thời đến ở tại nhà tôi, để tôi được cơ hội sớm hôm học hỏi.

Thế là Tôn Tẩn được Điền Kỵ mời về phủ riêng làm thượng khách. Điền Kỵ là người chiêu hiền đãi sĩ, khiêm tốn cẩn thận. Bất cứ chuyện quốc gia đại sự hay chuyện trong gia đình, ông đều hỏi ý kiến Tôn Tẩn. Hai người gặp nhau lấy làm tương đắc, chỉ tiếc là gặp nhau quá muộn. Có một hôm Điền Kỵ từ ngoài trở về phủ riêng, đôi mày cau chặt, buồn bã không vui. Ông bèn mời Tôn Tẩn đến nói cho biết nguyên nhân khiến mình mất vui : Thì ra, tại đô thành của nước Tề đang thịnh hành trò chơi đua ngựa, Uy Vương muốn dùng trò chơi này để đề cao tinh thần thượng võ của nhân dân trong khắp cả nước. Bản thân nhà vua cũng tham gia. Mỗi lần đua ngựa nhà vua đặt tiền cá cược rất lớn, nên hấp dẫn văn võ bá quan ai cũng đến tham dự. Trong tàu ngựa của vua Uy Vương đều là ngựa tốt, ngựa giỏi. Điền Kỵ tham gia đua ngựa mấy lần, đều bị thất bại. Hôm nay ông lại thua đến một trăm lạng vàng cho nhà vua. Tôn Tẩn nghe xong bèn lên tiếng an ủi :

- Xin tướng quân đừng buồn nữa. Tôn Từ binh pháp có nói, "biết người biết ta trăm trận không thua”. Đua ngựa cũng như đánh giặc, vậy lần sau có đua ngựa, thì tướng quân dẫn tôi theo để xem cho biết tình hình, rồi tôi sẽ có ý kiến góp cùng tướng quân.

Ít lâu sau, nhà vua lại tổ chức một cuộc đua ngựa tại giáo trường. Điền Kỵ dẫn Tôn Tẩn đi theo đến giáo trường để xem. Tôn Tẩn thấy ở đây cờ xí rợp trời, đủ màu sắc, ngựa hí vang rền, tiếng người nói chuyện ồn ào không ngớt. Sau khi cuộc đua bắt đầu, Tôn Tẩn mới hiểu cách đua ngựa được tổ chức ở đây. Ngựa đua được chia làm ba hạng, ngựa giỏi xếp hàng "thượng đẳng", ngựa trung bình xếp hàng “trung đẳng”, ngựa dở xếp hàng “hạ đẳng”. Nếu trong ba trận đua mà thắng được hai, thì kể là thắng. Giữa ba hạng ngựa này tốc độ của nó cũng chênh lệch không bao xa. Do vậy nên mới có đội thắng đội bại. Tuy nhiên, ngựa trong cung của Uy Vương toàn là ngựa hay, ngựa tốt, nên một trận đua nào nhà vua cũng thắng cả. Lần đua này, Điền Kỵ cũng tiến hành như lần trước, và cuối cùng lại bị thua.

Sau khi Điền Kỵ về phủ riêng, Tôn Tẩn bèn nói với ông ta :

- Tôi đã nghĩ ra một phương pháp mới để đua ngựa. Lần sau tướng quân tham gia đua ngựa tôi bảo đảm tướng quân sẽ chuyển bại thành thắng.

Điền Kỵ nói:

- Nếu tiên sinh bảo đảm tôi có thể đắc thắng, thì tôi sẽ đi xin với Đại vương lần đua này đặt tiền cược lên đến một nghìn lượng vàng.

Tôn Tẩn trả lời một cách đây tự tin :

- Tướng quân cứ khiêu chiến đi, nếu thua tôi hoàn hoàn chịu trách nhiệm.

Điền Kỵ vội vàng đi yết kiến vua Uy Vương để khiêu chiến. Uy Vương nói:

- Khanh là bại tướng, vậy còn dám khiêu chiến sao ?

Điền Kỵ đáp :

- Lần này thần đã quyết tâm, nhất định đoạt được thắng lợi, đồng thời, sẽ đặt tiền cá cược lên đến nghìn lạng vàng.

Uy Vương nói :

- Tốt lắm! Nếu vậy ngày mai trẫm sẽ thắng được của khanh nghìn lạng vàng đấy !

Lại một cuộc đua ngựa nữa được tổ chức tại giáo trường. Bá tánh trong thành nghe tin nhà vua và Điền Kỵ đặt tiền cá cược rất cao, nên tất cả mọi người trong thành đều đua nhau tới giáo trường để xem.

Trước, khi khởi đấu trận đua ngựa, Điền Kỵ nói với Tôn Tẩn:

- Này huynh trưởng, có diệu kế gì hãy mau dạy cho đệ đi nào ! Lần này nếu thua thì tôi thê thảm lắm đấy!

Tôn Tẩn nói :

- Tất cả ngựa tốt đều ở trong cung vua nước Tề. Vậy, tướng quân chắc chắn khó đối địch nổi. Hôm nay, mình phải dùng kế để thủ thắng thôi. Kế đó, Tôn Tần bèn kê miệng sát tai Điền Kỵ nói nhỏ một lúc lâu. Điền Kỵ gật đầu liên tiếp, và luôn luôn mỉm cười.

Sau ba hồi trống, ngựa thượng đẳng bắt đầu cuộc đua. Ngựa của vua Uy Vương vừa chạy thì đã vượt lên phía trước, bỏ ngựa của Điền Kỵ ở lại phía sau thật xa. Kết quả Điền Kỵ bị thua.

Sang trận thứ hai, đến lượt con ngựa trung đẳng cũng đua. Ngựa của Điền Kỵ bất ngờ vọt lên thực nhanh, khán giả đua nhau hò reo nhiệt liệt :

- Nhanh lên Nhanh lên ! Cố vượt lên cho nhanh nào !

Kết quả, ngựa của Điền Kỵ đã thủ thắng.

Sang trận đua thứ ba, là trận đua giữa những con ngựa hạ đẳng. Ngựa Điền Kỵ một lần nữa lại thắng. Kết cục, Điền Kỵ đã thắng hai, thua một, như vậy là Điền Kỵ đã thắng, được một nghìn lạng vàng của vua Uy Vương.

Khán giả có mặt hò reo như sấm dậy, tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi nơi, Uy Vương cảm thấy rất bất ngờ, bèn hỏi Điền Kỵ:

- Này Điền khanh, mấy lần đua ngựa trước khanh đều bại cả. Thế mà hôm nay bộ mặt trời mọc từ hướng Tây rồi hay sao ? Chả lẽ những con ngựa của khanh đều uống thuốc tiên, và đã trở thành ngựa thần cả rồi hay sao ?

Điền Kỵ đáp :

- Không, ngựa của thần vẫn là ngựa trong phàm trần, và mặt trời cũng không bao giờ mọc ở hướng Tây. Đây chẳng qua là diệu kế cua Tôn Tần tiên sinh mà thôi.

Uy Vương nghe qua đôi mắt bừng sáng, hỏi :

- Đua ngựa chứ nào phải đánh giặc, vậy mà cũng có diệu kế sao ?

Điền Kỵ đáp :

- Những điều kỳ bí trong vấn đề này, xin mời Tôn tiên sinh giải thích vậy!

Uy Vương bèn gọi Tôn Tẩn đến hỏi. Tôn Tẩn đáp :

- Thần biết Đại vương rất thích đua ngựa, là vì muốn huấn luyện cho có nhiều ngựa hay để sau này dùng trong những cuộc chinh chiến. Trường đua ngựa chính là chiến trường. Chẳng những phải đấu dũng mà còn phải đấu trí nữa. Trong quân đội được chia làm trung, thượng, hạ ba thứ quân. Trong ngựa cũng được chia làm ba bậc, thượng, trung, hạ. Thần đã nói với Điền tướng quân : dùng ngựa hạ đẳng của mình để đua với ngựa thượng đẳng của Đại vương, rồi dùng ngựa thượng đẳng của mình để đua với ngựa trung đẳng của Đại vương, và lấy ngựa trung đẳng của mình để đua với ngựa hạ đẳng của Đại vương. Như vậy, lực lượng giữa hai đội ngựa có sự chuyển biến, nên bị thua một trận mà thắng được hai trận. Điều đó binh pháp gọi là : "Biết người biết ta, tránh chỗ mạnh mà đánh vào chỗ yếu, xuất kỳ bất ý đánh vào chỗ không phòng bị".

- Tuyệt thay! Tuyệt thay! - Vua Uy Vương đưa cao một ngón tay cái lên, khen Tôn Tẩn liên tiếp - Chỉ qua việc này, cũng thấy được tiên sinh tuy là người thân phế nhưng chí không phế, là người túc trí đa mưu cao hơn người khác một bậc !
 
Những câu chuyện thú vị về ngựaNgựa, linh vật chủ của năm Giáp Ngọ, là loài vật được đánh giá cao về sự thông minh, trung thành và dũng mãnh.1 Sở Đúc tiền Hoàng gia Anh vừa phát hành đồng tiền xu bằng vàng và bạc cho năm Giáp Ngọ. Ảnh chính của đồng tiền là một con ngựa đang nhảy lên với dáng vẻ đầy sức mạnh, thể hiện những đặc tính của những người tuổi Ngọ như thân thiện, quyến rũ, sôi nổi và mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên Sở Đúc tiền Hoàng gia Anh phát hành đồng tiền xu mang thiết kế của một trong 12 con giáp. Mỗi đồng xu đặc biệt này có giá từ 82,5 bảng (gần 2.800.000 đồng) đến 1.950 bảng (hơn 67 triệu đồng).2 Xuất hiện cách đây 60 triệu năm, con ngựa đầu tiên được gọi là Eohippus (Con ngựa Bình minh) và rất nhỏ, chỉ nặng khoảng 5,4 kg và cao khoảng 35,5 cm. Trái với ngựa hiện đại chỉ có 1 guốc, Eohippus có 4 ngón ở chân trước và 3 ngón ở chân sau.3 Theo Từ điển bách khoa về ngựa xuất bản tại New York (Mỹ) vào năm 1994, có gần 160 giống ngựa trên khắp thế giới, nhưng ngựa Ả Rập được xem là giống ngựa thuần chủng nhất trong các giống ngựa.Đồng tiền xu mừng năm Giáp Ngọ của Anh Đồng tiền xu mừng năm Giáp Ngọ của Anh 4 Con ngựa một tuổi có giá cao nhất từ trước đến nay là một ngựa cái đua thuần chủng được vương tử Sheikh Joaan al-Thani của Qatar mua với giá 8,4 triệu USD tại phiên đấu giá ở Anh hồi tháng 10.2013, từ giá khởi điểm gần 800.000 USD. Đây là giá mua ngựa cao kỷ lục trong lịch sử đấu giá ở châu Âu và là giá cao nhất từ trước tới nay đối với ngựa một tuổi trên thế giới, theo Đài CNBC. Con ngựa này sẽ được đưa sang Pháp để nhà huấn luyện ngựa đua nổi tiếng thế giới Andre Fabre đào tạo.5 Sau khi ngựa được thuần hóa vào năm 4000 trước Công nguyên, nhiều nền văn hóa Ấn - Âu xem ngựa là vật cúng tế thượng hạng cho các vị thần và thường tống táng ngựa theo lễ nghi. Ngựa trắng đôi khi được hiến tế để tôn vinh Poseidon, vị thần biển cả và là người tạo ra loài ngựa trong thần thoại Hy Lạp. Các sắc tộc ở Caucasus (Nga) vẫn cúng tế ngựa cho đến tận cuối thập niên 1800.6 Dù đa số các con ngựa sống được khoảng 20 - 30 năm, con ngựa già nhất được công nhận kỷ lục là Old Billy, một con ngựa kéo ở Anh được xác nhận sống thọ đến 62 tuổi. Theo cuốn sách có tựa đề Horse Facts của tác giả McBane và Helen Douglas - Cooper xuất bản ở London (Anh) năm 1992, năm đầu tiên trong cuộc đời của một con ngựa tương đương với 12 năm ở người, năm thứ hai tương đương 7 năm, mỗi năm trong 3 năm tiếp theo tương đương với 4 năm ở người, và những năm sau đó tương đương với 2,5 năm. Điều đó có nghĩa Old Billy thọ đến 173,5 năm theo tuổi người.7 Ngựa có 2 kiểu ngủ, ngủ sóng chậm (tức ngủ sâu) và ngủ với mắt đảo nhanh, và chúng cũng có thể mơ. Ngựa cần ngủ khoảng 4 tiếng và có thể ngủ đứng nhờ kết cấu đặc biệt của các khớp.8 Ngựa thích âm nhạc nhưng có thị hiếu rất chọn lọc. Chúng thích nhạc không lời êm dịu và vui vẻ, nhưng bị kích động với nhạc ồn ào chẳng hạn như rock.9 Cũng có không ít luật vớ vẩn liên quan đến ngựa. Chẳng hạn, tại vùng Bluff thuộc bang Utah (Mỹ), phụ nữ chưa lập gia đình có thể bị phạt tù vì cưỡi ngựa vào ngày chủ nhật. Và tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, đàn ông mới cưới không được phép cưỡi ngựa một mình, trừ phi anh ta đã lập gia đình được hơn 12 tháng.Nguồn thanhnien.com
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top