• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Mùa nắng mới

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Hè này tôi lại được nghỉ hơn tháng, khoảng thời gian đó cũng tạm đủ để tôi có thể ngắm bé An chập chững những bước đi ngộ nghĩnh đầu đời. Làng tôi nằm phía dưới đường quốc lộ khoảng hơn cây số, vì vậy mà xe dừng tôi thường thả bộ về nhà. Cây phượng vĩ đầu làng bao giờ cũng là người bạn tâm tình đón tôi trước hết. Những chùm phượng đỏ rực rỡ như dành tặng riêng tôi vào mỗi dịp hè về. Và cũng đã trở thành một kí ức đẹp đẽ trong tuổi thơ tôi. Như đã trở thành thói quen, hễ vừa bước xuống xe là tôi như vừa trút xong một sự chờ đợi lâu dài mệt mỏi, để lắng lòng mình ngắm nhìn cái vẻ yên tĩnh nơi miền quê như thể cám ơn người mẹ hiền luôn thầm lặng đứng chờ tôi.

Tôi nhẹ thả hồn lâng lâng trên con đường cát trắng mịn dẫn về nhà. Nghĩ cũng hay, mới sáng này tôi vẫn còn chen lấn giữa cái thành phố hoa lệ Sài Gòn ấy, mà bây giờ tôi lại được đi giữa đường làng. Được trở lại với cảnh thanh bình, êm ả của buổi hoàng hôn đang dày đặc một làn sương phủ tràn trong không gian mờ ảo. Thường thì sương chỉ xuất hiện vào những ngày nắng đẹp, và hôm nay có lẻ cũng nắng lắm. Cái nắng rát của miền Trung làm cho những ai không quen thấy khó chịu vô cùng. Buổi chiều hôm nay thật đẹp. Tôi nghĩ không ai có thể hững hờ khi đứng trước buổi hoàng hôn. Cái màu buồn ấy dễ làm cho con người ta phải thú tội với lòng mình để tâm hồn được thanh thản. Không biết tôi quá lãng mạn nên mới thấy vậy, hay đó là tâm trạng của một người vừa nhặt lại tuổi thơ mình đã vô tình đánh rơi nơi đất khách.

Chưa về tớí nhà cô tôi mà tôi đã nghe tiếng ầu ơ nhẹ nhàng đưa lại. Giọng cô tôi nhỏ nhẹ đều đều, cất lên những câu ca không biết xuất xứ từ đời thuở nào mà từ lâu tôi cũng đã thuộc lòng chúng. Cô tôi năm nay xấp xỉ tứ tuần. Người mảnh mai, nhỏ nhắn nhưng nhìn khoẻ khoắn tự tin lắm. Mỗi lần tôi buồn hay thất vọng chuyện gì thường đến bên cô mà than thở. Cô chất vấn tôi vài điều. Nhìn cái vẻ đầy tự tin của cô, tôi thấy mình vững tâm hẳn lên. Chính những chở che nhỏ nhoi đó mà khi đi xa người tôi nhớ nhất lại là cô tôi. Người cô không hề có một mối liên hệ huyết thống nào. Dân gian nói không sai “ Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Tôi thật sung sướng khi có một tuổi thơ êm dịu bên cô. Tôi nhớ hồi nhỏ cô thường dẫn tôi đi xem hát vào mỗi dịp gánh hát về. Vui lắm. Đến bây giờ tôi không nhớ ai hát, hay hát về cái gì mà chỉ nhớ rất đông người. Bạn của cô tôi, các cô các chú đông lắm. Có một chú thường mua đồ ăn cho tôi (còn nhỏ mà ham ăn bánh kẹo quà quặt lắm) nên tôi quý chú ấy nhất, và cứ đòi cô tôi dẫn đi chơi với chú ấy hoài. Còn họ thì cũng lạ, đi xem hát mà toàn quay đầu vào nhau nói cái gí đó, tôi thắc mắc nhưng cũng không bận tâm lắm hễ có bánh kẹo ăn là được. Đến bây giờ tôi đã hiểu tại sao, vậy mà cô tôi vẫn chưa lấy chồng. Đời con người ta hạnh phúc nhất, đáng nhớ nhất là tuổi mới biết yêu. Có lẽ cô tôi cũng vậy.

Ông bà tôi không chỉ có mình cô tôi mà còn chú út nữa. Chú út đã cưới vợ được vài năm. Là con gái thành thị nên thím tôi trông như một thiếu nữ trắng trẻo, hồng hào cùng làm chung cơ quan với chú. Thím tôi không hề làm việc nhà. Mọi việc cơm nước, giặt giũ đều do bà tôi lo, thím tôi không hề đụng đến một việc cỏn con nào. Chỉ biết đi làm về, ăn cơm xong là vào phòng riêng ngay. Nhiều lần chú tôi thấy khó chịu bảo: “Em cũng nên phụ mẹ một tí, cốt để làm mẹ vui lòng thôi”. Cô tôi quát lại: “Anh đi mà phụ mẹ, em mệt lắm”. Bà tôi nghe vậy lẳng lặng cười gượng gạo: “Việc không có gì để mẹ làm, cũng như tập thể dục dưỡng sinh vậy mà”. Chú tôi buồn nhưng không giám nặng lời với thím. Chú có việc làm ngon lành cũng là nhờ ba của thím lo cho. Làm đàn ông mà thiếu chí khí của người quân tử nên vợ không nể sợ làm chú tôi khổ tâm lắm. Chú luôn tìm những lời nói khéo léo để dạy bảo vợ dần dần, nhưng lại càng làm tăng cái tính nhu nhược sợ vợ của chú mà thôi. Còn thím thì bảo chú: “Lo mà chăm làm việc, tiết kiệm để mua nhà thành thị mà ở chứ không ở đây, buồn tẻ chán lắm, không có tương lai cho con cái sau này”. Chú tôi nghe vậy lòng lại lo thêm. Căn nhà từ đường này ông tôi quý lắm. Nó mang dáng dấp cổ xưa. Nó được xây từ thời cái làng này chỉ là một khu rừng rậm, rồi được tu sửa dần dần qua mỗi thế hệ. Nó có một truyền thống quý báu đấu tranh giữ đất giữ làng của cha ông. Nên ông bà tôi thời trẻ cũng là những chiến sĩ cách mạng. Lo chiến đấu mà ông bà tôi cưới nhau rất trễ, sinh ra cô chú tôi muộn màng, nên không đủ sức lo cho hai đứa con ăn học thành tài.

Tuổi nhỏ thường thích nghe chuyện xưa. Những câu chuyện cổ tích thần kì, chuyện lịch sử đấu tranh của bà Trưng bà Triệu, chuỵên Lê Lợi được gươm thần, chuyện cụ Hồ ra đi tìm đường cứu nước … đều được ông bà tôi kể cho tôi nghe, vì thế mà nhà có gì ăn tôi cũng đều mang qua biếu ông bà. Nhà ít người, mà người lớn thường thích trẻ con nên ông bà thương tôi lắm. Thường kể chuyện cho tôi nghe. Dạy bảo tôi như một người cháu ruột: Cháu ráng học nên người, rồi kiếm một tấm chồng biết thương yêu lo lắng cho cháu để sướng bản thân mà ba mẹ cũng vui lòng. Có trí thức rồi thì thiếu gì người thương, nhưng phải chọn thằng tốt tính, biết cư xử là trên hết. Nhưng cũng phải lấy chồng sớm đừng để như cô mày … Bà tôi chưa nói dứt lời thì cổ họng nghe nghèn nghẹn, thin thít. Tôi biết bà đang khóc. Khóc cho cuộc đời của cô tôi. Chính vì ông bà tôi không có khả năng lo cho cô tôi ăn học đàng hoàng. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy đồng lương hươu ít ỏi. Mọi điều kiện lo cho chú tôi ăn học đều trút lên đôi vai còn non yếu của cô tôi. Không được học lên, cô tôi dừng lại ở cái bằng tú tài. Rồi làm tất cả mọi việc để lo cho chú tôi ăn học ở ngoài thị xã, rồi học đại học ở Sài Gòn.

Con gái hai mươi cô tôi trở thành một người phụ nữ giỏi giang, chịu khó. Cô tôi nghỉ học thì chú tôi vào cấp ba trường tỉnh. Thời của cô chưa có một khu công nghiệp nào mọc lên, xung quanh chỉ bát ngát là ruộng. Cô đi làm mướn nhiều việc, nuôi bốn năm con heo, lại trồng thêm đám rau sau vườn. Công việc tất bật ngày đêm cô đâu có thời gian mà nghĩ đến bản thân mình. Cô chỉ có một mong muốn duy nhất là phải lo cho chú út trở thành một người trí thức. Sau này làm việc bằng bút chứ không phải bằng đôi quang gánh trên vai như những chàng trai gánh lúa miền này. Khổ lắm! Cô nói vậy. Chính vì cái sự đảm đang, dịu dàng của cô đã bù đắp lại cái gương mặt không được xinh đẹp ấy nên cũng chiếm được tình cảm của nhiều chàng trai và nhất là người lớn tuổi. Ở quê mà, họ chỉ chọn tính nết. Nhiều gia đình tới dạm hỏi cô tôi. Ông bà thì khuyên: Con nên lấy chồng đi, con gái chỉ có một thời. Nói vậy chứ ông bà tôi cũng buồn, vì nếu cô tôi lấy chồng thì việc học của chú tôi phải bỏ dở nửa chừng. Cô tôi biết vậy nên lắc đầu: Con không thương anh ấy, con không thể lấy người không thương. Cứ vậy mà tuổi xuân của cô tôi đã trôi qua một cách âm thầm lặng lẽ. Không biết cô tôi có trải qua một mối tình đáng nhớ nào không? Nếu không, tôi nghĩ cuộc đời thế là bất hạnh.

Nhiều lần hai cô cháu tâm sự, tôi khơi chuyện hồi nhỏ được cô dẫn đi xem hát tôi hỏi về chú ấy. Cô tôi bảo: Chú ấy lập gia đình lâu rồi. Nhiều lần chú ấy hỏi cưới cô nhưng cô chưa thể đồng ý được, thế là chú ấy bị ép phải cưới vợ, nhà trai một mà. Nhưng cuộc sống gia đình không được hạnh phúc lắm. Lâu lâu chú ấy cũng ghé thăm cô, nhưng cô sợ hiểu lầm nên tìm cách tránh né. Cô tôi vừa nói vừa cười, nụ cười đượm vẻ buồn nuối tiếc. Tôi biết trong đó còn có nỗi đau. Đau thầm lặng, chiụ đựng nên ghê gớm lắm.

Khi chú tôi ra trường thì cô tôi, con gái ở quê tuổi đã ba mươi, cộng với việc lao động vất vả nên nhan sắc không còn thu hút nữa. Con gái quá lứa lỡ thì rồi không còn ai nhìn đến, quả chăng còn những người goá vợ mà thôi. Quan niệm ở quê tôi cũng ngộ con trai con gái lớn lên phải lập gia đình sớm, để sớm biết làm ăn dành dụm lo cho con cái sau này, chứ không như ông bà tôi. Cô tôi chẳng thèm buồn nói đến chuyện đó nữa. Nhưng ông bà tôi là người đau hơn ai hết. Phận làm cha mẹ mà không được nhìn thấy con mình yên bề gia thất, cũng như cái trách nhiệm làm cha làm mẹ chưa tròn. Cứ nghĩ đến cô tôi thì bà tôi lại khóc. Tôi biết trong lòng cô tôi vẫn còn thương một người là chú ấy. Tôi không cần hỏi tên vì thích kêu là “chú ấy” hơn. Mỗi lần nhắc đến chú ấy là cô tôi hơi bối rối, ngượng ngùng như người con gái mới biết yêu. Mà có lẽ cô tôi là vậy. Ngoài chú ấy ra, cô tôi không còn thương ai khác nữa. Tính cô tôi trầm, sâu sắc nên chung thuỷ lắm. Đã thương yêu một người nào thì khó mà thương ai được nữa. Nhiều lần tôi nhắc: Sao cô không chịu lấy chồng. Cô cười buồn: Cô ở vậy nuôi ông bà. Có lần bác hàng xóm giới thiệu chú nào đó goá vợ một con, nhưng cô từ chối ngay.

Gia đình cô tôi sống hơi buồn tẻ, theo tôi thì như vậy là chán lắm không phù hợp với cái tính ưa sôi động như tôi. Nhưng làm người lớn thật phức tạp. Một vài chuyện cỏn con cũng đủ làm cho họ cãi vã, xung đột, rồi tránh nhìn mặt nhau. Không như tụi trẻ chúng tôi, giận nhau đó nhưng vài hôm không có bạn chơi lại làm hoà với nhau. Hèn chi người lớn thường bảo: Ước gì cứ nhỏ hoài thì hay biết mấy. Tuổi thơ thật đẹp. Tôi nghĩ vậy. Ai cũng một thời. Chỉ có một thời, một khoảng khắc đẹp đẽ đáng nhớ trong đời, nó cứ làm con người ta hoài niệm mãi. Nó giống như một chiếc áo đẹp chưa mặc được bao nhiêu mà lỡ bị hư thế là cứ tha thẩn tiếc hoài, rồi đặt ra bao nhiêu câu giả định “giá như” … Và giá như ông bà tôi khá giả. Gía như thím tôi là một người con dâu thảo hiền. Gía như cô tôi cũng có một mái ấm gia đình như những người phụ nữ khác được làm vợ, làm mẹ, làm cái thiên chức cao cả mà tạo hoá đã ban tặng. Con người vốn hạnh phúc là nhờ vậy. Nhưng tôi nghĩ, ở đời làm gì có sự hoàn hảo tuyệt đối đó. Chấp nhận. Ta chỉ biết chấp nhận và bằng lòng với thực tại để hướng tới một mục đích có khả năng làm được ở tương lai. Có như vậy con người ta mới bớt đau khổ, dằn vặt với những tham vọng trỗi dậy trong lòng mà không thực hiện được.

Thím tôi vẫn không chịu sinh con. Vẫn bắt chú tôi làm việc rất nhiều. Nhưng ông tôi bệnh nặng, chú tôi phải lấy tiền chữa bệnh cho ông gọi là chút tấm lòng hiếu thảo. Thím tôi cằn nhằn khó chịu. Có lẽ ước mơ của bà đã bị sụp đổ. Đổ như một kẻ ăn mày chợt nằm mơ thấy mình trở thành một nhà triệu phú, được kẻ hầu người dâng, được ăn ngon mặc đẹp, để rồi khi tỉnh dậy miệng thì nhép nhép, bụng thì cồn cào … nhưng dù sao hắn cũng hạnh phúc hơn với giấc mơ của mình. Còn thím thì kể cũng tội nghiệp. Tôi vừa thương vừa giận thím ấy. Không lẽ thím thiếu kiến thức về trách nhiệm làm một người con dâu, hay là cái bản tính vô tâm, hời hợt của người con gái thành thị mà làm cho cái không khí của gia đình ông bà tôi mang một luồng ám khí nặng nề. Thật tội nghiệp ông bà tôi, già rồi mà … Mẹ tôi bảo: Ông bà vô phước. Không biết sau này tôi có phải làm dâu hay không nhưng chắc chắn là không có cái lối cư xử như thím tôi bây giờ. Vì tôi luôn mong muốn thế giới được hoà bình, con người sống trong tình thương yêu, vui vẻ đầm ấm. Có như vậy mới giàu. Không giàu cái này thì ta giàu cái khác, miễn là bên cạnh cái khuyết điểm phải có cái ưu điểm nổi bật.

Ông tôi bớt bệnh. Cô tôi không thể chịu nổi cái cảnh mặt nặng mày nhẹ của thím tôi. Tính cô tôi thẳng mà! Không lẽ thím tôi cũng cho rằng cô tôi là một gánh nặng chăng? Tất cả mấy khuôn mặt như sống trong cảnh miễn cưỡng, gượng gạo, bên nhường nhịn, bên thù hằn. Cô tôi bèn xin một mảnh đất bên hông nhà, cách nhà ông tôi cũng được sáu bảy mét và được ngăn ra bởi một khu vườn rộng, hiện tại cũng được trồng một đám bắp đã trỗ hoa có thưa thớt vài trái. Đám bắp đầy hứa hẹn trong mắt tôi, vì tôi thích ăn bắp luộc được trồng ở vườn nhà. Chúng vừa thơm, vừa ngon ăn chỉ tiếc là nhanh no chứ không ngán. Cô tôi thường trồng chúng vào mỗi địp hè về. Đó là món quà làm vui lòng con bé xa quê, ngày đêm tưởng ngớ đến những món ăn dân dã quê nghèo. Căn nhà cô tôi nằm xoay ra hướng đường làng, song song với nhà ông tôi. Nó được sáu bảy chục mét vuông, nhà như vậy ở quê tôi là nhỏ lắm. Nhưng nghĩ lại mình cô tôi ở, rộng lớn làm chi chỉ thêm phần dị nghị. Cô tôi đòi rướt ông bà qua ở luôn nhưng chỉ có bà thỉnh thoảng qua lại, còn ông thì một hai cũng sống và chết trong căn nhà từ đường này. Tôi hiểu và kính nể ông tôi. Người lớn trọng chữ hiếu ngay cả những linh hồn đã khuất. Không như lớp trẻ bây giờ, ngay khi cha mẹ còn sống mà đối xử không ra gì.

Cô tôi kể ra cũng còn khoẻ lắm. Trời phú người nhỏ con mà khoẻ mạnh, dẻo dai. Ngoài việc đồng án ra, cô còn mở một cái quán nhỏ bán đủ thứ linh tinh, vụn vặt nhưng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Quán bán đắt vì cô vui vẻ, nhiệt tình lại thêm phần dễ tính. Tôi vui lắm vì thấy cô mình giống cô chủ nhỏ. Tôi nói: Cô mình giống cô chủ nhỏ quá mẹ há! Mẹ tôi bảo: Lớn tuổi rồi còn nhỏ gì nữa. Nhưng không phải tôi nghĩ đến cấp độ tuổi tác mà nghĩ đến cấp độ kinh doanh. Mà cũng chính vì cô tôi dễ tính nên cái sổ nợ dần dần dày cộm lên. Tôi nói: Cô đừng bán chịu nữa. Cô bảo: Làm vậy không được. Ai cũng khó khăn cả, đâu có tiền sẵn. Không trả nợ nhanh thì trả chậm. Xoá nợ cũ, gây nợ mới vậy cũng được. Tôi lắc đầu chịu cô luôn. Thế mới biết người ở quê còn nghèo lắm.

….

Vừa về đến nhà tôi nhớ bé An quá, nắm hộp sữa mua sẵn chạy qua nhà cô tôi. Cô tôi đang ngồi chơi với bé An vẻ mặt đượm buồn nhưng có phần lo lắng nhiều hơn.Có lẽ cô lo cho tương lai thằng bé sau này có được học hành tử tế như chú nó hay không. Tôi nghĩ người lớn lo nhất là việc ấy. Vì gia đình tôi bắt tôi xem việc học là trên hết. Đó cũng là một điệp khúc hay nhưng nghe hoài cũng chán. Bổn phận làm cha, làm mẹ bao giờ cũng cho đó là trách nhiệm lớn lao nhất. Tôi cũng buồn cười cho cái suy nghĩ của mình. Con người chung quy lại cũng có một số điểm giống nhau nhất định. Nhờ vậy mà tôi hiểu được nỗi lo của cô tôi.

Việc có mặt bé An ở trong nhà cô tôi làm tôi hết sức bất ngờ. Đầu tiên tôi cũng giận lắm, mà người giận nhất vẫn là ông tôi. Nhưng chính tình thương con. Khi nghĩ đến nỗi khổ của cô tôi, ông tôi lại oán trách chú thím tôi bạc tình bạc nghĩa, thế là không giận được cô tôi nữa. Cái bụng của cô tôi dần dần lớn lên đã đặt ra bao câu hỏi hấp dẫn trong mắt mọi người. Còn cô thì mặc kệ, không quan tâm, cô vẫn luôn vui vẻ. Tôi phục và ngưỡng mộ cái hành động tiến bộ của cô tôi. Cô lại càng làm việc dành dụm cho ngày sinh nở. Vậy là làng tôi lại có chuyện để bàn. Người xóm trên nói với người xóm dưới: Hèn chi mà tôi nghe trưa nào mấy con gà trống xóm tôi cũng gáy inh ỏi. Tôi nghe không hiểu hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo: Hễ gà xóm trên gáy vào buổi trưa thì xóm dưới có người chửa hoang và ngược lại. Tôi cười, con gà tài quá. Nhà tiên tri lỗi lạc. Hoang đường thật! Tôi lại hỏi: Còn mẹ, mẹ nghĩ gì về chuyện của cô? Mẹ tôi bảo: Như vậy cũng tốt. Không thể có chồng được nữa, không lẽ đi xin con nuôi, mà chưa chắc gì nó thương bằng con ruột. Thôi thì kiếm đứa con tự mình sinh ra mới thấy tình mẫu tử, để nhờ cậy lúc về già. Nhưng điều đó chỉ phù hợp với những trường hợp như cô con thôi. Tôi cười, mẹ tôi khéo dạy tôi quá. Mẹ vẫn chưa biết tôi có người yêu đang lúc còn học như thế này. Mà cũng chưa đến lúc tôi phải nói. Dĩ nhiên là tôi biết giữ mình. Biết đâu là phẩm giá của người con gái. Và hoàn cảnh tôi cũng khác với hoàn cảnh cô tôi. Tôi tin vào sự làm chủ của bản thân mình, bởi trước mắt tôi có quá nhiều điều để học hỏi. Nhận thức được việc phải trái, tốt xấu sẽ làm cho con người ta tốt đẹp lên. Nhưng cũng khó lắm!

Thế là cô tôi sinh ra bé An. Thằng bé kháu khỉnh dễ thương, lúc nào cũng cười dễ chịu. Ông tôi mừng lắm vì được lên chức. Tuy không biết cha nó là ai nhưng thấy đứa bé vô tội, đáng yêu ai cũng vui mừng. Rồi hàng xóm cũng dần nhìn bằng cặp mắt thông cảm, sẻ chia.

Vừa thấy tôi qua cô mừng khoe: Bé An đi được vài bước rồi Sang à! Nó quậy lắm, vừa mới ngủ dậy đó, con chơi với nó để cô đi luộc bắp cho mà ăn, bắp đầu mùa được vài trái dành cho con đó. Tôi cười: Thôi mai mình luộc cũng được, con còn ở nhà lâu mà. Hai cô cháu ngồi tâm sự, thỉnh thoảng bị bỏ dở bởi thằng bé nghịch quá, mới tập đi thích lắm, cứ vịn giường đi hoài. Tôi lại gợi chuyện về chú ấy. Tôi tin rằng bé An được sinh ra trong tình thương yêu sâu nặng từ hai phía. Tôi không có ý nghĩ như mẹ tôi bởi tính cô tôi thiên về tình cảm. Cô đã từng bảo tôi: Tình yêu không thể gượng ép. Hai tâm hồn giống như một bàn tay luôn có hai mặt, mặt ngoài là người con trai, mặt trong là người con gái. Khi nắm chặt bàn tay, người con trai là chiếc vỏ cứng cáp chở che người con gái. Còn người con gái sẽ toả ra hơi ấm để nuôi dưỡng tình yêu. Tôi nhớ lại thầm phục cho cái sự so sánh vô cùng hình tượng của cô tôi.

Đang ngồi chơi với bé An, tôi cười hỏi: Chú ấy nay sao rồi hả cô? Cô nhìn tôi với vẻ đầy tin tưởng: Vợ chú ấy đòi li dị, lấy hết tài sản và bỏ đi lâu rồi. Tôi mừng thầm. Chuyện quê lan truyền như dòng điện. Vậy mà câu chuyện tình giữa cô tôi và chú ấy vẫn thầm lặng không ai hay.

Tôi ngước nhìn trời cao. Đêm thật sâu. Những ánh sao dày đặc đang lấp lánh, ngày mai chắc sẽ nắng lắm đây. Một mùa hè mới đầy bình yên trong mắt tôi và biết đâu cho cả cô tôi nữa.

Tuy Hòa - 2005
Lê Mỹ Trưng
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top