rubi_mos2002
New member
- Xu
- 0
Được bảo rằng mình sai khi bạn thật sự mắc phải sai lầm nào đó làm cho bạn trở thành một người hiểu biết hơn, dù không có nghĩa là bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Thậm chí ngay cả khi bạn không thuộc tuýp người phải luôn dành phần thắng trong bất kỳ cuộc tranh luận nào thì bạn vẫn cảm thấy khó chịu khi ai đó chỉ ra những sai sót của mình. Và cái cảm giác khó chịu đó đặc biệt càng nặng hơn khi có “thính giả” – có lẽ nó gợi bạn nhớ đến hồi lớp 3, khi bạn đọc vấp phải một từ nào trong lúc đang đọc to cho cô và các bạn cùng lớp, rồi bị cô bảo là đọc sai rồi khi cả lớp đang im phăng phắc lắng nghe, có thể đã cảm thấy bối rối và bị xấu hổ đến cỡ nào.
Ngay cả một số bạn thân và người thân của chúng ta cũng có thể khá “thẳng tay” và không tinh ý khi phản ứng trước những lỗi lầm của chúng ta. Họ hớn hở chỉ ra lỗi của ta khi phát âm một từ khó (và làm cho những ký ức không mấy đẹp đẽ hồi còn đi học ùa về) hay la lớn, “Thấy chưa? Tôi đã bảo mà! [rằng nó sẽ đọc sai từ đó - ND]” đủ to để bất cứ ai nằm “trong tầm phủ sóng” có thể nghe thấy những gì họ nói. Tuỳ thuộc vào da mặt bạn dày cỡ nào, bạn có thể tỏ ra “trơ” với toàn bộ câu chuyện cười nhạt nhẽo đó, nhưng thường thì bạn sẽ thu vào một góc nào đó ngồi nguệch ngoạc dưới đất một cách hờn dỗi, ước chi bạn có thể chui vào một cái lỗ nào đó mà trốn. Văn hoá cũng đóng một phần quan trọng trong việc người ta phản ứng lại thế nào đối với sự sỉ nhục hay xấu hổ: Trong nhiều xã hội, giữ sĩ diện được coi trọng hơn bất cứ điều gì khác, và bị chứng minh là mình đã sai là một sự xúc phạm nghiêm trọng.
Bị bảo rằng bạn đã sai không có liên hệ gì với cảm giác bị sỉ nhục. Những người bạn hay người thân gia đình tốt bụng và tinh tế sẽ chỉ ra lỗi của bạn một cách rất lịch sự và khéo léo, có thể bằng một khoảng thời gian riêng tư khi không có người ngoài. Nếu như bạn đặt sai nĩa ở bên phải thay vì bên trái của chiếc đĩa khi bạn đang dọn bàn tiệc, một người bà con nhã nhặn có thể sẽ kéo bạn sang một bên và nhỏ nhẹ chỉ bảo bạn, hoặc có thể đổi vị trí của chiếc nĩa dùm bạn khi bạn đã rời khỏi phòng. Nếu như lỗi mà bạn mắc phải có thể dẫn đến nhiều rắc rối cho bạn sau này, người này có thể sẽ hướng dẫn bạn xử lý tình huống một cách đúng đắn để bạn khỏi phải cảm thấy xấu hổ về sau.
Vì vậy, không phải lúc nào bị sửa sai thì bạn cũng cảm thấy xấu hổ hay bị sỉ nhục. Tuy nhiên, nếu bạn bị “sửa lưng” theo một cách khiến bạn cảm thấy xấu hổ thì khó có thể nào còn cảm thấy tự tin vào bản thân nữa, bất kể nền tảng văn hoá của bạn là gì. Ở một mức cực đoan, việc tiêm nhiễm dần cảm giác bị sỉ nhục vào một nạn nhân là một chiến thuật cơ bản của các người khảo tra, các cai ngục, và một số kẻ bạo hành gia đình. Thậm chí ngay cả trong thí nghiệm nhà tù Stanford [thí nghiệm: 24 sinh viên nam được chọn để đóng giả vai cai ngục và tù nhân trong một nhà tù để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những cuộc xung đột ưa diễn ra giữa cai ngục và tù nhân trong nhà tù thật - ND], khi mà các “lính gác” là các sinh viên đại học bình thường đóng giả, sự sỉ nhục cũng là một phần diễn ra trong thí nghiệm. Tương tự như thế, từ sân thể thao cho tới nơi làm việc, các trò hiếp đáp thường xuất hiện ở dạng sỉ nhục một đối tượng nào đó, đặc biệt là khi có một người nào gần đó để người thực hiện hành vi sỉ nhục tạo ấn tượng.
Cảm giác bị sỉ nhục được định nghĩa là cảm xúc mà bạn cảm thấy khi vị thế của bạn bị hạ thấp trước mặt người khác. Bạn có thể cảm thấy bực dọc với chính bản thân khi bạn phạm phải sai lầm hay không biết một câu trả lời nào đó, nhưng trừ khi có người khác ở gần đó để chứng kiến thì đó là tất cả những gì bạn sẽ cảm nhận. Để cảm thấy bị sỉ nhục bởi những lỗi lầm, nói chung là bạn sẽ cần một ai khác “sẵn sàng có mặt” khi bạn đang cảm thấy những cảm giác trên “giúp đỡ”.
Ắt hẳn bạn có thể nhận ra từ kinh nghiệm bản thân rằng, cảm giác bị sỉ nhục là một trạng thái cảm xúc cực kỳ tiêu cực. Ngạc nhiên là cảm giác này ít được chú ý nghiên cứu trong tâm lý học. Những cảm xúc tiêu cực khác – tức giận, lo âu, ganh tị, và sợ hãi – thường là tâm điểm của các nhà nghiên cứu, có lẽ vì hiểu được chúng đem lại những áp dụng thực tiễn như: Giận dữ có hại cho sức khoẻ; lo âu có thể kìm hãm bạn thể hiện khả năng của mình; ganh ghét có thể dẫn tới mâu thuẫn trong các mối quan hệ; sợ hãi có thể phát triển thành nỗi ám ảnh. Cảm giác bị sỉ nhục không dễ chịu chút nào, nhưng ít nhất về mặt biểu hiện bên ngoài, nó dường như không có nhiều hệ lụy.
Tuy nhiên, nếu xem xét vai trò chủ đạo của sự sỉ nhục trong việc gây đau khổ cho người khác thì cảm giác bị sỉ nhục cần được nghiên cứu kỹ hơn về các tác dụng có thể có của nó.
Hai nhà tâm lý học Marte Otten và Kai Jonas ở Đại học Armsterdam quyết định xem xét hoạt động não bộ của các tình nguyện viên khi họ được đưa vào các tình huống khơi tạo các cảm xúc khác nhau. Hai nhà tâm lý học so sánh điện não đồ của những người tham gia đã được kích động để cảm thấy giận dữ, vui vẻ hay bị sỉ nhục. Tình huống khơi mào cho cảm giác bị sỉ nhục như sau: “Bạn đi gặp người mà bạn hẹn hò trên mạng ở một địa điểm đã được sắp xếp. Người đó nhìn bạn một cái, quay lưng và nhanh chóng bỏ đi.” Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng tình huống này là một trong số những tình huống làm cho ta cảm thấy bị sỉ nhục.
Otten và Jonas đã định mức phản ứng của những người tham gia trên hai phương diện: não của những người này có xuất hiện phản ứng tiêu cực hay không [cảm xúc tiêu cực hay tích cực sẽ thể hiện khác nhau trên điện não đồ - ND] và nếu có thì phản ứng đó mạnh cỡ nào. Bằng cách so sánh dữ liệu của ba trạng thái cảm xúc trong nghiên cứu, họ đi đến kết luận rằng phản ứng của những người tham gia đối với cảm giác bị sỉ nhục vừa tiêu cực hơn cảm giác giận dữ, vừa mãnh liệt hơn so với cảm giac vui vẻ về cường độ.
Từ nghiên cứu tiên phong này, chúng ta có thể thấy rằng não chúng ta không thích bị sỉ nhục. Bạn không chỉ cảm thấy tồi tệ, mà mức độ não của bạn được kích động còn mạnh mẽ hơn so với các tình huống khơi tạo các cảm xúc khác.
Có lẽ chúng ta có thể dự đoán rằng bị hạ thấp vị thế của mình trước mặt người khác sẽ làm cho bạn cảm thấy tồi tệ. Nhưng nếu bạn là người làm cho người khác bẽ mặt, bạn gây ra tổn thương nhiều hơn là bạn có thể nhận biết. Nếu việc đó là mục đích bạn muốn đạt được, vậy thì phương pháp của bạn vô cùng hiệu quả. Thế nhưng, nếu bạn nghĩ bạn đang giúp đỡ bạn bè hay người thân bằng cách chỉ ra những lỗi lầm của họ hay bằng cách này hay cách khác làm cho họ bớt kiêu căng ngạo mạn, vậy thì rất có thể bạn đã sai. Có những cách khác nhẹ nhàng hơn và tử tế hơn để truyền đạt một thông tin nhằm chỉ ra cái sai của người mà ta yêu quí và quan tâm, những người ta muốn chỉ dạy, hay người ta muốn giúp đỡ. Chúng ta cần đảm bảo rằng những lời phê bình hay bảo ban của chúng ta được trình bày theo một cách có thể giữ cho người khác lòng tự trọng, và đó là cách cơ bản nhất để tránh làm cho họ cảm thấy bị sỉ nhục hay xấu hổ.
Nói về việc lật ngược tình thế, làm thế nào để bạn kiểm soát cảm giác bị bẽ mặt của mình khi ai đó chứng tỏ bạn đã sai?
Cũng như với tất cả các loại cảm xúc, cách đối phó với sự sỉ nhục tuỳ thuộc vào cách bạn thấu hiểu tình hình. Theo như các học thuyết về sự nhận thức các cảm xúc, cách mà bạn cảm nhận là một hàm số phụ thuộc trực tiếp vào cách bạn nghĩ. Như Hamlet đã nói: “Không có thứ gì là tốt hay xấu, tất cả chỉ là do suy nghĩ.” Nếu như bạn không đủ chai mặt, và bạn ghét bị nói là sai trước mặt nhiều người, bạn có thể có lợi từ việc xem xét những suy nghĩ bạn có thể cảm nhận trong tình huống đó [vì cách bạn nghĩ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, nên chiến lược là làm cách nào để bạn ứng phó, hay thay đổi những suy nghĩ có thể có trong tình huống - ND]. Nếu cảm giác bẽ mặt là một cảm xúc xuất phát từ việc cảm thấy vị thế của mình bị mất đi, có lẽ bạn nên xem xét tình huống theo một cách khác để giảm bớt sự nhấn mạnh vào khía cạnh “vị thế” trong suy nghĩ của bạn.
Rất có thể, bạn bè, người thân, hay thầy cô chỉ đơn giản là muốn giúp ngăn bạn khỏi mắc lại những sai lầm của mình, và vì thế sự xúc phạm đến vị thế của bạn chỉ mang tính tưởng tượng. Nhìn tình huống với một góc khác để giảm sự tập trung vào việc mất đi vị thế của mình sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ hơn một cách rõ rệt. Tuy nhiên, ngay cả khi người hay những người cố tình bẽ mặt bạn có những động cơ đen tối nào khác, bạn vẫn có thể có lợi. Bằng cách không cho phép bản thân cảm thấy mất phẩm giá, lòng tự trọng hay vị trí của mình, bạn sẽ làm giảm đi sự thoả mãn thấy bạn quằn quại của họ. Cũng giống như “sự mất đi các hành vi có điều kiện hay hành vi được củng cố” [ví dụ như thí nghiệm nổi tiếng của Pavlov, con chó được huấn luyện để chảy nước dãi khi nghe tiếng chuông báo hiệu giờ ăn, nhưng sau đó nếu cứ mỗi lần rung chuông nhưng không cho nó đồ ăn nữa, thì dần dần nó sẽ mất đi phản xạ “chảy nước dãi khi nghe tiếng chuông” hình thành trước đó] những hành động đáng ghét để sỉ nhục bạn của họ cuối cùng cũng sẽ không còn nữa.
Dù là trường hợp nào, nếu bạn cảm thấy bị tổn thương, vẫn có cách để bạn ứng phó: Nếu đó chỉ là một sự hiểu lầm giữa bạn bè, hãy sử dụng cách nhẹ nhàng tử tế để nói riêng với người đó khi không có ai khác. Nếu như các quyền của bạn thật sự bị xâm hại, bạn có thể trình bày vấn đề với người khác và nhờ người đó giúp khắc phục tình hình.
Cảm giác bị bẽ mặt có thể có nhiều dạng, từ việc bị khước từ cho tới việc bị làm cho xấu hổ công khai vì một lỗi lầm bạn mắc phải. Bằng cách hiểu sự liên kết của nó với phản ứng của bộ não, bạn có thể ứng phó, hay tránh được nỗi đau của loại cảm xúc tiêu cực này.
Trần Đình Tuấn dịch
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blo...01407/the-one-emotion-really-hurts-your-brain