Mua "bằng cấp" xuyên quốc gia và lời...cơ chế

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Câu chuyện làm TS của ông Nguyễn Ngọc Ân đã không còn là chuyện lạ. Nó chỉ là trái đắng của một cái cây, mà gốc rễ từ lâu, đã không bình thường.

Tiến sĩ "kiểu ông Ân" chỉ có ở nước kém phát triển

Nói thật, trong xã hội hiện nay, từ lâu người ta đã quá quen và cũng quá...chán ngán về những vụ việc gian lận trong học vấn và thi cử: Đạo văn, mua điểm, bán điểm, và nhất là học rởm, bằng dỏm, hoặc học rởm, bằng thật... Thế nhưng nếu những vụ việc ấy lại xảy ra ở các quan chức có trách nhiệm, đầu ngành, đầu tỉnh...thì hệ lụy và tai tiếng của chuyện dối gian sẽ loang xa và di hại rất nhiều, khiến dân mất lòng tin, và hơn nữa, dân sẽ coi thường cả tư cách, phẩm hạnh, coi thường cả phép nước.

Lời của con người...

Đó cũng là câu chuyện xảy ra gần mấy tuần nay ở tỉnh Phú Thọ. Trung tâm của câu chuyện gây xôn xao là ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ vừa có học vị tiến sĩ, với đề tài: "Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ".

Chuyện sẽ "chẳng có gì mà ầm ĩ thế", nếu như dân tình trong tỉnh không nhiều người biết, trước đó ông Ân chỉ là cử nhân tại chức kinh tế- quốc dân khóa 24 (được tổ chức tại TP Việt Trì).

Xưa nay, ngay cả ngành GD cũng thừa nhận chất lượng của hệ đào tạo này chưa ổn, thậm chí dân gian còn ví von hài hước: "Dốt như chuyên tu...", nhất là những khóa đào tạo kiểu này đặt tại cơ sở.

Đùng một cái, ông Ân trở thành TS kinh tế quản trị kinh doanh của Trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ). Việc ông bảo vệ luận án do do Viện Kinh tế (Bộ Tài Chính) giới thiệu, và có tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí.


NNgocAn.JPG


Văn bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân. Ảnh SGTT

Dư luận xôn xao, bởi cách ông Ân làm NCS không bình thường. Theo chính ông nói: Trong thời gian làm TS (tháng 2-2007 đến tháng 9-2009), ông sang trường ĐH này học hai đợt, mỗi đợt một tuần để nghe giảng tiếng Anh (có người phiên dịch sang tiếng Việt). Ngay cả khi bảo vệ luận án, cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối. Trường ĐH Nam Thái Bình Dương không yêu cầu những NCS như ông phải biết tiếng Anh, không phải thi đầu vào (?), mà chỉ cần gửi đề cương sang cho họ chỉnh sửa là được. Điều ngạc nhiên, tuy hỗ trợ kinh phí, nhưng ngay một vị lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận, quy trình đào tạo để trở thành TS của ông Ân "có vấn đề". Vì theo quy chế của Bộ GD và ĐT, NCS phải có bằng thạc sĩ, hoặc tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên... Và một điều kiện bắt buộc, phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế và chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài luận án.

Cũng không chỉ có một mình ông Ân, hiện có khoảng chục cán bộ của các địa phương cũng được đào tạo TS kiểu này (!)

Chưa cần nói đến thời gian đầu tư thực chất, các quy trình... chỉ cần đối chiếu với 2 tiêu chuẩn quy định đầu tiên mang tính chất bắt buộc, đó là tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá trở lên, đủ trình độ ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, cũng thấy ông Ân chưa đạt yêu cầu.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, là cách hành xử của tỉnh Phú Thọ: Biết cán bộ "có vấn đề", nhưng vẫn tiếp tay! Vì lý do gì: Vì nể nang, vì ông Ân đã nằm trong đội ngũ được "quy hoạch" từ trước, hay còn vì lý do gì khó nói?....

Ngay sau khi thông tin về học vị TS của ông Ân xôn xao trong nước, trong bài viết mới đây: "Nhu cầu dẫn đến bằng giả từ trường dỏm", GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), người trước đó đã ngay lập tức tìm kiếm thông tin, khẳng định: "Trường ĐH Nam Thái Bình Dương không phải là một ĐH, mà chỉ là một cơ sở thương mại, buôn bán bằng cấp cho những ai có nhu cầu...Tuy nó đặt ở Hawaii, nhưng gốc gác lại ở tận...Malaysia. Và đã bị...giải thể từ ngày 28/10/2003(!).
Mặc dù, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đây là trường hợp "bằng giả, trường dỏm", người viết bài này không có ý đưa ra một khẳng định gì về cái bằng và Trường ĐH nơi ông Ân đươc cấp bằng TS.

Điều này, chỉ chính ông Ân hiểu rõ hơn ai hết.

Nhưng xin được giả định, nếu GS Nguyễn Văn Tuấn có sự nhầm lẫn, và trường ĐH nơi ông Ân làm NCS là trường ĐH thực chất, thì ông Ân vẫn vi phạm quy chế do Bộ GD và ĐT đề ra. Liệu cái bằng TS do biết cách "nhào lộn" đó có còn mấy giá trị? Và đâu là phẩm cách, là đạo đức trung thực của người cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa của một tỉnh có "Đế Đô"?
Còn nếu như trường ĐH đó, lại chính là trưởng "dỏm" như phân tích của GS Tuấn, thì quả thật, tấm bằng TS đó chẳng có giá trị gì. Ông Ân đã bị lừa, hoặc chính ông cố tình để cho mình "bị lừa"!

Và lời của...cơ chế

Mọi chuyện về tấm bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân, mới chỉ là dư luận xã hội nghi vấn, chưa có kết luận gì của cơ quan quản lý cao nhất - Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ.
Thế nhưng, câu chuyện làm TS của ông Nguyễn Ngọc Ân đã không còn là chuyện lạ. Nó chỉ là trái đắng của một cái cây, mà gốc rễ từ lâu, đã không bình thường.

Hãy thử nhìn vào cái cây ấy - xã hội và cơ chế quản lý xã hội hiện nay.

Nền GD của chúng ta, về bản chất vẫn là nền GD hư danh, một nền GD "hư học". Với nền GD "hư học" ấy, trẻ em, thanh niên đi học cần "cái bằng" để làm quan, chứ không phải để "làm việc". Cánh cửa ĐH vẫn là cánh cửa duy nhất và đầu tiên để họ tiến thân
Và cơ chế xã hội, cha sinh - mẹ đẻ của nền GD "hư học" ấy, tuy không biết nói tiếng nói của con người, nhưng cơ chế đó nó lại "biết nói" bằng tiếng nói riêng của mình - những quy chuẩn, tiêu chuẩn cán bộ chính nó định ra, phục vụ cho hệ thống công quyền. Đương nhiên càng ở các vị trí lãnh đạo, trình độ con người ta càng phải nâng cao, và được quy chuẩn duy nhất bằng cái "bằng cấp": Chuyên môn thì Thạc sĩ, TS, chính trị thì lý luận trung cấp, cao cấp...v .v.. và v..v..

TIENSIGIAY.jpg


Những quy chuẩn đó, về hình thức, không sai, và tưởng như là đòi hỏi rất có lý về năng lực, phẩm chất cán bộ để "ngang tầm nhiệm vụ". Vì thế mới có chuyện Thủ đô Hà Nội từng có ý định đòi 100% cán bộ cốt cán phải có bằng tiến sĩ (!) Nhưng thực chất, gắn với cách tuyển chọn, sử dụng, quy hoạch cán bộ như lâu nay, quy chuẩn "bằng cấp" đó lại rất hình thức, hời hợt. Nó đã không còn là sự khuyến khích con người ta phải có động lực rèn tài năng, phẩm hạnh đích thực. Vô tình còn là mảnh đất mầu mỡ để cho gian dối nở hoa, kết trái, để cho sự biến chất của phẩm cách, lương tâm. Bởi tự lúc nào, bằng cấp là cái đòn bẩy của bậc thang danh vọng.

Đã có bao nhiêu vụ bằng rởm, "học rởm bằng thật" bị phát hiện? Không thể thống kê hết, vì con đường tìm kiếm "bằng cấp" với mọi giá, xem ra lại là con đường được không ít người ham hố còn tiếp tục muốn đặt chân lên. Chắc chắn trên con đường ngắn nhưng đầy biếm nhục này ông Ân không phải là lữ khách cuối cùng.

Bằng cấp không kiếm được bằng năng lực trí tuệ, thì có thể kiếm bằng tiền, bằng rất nhiều tiền. Bằng cấp mua trong nước không có "tên tuổi" lắm, không "oai" lắm, thì có thể mua ngoài nước, xuyên đại dương, xuyên quốc gia.

Vì vậy, chuyện kiếm bằng cấp TS theo kiểu của ông Nguyễn Ngọc Ân không phải là trường hợp cá biệt, mà là chuyện, đáng buồn thay, phổ biến trong xã hội hiện nay.

Ông Ân có thể cảm thấy rất xấu hổ, nếu ông còn có lòng tự trọng. Nhưng có nhiều cán bộ, kiếm bằng cấp theo kiểu "tắt" như thế này, thì cơ chế xã hội có nên day dứt? Bởi phải chăng, với những thang bậc giá trị thực ảo, trắng đen lẫn lộn, cơ chế xã hội hiện nay, đã khiến không ít người như ông Ân tự nguyện làm những việc "phi văn hóa" trong cái guồng quay tham vọng chóng mặt. Nếu không có sự cố ồn ào này, liệu ông Ân và còn biết bao quan chức cùng "cảnh ngộ" như ông có biết điểm dừng?

Và nếu cơ chế này biết... "nói" tiếng người, nó sẽ nói gì nhỉ. Hay chính nó cũng phải thú nhận: Đã đến lúc cần thực sự phải đổi mới?

Theo Tuần Việt Nam


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top