Một vài nhận xét về đặc điểm cấu tạo của chỉnh thể trên câu

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Một vài nhận xét về đặc điểm cấu tạo của chỉnh thể trên câu

... trong văn bản tiếng Việt hiện đại

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Thanh

Báo cáo bước đầu đưa ra những nhận xét về đặc điểm cấu tạo của một đơn vị văn bản là chỉnh thể trên câu với những biểu hiện cụ thể của nó trong văn bản tiếng Việt.

1. Để cho một nhóm câu có liên quan với nhau chặt chẽ về cú pháp và ngữ nghĩa, người ta thường dùng các thuật ngữ “chỉnh thể cú pháp phức hợp”, “thể thống nhất trên câu”, “đoạn văn”, “discourse…”. Ở đây, chúng tôi tạm dùng thuật ngữ “chỉnh thể trên câu” (CTTC).

Đối với CTTC, xác định ranh giới tương đối khó khăn vì không có một dấu hiệu hình thức riêng để biểu thị giới hạn của nó. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung xem xét câu đầu và câu cuối. Ngoài những tiêu chí về sự hoàn chỉnh ý nghĩa và cấu trúc của câu đầu,có lẽ dấu hiệu quan trọng nhất của nó là đánh dấu sự mở đầu của một nội dung mới (hay chủ đề con). Và câu cuối là yếu tố cuối cùng mang nghĩa phụ thuộc vào chủ đề con này. Như vậy tiêu chí quan trọng nhất để xác định một CTTC, đó là sự liên kết nội dung chặt chẽ giữa các câu cấu thành xung quanh chủ đề chung của toàn chỉnh thể.

2. Quan hệ cơ bản nhất trong CTTC là quan hệ ngữ nghĩa. Quan hệ này được biểu hiện bằng những yếu tố hình thức cụ thể và thông qua những phương tiện liên kết cụ thể.

2.1. Đơn vị cấu tạo của CTTC là câu. Nhưng đó không phải là một tập hợp tùy tiện. Chức năng ngữ nghĩa của các câu trong CTTC không ngang bằng nhau. Thường có một câu mang chức năng nghĩa lớn nhất. Nó là nhân tố tổ chức ý nghĩa của toàn chỉnh thể, đồng thời là mắt xích liên kết tất cả các câu xung quanh một chủ thể thống nhất, ngay cả khi giữa các câu, nếu nằm tách biệt, thì dường như không tìm được một điểm nghĩa nào chung. Có thể coi đây là câu hạt nhân của mỗi một chỉnh thể. Về vị trí, nó có thể đứng đầu, giữa hoặc cuối CTTC. Thông tin của nó thường khái quát hơn các câu khác nên vị trí của nó sẽ quy định hướng phát triển của nội dung chỉnh thể, từ khái quát nếu nó đứng cuối. Phần lớn các câu hạt nhân đứng ở đầu CTTC vì nó là câu có khả năng nhất hướng người đọc đến phần nội dung khác so với nội dung của CTTC trước. Các câu khác chịu sự chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp về mặt ngữ nghĩa từ câu hạt nhân này.

2.2. Sự khác biệt rõ rệt nhất của CTTC so với chuỗi câu tự do là quan hệ này được thực hiện trước hết bởi sự tồn tại của mạng lưới các từ (cụm từ) có quan hệ ngữ nghĩa với nhau nằm ở tất cả các câu. Chúng tôi gọi đây là mạng lưới các từ cơ bản của mỗi một CTTC. Mạng lưới này thường xuất phát từ câu hạt nhân. Đối với CTTC, sự có mặt của mạng lưới những từ cơ bản quanh một chủ thể thống nhất. Còn đối với từng câu việc có chứa từ (cụm từ) này là điều kiện làm cho nó trở thành bộ phận của một CTTC nhất định, mặc dù có khi các từ đó chỉ giữ chức năng phụ trong câu.

Có hai loại quan hệ cơ bản của các từ trong mạng lưới từ cơ bản của mỗi một CTTC:

Thứ nhất, các từ (hay cụm từ) đều chỉ chung một đối tượng. Chức năng ngữ pháp của các từ này không phải cố định. Có khi chúng là những thành phần đồng loại, cũng có khi giữa chúng có sự luân phiên chức năng ngữ pháp ở câu kế cận nhau. Hình thức biểu hiện của đối tượng này rất đa dạng. Trong câu hạt nhân đối tượng này luôn được biểu thị bằng tên gọi đầy đủ tạo cơ sở cho quá trình quy chiếu ngược ở các câu sau. Còn ở các câu sau đối tượng có thể mang những hình thức rất đa dạng (hoặc lặp hình thức cũ, hoặc bằng đại từ, từ đồng nghĩa, hoặc bằng một vị trí bị tỉnh lược mà có thể khôi phục lại được), phụ thuộc vào dụng ý của người viết.

Thứ hai, các từ biểu thị những đối tượng khác nhau nhưng giữa chúng có thể xác lập được một quan hệ ngữ nghĩa nào đấy. Đó có thể là quan hệ liên tưởng giữa các từ nằm trong cùng một trường ngữ nghĩa (nhà máy – công nhân – máy móc phân xưởng), (con gái – mái tóc – khuôn mặt – đôi mắt). Từ làm trung tâm của môi trường thường nằm ở câu hạt nhân. Hoặc đó cũng có thể là quan hệ giữa các từ không nằm trong một trường ngữ nghĩa. Khi nằm ngoài văn cảnh các từ này không có quan hệ nghĩa với nhau. Nhưng khi nằm trong một chỉnh thể, người đọc có thể xác lập ở đó một liên kết ngữ nghĩa không ổn định chỉ tồn tại trong một ngữ cảnh nhất định. Mối liên kết ngữ nghĩa lâm thời này có được với sự giúp đỡ của các nhân tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

3. Quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ cơ bản trong CTTC là điều kiện đầu tiên, nhưng không phải là duy nhất, đảm bảo sự thống nhất chủ đề của chỉnh thể. Đơn vị cấu tạo của CTTC là câu, do vậy sự thống nhất này sẽ được thực hiện nếu xác lập được quan hệ ngữ nghĩa giữa bản thân các yếu tố cấu thành chỉnh thể, tức là câu. Chúng tôi phân làm hai dạng dựa vào quan hệ giữa câu hạt nhân và các câu khác trong chỉnh thể.

Dạng 1. Câu hạt nhân có quan hệ trực tiếp với các câu khác. Mỗi câu khi tách khỏi chỉnh thể thì mang những thông báo độc lập. Nhưng khi xem xét chúng với tư cách là yếu tố cấu tạo của một chỉnh thể thì thấy rằng mỗi câu là biểu hiện một mặt nào đó của cái thông tin khái quát nằm trong câu hạt nhân. Bên cạnh nội dung riêng do các đơn vị từ vựng của mình tạo nên, chúng đều chứa một nét nghĩa chung do câu hạt nhân đem lại. Đối với từng câu, nét nghĩa này là phụ vì được biểu hiện không tường minh. Nhưng đối với cả chỉnh thể, nét nghĩa này lại là chính vì nó là cơ sở thống nhất của cả chỉnh thể. Do vậy, có thể hình dung rằng trong CTTC dạng này, mỗi câu có hai thông tin: một thông tin bề mặt và một thông tin ẩn do câu hạt nhân quy định. Thông tin bề mặt của các câu là khác nhau, rất đa dạng và phong phú, còn thông tin ẩn thì như nhau. Cùng một thông tin bề mặt có thể mang những thông tin ẩn khác nhau nếu nằm trong những CTTC khác nhau. Ở đây câu hạt nhân giữ một vai trò chi phối ý nghĩa của tất cả các câu khác trong chỉnh thể và là sợi dây nối kết tất cả các câu xung quanh nó.

Dạng 2. Câu hạt nhân không trực tiếp chi phối ý nghĩa của các câu khác. Vả chỉnh thể biểu thị một chuỗi những sự kiện, hành động xảy ra liên tiếp trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó mỗi câu được coi là một điểm trong chuỗi này. Trật tự của các câu bị quy định bởi quan hệ thời gian hay lôgic của từng sự kiện, hành động. Mỗi câu có liên kết ngữ nghĩa với các câu sát nó. Vai trò của câu có liên kết ngữ nghĩa với các câu sát nó. Vai trò của câu hạt nhân lúc này là mở đầu một nội dung mới chứ không trực tiếp tác động đến ý nghĩa của tất cả các câu khác.

Việc phân tích quan hệ ngữ nghĩa trong CTTC cho thấy khả năng tồn tại hai mặt của câu: khi nằm ngoài văn bản, đó là một đơn vị thông báo độc lập, khi nằm trong CTTC, nó trở thành một bộ phận cấu tạo của chỉnh thể, phụ thuộc về ý nghĩa vào chỉnh thể. Lúc này câu không còn là một thực thể tự do nữa mà phải cùng với các câu khác biểu thị một nội dung chung của cả chỉnh thể.

Nguồn: e-tiengviet.com
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top