• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nam Định - Lịch sử hình thành và phát triển

Lê Thạch

New member
Xu
0
Nói đến Nam Định là nói đến mảnh đất Xứ Nam, quê hương nhà Trần, lẫy lừng hào khí Đông A - "Non sông muôn thuở vững âu vàng". Một mảnh đất có vị thế hết sức đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Đó là miền đất văn hiến, "địa linh, nhân kiệt", nơi sinh dưỡng biết bao trạng nguyên, khôi nguyên và nhiều trí thức làm rạng danh non sông đất nước; một vùng văn hoá đặc sắc, hoà quyện và đan xen văn hoá biển và văn hoá châu thổ, văn hoá bác học và văn hoá dân gian. Mảnh đất Xứ Nam đất hẹp người đông, đầu sóng ngọn gió ấy đang vươn lên hội nhập vào xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

Lịch sử hình thành vùng đất Nam Định

Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định có diện ích tự nhiên 1641,3 km2, bằng khoảng 0,5% diện tích cả nước. Tỉnh Nam Định phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía tây giáp Ninh Bình, phía nam và đông nam giáp biển Đông, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam.

Là mảnh đất nằm giữa hai con sông lớn: sông Hồng và sông Đáy tạo nên địa giới tự nhiên giữa Nam Định với hai tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Sông Đào phân chia Nam Định thành hai vùng Nam - Bắc. Sông Ninh Cơ, sông Sò là giới hạn các huyện trong tỉnh. Nam Định có bờ biển dài 72 km, vùng kinh tế giàu tiềm năng có khả năng triển khai, thực hiện nhiều đề án phát huy thế mạnh kinh tế biển của tỉnh.

Theo các công trình nghiên cứu khoa học, miền đất Nam Định hình thành cách đây khoảng 70 triệu năm do ảnh hưởng tạo sơn thời kỳ Đại Tân Sinh, nâng ghềnh phía nam sông Hồng cao lên, biển Đông lùi dần và từng bước hình thành vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Dấu tích các loại động - thực vật có ở vùng biển và những hoá thạch tìm thấy trong lòng đất cho thấy: đây là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, tạo cơ hội cho con người quần tụ thành cộng đồng đông vui và khá sầm uất.

Tháp chùa Phổ Minh được xây dựng từ thời Lý - Trần (xã Lộc Vượng - thành phố Nam Định)
Mảnh đất Nam Định được chia thành hai vùng tự nhiên. Phía tây bắc trước đây là những ô trũng thường bị ngập úng quanh năm và có một số đồi núi đứng chơ vơ: núi Gôi (Côi Sơn), núi Ngăm (Trang Nghiêm), núi Nề (Thanh Nê), núi Hồ (Hồ Sơn), núi Tiên Hương, núi Phương Nhi, núi Ngô Xá, núi Mai Sơn thuộc hai huyện Vụ Bản, ý Yên. Đồi núi của Nam Định không cao và có dòng chảy của khe ngòi liền kề tạo nên cảnh non nước hữu tình. Non Côi - sông Vị là biểu tượng của Nam Định được cả nước biết đến. Phía nam tỉnh được phù sa sông Hồng, sông Đáy bồi đắp nên miền đất này tương đối bằng phẳng, phì nhiêu.

Song để làm nên vùng non nước hữu tình, mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ người dân đã đổ xuống nơi đây để quai đê, ngăn mặn, khai phá sông ngòi, đào ao, vượt thổ tạo nên vùng đồng quê trù phú. Từ xa xưa, người nguyên thuỷ từ trên miền núi cao đã di cư xuống vùng đồng bằng do biển lùi dần về phía nam. Các dấu vết con người ở đây được xác định thuộc hậu thời kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ thời đồ đồng cách đây chừng 5.000 năm. Công cuộc di cư và những tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối,... đã tạo nên làng, ấp. Dần dà, dân cư đến quần tụ tại vùng đất này ngày một đông, góp phần hình thành cộng đồng cư dân có chung mục đích, đoàn kết, hợp sức đấu tranh với thiên nhiên. Vì thế, cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây là bản anh hùng ca của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống văn hoá làng, xã, tuy bình dị nhưng giàu tính nhân văn và liên tục phát triển.

Những thay đổi về tên gọi và địa giới

Thời thuộc Đường, Nam Định thuộc huyện Chu Duyên. Đời Trần được gọi là lộ Thiên Trường, sau lại chia làm ba lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Hoàng Giang. Thời thuộc Minh, vùng đất này được chia làm 3 phủ: Trấn Nam, Phụng Hoá, Kiến Bình. Đời Lê, thuộc xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1741, vùng đất này thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Đến triều Nguyễn, năm 1832 đổi tên thành tỉnh Nam Định, với 4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay. Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng. Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện.

Từ năm 1926, tỉnh Nam Định có 2 phủ và 7 huyện, 78 tổng, 708 xã (phủ là cấp trung gian, tương đương với cấp huyện). Riêng thành phố Nam Định có 10 phường. Đến những năm 1930, địa giới hành chính của tỉnh Nam Định không có nhiều thay đổi.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh luôn có sự thay đổi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên khu ba. Năm 1953, 7 xã bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện ý Yên. Đồng thời, 03 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam. Đến tháng 4-1956, 03 huyện này lại được cắt trả cho Nam Định. Tháng 5-1965, Nam Định hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Cuối năm 1967, 02 huyện Giao Thuỷ và Xuân Trường hợp thành huyện Xuân Thuỷ. Tháng 3-1968, 07 xã phía nam sông Ninh Cơ thuộc huyện Trực Ninh nhập với huyện Hải Hậu, 02 huyện Trực Ninh, Nam Trực nhập thành huyện Nam Ninh. Năm 1976, Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1991, lại chia tách và tái lập tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình. Tháng 11-1996, tách tỉnh Nam Hà để tái lập 02 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Sau đó, trong nội bộ tỉnh Nam Định, các huyện hợp nhất trước đây lại chia tách và tái lập như cũ, đó là: Xuân Trường, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc (gồm 10 xã). Năm 1997, xã Nam Vân, Nam Phong được cắt nhập từ huyện Nam Trực về thành phố Nam Định. Như vậy, đến cuối thế kỷ XX, tỉnh Nam Định có 10 đơn vị hành chính, bao gồm: 1 thành phố và 9 huyện, 225 xã, phường, thị trấn.

Mảnh đất địa linh, nhân kiệt

Nam Định là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", nơi phát tích của triều Trần (thế kỷ XIII - XIV) và sinh dưỡng nhiều danh nhân, danh sĩ, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã được sử sách ghi công, nhân dân tôn thờ mà nổi bật nhất là Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nam Định là đất văn hiến, có truyền thống hiếu học, với trường thi được lập từ thời Lê ở làng Năng Tĩnh. Trong chế độ khoa bảng thời phong kiến, Nam Định có 5 trạng nguyên, 3 bảng nhãn, 3 thám hoa, 14 hoàng giáp, 62 tiến sĩ và phó bảng, riêng làng cổ Hành Thiện có 91 vị đỗ đại khoa và cử nhân. Trong đó, nổi danh là Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Đào Sử Tích, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo, Trần Bích San,...

Với bản chất lao động cần cù, cùng truyền thống đoàn kết, nhân dân Nam Định đã chinh phục thiên nhiên. Truyền thống đó ngày càng được hun đúc và phát huy mạnh mẽ mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm. Nam Định cũng là đất thượng võ, thời nào cũng có tướng sĩ tài giỏi.

Đời Trần, nhân dân Nam Định đã góp phần ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên - Mông. Thời thuộc Minh, nhân dân đã ủng hộ nghĩa quân của Trần Triệu Cơ đánh thắng trận Bồ Đề, buộc tướng Mộc Thạnh tháo chạy về thành Cổ Lộng. Trong khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, người dân Nam Định đã bí mật liên hệ với nghĩa quân giết giặc, cứu nước. Đặc biệt, với nghề rèn truyền thống, người dân Vân Chàng đã ngày đêm rèn vũ khí cho nghĩa quân. Ở Cổ Lộng - Chuế Cầu (ý Yên), nhân dân còn tham gia nghĩa quân Lam Sơn đánh thành Cổ Lộng giúp nghĩa quân tiến quân lên phía bắc tiêu diệt giặc Minh.

Khi nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy kéo quân ra Bắc, người Nam Định đã tích cực tham gia lập phòng tuyến Tam Điệp góp phần làm cuộc thần tốc đánh đuổi giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Dưới triều Nguyễn, do chính sách cai trị hà khắc khiến nhân dân khổ cực, người dân Nam Định đã hợp sức nổi dậy chống lại quan quân triều đình Huế. Trong đó, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nông dân do Phan Bá Vành chỉ huy.

Khi giặc Pháp đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) xâm lược nước ta, Phạm Văn Nghị đã tập hợp nghĩa sĩ Nam Định tiến vào Nam diệt thù. Thực dân Pháp đánh phá Bắc Kỳ và Nam Định, đề đốc Lê Văn Điểm, án sát Hồ Bá Ôn đã chỉ huy quân chiến đấu ngoan cường bao vây quân địch. Phong trào Cần Vương được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, trong đó có cuộc nổi dậy ở Nam Trực do cụ Nghè Giao Cù Hữu Lợi và cụ Vũ Đình Lục (Chỉ Sáu) chỉ huy.

Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp câu kết với chế độ phong kiến tay sai ra sức khai thác, vơ vét tài nguyên, áp bức, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Trong đó, thực dân Pháp đã xây dựng nhà máy dệt Nam Định lớn nhất Đông Dương, song chính sự ra đời của nhà máy này đã tạo điều kiện khách quan để giai cấp công nhân trong tỉnh hình thành và không ngừng lớn mạnh. Không cam chịu cảnh bần hàn, công nhân, nông dân và một số tầng lớp dân cư đã đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi. Đặc biệt, kể từ khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập cơ sở ở Nam Định (1926 - 1927), phong trào đấu tranh không ngừng lớn mạnh, với mục đích đòi quyền dân sinh, dân chủ, mang ý thức chính trị và giai cấp rõ rệt. Tháng 6-1929, Tỉnh uỷ lâm thời được thành lập và chi bộ Đảng đầu tiên ở Nam Định ra đời, phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn. Nam Định trở thành một trong những trung tâm đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến mạnh nhất cả nước.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Nam Định đã viết tiếp những trang sử vàng chói lọi về truyền thống chống ngoại xâm và lao động cần cù sáng tạo, xây dựng Nam Định ngày càng đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn.

Trên cơ sở địa chất tự nhiên, cùng công sức mà con người đổ xuống trên miền đất này đã tạo ra 3 vùng kinh tế trọng điểm:

1) Vùng kinh tế nông nghiệp chuyên trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp cung cấp lương thực cho con người và nguyên vật liệu cho làng nghề. Sản phẩm nổi tiếng của Nam Định là gạo tám, nếp dự...

2) Vùng kinh tế tiểu thủ công - dịch vụ là tụ điểm giao lưu và phát triển ngành nghề, nhất là cơ khí, dệt may, riêng ngành dệt may có bề dày lịch sử hơn 100 năm,...

3) Vùng kinh tế biển là nơi ngư dân khai thác và nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối (đứng đầu khu vực phía Bắc về sản lượng muối).

Trong ba vùng kinh tế này, con người liên kết, hợp tác với nhau thành cộng đồng đấu tranh vì một mục đích chung là làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: "Địa thế trấn này rộng, người nhiều, cảnh tột bậc thứ nhất trong 04 thừa tuyên. Hai đạo thượng hạ phong vật khác nhau: đạo thượng lịch sự hơn nhưng có vẻ đơn bạc, đạo hạ thì đơn bạc nhưng có phần thực thà,... Tóm lại là nơi tụ khí anh hoa tục gọi là văn nhã, thực là cái bình phong phên chắn của trung đô và là kho tàng của nhà vua..."
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top