Mùa bông cải với Mẹ
PHAN THỊ THU QUỲ
Cách đây trên 80 năm, trên con đường làng ấy, đến tết, dưới hai bụi tre Là Ngà mát mẻ người ta thường đánh bài chòi. Một công tử họ Phan ở làng Đốc Sơ làm trong triều nội với chức Hàn lâm viện Biên tu, và một thiếu nữ họ Bùi con nhà giàu làng Đốc Bưu, ngồi bên chòi thành hai phe. Hễ công tử đi một con bài thì thiếu nữ trúng và ngược lại.
Dân hai làng xì xào e rằng Bà Nguyệt đã xe tơ cho hai trẻ. Công tử và thiếu nữ là con của hai gia đình có uy tín trong hai làng, họ bắt đầu thương nhau. Các vị lớn trong hai làng đều vun vào, bàn bạc rồi mời một thầy bói đến nhà thiếu nữ bói toán rằng: “Cô con gái đến tuổi nên gả chồng để bảo vệ tính mạng”. Cha mẹ cô đã biết chuyện của con gái mình với chàng công tử họ Phan, nên rất lo lắng, vì con mình đài các, có người hầu hạ mà về làm dâu một nhà có học nhưng không giàu thì sẽ khổ cực nên muốn cản ngăn con gái. Rồi một đêm, bà mẹ nằm chiêm bao thấy một ông Tiên râu tóc bạc phơ quở trách: “Sao không gả con gái đi, ta sẽ bắt nó theo ta”. Ông bà nhà giàu hoảng sợ đành phải bằng lòng gả con khi nhà họ Phan cầu hôn con gái mình cho chàng công tử. Lúc gần đám cưới, ông Tiên nọ lại hiện lên bảo: “Nó đi lấy chồng nhưng phải đem theo một đứa con về nhà chồng”. Ôi! Sao ông Tiên dạy bảo chi kỳ lạ? Chưa về nhà chồng mà lại có con đi theo? Ông bà nhà giàu đành phải đi xin một đứa bé 5 tuổi làm con nuôi của tiểu thư để dắt theo cùng ngày cưới chồng. Cả hai làng Đức Bưu họ Bùi, Đốc Sơ họ Phan dự lễ cưới một tuần lễ, một đám cưới đầy đủ nghi lễ ngày xưa mà lớn nhất vùng đấy từ trước đến nay.
Tiểu thư về nhà chồng cùng với con gái nuôi 5 tuổi. Hai mẹ con hì hục chỉ nấu cơm sáng sớm cho chồng đi làm mà bị khét phải bảo chồng nhịn đói. Vì có người hầu hạ đâu mó tay làm gì mà biết nấu cơm! Ông bà họ Bùi biết trước việc này sẽ xẩy ra, cho nên phải mua cái vườn giáp hai làng, với giá đất gấp 5 lần thị trường để cho gia đình con gái vì sắp có con đầu lòng, mà đón cháu ngoại để khỏi phải làm dâu nhà chồng. Ông tự tay thiết kế chỉ huy mời thợ giỏi chạm trổ để làm một nhà rường rất đẹp cho con gái. Từ đó tiểu thư làm mẹ lúc 19 tuổi, công tử làm cha lúc 23 tuổi. Hằng ngày có xe kéo đưa công tử đi làm. Công tử đã đổi sang làm Toà Khâm sứ với chức Phán toà, không còn làm trong triều nội. Sanh con đầu lòng là gái, sanh đứa thứ hai là trai, tiểu thư là con đầu bên họ Bùi, công tử cũng là con đầu bên họ Phan, nên cháu nội ngoại ra đời đều là bậc anh chị lớn nhất của 2 gia tộc. Cả hai bên nội ngoại đều quý cháu, cưng cháu, nuôi dạy kỹ lưỡng rồi cho cháu vào trường học ngay khi đến tuổi.
Để gần trường học của hai con, ông Phán phải tạm dời chỗ ở. Ông mướn một nhà ở đường Lê Lợi trên bờ Sông Hương. Không ai biết, bề ngoài ông Phán là công chức của Tây rất được tín nhiệm mà bên trong ông là một người cách mạng tiền khởi nghĩa, bởi trường Quốc Học đã dạy cho ông trở thành một trí thức yêu nước. Đến ngày khởi nghĩa tháng Tám ông lên đường theo cách mạng. Từ đó người vợ trẻ họ Bùi đã là một bà mẹ của sáu con nhỏ ở lại quê nhà (năm con đẻ và một con nuôi).
Thừa Thiên Huế hồi ấy, trước sân mọi nhà thường là một vườn bông cải vàng vào dịp gần Tết. Người mẹ trẻ ngồi tỉa cải đã có 4 lá để nấu canh cá cơm bạc vào ngày sắp hết thu. Mẹ hái cải để nấu canh, xào thịt bò. Mẹ nhổ cải có ngồng để làm dưa chua ăn với thịt luộc vào những ngày xuân đến.
Nhưng rồi một mùa xuân đến, cũng vào dịp bông cải vàng nở rộ, người con gái lớn của mẹ mới 16 tuổi, là trụ cột của gia đình đã theo lý tưởng của cha. Cô tần ngần bên luống cải như một vườn hoa vàng rực, rồi ra đi từ đó đến 25 năm sau mới quay về. Rồi mùa bông cải khác đã đến, mẹ có tin vui. Mẹ kể rằng: ba con đi lâu ra đất cụ Hồ theo cách mạng, đêm ấy có người đưa thư báo ba con đã về Thừa Thiên. Mẹ chờ đón ba con về trong mùa cải, nhưng chờ mãi đến một đêm, người đưa thư đến đón mẹ lên La Chữ, ba con không về nhà được vì gần đồn lính Tây.
Vậy là mẹ không khoe được vườn cải với cha.
Thế rồi mùa bông cải sau lại đến. Mẹ vẫn chờ đợi cha. Mẹ để cải già có trái nâu nâu, rồi chà ra có hột cất vào chai kín để dành năm sau. Mùa thu đến khi hết lụt, mẹ thuê người gánh đất và tro đổ lên lớp mỏng, mẹ vãi hột cải lên. Mưa phùn xứ Huế thay người tưới cây. Hạt mưa li ti bay phất phơ giữa trời thu dịu dịu. Mẹ chờ cha đã qua mấy mùa cải mà cha vẫn chưa về.
Mùa cải này mẹ trông thư cha mà không có! Mẹ buồn mẹ lo. Rồi, một bức điện tín nhỏ đến. Ôi, đó là nguồn tin như trời long đất lở. Cha đã hy sinh sau trận càn quét của giặc Pháp lên chiến khu Dương Hoà!
Hai con lớn của mẹ đã ra học ngoài Bắc. Mẹ và ba con nhỏ làm sao đến được chiến khu để đưa cha về nơi chín suối. Những ngày tháng âm u đó mẹ cố sống vì các con. Ban ngày mẹ cố nở nụ cười trước xóm làng, trước chính quyền địa phương đang miệt thị mẹ. Mẹ cố giấu kín nỗi lòng đang quặn đau. Ban đêm đóng kín cửa, mẹ thắp nhang vái lạy cha trong nước mắt tuôn chảy đau thương. Mẹ vẫn chờ. Mẹ chờ các con lớn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa sẽ về bù đắp. Có ai biết lòng mẹ cô đơn, đau đớn, ngậm ngùi. Mẹ cố bám vườn bông cải. Ngoại giúp mẹ, cậu giúp mẹ cho ba con nhỏ vào trường làng. Thầy hiệu rưởng chăm sóc an ủi ba đứa con của mẹ học qua những lớp vỡ lòng trường tiểu học để đến trường trung học.
Ngày hòa bình một nửa đất nước, quê mẹ không được độc lập vì bên kia vĩ tuyến 17. Lúc ấy mẹ vẫn còn có mùa bông cải. Nhưng mẹ định đưa ba đứa con nhỏ ra Hà Nội sống với miền Bắc độc lập, với ba đứa con lớn. Nhưng kẻ thù đã bắt giam người dẫn đường. Thế là thêm một lần thất vọng, mẹ lại về với vườn cải bông vàng quê hương. Ngày đêm mẹ thổn thức với cảnh chồng hy sinh, con ở xa, cảnh nghèo xơ xác. Mẹ thấm thía rằng, từ đây đất nước bị chia cắt làm hai.
Cũng lại mùa cải đã đầy hột giống. Trước nhà cải xum xuê trĩu nặng cây. Mẹ định hái giống dành cho mùa sau, nhưng, xe bọc thép về làng rít chặt bánh xe vào sân nghiền nát cả vườn cải. Mẹ bị mất hột giống cải từ đó. Họ bắt mẹ lên xe. Họ giam mẹ vào tù, mẹ mới biết đó là chính sách của chính quyền Sài Gòn trả thù những gia đình có chồng con đi làm cách mạng. Họ tra hỏi, mẹ chỉ một lời “không biết”. Thảm thương thay, có ba con nhỏ, đứa lớn trên 10 tuổi, đứa bé 9 tuổi, lếch thếch lang thang bới cơm cho mẹ ở nhà lao. Ôi, lúc nầy nếu mẹ không có người em ruột thì các con sẽ ra sao?
Những ngày trong lao tù, mẹ nhớ quê mẹ có con sông nhỏ nước trong vắt chảy xuyên hai làng, làng nội và làng ngoại của con mẹ.Quê hương mẹ đẹp lắm, bờ tre, bụi hóp cây bàng ven sông, ngày mùa tấp nập gặt hái đem về xếp trên sân cho trâu đạp lúa. Tiếng hò văng vẳng của người dắt trâu đi vòng trên lúa. Tiếng hò đáp lại của những cô gái trẻ sàng sảy lúa bên sân giữa đêm khuya tĩnh mịch. Tiếng hò quê hương còn quây quần trong tim mẹ. Cảnh đau lòng chồng hy sinh, con đi xa, với cảnh tù đày của mẹ, cảnh nghèo bao phủ. Mẹ chỉ có một con đường là phải vùng dậy cứng cáp nuôi dạy các con. Ngoài Bắc xã hội chủ nghĩa mẹ sẽ về ba đứa, ba đứa trong này mẹ sẽ nuôi nấng cho học hành đến nơi đến chốn, là cuộc sống của mẹ còn lại từ đây. Không moi gì được ở người mẹ kiên cường, nhà cầm quyền Sài Gòn phải thả mẹ ra khỏi tù. Trở về làng thì hạt giống cải đã bị bánh xe kẻ thù nghiền nát nên không còn vườn cải nữa. Lúc này những người như mẹ bị chính quyền miệt thị, bọn mật thám dò xét, bà con thì sợ liên lụy. Quê hương là một màn đen che phủ cả đêm lẫn ngày. Nhưng mẹ đã vùng lên để đổi đời! Mẹ nhận nuôi cán bộ cách mạng, với hầm bí mật trong nhà. Mẹ cố bình tĩnh vui vẻ che mặt mật thám. Cuộc sống của mẹ cũng bi đát, hằng tuần phải khai báo, hằng ngày phải tiếp xúc với những người đang trái ngược lý tưởng của chồng. Rồi đau lòng, mẹ cắt bớt hai phía vườn để bán cùng với cái nhà rường bề thế là kỷ niệm yêu thương của ngoại khi mẹ lấy chồng. Có món tiền, mẹ mang ba đứa con nhỏ đi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Vô Đà Lạt, mẹ ở giúp việc cho người anh họ bên chồng để có tiền cho ba đứa con ăn học.
Từ một tiểu thư có người hầu hạ, có hai thầy dạy học chữ nho và một thầy dạy chữ quốc ngữ, đến đây mẹ trở thành một người giúp việc. Mẹ vẫn không than phiền chồng, sao đi làm cách mạng để vợ con khổ. Thế rồi ba đứa con, hai trai một gái đều học đến tú tài và có nghề nghiệp vững vàng để nuôi mẹ và trả nợ cho người bác họ. Mẹ vẫn hướng về lý tưởng của chồng.
Ba đứa con, đứa ở Ban Mê Thuột, đứa ở Sài Gòn, đứa ở Đà Nẵng, mẹ cứ đi thăm và đón cháu nội, cháu ngoại ra đời. Mẹ không còn khổ cực thiếu thốn vì con mẹ là những đứa siêng năng, học giỏi, có nghề làm ăn đàng hoàng. Mẹ vẫn mong gặp ba đứa con ở miền Bắc đã xa mẹ gần 25 năm trời mà không có tin tức do đất nước bị chia cắt. Ngày vui của toàn dân và của mẹ đã đến sau ngày 30-4-1975. Ba con của mẹ ở bắc đã về. Một đứa trai là kỹ sư thương phẩm, đứa gái là dược sĩ, đứa con nuôi là cán bộ công đoàn. Gặp ba con mẹ nói: các con về quý hơn lá ngọc cành vàng trong cung điện, quý hơn ngọc thạch, kim cương. Con gái và rể đón mẹ vô Sài Gòn, rồi tất cả con của mẹ đều về sinh sống ở Sài Gòn quanh mẹ sau ngày thống nhất. Rồi mẹ và các con về thăm quê, góp tiền sửa nhà thờ họ Phan. Mẹ trở lại thăm mảnh vườn xưa đã bỏ hoang.
Cứ mỗi tháng mẹ được nhận tiền chính sách của cha là liệt sĩ, lúc thì mẹ vui vì hãnh diện, có lúc mẹ buồn ngồi khóc thật tội nghiệp. Các con quá thương yêu mẹ không biết lấy chi bù đắp được. Năm mẹ 84 tuổi bị một cơn nhồi máu cơ tim cấp cứu trong bệnh viện 25 ngày rồi qua khỏi. Nhờ thầy thuốc, nhờ con cái đã lo cho mẹ kéo dài thêm tuổi thọ giữa lúc mẹ đã già yếu. Thế mà kéo dài được đến 11 năm, cho đến năm 95 tuổi mẹ mới ra đi vĩnh viễn.
Mẹ ra đi nhẹ nhàng như một giấc ngủ dài. Con cháu tiễn mẹ. Mẹ được chôn cất vào Nghĩa trang thành phố. Bên cạnh mẹ, con trai mẹ đã lấy đất ở mộ cha trên chiến khu Dương Hoà chôn cạnh mẹ thành một mộ đôi uy nghi cùng với cả nghĩa trang thành phố gồm những anh hùng hào kiệt của đất nước đã hy sinh.
Nhà và đất ngoại cho, mẹ bán bớt 2 sào, chừa lại 8 sào, nhà rường mẹ cũng đã bán để nuôi ba em đi học. Còn lại cái nền cao để từ 1965. Vườn và cái nền nhà hoang vắng trên 40 năm thật đau lòng, vì nhìn vô là gợi lại những ngày gia đình còn đoàn tụ, no ấm hạnh phúc. Cho đến 2010, đất nước đã hàn gắn vết thương chiến tranh, gia đình cũng phục hồi được cuộc sống, con cháu của mẹ làm một cái nhà trên nền cũ mẹ đã chừa lại. Cái nhà nhỏ khiêm tốn, nhưng mang ý nghĩa sâu đậm để tỏ lòng nhớ đến ngoại, đến cha mẹ và cậu mợ. Các con cháu gọi là nhà tưởng niệm. Con cháu kỵ mẹ trên cái nền nhà của mẹ, đã xây nhà mới. Trưởng họ Phan bên chồng phong cho mẹ “3 cao” khi còn sống, đó là cao niên, cao trí, và cao trung hiếu. Nhìn hình mẹ cùng với cha trên mộ đôi tại Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh, con cháu rất hãnh diện, và đã ghi 4 câu thơ:
Cha đã hy sinh cao cả
Mẹ trung hậu đảm đang
Cha mẹ là hai ngôi sao sáng
Chiếu rọi sáng ngời cho con cháu noi theo.
Ngày nay về quê, sân các nhà đã đúc bê tông không còn vườn bông cải. Nhưng hai bên bờ sông Hương ngược núi đến xã Dương Hòa trên chiến khu xưa và ở chân phía ven núi vẫn có những vườn bông cải vàng rực rỡ. Tuy mẹ không còn nhưng con cháu vẫn thấy mẹ ngồi trên luống bông cải, nở nụ cười đón con trở về quê hương.
TPHCM tháng 3 2010
Kính dâng tặng Mẹ nhân kỷ niệm 5 năm
Mẹ đi xa vĩnh viễn.
P.T.T.Q
(255/5-10)
Theo Tapchisonghuong.com.vn