Năm đặc điểm thơ trữ tình

vtrang_pro

New member
Xu
0
Tiểu luận
PHÙNG HOÀI NGỌC
Từ thời cổ đại đến nay, loài người có các loại thơ: thơ sử thi, thơ bi kịch, thơ tự sự, thơ trữ tình, thơ trào phúng, phúng thích, thơ thế sự, thơ quảng bá ý tưởng, tuyên truyền, quảng cáo, thơ thoại trong kịch… Tuy nhiên, mỗi khi bàn về thơ, người ta chỉ bàn về thơ trữ tình, mặc nhiên coi nó là tiêu biểu của thi ca.
Trong quan niệm hiện đại về thơ, giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã đúc kết 4 yếu tố cơ bản của thơ là: Cảm hứng mãnh liệt, Nghệ thuật trùng điệp, Khoảng trống, Âm vang. Đọc những bài thơ hay trong thiên hạ, quả nhiên thấy chất thơ đúng là bao gồm những yếu tố trên, xếp theo thứ tự quan trọng. Tôi xin góp lời bàn về 4 đặc điểm
Cảm hứng mãnh liệt: Không thiên về trình bày tư duy, cảm hứng trữ tình của thơ được thu gọn, đau đáu trong tâm trí người cầm bút (không dàn trải ngổn ngang, không chất chứa quá nhiều sự việc…). Xuất phát từ chính bản thân mình, cảm hứng mãnh liệt tất nhiên phải hướng về nhân sinh, về thế giới .
Nghệ thuật trùng điệp: Có nhiều cách trùng điệp. Giản đơn nhất là trùng “âm” do gieo “vần” tạo ra. Kế đó là “điệp từ ngữ” là biện pháp dễ thấy. Còn các yếu tố trùng điệp khác như “câu, đoạn, ý, hình ảnh…” . Bản chất của trùng điệp là thể hiện tâm trạng day dứt của người làm thơ (day dứt: trở đi trở lại). Tâm trạng day dứt chính là cái trùng điệp gốc ! Nếu mọi sự cứ rõ ràng dứt khoát thì chẳng cần đến thơ nữa !
Khoảng trống: Thi nhân thường nói “thiếu một chút”, không nói toạc hết mọi sự, mọi ý. Lí luận thơ cổ điển phương Đông thường cảnh báo rằng “thơ kị lộ” (tránh lộ ý). Chỗ trống này chừa lại dành cho sự bâng khuâng, đồng sáng tạo của bạn tri âm.
Âm vang: Nối tiếp cái “khoảng trống”. Có chỗ “trống” thì âm mới “vang” lên, ngân lên được, cái âm vang ấy nó sẽ “day dứt” cả người thưởng thức thơ. Âm vang giản đơn nhất trước hết là do gieo “vần”, lặp đi lặp lại. Trong các bài thơ “không vần” (thơ tự do) thì âm vang sinh ra do những yếu tố trùng điệp khác (ngoài vần) đã kể trong phần “nghệ thuật trùng điệp”.
Từ ý tưởng của giáo sư Đỗ Đức Hiểu, tôi trình bày một cách giản dị 4 yếu tố đặc trưng thơ như trên. Người muốn cầm bút làm thơ không bị rối về lý luận, người đọc cũng nhìn thấy cái hay của thơ một cách rõ nét hơn. Các bạn học sinh sinh viên ưa lúng túng khi phân tích bình giảng thơ sẽ thấy dễ hơn …
Tuy nhiên, một bài thơ không nhất thiết phải hoàn hảo đầy đủ 4 yếu tố. Một bài thơ gọi là “đọc được” tối thiểu cần đạt được một, hai yếu tố đó. Chẳng hạn bài “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ (*). Nhiều người không thấy cái hay của bài thơ vì nó có vẻ mộc mạc đơn sơ quá. Thực ra nó đã đạt được hai yếu tố: cảm hứng mãnh liệtnghệ thuật trùng điệp. Nhờ có tình cảm thực sự yêu kính bác Hồ, anh đội viên đã làm được bài thơ. Yếu tố trùng điệp ở đây là hai hình ảnh (Bác ngồi đó, Bác vẫn ngồi…, anh đội viên thức dậy… lại thức dậy, tới lần thứ 3). Bài thơ đã có thể tồn tại mặc dù thiếu hụt hai yếu tố kia (khoảng trống, âm vang). Anh chiến sĩ cảnh vệ lúc này đã “trở thành” nhà thơ bởi anh thức dậy tới ba lần. Anh đã ngủ được ba giấc nhưng không yên tâm về Bác. Nếu anh ngủ say tít một mạch tới sáng thì không có bài thơ này nữa.
Bốn yếu tố trên (hoặc 4 đặc điểm) chính là căn bản của thơ.
Cái ảo trong thơ
Nhân đây tôi xin bổ sung – yếu tố thứ 5 vào quan niệm về thơ: cái Ảo trong thơ.
Người ta thường nói nhà thơ hay “mơ mộng” với ý diễu cợt lối sống lối cảm xa thực tế, viển vông. Họ đã lầm lẫn giữa lối sống và lối tư duy thơ. Mơ mộng chính là cái ảo trong thơ, cái ảo gắn bó mật thiết với cuộc sống, cái ảo là phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Bản chất của cái ảo chính là tâm tưởng, chủ quan, tương phản bề ngoài với cái “hiện thực”.
Chúng ta thử đọc một số bài thơ quen thuộc. Trong đó tôi chỉ nhấn mạnh khiá cạnh “ảo”:
Bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu:
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút (cảnh ảo)
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi (cảnh thực)
Hạc vàng một đã đi, đi biệt (cảnh ảo)
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi (cảnh thực pha ảo)
Sông tạnh Hán Dương, cây sáng ửng (cảnh thực)
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời (cảnh thực)
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ? (cảnh thực pha ảo)
Khói sóng trên sông não dạ người (cảnh thực pha ảo)
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi. Thực tế là đám mây trắng ấy chỉ tồn tại một ngày đêm, nhưng nhà thơ tưởng tượng (tin rằng) nó đã sinh ra từ nghìn năm trước, đồng hành cùng hạc vàng trong chuyến đưa đạo sĩ Phí Văn Vi đến cõi Bồng Lai tiên cảnh. Đến nay nó vẫn còn lững thững bay trên trời cao, cũng như Thôi Hiệu, nó ngóng chờ một chuyến hạc vàng khác nữa chăng…
Hoàng hôn về đó quê đâu tá ? Vượt ra ngoài cảnh hiện thực trước mắt, nhà thơ nghĩ về làng quê mình, ngơ ngác quay bốn hướng rõi tìm! Đây là cảnh ảo sinh ra trong trí tưởng tượng của nhà thơ…
Ta đọc tiếp ba bài nữa:
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng (thực)
Hoa tàn hoa nở cũng vô tình (thực)
Hương hoa bay thấu vào trong ngục (ảo)
Kể với tù nhân nỗi bất bình (ảo)
(Hồ Chí Minh – Vãn cảnh . Nhật kí trong tù)
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan (thực)
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn (thực)
Anh đi nghe tiếng người xưa vọng (ảo)
Một giọng thơ ngâm một giọng đàn (ảo)
(Tố Hữu – Em ơi Ba Lan)
Anh tặng em chùm hoa sắc trắng (thực)
Nhưng khi yêu anh yêu đỏ hoa hồng. (ảo)
Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ (ảo)
Mà bên ngoài vẫn cứ trắng dường không (thực)
(Chế Lan Viên- Hoa trắng đỏ)
Lại đọc ca từ bài hát Phượng hồng quen thuộc của Vũ Hoàng (phổ thơ Chút tình đầu của Đỗ Trung Quân), chúng ta sẽ thấy đủ cả bốn yếu tố trên và còn có yếu tố “ảo”:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng (thực)
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ? (ảo)
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám (nửa thực, nửa ảo)
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu (ảo)
(…)
Mối tình đầu của tôi (ảo)
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp (thực)
Tà áo bay trắng cả giấc mơ (ảo)
Là bài thơ còn hoài trong vở
mỗi giờ chơi mang đến lại mang về (thực)
Mối tình đầu của tôi (ảo)

Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi (thực)
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu (ảo)
Nên có một gã khờ

ngọng nghịu đứng làm thơ * (thực)
( *Nên có một gã khờ, ngọng nghịu mãi thành câm- nguyên tác Đỗ Trung Quân)
Bạn thử thay tất cả những câu “ảo” trong các bài thơ kể trên bằng những câu “thực” thì có còn thơ nữa không ?! Chắc chắn chỉ còn là những thông tin rời rạc, vô hồn.
Phân tích thi ca mà xác định “thực – ảo” như trên, có vẻ như máy móc, nhưng sự thật quả là vậy. Từ bước “nháp” đó, bạn đọc sẽ thấy bài thơ có hình có nét, có các yếu tố rõ ràng hơn.
Bài thơ trữ tình còn nhiều phương diện khác như: “cảm hứng chủ đạo, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, lời văn nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, kết cấu” .v.v… Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn trong 5 đặc điểm thơ trữ tình để bàn luận, không có ý định phân tích trọn vẹn các bài thơ đã dẫn ra ở trên.
Không ai có thể dạy người làm thơ, nhưng chắc chắn làm thơ không thể bỏ qua hiểu biết về các yếu tố cơ bản nêu trên.
Những người thưởng thức nghệ thuật theo kiểu “phóng khoáng” thường hay chê các nhà phê bình trường ốc, hàn lâm rằng “cứng nhắc, máy móc, khô cứng” v.v… Thực ra các bước đi phân tích “chẻ sợi tóc làm tư” ấy chỉ là bước “nháp” để nhà phê bình khoa học có cơ sở vững chắc, từ đó mới có thể bay bổng tri âm cùng tác giả. Nhà phê bình khoa học ít khi hài lòng kiểu phê bình tùy hứng vốn là đặc quyền của quần chúng thưởng thức. Người phê bình văn học cố gắng đạt tới chân lí nghệ thuật bằng con đường chắc chắn nhất.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top