Môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
a. Lẽ công bằng luôn luôn là nỗi mơ ước, là niềm tin, niềm hy vọng của con người sống trên cõi nhân gian. Đó là ngọn lửa thắp sáng nghị lực, ý chí, nâng đỡ con người trong cuộc sống mưu sinh. Văn học chính là mảnh đất gieo mầm hy vọng ấy của con người. Từ bao đời nay, ở bất cứ nơi đâu, dù viết về cái thiện, cái đẹp hay cái ác, cái xấu,… các nhà văn đều hướng đến khẳng định một niềm tin nhân văn: “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió ắt gặp bão”. Đây cũng là thước đo chuẩn mực để thẩm định những tác phẩm văn chương chân chính. Triết lý dân gian ấy thể hiện rất rõ trong môtip “tội ác và trừng phạt”- một môtip chủ đề quen thuộc của văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học sau năm 1975.
b. Không phải ngẫu nhiên môtip chủ đề thiện ác được thể hiện khá tập trung trong các sáng tác văn xuôi Việt Nam đương đại. Trong thực tế sáng tác từ sau 1975 trở lại đây, cảm hứng sự thật về hiện thực cuộc sống, con người trở thành cảm hứng bao trùm, xuyên suốt của các nhà văn. Đây thực sự là một “miền đất hứa” màu mỡ cho mọi thế hệ nhà văn tìm kiếm và khám phá. Nhà văn Hồ Anh Thái cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trước thực tế cuộc sống phức tạp, nhiều chiều, với quan niệm văn chương không chỉ bộc lộ những nếm trải, suy ngẫm mà còn phơi bày, phanh phui mọi góc khuất của đời sống, đi đến tận cùng cốt lõi của nó, Hồ Anh Thái tập trung đi sâu vào khai thác, khám phá cái ác, cái xấu với cái nhìn đầy chất nhân văn.
Hồ Anh Thái là nhà văn thuộc thế hệ trẻ thành danh khi chưa tròn hai mươi tuổi và trở thành một trong những nhà viết tiểu thuyết “lực lưỡng”. Với gần ba chục đầu sách (bao gồm tiểu thuyết và tập truyện ngắn, trong đó một số tác phẩm đã đoạt giải, được dịch ra hơn 10 thứ tiếng trên thế giới), Hồ Anh Thái đã khẳng định phong cách riêng. Tác phẩm của Hồ Anh Thái thể hiện một cái nhìn đa chiều về hiện thực, một quan niệm mới mẻ về con người. Hiện thực trong tiểu thuyết của nhà văn này được đào xới ở mọi chiều kích bằng một lối viết vừa sắc sảo, gai góc, vừa đằm thắm, trữ tình. Mỗi cuốn tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là một bức tranh đời ngổn ngang tốt xấu, trắng đen, thiện ác. Nhà văn không ngần ngại phơi bày cái ác, cái tàn bạo lẫn khuất trong đời sống hiện tại để phê phán, để cảnh tỉnh con người biết dừng lại trước điều ác. Chính vì vậy, môtip “tội ác và trừng phạt” trở thành một chủ đề lớn xuyên suốt tác phẩm Hồ Anh Thái, dẫu nhà văn viết về chiến tranh, về tôn giáo, hay về đời tư- thế sự.
c. Viết về cái ác, cái xấu để cảnh tỉnh con người tránh xa nó, chống lại nó là một việc làm không dễ. Muốn vậy, nhà văn không phải chỉ có cái tâm yêu thương, nâng đỡ con người, thấu hiểu sâu sắc thế thái nhân tình mà còn phải có cái tài, cái bản lĩnh nghề nghiệp của nhà nghệ sĩ. Với đề tài Môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, chúng tôi muốn chia sẻ, đồng cảm với vấn đề mà tác giả đang quan tâm và mong muốn khám phá, khẳng định cái Tài, cái Tâm ở nhà văn này.
2. Lịch sử vấn đề
Hồ Anh Thái là nhà văn có phong cách riêng, để lại những dấu ấn đặc biệt trên văn đàn Việt Nam đương đại. Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã tạo ra một làn sóng dư luận sôi nổi đối với các nhà nghiên cứu, phê bình lẫn độc giả. Vì vậy công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Hồ Anh Thái không phải là hiếm hoi.
2.1. Những bài báo, công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Hồ Anh Thái
Phần lớn các bài báo nghiêng về phân tích, đánh giá từng tác phẩm cụ thể.
Trong bài viết Hồ Anh Thái, người mê chơi cấu trúc, Nguyễn Đăng Điệp đã có sự phát hiện khá tinh tường về chiều sâu trong cái nhìn nghệ thuật Hồ Anh Thái: “Anh biết vượt qua những lối mòn tư duy coi văn học như là tấm gương phản ánh hiện thực một cách đơn giản (điều mà Hồ Anh Thái gọi là hiện thực thô sơ) để nhìn cuộc đời như nó vốn có. Hiện thực trong thế giới nghệ thuật Hồ Anh Thái vì thế, không phải là thứ hiện thực dẹt, phẳng mà góc cạnh, nhiều chiều” [54, tr. 356].
Nhà văn Ma Văn Kháng trong bài Cái mà văn chương ta còn thiếu, (in trong Tạp chí Sách và Đời sống, 7 – 2003) đã tỏ ra rất hứng thú với những sáng tác của Hồ Anh Thái: “Ở từng con chữ có đời sống là lạ; ở mỗi tình tiết giàu sức khám phá, ở các mối liên tưởng lạ lùng và gần gũi; ở tổng thể câu chuyện, nó mở ra một góc nhìn nhân sinh, nó cho ta thấy tính đa tầng, những thực tại nhìn thấy và không nhìn thấy, những ấn tượng đặc sắc thông qua chủ đề của nó ở chính cuộc đời này” [54, tr. 298].
Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng những công chúng yêu văn chương. Phan Văn Tú với bài phê bình Cõi người rung chuông tận thế - Nhìn từ vài con số thống kê khẳng định cuốn tiểu thuyết này là một “minh chứng hùng hồn cho luận điểm của nhà văn Nga Lêônid Lêônôv: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” [54, tr. 320].
Sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết Mười lẻ một đêm ngay sau Cõi người rung chuông tận thế đã đáp ứng được sự mong chờ của công chúng yêu văn chương. Từ Nữ (Tin tức cuối tuần, ngày 6-4-2006) nhận định Mười lẻ một đêm là “một cuốn tiểu thuyết hơn 300 trang với cách viết hài hước, tràn đầy chi tiết Carnaval, khiến nó trở thành cuốn sách được yêu thích nhất trong tháng 3 - 2006. Không ai lạ lẫm gì lối viết của nhà văn Hồ Anh Thái, nhưng bạn đọc vẫn vấp từ bất ngờ này sang bất ngờ khác” [55, tr. 351].
2.2. Những bài báo, công trình nghiên cứu về môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sưu tầm được một số bài báo, công trình nghiên cứu có liên quan đến môtip "tội ác và trừng phạt" trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái.
Dưới cái đầu đề Từ một giải thưởng không thành đăng trên Tạp chí Ngày nay (2004), Hoài Nam đã đề cập đến vấn đề thiện - ác trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái. Tác giả bài báo nhận định: “Hồ Anh Thái đứng trên cỗ xe của cái Ác, mô tả - thậm chí là cực tả - cái Ác, chỉ là cách để khẳng định cái Thiện và sự tất yếu phải vươn tới cái Thiện. Anh không tìm hứng thú trong việc miêu tả cái Ác, nhưng quả thật, nếu cái ác không được cực tả, không “bạo liệt”, thì đâu có hồi chuông rung lên báo hiệu ngày tận thế cho cõi nhân gian” [54, tr. 353].
Lê Minh Khuê với bài viết Người còn đi dài với văn chương đăng trên tạp chí Tia Sáng số 1, 3-2003 cho rằng: “Tình yêu cuộc sống, bực bội vì cái xấu độc ác có lẽ là cảm hứng chính cho cuốn sách nhiều lận đận Cõi người rung chuông tận thế. Tác giả nói rất nhiều về cái Ác bản năng như loài thú, sự mưu mô xảo quyệt của con người như loài thú. Rồi xuyên qua cái đám bùng nhùng hỗn độn ấy là một nhân vật giả tưởng chuyên đi trừng trị sự độc ác ở cõi nhân gian chung quanh nhân vật chính. Đó là ý tưởng, là sợi chỉ xuyên suốt gây ấn tượng đặc biệt” [54, tr. 258-259].
Trong bài Giọng tiểu thuyết đa thanh, Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Cõi người rung chuông tận thế đã được cấu trúc theo cách cấu tứ của thơ trữ tình, với một ý tưởng cảnh báo về cái ác xuyên suốt như một tứ thơ chính: liệu con người ta có thể đẩy được cái ác ra khỏi cõi người không, khi cái ác bao giờ cũng mọc như cỏ dại trong vườn nhân thế?” [54, tr. 267].
Trong công trình nghiên cứu Hồ Anh Thái, người mê chơi cấu trúc, Nguyễn Đăng Điệp cũng đã nhận định Hồ Anh Thái có quan niệm riêng về thế giới: “Nhà văn dám nhìn thẳng vào nỗi đau, niềm nhức nhối bủa vây cõi người để gióng lên những tiếng chuông khẩn thiết về sự khô kiệt nhân tính đang có mặt khắp nơi. Điều này có thể thấy rất rõ trong Cõi người rung chuông tận thế. Sự thù hận và cái Ác làm cho con người sống trong nghi kỵ, cầm tù con người trong đời sống bản năng” [54, tr. 358].
Nguyễn Anh Vũ trong bài viết Hơn cả sự thật về tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế đã cho rằng: “Đọc tiểu thuyết này, ta không khỏi lo ngại trước lối sống của một bộ phận thanh niên trong xã hội hôm nay. Đó là một lối sống thực dụng, buông thả, ích kỷ, với những ham muốn điên loạn, cuồng loạn. Rõ ràng, họ không đại diện cho thế hệ trẻ đang tràn đầy sức sống, tài năng và nhiệt huyết trong xã hội ngày nay. Thế nhưng, ta vẫn không khỏi xót xa, ngậm ngùi cho những cảnh sống vô hồn, không hoài bão, lý tưởng đó. Nếu không cảnh báo, ngăn chặn, rất có thể đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho cái ác nảy mầm, tồn tại và phát triển” [54, tr. 285-286].
Bài viết Ngả nghiêng trần thế của Sông Thương đăng trên báo Thanh Niên ngày 11-4-2006 đã nhận xét: “Mười lẻ một đêm được viết bằng giọng hài hước chủ đạo. Thậm chí có đoạn được lồng vào cả truyện cười dân gian. Câu văn thụt thò, dài ngắn, có chủ đích. Chương một, chương hai cái nghiêng ngả còn liu riu, rồi cái sự ngả nghiêng cứ tăng dần. Đến chương bảy- chuyện về nhà văn hóa lớn, nó trở nên căng nhức. Nhiều độc giả cảm thấy ngột ngạt. Thế là đủ. Vào chương tám, bầu trời câu chuyện bắt đầu kéo mây. Nao lòng với nhân vật thằng bé người Cá. Thằng bé sinh ra với hai cẳng chân dính chặt vào nhau. Một hiện thân của sự trả báo đầy vô lý chăng?” [55, tr. 347]. Bảo Hân (VTV tại Huế) thì khẳng định: “Số phận bất hạnh bất thành nhân dạng của thằng Cá như là hiện thân của nghiệp nhân quả” [55, tr. 359].
Qua đây, chúng ta thấy tác phẩm của Hồ Anh Thái được công chúng đón nhận rộng rãi và kích thích tranh luận. Nhiều ý kiến đánh giá, phê bình trên báo viết, báo mạng và lời tựa cho tác phẩm đa phần đều khẳng định giá trị các tác phẩm và tài năng của nhà văn. Các bài viết này đã đề cập đến một vài khía cạnh về vấn đề "tội ác và trừng phạt" và đây thực sự là những gợi mở quý báu cho đề tài. Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học nào có dung lượng lớn, nghiên cứu về môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái một cách hệ thống, hoàn chỉnh và đây cũng chính là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện đề tài này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, cụ thể là 3 tác phẩm: Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm, Đức Phật, nàng Savitri và tôi.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Ở luận văn này, chúng tôi tập trung khảo sát những biểu hiện của môtip “tội ác và trừng phạt” từ phương diện hệ chủ đề, nhân vật và sự thể hiện môtip đó trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp hệ thống
Xem xét yếu tố trong tính hệ thống của đề tài, chủ đề, thể loại,…
4.2. Phương pháp so sánh (đồng đại, lịch đại)
Chúng tôi đi vào so sánh, đối chiếu trong chừng mực nhất định với một số tác phẩm văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại và một số tiểu thuyết khác đương thời cùng chủ đề để làm nổi bật nét độc đáo, khác biệt hay những tương đồng trong quan niệm và cách thể hiện môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.
4.3. Phương pháp thống kê
Với phương pháp này, chúng tôi chỉ ra được những biểu hiện về môtip “tội ác và trừng phạt” và sự thể hiện môtip đó trong sáng tác của Hồ Anh Thái.
Ngoài ra, luận văn còn sử dụng thao tác phân tích, tổng hợp và vận dụng lí thuyết thi pháp học trong qua trình nghiên cứu.
5. Đóng góp của luận văn
a. Đề tài lần đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, hoàn chỉnh về môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái để khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc trong tác phẩm của nhà văn nói riêng và trong văn học đương đại nói chung.
b. Luận văn góp phần chỉ ra phong cách tiểu thuyết Hồ Anh Thái, khẳng định vị trí, sự đóng góp của nhà văn đối với nền văn học Việt Nam đương đại.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái- nhìn từ triết lý nhân quả
Chương 2: Môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái- nhìn từ hệ chủ đề, nhân vật
Chương 3: Môtip “tội ác và trừng phạt” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái- nhìn từ phương thức thể hiện
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: