Một trường đuổi 11 học sinh vì đạo đức kém

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Nếu không có biện pháp mạnh thì không thể giữ được nề nếp của nhà trường. “Chúng tôi không chỉ giáo dục học sinh này mà còn phải giáo dục học sinh khác nữa”.

Lần đầu tiên Hội đồng kỷ luật Trường THPT Mỹ Đức C, Hà Nội phải ra quyết định kỷ luật 23 học sinh, trong đó đuổi học 11 học sinh. Có học sinh chỉ còn vài tháng là ra trường nhưng vẫn phải chịu hình thức đuổi học 12 tháng. Tại sao lại có sự việc trên?

Tất cả đều bất trị!

Hiệu trưởng Bùi Đức Thảo cho biết đây là những học sinh cá biệt, thậm chí là bất trị. Cụ thể, một học sinh lớp 10A6 là học sinh cá biệt ngay từ cấp hai vì tội trấn lột xe của các bạn cùng trường. Du côn hơn nữa, em này còn tổ chức cho đàn em đi đánh nhau. Nếu ai không chịu nghe lời, em này cũng đánh luôn đàn em. Thậm chí khi đứng trước Hội đồng kỷ luật nhà trường, hỏi em đã đánh bao nhiêu bạn rồi thì em thản nhiên nói: “Nhiều lắm, em không nhớ hết”.

Hay như trường hợp một em học sinh lớp 12A9 cãi nhau với cô giáo chủ nhiệm rất nhiều lần. Khi ban giám hiệu yêu cầu em viết bản kiểm điểm và mời gia đình đến làm việc thì em đã phản ứng lại, không viết và tự ý xin nghỉ học. Vài ngày sau, em đến xin rút đơn và ngang nhiên vào lớp học cho dù giáo viên không chấp nhận. Còn với em học sinh lớp 10A0, học kỳ một đã nghỉ 43 buổi, còn liên tục chặn đường trấn lột, đánh học sinh trong trường. Nhà trường đã nhận được nhiều đơn thư của phụ huynh, thậm chí có người nhà cách trường 20 km nhưng vẫn phải đưa con đi học vì “sợ bạn đánh”. Một học sinh khác thì thường xuyên đái bậy ở cầu thang. Nhà trường đã nhắc không biết bao nhiêu lần, thậm chí đã đuổi học nhưng chứng nào vẫn tật nấy...

9-chot.jpg

Vẫn còn cơ hội cho các em


Đây là ngôi trường duy nhất có hình thức xử lý học sinh vi phạm được coi là nặng nhất từ trước đến nay. Cũng theo ông Thảo, khi ký quyết định buộc cho nghỉ học 11 học sinh này, ban giám hiệu nhà trường rất đau lòng. Thế nhưng các em đều là học sinh cá biệt, học lực yếu nhiều năm liên tục, lại vi phạm lỗi nhiều lần mà không hề sửa chữa. Vì vậy, Hội đồng kỷ luật nhà trường bắt buộc phải áp dụng theo Quyết định 1118/QĐ của Bộ GD&ĐT ngày 2-12-1987 về xử lý, kỷ luật học sinh.

Ông Thảo cũng cho hay học sinh của trường phần lớn là dân địa phương sống quanh khu vực chùa Hương. Cha mẹ các em phần lớn chỉ lo làm ăn trong chùa nên ít quan tâm đến con cái. Gần 25 năm nay, trường nổi tiếng bởi chất lượng học kém, học sinh đánh nhau nhiều. “Nếu không có biện pháp mạnh thì không thể giữ nề nếp của nhà trường được” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, đối với những em phải chịu hình thức phạt 12 tháng sẽ nhận hạnh kiểm yếu, năm sau phải học lại. Riêng với học sinh bị đuổi học vài tuần, nếu có tiến bộ sẽ được xếp hạnh kiểm trên yếu để đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Ban giám hiệu vẫn dành “ân xá” cho các em, chỉ yêu cầu các em chịu hình thức xử phạt 1/2 thời gian chịu phạt. Khi nào đến học có đơn xin học của học sinh, có xác nhận của trưởng thôn, UBND xã thì nhà trường sẽ cho học lại.

Kiện nhà trường: Không thể

Liên quan đến quyết định kỷ luật 23 học sinh này, có một số đơn thư khiếu nại cho rằng nhà trường đã “kỷ luật oan sai”, đồng thời yêu cầu Sở GD&ĐT TP Hà Nội vào cuộc.

Về việc này, ông Thảo nói rõ hơn: “Hội đồng kỷ luật nhà trường có nhận được đơn khiếu nại về trường hợp của học sinh cãi nhau với giáo viên chủ nhiệm cho rằng bị kỷ luật oan. Thế nhưng qua xem xét, Hội đồng kỷ luật nhà trường không chấp nhận. Em này đã vi phạm rất nghiêm trọng, coi thường kỷ luật của nhà trường nên không thể dung tha. Chúng tôi không chỉ giáo dục học sinh này mà còn phải giáo dục học sinh khác nữa”.

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên - Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết Trường THPT Mỹ Đức C nổi tiếng là có nhiều chuyện phức tạp, nhất là chuyện học sinh đánh nhau từ nhiều năm nay. Theo quy định, Hội đồng kỷ luật nhà trường có đủ thẩm quyền ra quyết định xử lý các học sinh có sai phạm. “Nếu nhà trường làm đúng điều lệ, quy chế thì cho dù có đơn thư khiếu nại đến Sở, chúng tôi cũng không làm gì được” - ông Nhật nói.

Các mức độ kỷ luật học sinh

1. Khiển trách trước lớp đối với HS vi phạm những khuyết điểm: Nghỉ học không phép từ ba buổi trở lên/tháng; không học bài từ ba lần/tháng; quay cóp bài, có thái độ kém văn hóa và đạo đức với thầy cô giáo…

2. Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường: Nếu học sinh tái phạm nhiều lần những khuyết điểm đã bị khiển trách trước lớp.

3. Cảnh cáo trước toàn trường: Tội ăn cắp, cướp giật trong và ngoài trường, vô lễ với thầy cô giáo, trêu chọc và thô bỉ với phụ nữ nước ngoài.

4. Đuổi học một tuần lễ: Trộm cắp, trấn lột, gây gổ, đánh nhau có tổ chức và gây thương tích. Trong thời gian đình chỉ học, học sinh phải kiểm điểm. Nếu không hối hận sẽ đề nghị đuổi học một năm.

5. Đuổi học một năm: Sai phạm nghiêm trọng, dù chỉ là lần đầu chủ động tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động, dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục), đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, bị công an bắt giữ.

(Trích Quyết định 1118/QĐ ngày 2-12-1987 của Bộ GD&ĐT)


Theo PLTP
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top