Mùa xuân nghĩ về sự sáng tạo hài hước trong ngôn ngữ dân gian - Trần Hồng Lưu

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Mùa xuân nghĩ về sự sáng tạo hài hướctrong ngôn ngữ dân gian

View attachment 15511

Mùa xuân tượng trưng cho sự nảy mầm, đâm hoa kết trái. Mùa xuân cũng thể hiện sự vui tươi, sảng khoái tràn trề sức sống của cái mới. Nhân ngày xuân, ôn lại trong kho tàng văn hoá dân gian của Dân tộc, có thể thấy được trong các sáng tác của quần chúng nhân dân tinh thần hứng khởi đó.Bài viết nêu lên tính lạc quan của quần chúng nhân dân được biểu hiện qua triết lý hài hước, hóm hỉnh của nó mà dòng văn học chính thống khó mà biểu hiện được. Chính chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống, hơi thở trực tiếp tươi mát của cuộc sống sẽ tiếp tục cung cấp nguồn cảm hứng cho các sáng tác trong quần chúng nhân dân tiếp tục phát triển ngày càng tươi vui hơn. Và đó cũng chính là lợi thế của dòng văn học dân gian, tiếp tục tạo nên sức sống của nó dù hiện nay xã hội loài người đã bước vào nền kinh tế tri thức với các công cụ phương tiện hiện đại của nó.



Đọc những áng thơ tuyệt tác của thi hào Nguyễn Du ta như thấy được những tinh hoa của ngôn ngữ Việt làm xao lòng người đọc:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Đó như là một phác thảo sơ lược cảnh cuối đông, đầu xuân lại pha lẫn tâm hồn của người con gái xanh đến “rợn” cả chân trời. Cách tả chân thực về tâm trạng con người kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên bên ngoài khó mà có ai có thể đạt đến tầm đó. Về sau khi tả về màu biển xanh, một thi sỹ nước ta thời hiện đại đã không thể dùng sự so sánh nào khác bằng cách mô tả: Biển thì xanh đến chẳng thể nói gì hơn. Và tuyệt tác hơn nữa là cảnh sắc:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng


Những vần thơ “long lanh” ấy tưởng chừng như chỉ được rút ra từ cốt tuỷ của tài năng thi sỹ Nguyễn Du nhưng thực chất lại được kế thừa, chắt lọc từ những sáng tác đầy hứng khởi của quần chúng nhân dân mà Hồ Chí Minh đã gọi đích danh những sáng tác của quần chúng nhân dân là những hòn ngọc long lanh trong kho tàng văn hoá dân gian. Những sáng tạo ngẫu hứng đó của nhân dân lao động chắc chắn là những gợi ý hay ít ra là chất liệu phong phú, đa dạng ở nhiều góc cạnh khác nhau để các văn nghệ sỹ nâng lên thành những tác phẩm tinh hoa hơn về chất.


Thật thế, có xuất thân từ một vùng quê trữ tình, của xú sở thấm đậm chất dân ca, hò vè, hát đối, hát ví dặm của sông Lam, núi Hồng, Ngàn Sâu, Ngàn Phố… thì Nguyễn Du mới viết ra được nhiều câu thơ gợi cảm, gợi tình đến thế. Trong kho tàng văn học dân gian xứ Nghệ có đoạn thơ tả cảnh cô gái một mình đi trong đêm được diễn tả bằng ngôn ngữ mà khó ai có thể làm hay hơn thế:
Lội trong trăng em băng qua cồn cát
Man mác bụi bờ, xao xác sương sa


Phải chăng đây là gợi ý để Nguyên Du tả cảnh Thuý Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến với Kim Trọng, vượt qua vòng khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến. Và tôi chắc rằng đoạn thơ trên cũng là chất liệu rất “đắt” để thôi thúc tác giả của ca khúc “cắt nửa vầng trăng” để “làm…con đò nhỏ”mạnh dạn hơn khi “ chặt đôi câu thơ” làm…mái chèo lướt sóng. Sự liên tưởng trên, có lẽ không phải là quá đáng khi trong dân gian Nghệ Tĩnh trước đó đã có người dám để cho một cô gái liễu đào yếu tơ dám lội trong trăng để vượt qua một vùng bụi bờ, xao xác sương sa mà không một chút sợ hãi do dự. Và cũng có lẽ là động lực để Nguyễn Du dám để Thuý Kiều vượt qua đêm đen của xã hội phong kiến đến với Kim Trọng một cách mạnh dạn, tự tin chứ không phải là liều lĩnh, mất nết, mất gia phong như có người bình luận. Đó phải chăng là sức sống mãnh liệt của cô gái nông thôn thời phong kiến đã được bùng phát trong dân gian, ngấm vào huyết mạch của thi sỹ họ Nguyễn để ông giao sứ mệnh đó cho Thuý Kiều đi vào văn học chính thống và tạo nên sự lay động lòng người ở nhiều thế hệ người Việt khác nhau. Biết đâu khi truyện Kiều được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác lại chẳng để lại một nốt trầm cho các dân tộc khác ít ra là các dân tộc vùng Á Đông. Và phải chăng đó cũng chính là sự hối thúc để nhạc sỹ An Thuyên tự tin dám cắt nửa vầng trăng rồi tiếp tục bẻ đôi câu thơ đi vào miền cổ tích đầy thơ mộng của sáng tạo. Đọc đến đây, có thể có người cho rằng là người viết… tán cho có chuyện để nói. Song trong thơ văn xưa nay nếu không có chuyện ý tại ngôn ngoại thì liệu các áng văn thơ của các văn nghệ sỹ có thể bay xa mãi và có sức lay động, ngân nga mãi trong trí tuệ người đọc, người nghe? Đó cũng là đất để các nhà phê bình hay người thưởng ngoạn mở rộng ý tứ của các tác phẩm gốc, tạo ra sự lan toả cho mọi người cùng thưởng thức, chiêm ngưỡng. Và điều đó tôi cho rằng cũng không hề làm xúc phạm đến các tác giả nếu đó là sự mở mang phân tích, bình luận đó theo hướng chân- thiện –mỹ? Bản thân Nhà thơ Tố Hữu khi còn sống cũng từng nói: khi đọc những bài bình luận, phân tích, phê bình các tác phẩm của mình ông cũng phải ngạc nhiên vì các phát hiện mới, những ý tứ mới ngoài dự kiến của tác giả.


Có thể thấy, cũng từ một câu dân ca:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay


rất có thể là gợi ý cho nhạc sỹ An Thuyên tiếp tục đi đến ý tưởng tuy không phải là mới nhưng cái mới ở đây chính là chỗ ông là người đầu tiên đưa nó được vào thơ và nhạc làm cho nó mang chất trữ tình sâu đậm hơn và dễ truyền tải lan rộng đến đại chúng hơn dưới hình thức ca nhạc: Yêu nhau rồi xin đừng…cởi áo cho ai. Đọc 2 câu dân ca trên, lớp trẻ có người ngộ nhận là các cụ ngày xưa yêu nhau quá…tự do, vô tổ chức đến mức cởi áo trao cho người tình, để rồi gian dối đến mức về nhà nói mẹ là qua cầu gió bay. Đó chỉ là cách hiểu bề ngoài, sơ lược về hiện tượng bề ngoài một cách hời hợt, nếu chịu khó nghĩ sâu hơn, tìm hiểu kỹ hơn ta thấy các cụ bà ta thời phong kiến mặc ba, bốn áo thì mới thấy được sự kiên cố của các cụ, chứ cởi một áo cũng vẫn còn đến 2-3 áo cơ mà.
Liên quan đến chủ đề áo, trong dân gian cũng đề cập không ít. Chẳng hạn:
Hôm qua tát nước bên đình
Bỏ quên chiếc áo bên đình hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Và: Áo anh rách chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu


Hình như tứ thơ này cũng được tác giả của Màu tím hoa sim, một thời vận vào một đoạn thơ nào đó, góp phần làm cho thơ ông bay mãi vào tâm trí người yêu thơ và làm vương vấn không ít người kể cả những người không có tâm hồn văn học lắm.
Đọc đến khúc: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua, mới thấy tình yêu của các cụ ngày xưa thật là dữ dội. Yêu nhau đến bao nhiêu sông núi, bao nhiêu đèo cũng không ngại, yêu đến đổ quan xiêu đình, đến lội trong trăng, đến xăm xăm băng lối vườn khuya… chỉ để..yêu mới thấy tình yêu của các cụ thật là mãnh liệt, đáng để cho hậu thế phải suy tưởng, ngưỡng mộ.


Như đã nói ở chủ đề trên về tính hài hước, nghịch ngợm pha lẫn sự hóm hỉnh, cách thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, của các sáng tác trong quần chúng nhân dân là yếu tố rất quan trọng để nó dễ đi sâu vào lòng người và lắng đọng mãi với thời gian. Chẳng hạn trong lối tỏ tình của họ rất tế nhị, chỉ đem Mận và Đào ra để ẩn dụ rất tinh tế và sự trả lời rất tường minh không lấp lửng: vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào. Tình yêu đó cũng được khẳng định rất rõ ràng và mộc mạc:


Có yêu nhau thì yêu cho chặt
Có trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng như con thỏ dưới truông
Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng
Có lẽ không ít người Việt Nam chẳng còn xa lạ với câu thơ :
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Thể hiện sự trêu chọc của anh chàng nhưng tìm kỹ hơn trong kho tàng văn hoá dân gian chúng ta còn thấy câu thơ tương tự nhưng sự nghịch ngợm còn đạt đến độ thâm sâu hơn:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
Giữa đồng không mông quạnh chỉ có trâu mới bứt dây rững mỡ chạy lồng lên. Nhãn ở đây có thể hiểu là nhãn lồng nhưng ý thơ nghịch ở chỗ là ví cô gái với con trâu chạy lồng sang mà ăn.
Đặc biệt trong bài hát ví dặm nổi tiếng của xứ Nghệ, qua sự đối đáp của đôi trai gái khi trách cứ nhau dưới đây chúng ta mới thấy được sự sâu sắc trong tình yêu đôi lứa được phản ánh rất rõ nét :
Chàng trách:
Anh đến bên giàn hoa thì hoa kia đã nở
Anh đến bến đò thì đò đầy đò đã sang sông
Anh đến tìm em thì em đã có chồng
Anh yêu em được rứa hỏi có mặn nồng chi không?
Nàng trả lời:
Hoa đến thì thì hoa phải nở
Anh đến bến đò thì đò đầy đòphải sang sông
Đến duyên em thì em phải lấy chồng
Em yêu anh được rứa hỏi có mặn nồng chi không?


Qua đoạn đối đáp trên có thể thấy rõ cách dùng từ của cô gái ở đây rất thâm thuý. Lột tả được tình cảm của mình, hai chữ thì(tôi nhấn mạnh) lại biểu cảm ý nghĩa khác nhau, đồng thời thì của hoa được gắn liền với thì của đời con gái một cách tự nhiên không phải bàn cãi. Như con đò đầy người phải qua sông. Có duyên, có thì thì phải lấy chồng. Sao khi chưa có gì thì anh không đến. Liên tưởng ngầm, ta còn thấy cô gái rất tinh tế khi không nhắc đến một câu khác có liên quan đến mình:
Ba đồng một mớ trầu không
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Đời người co gái có thời như là luật ngầm định, như đò đầy, như có duyên thì đến, còn đến muộn thì cũng đừng nên trách. Cuộc đời người con gái khi không lấy được chồng hay vì lý do gì đó phải ở một mình nếu người con gái bỏ qua thì thì số phận thật đáng buồn như ai đó:
Chòng chành như nón không quai
Như thuyền không lái như ai không chồng.
Đời người, nhất là người con gái thời phong kiến như bông hoa phải có thì (thời), có duyên thì mới lấy được chồng, nếu bỏ qua thời cơ đó thì cuộc đời sẽ bất hạnh. Cho nên có câu: Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Còn duyên kén cá chọn canh … là gốc tích từ đây.
Có thể nói không ngoa rằng, chính nhờ tính hài hước, nghịch ngợm pha lẫn sự hóm hỉnh ngắn gọn, dễ hiểu, của các sáng tác trong quần chúng nhân dân được lắng đọng trong ca dao, tục ngữ, dân ca mà ngày nay khi hỏi mọi người còn thích nghe dân ca hay không thì đa số đều vẫn thích.


Phát huy những yếu tố trên, sau này những phong trào trên vẫn được tiếp nối thể hiện qua thơ bút tre và các hậu duệ của họ. Những vân thơ sau tôi chỉ đọc một lần và sau đó nhớ mãi do tính hài hước của nó:
Con trâu đứng giữa ba làng
Dịch ra cái đít lòi ra một làng
Chị em phụ nữ tài ghê
Bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình
Trong phong trào diệt ruồi muỗi:
Con ruồi là giống hiểm nguy
Cái chân của nó rất vi trùng nhiều
Thời bao cấp, những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi ngành đường sắt Việt Nam, tàu hoả chạy rất chậm, đã có thơ tặng Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Hà Tăng Ấn:
Hoan hô đồng chí Hà Tăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như … rùa
Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chỉ đạo nông thôn phát đông phong trào làm phân bón ruộng lại có thơ:
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng
Và sự kiện Trung tá Phạm Tuân bay lên tàu vũ trụ cùng với Gorbatco của Liên Xô cũng được đi vào thơ dù không chính thống nhưng vẫn được người dân nhớ mãi:
Hoan hô Trung tá Phạm Tuân
Lên tàu vũ trụ một tuần về ngay
Gần đây, có một thời điểm phong trào đánh cầu lông được nở rộ trong toàn dân, lập tức thơ dân gian lại có dịp được mô tả:
Chị em phụ nữ đánh cầu
Lông bay phấp phới trên đầu các ông.
Ngày Quốc tế Phụ nữ có thơ vui về chị em ta:
Nhân ngày mồng 8 tháng 3
Chị em phụ nữ đi vào đi ra
Năm nào cũng đúng ngày này
Chị em phụ nữ đi ra đi vào


Có thể nói, các sáng tác của quần chúng nhân dân dễ đi sâu vào lòng người còn ở chỗ: ngắn gọn, dễ hiểu, đặc biệt là mang tính hài hước cao. Tính hài hước hóm hỉnh này thông qua dòng văn học dân gian không chính thức có thể len lỏi vào quần chúng nhân dân kể cả người ít học thậm chí không biét chữ và nhờ thế nó dễ ăn sâu vào lòng người. Đó cũng chính là lý do vì sao khi được hỏi là anh chị thích Thị Mầu hay Thị Kính thì hầu như đa số người được hỏi trả lời thích Thị Mầu hơn. Có lẽ do cách sống mãnh liệt, thẳng thắn dám thể hiện sự khát khao rất thật của cô ta khiến nhân vật này gần hơn với quần chúng. Sự lan toả của nó, vì thế không chỉ dừng ở một thế hệ mà có thể sự tiếp nối mạch nguồn của nó được trường tồn qua thời gian, tạo ra sức sống bền vững của nó mà có thể không cần đến văn tự.


Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


Chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống, hơi thở trực tiếp của cuộc sống sẽ tiếp tục cung cấp nguồn cảm hứng cho các sáng tác trong quần chúng nhân dân tiếp tục phát triển. Và đó cũng chính là lợi thế của dòng văn học dân gian, tiếp tục tạo nên sức sống của nó dù hiện nay xã hội loài người đã bước vào nền kinh tế tri thức với các công cụ phương tiện hiện đại của nó.


______________
Tiến sĩ Trần Hồng Lưu hiện công tác tại Khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top