• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ CÔNG NGHIỆP

1.Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để nước ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

a.Các nguồn lực về tự nhiên

*Thuận lợi:

-Vị trí địa lý nước ta có nhiều thuận lợi cho phát triển công nghiệp như nước ta nằm ở phía Đông của bán đảo Trung Ấn nên có vùng biển rộng không những thuận lợi cho phát triển giao thông buôn bán với thế giới mà còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên biển rất phong phú như muối biển, thủy hải sản…để phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản. Nước ta nằm ở vùng bản lề của 2 vành đai sinh khoáng lớn nhất trên thế giới là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải nên rất giàu tài nguyên khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến.Nước ta lại nằm gần đường biển quốc tế qua eo biển Malacca nên rất thuận lợi cho giao lưu quan hệ buôn bán xuất nhập khẩu và phát triển du lịch. Nước ta nước ta nằm gần các nước NICs châu Á như Singapo, Đài Loan, Hồng Kong… nên dễ dàng tiếp thu công nghệ hiện đại và thu hút đầu tư của nước ngoài.

-Tài nguyên thiên nhiên nước ta có nhiều thuận lợi cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước như tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước đa dạng phong phú, sâu sắc theo mùa, theo bắc nam, theo độ cao. Đặc biệt có đất đai rất đa dạng với nhiều loại đất tốt như đất phù sa, đất đỏ bad an… có khí hậu nhiệt đới , có mùa đông lạnh ở phía Bắc, có khí hậu cận xích đạo ở phía Nam, có khí hậu cận nhiệt ở trên cao hơn 1000m, có nguồn nước sông phong phú, dồi dào…đất , nước, khí hậu đan quyện vào nhau là cơ sở để để sản xuất nhiều nguyên liệu như nông – lâm – thủy sản cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến. Những nguồn nguyên liệu đó ngày một tăng như lương thực 34 triệu tấn/năm, 19 triệu con lợn, 2,9 triệu con trâu, 4 triệu con bò, hàng trăm ngàn m[SUP]3[/SUP] gỗ và tre nứa…

Nguồn tài nguyên biển nước ta cũng rất phong phú và đa dạng với trữ lượng hải sản từ 3 – 3,5 triệu tấn/năm, khả năng đánh bắt từ 1,2 – 1,4 triệu tấn/năm. Sản lượng đánh bắt cá biển hiện nay là 900 nghìn tấn, 50 – 60 nghìn tấn tôm mực…đó chính là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản quy mô lớn.

Tài nguyên rừng nước ta tuy đã giảm nhiều nhưng hiện nay còn hơn 10 triệu ha rừng với sản lượng gỗ là 550 triệu m[SUP]3 [/SUP]gỗ/năm và hàng triệu cây tre nứa, luồng với sản lượng gỗ khai thác hiện nay từ 200 – 300 nghìn m[SUP]3[/SUP] gỗ /năm, là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

Tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng về loại hình với hơn 80 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như than đá ở quảng Ninh, bô xít ở Lâm Đồng, dầu mỏ ở biển Đông và đặc biệt là các loại VLXD như cát, thủy tinh, đá vôi…là cơ sở để phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản theo quy mô vừa và nhỏ.

*Những khó khăn:

-Nước ta nằm ở vị trí có nhiều thiên tai trên thế giới như bão lụt, hạn hán…làm cho sản xuất ngành nông lâm thủy sản rất bấp bênh.

-Khoáng sản nước ta tuy phong phú và đa dạng nhưng hầu hết đều có trữ lượng nhỏ so với thế giới, nên chỉ phù hợp sản xuất với quy mô vừa và nhỏ. Khoáng sản lại phân bố, phân tán tập trung nhiều ở phía Bắc, ít ở phía Nam nên chi phí vận chuyển từ Bắc vào Nam cao. Mặc khác, nhiều mỏ lại phân bố ở những nơi khó khai thác như sắt ở Thạch Khê – Hà Tĩnh vừa lẫn nhiều trong đá vừa nằm sâu trong lòng đất nên khó khai thác, dầu mỏ ở biển Đông nằm sâu dưới biển 3 – 4000 m phải nhờ vào kỹ thuật hiện đạ của nước ngoài mới khai thác được.

-Tài nguyên thiên nhiên nước ta trong nhiều năm qua con người khai thác bừa bãi, quá mức nên đang trong quá trình cạn kiệt nhanh, đồng thời môi trường có nhiều biểu hiện xấu đi nên làm cạn kiệt tài nguyên sinh vật.

b.Các nguồn lực KT – XH

*Thuận lợi

-Dân cư và nguồn lao động nước ta có nhiều thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện địa hóa đất nước. Dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đồng thời thị trường tiêu thụ rộng nên kích thích sản xuất công nghiệp. Nguồn lao động nước ta rất cần cù, năng động , sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh nên trình độ chuyên môn tay nghề luôn được nâng cao. Tính đến năm 1999, nước ta có hơn 5 triệu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao với 23 % là cao đẳng và đại học, đó chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

-Nguồn lao động nước ta vốn có truyền thống hiếu khách , đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nên là tài nguyên nhân văn rất hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

-Nguồn lao động nước ta có trình độ dân trí cao lại rất năng động, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường nên hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào nước ta.

-Về cơ sở, vật chất , cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp hiện đại. Nước ta đã xây dựng 2821 xí nghiệp trung ương, 590.246 xí nghiệp ngaoif quốc doanh, trong đó đã xây dựng được nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn trọng điểm như công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, cơ khí, điện tử, hóa chất…Nước ta có hệ thống các vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng chuyên canh LT – TP…mang tính chuyên môn hóa sâu để tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nước ta có hệ thống các đô thị dày đặc với 3 thành phố lớn, cũng là 3 trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và 10 trung tâm công nghiệp cỡ trung bình…Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng nay được coi như nguồn lực chính để thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

-Đường lối đổi mới KT – XH của Đảng ta ngày càng đúng đắn và phù hợp với sự phát triển nền kinh tế nước ta, nền kinh tế thị trường…Nhờ chính sách mở cửa cùng với sự ra đời của luật đầu tư nước ngoài và xu thế quốc tế hóa hiện nay, nước ta mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tiếp thu nhiều công nghệ hiện đại và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

*Khó khăn:

-Nguồn lao động nước ta có tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, lao động thủ công vẫn là chính, thiếu nhiều thợ giỏi, thợ bậc cao, thợ lành nghề…

-Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, phương tiện kỹ thuật còn nhiều lạc hậu, già cỗi, thiếu đồng bộ, mất cân đối và hậu quả của chiến tranh vẫn chưa khắc phục hêt, đặc biệt ở miền núi trung du còn nghèo nàn, lạc hậu.

-Đường lối đổi mới chậm, duy trì bao cấp lâu, thực hiện chính sách mở cửa chậm nên nước ta còn tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới.

2.Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta

a.Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta đa dạng:

Hiện nay cơ cấu ngành công nghiệp nước ta đã hình thành được gần đầy đủ các ngành với 10 ngành chính và tất cả có 19 ngành. Các ngành công nghiệp nước ta đều gộp thành 4 nhóm ngành chính:

-Nhóm ngành công nghiệp – nhiên liệu – năng lượng gồm công nghiệp khai thác than, dầu khí và sản xuất điện năng (nhiệt điện, thủy điện…)
-Nhóm ngành sản xuất công nghiệp vật liệu gồm công nghiệp luyện kim (luyện kim đen, luyện kim màu…), công nghiệp hóa chất (hóa chất cơ bản, hóa chất phân bón, hóa tổng hợp, hóa thực phẩm, hóa dược phẩm và nay xuất hiện nhiều ngành như hóa dầu, sản xuất VLXD như gạch ngói, xi măng, đá ốp lát và mới xuất hiện ngành sản xuất vật liệu mới…

-Nhóm ngành sản xuất công cụ lao động gồm công nghiệp cơ khí (cơ khí chế tạo, sửa chữa, lắp ráp…), công nghiệp điện tử (điện tử dân dụng ,điện tử kỹ thuật…)

-Nhóm ngành công nghiệp chế biến gồm 2 phân ngành chính là công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và ngành sản xuất hàng tiêu dùng, mỗi nhóm ngành này lại có rất nhiều ngành…

Qua đó ta thấy cơ cấu ngành công nghiệp nước ta khá đa dạng, sự đa dạng đó được thể hiện ở sự đa dạng của mỗi nhóm ngành. Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta còn có khả năng đa dạng nhiều hơn nữa nhờ vào sự tiến bộ của KHKT và công nghệ và nhờ vào sự phát hiện thêm nhiều nguồn tài nguyên mới như dầu mỏ, khí đốt…

b.Sự đổi mới của cơ cấu ngành công nghiệp nước ta

-Công nghiệp nước ta còn được đổi mới mạnh mẽ trong nội bộ của từng ngành:

+Trong ngành công nghiệp nhóm A từ sau năm 1990 được đổi mới theo xu thế là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có kỹ thuật tinh xảo, có hàm lượng kỹ thuật cao như điện tử, dầu khí…nhằm thu hút nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới tạo ra khả năng hội nhập nhanh với nền văn minh thế giới.

+Trong các ngành công nghiệp nhóm B thì đổi mới ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành chế biến nông sản nhiệt đới đặc sản, nhằm tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao.

-Đổi mới chức năng của các ngành công nghiệp được thể hiện ở việc hình thành nhiều ngành công nghiệp trọng điểm và trong các ngành trọng điểm đó thì hình thành các ngành mũi nhọn, những ngành công nghiệp trọng điểm là ngành chế biến nông – lâm – thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng cơ khí, điện tử, dầu khí, điện, hóa chất và SXVLXD…vì những ngành trọng điểm đó thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nghệ hiện đại, nhiều nguồn lao động dư thừa…

-Cơ cấu ngành công nghiệp còn được đổi mới mạnh mẽ theo cơ cấu sản phẩm công nghiệp. Trong công cuộc đổi mới công nghiệp nước at phát triển theo cơ chế thị trường, do đó nước ta mạnh dạn giảm sản xuất 30 % hoặc không tiếp tục sản xuất nữa đối với những sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nước ngoài, nhưng lại đầu tư sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới thị trường có nhu cầu ngày càng lớn như các loại mỹ phẩm cao cấp, các loại tân dược mạnh…

-Cơ cấu ngành công nghiệp nước ta được chuyển biến mạnh theo thành phần kinh tế . Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có xu hướng phát triển mạnh, biểu hiện qua số liệu thống kê năm 1998. Số XNCN quốc doanh là 2821 thì ngoài quốc doanh là 590.246 xí nghiệp. Các thành phần kinh tế vẫn được phát triển theo cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của KTQD.

-Đổi mới về cơ cấu lãnh thổ công nghiệp và phân bố công nghiệp:

+Về cơ cấu lãnh thổ công nghiệp đã hình thành nhiều khu vực công nghiệp có mức độ tập trung cao, chuyên môn hóa sâu, có nhiều ngành có khả năng thu hút nhiều công nghệ hiện địa của thế giới, đồng thời có tính liện hợp hóa cao và hợp tác hóa rộng.

+Phân bố công nghiệp thì ngày càng hợp lý trong đó ưu tiên các xí nghiệp gần nguồn nguyên liệu, gần nơi tiêu thụ, gần nguồn nhận lực và đặc biệt phải ưu tiên phân bố ở các vùng TDMN.

Mặc dù cơ cấu ngành công nghiệp nước ta đã và đang chuyển biến theo xu hướng tiến bộ, nhưng thực chất vẫn còn nhiều tồn tại, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý…

c.Phương hướng

-Cần phải xây dựng cơ cấu ngành công nghiệp thật linh hoạt, thật năng động để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống diễn ra trong nước và thế giới, đồng thời cơ cấu công nghiệp phải linh hoạt là để luôn luôn phát triển phù hợp với tình hình cụ thể diễn ra ở mỗi giai đoạn nhất định của cả nước.

-Cần phải đầu tư phát triển nhanh và hiện đại đối với những ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó ưu tiên cho những ngành công nghiệp chế biến tạo ra các nguồn hàng xuất khẩu, đặc biệt đầu tư lớn cho các ngành công nghiệp dầu khí, điện tử, cơ khí… mà công nghiệp điện năng phải đi trước một bước.

-Muốn hiện đại hóa công nghiệp nhanh chóng cần phải đầu tư theo chiều sâu kết hợp với đầu tư đồng bộ để từng bước đưa công nghiệp nước ta tiến nhanh lên công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và tạo cơ hội hội nhập với nền kinh tế thế giới.

-Khi xây dựng công nghiệp cần phải quan tâm tới yếu tố môi trường và yếu tố thị trường.

3.Công nghiệp trọng điểm ở nước ta

a.Những ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta hiện nay

+Công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản
+Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
+Công nghiệp cơ khí
+Công nghiệp điện tử
+Công nghiệp dầu khí
+Công nghiệp điện năng
+Công nghiệp hóa chất
+Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

b.Giải thích tại sao các ngành công nghiệp trên là các ngành công nghiệp trọng điểm:

+Phải là ngành có thế mạnh lâu dài, nghĩa là sản phẩm của nó tạo ra luôn luôn cần thiết với đời sống con người hàng ngày và nhu cầu ngày càng tăng về sô sluwongj và chất lượng.

+Phải là những ngành có nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng ở trong nước và rất hạn chế phải nhập từ nước ngoài.

+Phải là những ngành có khả năng thu hút nhiều nguồn đầu tư lao động dư thừa, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

+Phải là những ngành có khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ tiên tiến của thế giới.

+Phải là những ngành có hiệu quả kinh tế cao..

Các ngành công nghiệp trọng điểm là những ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác.

c.Cơ sở khoa học để khẳng định các ngành trên là các ngành công nghiệp trọng điểm:

-Đối với công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và sản xuất hàng tiêu dùng.

+Hai ngành này có thế mạnh lâu dài vì sản phẩm của nó là LT – TP, là các mặt hàng tiêu dùng như vải sợi, đồ gỗ…Những hàng hóa này có như cầu rất lớn cả về số lượng và chất lượng cả ở trong và ngoài nước.

+Nguyên vật liệu của 2 ngành này rất đa dạng, phong phú, đó là nguồn nguyên liệu từ nông sản (LT – TP, cây công nghiệp, tre, gỗ, thủy hải sản, hoa quả…)ngày càng phong phú, nên khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy hải sản và sản xuất hàng tiêu dùng là rất dồi dào.

+Khi 2 ngành này phát triển chắc chắn sẽ thu hút nhiều lao động dư thừa, tạo ra nhiều việc làm và phân bố rộng khắp trên phạm vi cả nước.

+Phát triển 2 ngành công nghiệp trên chắc chắn sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nghệ tiên tiến, vì nguồn nguyên liệu của 2 ngành này đều mang tính chất nhiệt đới đặc sản mà các sản phẩm đó rất hấp dẫn thị trường ôn đới như cà phê, cao su, dầu điều…nên những ngành này không chỉ tạo ra các mặt hàng xuất khẩu có giá trị mà còn thu hút nhiều hợp tác liên doanh với nước ngoài.

+Khi công nghệ chế biến của 2 ngành này phát triển thì kéo theo các ngành khác phát triển, công nghiệp cơ khí cung cấp công cụ lao động, công nghiệp hóa chất cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu.

-Đối với công nghiệp cơ khí và điện tử cũng được coi là ngành kinh tế trọng điểm là vì:

+Trước hết 2 ngành này cũng thỏa mãn được những điều kiện như 2 ngành trên.

+Ngoài ra 2 ngành này còn có chức năng cung cấp công cụ lao động cho các ngành sản xuất khác, mà công cụ lao động thì yêu cầu ngày một hiện đại và tinh xảo hơn. Cho nên cơ khí và điện tử cần phải được hiện đại hóa để đáp ứng như cầu công nghiệp hóa – hiện địa hóa đất nước.

+Trong xu thế đổi mới của nền kinh tế thế giới thì trình độ của công nghiệp điện tử và cơ khí của mỗi nước được coi là một trong những chỉ tiêu để đánh giá trình độ văn minh công nghiệp ở quốc gia đó. Cho nên nước ta muốn hội nhập với thế giới, muốn tham gia đảm nhận một công đoạn nào đó trong dây truyền công nghệ hiện đại thì ta phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện tử và cơ khí.

+Hiện nay công nghiệp điện tử được coi là ngành mũi nhọn của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Cho nên nước ta muốn hội nhập với thế giới cần phải phát triển ngành điện tử.

-Công nghiệp dầu khí là ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta là vì:

+Công nghiệp dầu khí tạo ra sản phẩm tiêu dùng như xăng, dầu, gas…rất cần thiết đối với đời sống con người ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.Nhưng dầu khí của thế giới nói chung đang trong quá trình cạn kiệt nhanh chóng mà nước ta mới chỉ ở giai đoạn đầu khai thác, trữ lượng khá lớn, vì thế công nghiệp dầu khí đang là ngành công nghiệp rất hấp dẫn khi mở rộng đầu tư hợp tác với nước ngoài (năm 1999 nước ta khai thác được 15 triệu tấn dầu thô với giá trị XK là 2 tỷ USD, tính đến tháng 11 năm 2002 nước ta đã khai thác gần 100 triệu tấn dầu thô).

-Ngành công nghiệp hóa chất cũng là ngành trọng điểm ở nước ta là vì:

+Nguyên liệu của công nghiệp hóa chất ở nước ta rất phong phú đó là đá vôi, apatit, cát thủy tinh… ngoài ra còn có nhiều nguyên liệu nông – lâm – thủy hải sản rất dồi dào, đặc biệt là muối biển gần như vô tận.

+Sản phẩm của công nghiệp hóa chất ở nước ta rất đa dạng, đồng thời nó lại là nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp khác, cho nên cần phải đẩy mạnh phát triển ngành này.

+Cũng như công nghiệp, điện tử, cơ khí, trình độ phát triển công nghiệp hóa chất cũng được coi là chỉ tiêu đánh giá trình độ phát triển công nghiệp ở mỗi nước, mà chỉ tiêu ấy dựa vào số lượng tiêu thụ của các nguồn nguyên liệu hóa chất điển hình như axit, sút, muối…

-Đối với công nghiệp điện năng:

+Là ngành cung cấp năng lượng không thể thiếu được đối với bất kỳ ngành kỹ thuật nào. Cho nên muốn công nghiệp hóa ngành điện năng cần phải đi trước một bước.

-Đối với công nghiệp SX – VLXD

+VLXD điển hình như xi măng, gạch ngói, sắt, thép… rất cần thiết đối với xây dựng CSHT cho cuộc sống và sản xuất.

+Nguyên liệu của công nghiệp xây dựng có đặc điểm: nặng, cồng kềnh, chi phí vận tải lớn… nên rất hạn chế phải nhập từ nước ngoài.

+Ở nước ta nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp VLXD là rất phong phú gần như vô tận, điển hình như cát, thủy tinh, đá vôi…

+Nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày càng lớn cho nên công nghiệp xây dựng ngày càng hiện đại, vì thế các ngành công nghiệp VLXD cần được phát triển ở trong nước ở trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

4.Công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy hải sản

Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy hải sản gồm:

+Công nghiệp chế biến LT – TP: xay, xát gạo, chế biến thịt sữa…

+Công nghiệp chế biến sản phẩm cây công nghiệp: chế biến cà phê, chè búp, cao su…

+Công nghiệp chế biến thủy hải sản: sản xuất cá hộp, làm nước mắm, bột cá, sản phẩm khô…

Qua đó ta thấy mỗi nhóm ngành của công nghệ chế biến nông – lâm – thủy hải sản nêu trên gồm nhiều ngành công nghiệp khác nhau, rất đa dạng.

5. Phân tích nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản nước ta hiện nay


a. Nguồn lực tự nhiên

- Nhờ vị trí địa lý nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới của Bắc bán cầu, nên có thiên nhiên nhiệt đới nóng ẩm quanh năm nên có khả năng sản xuất được nhiều nguồn nguyên liệu nông – lâm – thủy sản nhiệt đới đặc sản để phát triển công nghiệp chế biến.

- Do vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á nên nơi gặp gỡ của nhiều luồng sinh vật, do đó nước ta có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, từ đó thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển.

- Nước ta nằm ở phía đông của bán đảo Trung Ấn nên có bờ biển dài, tài nguyên sinh vật biển phong phú và đa dạng từ hải sản và muối biển… thuận lợi cho công nghiệp chế biến phát triển.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, nền nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, lại phân hóa theo mùa, theo độ cao, theo bắc nam, có mùa đông lạnh… nên thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp (LT – TP, cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày…), hệ thống cây trồng nước ta rất đa dạng.

- Nguồn nước ở nước ta rất dồi dào do khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm mưa nhiều, nên mật độ sông ngòi dày đặc từ 0,5 – 0,6 km/km[SUP]2[/SUP], với các hệ thống sông lớn như sông Hồng, Thái Bình, Đồng Nai, Cửu Long… (trữ lượng nước sông Hồng và sông Cửu Long là 853 km[SUP]3[/SUP]/năm), từ đó tạo ra nguồn nước tưới dồi dào thuận lợi cho nền nông nghiệp thâm canh nhiều vụ quanh năm, tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản phát triển.

- Đất đai nước ta tuy nhỏ hẹp nhưng đa dạng về loại hình, trong đó có nhiều loại đất tốt như đất phù sa ngọt ven sông Hồng, Cửu Long, đất đỏ badan ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…. Rất thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh LT – TP, cây công nghiệp với quy mô lớn.
Trên cơ sở những thuận lợi nêu trên đã tạo ra những khả năng để sản xuất ra một khối lượng nguyên liệu nông – lâm – thủy hải sản ngày càng tăng, cung cấp cho công nghiệp chế biến phát triển.

Sản lượng LT đã đạt 34 triệu tấn/1998 (34,9 triệu tấn/ năm 2001), quy mô đàn bò là 4,2 triệu con (2001), quy mô đàn lợn là 21,7 triệu con (2001), đàn gia cầm 180 triệu con…đó là nguồn nguyên liệu để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển.

-Nước ta có diện tích rừng hiện nay hơn 10 triệu ha (chiếm 35 % diện tích), với sản lượng gỗ khai thác trung bình năm thời kì 1990 – 1993 là 700 nghìn m[SUP]3[/SUP] gỗ và hàng trăm triệu cây tre, lứa, luồng…đó là cơ sở để thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản phát triển.

-Nước ta có vùng biển rộng lại là vùng biển nóng với trên 2000 loài cá biển, trữ lượng 3 – 3,5 triệu tấn/năm, khả năng đánh bắt 1,2 – 1,4 triệu tấn/năm, sản lượng đánh bắt cá biển hiện nay trung bình đạt 900 nghìn tấn cá và 50 – 60 nghìn tấn tôm mực… Đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú để thúc đẩy ngành công nghiệp thủy hải sản phát triển mạnh.

-Khó khăn: nước ta nằm ở vị trí được coi là nhiều thiên tai nhất thế giới như bão, lụt, hạn hán, khí hậu diễn biến thất thường theo mùa và khắc nghiệt, nhiều thiên tai… nên nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản rất bấp bênh.

-Đất đai nước ta nhỏ hẹp, nhiều năm qua một số nơi đã bị con người khai thác và sử dụng quá mức, bừa bãi, nên đang có xu thế cạn kiệt, suy thoái…

-Nước ta tuy có lượng mưa nhiều nhưng phân bố theo mùa, theo vùng…nhiều vùng có khả năng sản xuất LT – TP như ĐBSCL thì lại thiếu nước vào mùa khô, những vùng có khả năng phát triển cây công nghiệp như ĐNB, Tây Nguyên…cũng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô.

b.Nguồn lực về KT – XH

-Dân số nước ta đông, nguồn lao động dồi dào, đồng thời là nguồn tiêu thụ rộng lớn các sản phẩm công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, do đó đã kích thích ngành này phát triển.

-Nguồn lao động nước ta có bản chất cần cù, năng động sáng tạo, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh, nên có thể tăng năng suất sản lượng nguồn nguyên liệu để cung cấp cho công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản. Đồng thời có thể sử dụng công nghệ hiện đại để tăng chất lượng sản phẩm chế biến, từ đó làm tăng giá trị trên thị trường trong và ngoài nước.

-Nước ta đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh đó là một hệ thống các vùng chuyên canh LT – TP, cây công nghiệp dài và ngắn ngày, nhiều lâm trường, nhiều liên hiệp lâm – nông – công nghiệp, nhiều nhà máy chế biến như chế biến cà phê, cao su, gỗ… là nguồn lực vật chất thúc đẩy nguồn nguyên liệu và công nghiệp chế biến phát triển.

-Do mở rộng hợp tác liên doanh với nước ngoài nên nước ta đã thu được nhiều công nghệ hiện đại và xây dựng được nhà máy có kỹ thuật tinh xảo như chế biến cà phê tan ở Biên Hòa, chế biến lụa tơ tằm ở Lâm Đồng… vì thế công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản ở nước ta hiện nay đã tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

-Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng phù hợp với việc phát huy tiềm năng của đất nước, hợp với lòng dân, hợp với tình hình trong và ngoài nước… do đó không những thúc đẩy ngành sản xuất nông lâm – thủy sản, công nghiệp chế biến mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa thu cho đất nước nhiều ngoại tệ vừa nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

-Nhờ chính sách mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế, mở rộng thị trường XNK nên nhà nước ta thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường XNK từ đó kích thích công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản phát triển.

Khó khăn: Nguồn lao động nước ta tuy dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật tay nghề còn thấp, thiếu thợ giỏi, thợ bậc cao…nên sản phẩm công nghiệp chế biến làm ra chất lượng chưa cao, còn kém so với nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản…

-Trình độ kỹ thuật công nghệ chưa thực sự tinh xảo nên sản phẩm chế biến ra có chất lượng chưa cao, chưa hợp với thị hiếu của người tiêu dung.
-Do đổi mới chậm, nước ta lại duy trì cơ chế bao cấp quá dài, thực hiện chính sách mở cửa chậm nên cũng ảnh hưởng làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ chế biến.

6.Việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến lại được coi là một hướng trong chiến lược phát triển KT – XH nước ta

a.Giải thích:

-Việc gắn chặt các vùng chuyên canh cây công nghiệp với công nghiệp chế biến là tạo ra liên minh công – nông nghiệp chặt chẽ, trong đó công nghiệp phải phục vụ đắc lực cho nông nghiệp như chế biến sản phẩm từ đó làm tăng giá trị sản phẩm đồng thời cũng kích thích nguồn nguyên liệu phát triển, ngược lại nông nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp phát triển bởi vì nông nghiệp cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp.

-Để gắn chặt nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu từ đó làm giảm phí vận chuyển các nguồn nguyên liệu từ nơi sản xuất đến nơi chế biến.

-Để tạo ra nhiều việc làm cả việc làm công nghiệp và việc làm nông nghiệp, từ đó góp phần phân bố lại nguồn dân cư và nguồn lao động cho hợp giữa các vùng.

-Để từng bước góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b.Các vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến ở nước ta là:

-Vùng ĐNB (là vùng chuyên canh nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến ở nước ta).

+Hướng chuyên môn hóa chính của ĐNB là cao su, hồ tiêu, điều, lạc, mía, đậu tương…

+Công nghiệp chế biến gắn với vùng này là:

-Chế biến cao su: sơ chế ở Biên Hòa và tinh chế ở TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…

-Chế biến cà phê: chế biến tại chỗ ở Biên Hòa – TP.HCM

-Công nghiệp chế biến điều tiêu tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, trong đó ĐNB có tới 400 nhà máy, xí nghiệp chế biến hạt điều phục vụ xuất khẩu.

-Còn các xí nghiệp chế biến lạc, mía, đậu tương… đều phân bố ở trong các đô thị ở ĐNB nhằm phục vụ cho nhu cầu trong vùng và xuất khẩu.

-Vùng Tây Nguyên:

+Hướng chuyên môn hóa chính của vùng này là cà phê,chè búp, cao su, hồ tiêu, dâu tằm…

+CN chế biến gắn với vùng là:

-Chế biến cà phê: sơ chế tại chỗ, tinh chế ở Biên Hòa, TP.HCM

-Chế biến cao su: sơ chế tại Đắc Lắc, Play ku, tinh chế tại Biên Hòa, TPHCM

-Chế biến chè búp: tại chỗ nổi tiếng là Bầu Cạn, Biển Hồ (Gia Lai) và Bảo Lộc (Lâm Đồng)

-Chế biến các sản phẩm khác thì quy mô nhỏ hơn và phân bố rải rác ở trong vùng.

-Trung du miền núi phía bắc:

+Hướng chuyên môn hóa chính của vùng: chè búp, sơn, hồi, hoa quả nhiệt đới cận nhiệt, đậu tương lạc, thuốc lá…

+CN chế biến gắn với vùng là:

Chế biến chè búp tại chỗ: Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang…

Chế biến sơn: sơ chế tại Phú Thọ, tinh chế ở Hà Nội

Chế biến hồi: vừa sơ chế, tinh chế, ở Lạng Sơn, Cao Bằng.

Chế biến thuốc lá : ở Hà Nội

Chế biến đậu tương, lạc mía… phân bố rải rác ở trong vùng.

Chế biến hoa quả hộp: Hà Nội.

-Các vùng DHMT, ĐBSH, ĐBSCL..

+Hướng chuyên môn hóa là cây công nghiệp ngắn ngày như đay, mía, lạc, dâu tằm…

+Các xí nghiệp công nghiệp chế biến gắn với vùng là chế biến đay, cói, mía, lạc… phân bố ở các thành phố các đô thị, các thị xã trong vùng.

7.Phân hóa lãnh thổ công nghiệp ở nước ta hiện nay

Là sự sắp xếp các xí nghiệp công nghiệp, làm cho các vùng lãnh thổ có mức độ tập trung công nghiệp khác nhau

a.Sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp

Nền công nghiệp nước ta có sự phân hóa về mặt lãnh thổ, hoạt động công nghiệp, tập trung chủ yếu trên một số khu vực:

-Bắc Bộ, ĐBSH và vùng phụ cận

+Là khu vực có mức độ tập trung công nghiệp cao nhất nước ta hiện nay.

+Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng, từ Hà Nội công nghiệp được phát triển tỏa ra xung quanh thành 5 -6 hướng chính sau đây.

-Hướng Đông: HN – HP – Hạ Long – Cẩm Phả, dọc theo quốc lộ 5, 18 với các ngành chuyên môn hóa là khai thác than, cơ khí mỏ, đóng tàu biển, điện năng, chế biến hải sản…

-Hà Nội – Đáp Cầu – Bắc Giang – Lạng Sơn, dọc theo quốc lộ 1 với các ngành chuyên môn hóa là sản xuất VLXD, kính, gỗ, sản xuất phân bón, vận chuyển hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn.

-Hà Nội- Đông Anh – Thái Nguyên – Bắc Cạn – Cao Bằng, dọc theo quốc lộ 3, với ngành sản xuất chính là luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí nặng (cơ khí sông Công, cơ khí Gò Đầm), chế biến nông sản, chè búp, lâm sản gỗ, du lịch thắng cảnh…

-Hà Nội – Việt Trì – Lâm Thao, dọc theo quốc lộ số 2, hóa chất, sản xuất giấy, sợi, sản xuất thực phẩm, phân bón…

-Hà Nội – Hòa Bình – Lai Châu dọc theo quốc lộ 6, thủy điện, chế biến thịt, sữa, chế biến gỗ lâm sản , du lịch lòng hồ thủy điện, du lịch Điện Biên Phủ.

-Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa – Vinh, dọc theo quốc lộ 1A, công nghiệp dệt, sản xuất VLXD (xi măng, đá ốp lát…), du lịch, nghỉ mát, thắng cảnh…

*Nguyên nhân:

+Vùng này có vị trí địa lý thuận lợi vì có thủ đô Hà Nội – trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị…lớn nhất cả nước, nên có khả năng lôi cuốn nhiều nguồn nguyên nhiên liệu, năng lượng, nguồn lao động từ mọi vùng của cả nước, mặt khác vùng này còn có cửa thông ra biển với nhiều cảng lớn tiêu biểu là cảng Hải Phòng (lớn nhất miền Bắc, lớn thứ 2 cả nước), gần Trung Quốc ở phía Bắc…nên rất thuận lợi cho việc thông thương buôn bán với các vùng khác trong nước và với nước ngoài.

+Vùng tiếp giáp với những vùng rất giàu TNTN (vùng Đông Bắc rất giàu khoáng sản và phi kim loại như Sắt, Mangan, đồng, chì, than đá… lại tiếp giáp với vùng Tây Bắc rất giàu năng lượng, gỗ, lâm sản…, giáp với DHMT rất giàu quặng sắt, cát thủy tinh, gỗ lâm sản… do đó rất thuận lợi cho vùng phát triển công nghiệp.

-Vùng có nguồn lao động dồi dào với trình độ dân trí cao, tay nghề cao, nhiều thợ giỏi, thợ bậc cao…nên đây là động lực quan trọng để thúc đẩy công nghiệp của vùng phát triển.

+Vùng có mật độ đô thị lớn trong đó có 3 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và 11 thành phố thị xã trực thuộc với tỉ lệ dân cư cao (35 %), nên quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở đây cũng phát triển.

+Vùng gần Đảng, chính phủ và nhà nước nên rất được quan tâm đầu tư phát triển, vì đó là bộ mặt của cả nước.

-ĐNB, ĐBSCL và vùng phụ cận

+Có mức độ tập trung công nghiệp lớn thứ 2 cả nước

+TP.HCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất trong vùng đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, sau đó là các trung tâm Biên Hòa, Vũng Tàu.

+Từ TP.HCM công nghiệp tỏa ra xung quanh theo nhiều hướng, nhiều dải công nghiệp quan trọng, với những dải chính là:

-TP.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu, dọc lộ quốc lộ 1A và 51 , với các ngành công nghiệp quan trọng là cơ khí, điện tử, điện năng, hóa chất, dầu khí, du lịch, nghỉ mát…

-TP.HCM – Bình Dương – Tây Ninh, dọc theo quốc lộ 20: công nghiệp du lịch, nghỉ mát, thắng cảnh, chế biến nông sản (chè búp, dâu tằm, bò sữa…) khai thác gỗ, lâm sản, sản xuất chế biến rau quả ôn đới…

-TP.HCM – Bình Dương – Tây Ninh, dọc theo quốc lộ 13: CN khai thác chế biến mủ cao su, ép dầu lạc, du lịch thắng cảnh núi Bà Đen và vận chuyển hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tây Ninh.

-TP.HCM – Cần Thơ – ĐBSCL dọc theo quốc lộ 1A: công nghiệp điện năng (nhà máy nhiệt điện Trà Nóc), cơ khí nông nghiệp, chế biến LT – TP…
*Nguyên nhân

+Trước hết có vị trí thuận lợi vì có cảng Sài Gòn là cảng lớn nhất và có cửa thông ra biển lớn nhất cả nước, vùng này lại nằm rất gần đường biển quốc tế qua eo biển Malacca nên rất thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu quan hệ với thế giới.

+Tiếp giáp với vùng rất giàu tiềm năng thiên nhiên như thềm lục địa phía Nam có nhiều dầu khí với nhiều mỏ lớn, tiếp giáp với Tây Nguyên – kho vàng xanh của nước ta, tiếp giáp với ĐBSCL – vùng Lt – Tp lớn nhất cả nước, tiếp giáp với Cam pu Chia thuận lợi cho quan hệ buôn bán.

+Khu vực có nguồn lao động dồi dào với dân số đô thị đông ( riêng TP. Hồ Chí Minh gần 5 triệu người), nguồn lao động ở đây có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất, quen với tác phong của cơ chế thị trường.

+Vùng có CSHT vững mạnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta, nay đang được nhà nước đầu tư phát triển và vùng này đang thu hút nhiều đầu tư nước ngoài.

-Duyên hải miền Trung

+Là dải công nghiệp kéo dài từ Thanh Hóa đến Phan Thiết với nhiều trung tâm công nghiệp cỡ trung bình và nhỏ nằm dọc quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất Bắc Nam, điển hình là Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang… (trong đó Đà Nẵng và Huế là 2 trung tâm công nghiệp lớn nhất vùng này).

+Các hướng chuyên môn hóa là

-Các trung tâm này đều có ngành công nghiệp cơ khí sửa chữa, lắp ráp giao thông phát triển mạnh, vì các trung tâm này đều nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam.

-Đều có công nghiệp chế biến LT – TP phát triển mạnh vì đều nằm ở những vùng đông dân cư nhất miền Trung.

-Đều có ngành công nghiệp đánh cá, chế biến phát triển mạnh, vì các trung tâm này đều gần biển.

-Đều có ngành du lịch nghỉ mát phát triển mạnh vì có cảnh quan biển rất hấp dẫn…

-Ngoài 3 khu vực trên còn có các khu vực khác nhưng mức độ tập trung công nghiệp thấp hơn: như Tây bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL.. những khu vực này chưa phát triển mạnh vì chưa hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi như các vùng trên.

b.Sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp đang có nhiều thay đổi và ngày càng trở nên hợp lý hơn.

+Trước Cách mạng tháng 8 công nghiệp nước ta phân bố bất hợp lý vì hầu hết đều phân bố ở vùng đồng bằng, ở các đô thị lớn… là để khai thác TNTN phục vụ đời sống của bọn đế quốc. Nhiều xí nghiệp công nghiệp bố ở gần biển để dễ dàng vận chuyển khoáng sản về chính quốc.

+Nay công nghiệp nước ta không chỉ phân bố ở vùngđồng bằng, đô thị mà còn phân bố ở gần nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, gần nguồn nhân lực, gần nơi tiêu thị…để giảm chi phí từ nơi nguyên liệu khai thác đến nơi tiêu thụ.

+Phân bố công nghiệp nước ta nay phát triển theo xu thế chuyên môn hóa cao, tập trung hóa cao, lien hợp hóa mạnh, hợp tác hóa rộng…để hình thành nên những trung tâm, những cụm công nghiệp quy mô lớn để dễ áp dụng những tiến bộ KHKT theo dây chuyền công nghệ hiện đại

+Từ năm 1975 đến năm 1992 sự phân bố công nghiệp nước ta đnag có xu hướng tăng dần tỉ trọng sản lượng công nghiệp vào các tỉnh phía Nam (miền Bắc có bề dày công nghiệp hóa nhiều năm nhưng có hiệu quả không cao, mà TNTN đang cạn kiệt nhanh chóng), miền Nam mới bắt đầu công nghiệp hóa lại có nguồn lao động dồi dào, trình độ tay nghề cao, mới phát hiện tài nguyên dầu khí là nguyên liệu công nghiệp rất hấp dẫn
+Sự phân bố công nghiệp nước ta đang tiến tới xu thế hình thành:

Nhiều trung tâm công nghiệp quy mô lớn (hiện nay có trên 30 trung tâm công nghiệp khác nhau) trong đó có 2 trung tâm công nghiệp lướn nhất nước là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, 2 trung tâm này đã hình thành nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn với giá trị sản lượng công nghiệp chiếm trên 50 % cả nước.

-Đã hình thành nhiều cụm, nhiều khu công nghiệp có mối quan hệ khắng khít với nhau lớn nhất là 2 cụm: Hải Phòng – Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh- Biên Hòa…

-Đã hình thành 2 vùng công nghiệp năng động nhất cả nước là ĐBSH, ĐNB, mà bộ khung của 2 vùng này là 2 tam giác tăng trưởng công nghiệp: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu.

-Hình thành nhiều khu chế xuất trong đó có 6 khu chế xuất có công nghệ hiện địa là Nội Bài, Hải Phòng, Đồ Sơn, Đà Nẵng, Linh Trung, Tân Thuận.
+Sự phân bố công nghiệp nước ta hiện nay được Đảng và Nhà nước quan tâ,. Nhà nước cho phát triển công nghiệp ở MNTD nhằm khai thác triệt để các nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng điện và góp phần phân bố lại hợp lý hơn nguồn lao động.

+Sự phân bố công nghiệp nước ta hiện nay được tiến hành trên cơ sở được kết hợp chặt chẽ giữa vừa cải tạo mở rộng các xí nghiệp công nghiệp cũ vừa xây dựng mở rộng các xí nghiệp công nghiệp mới( cải tạo mở rộng xí nghiệp công nghiệp cũ là để tiết kiệm vốn đầu tư, tiết kiệm và tận dụng CSVC và CSHT vốn có và tận dụng nguồn lao động để được đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, đầu tư xây dựng mới hiện đại là để thực hiện công nghiệp hóa hiện địa hóa nhanh và hội nhập với nền kinh tế thế giới.

+Sự phát triển và phân bố công nghiệp cả nước ngày nay phải quan tâm nhiều đến yếu tố môi trường, quan tâm đúng mức đến yếu tố thị trường phát triển công nghiệp, phải lấy chỉ tiêu bảo vệ môi trường là một trong những chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của công nghiệp.

+Trong nền kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường, nhu cầu về hang hóa, sản phẩm công nghiệp luôn biến đổi rất năng động, vì thế phân bố công nghiệp luôn luôn phải đổi mới để thích ứng với thị trường trong và ngoài nước

+Sự phân bố công nghiệp nước ta tuy có nhiều tiến bộ, song mức độ tập trung còn có sự khác biệt giữa các vùng về giá trị sản lượng.

-Từ 1977 – 1989 tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp của các vùng phía Bắc (1, 2, 3) có xu hướng giảm dần, vùng giảm nhanh là TDMNPB và ĐBSH (giảm hơn 2 lần)

-Các vùng kinh tế phái Nam ( 4, 5, 6, 7) từ 1977 – 1989 nhìn chung tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp có xu hướng tăng dần và vùng có tốc độ tăng nhanh nhất là ĐNB, ĐBSCL (năm 2005 so với năm 1977 tăng khoảng 2 lần ).

Các vùng TDMN nước ta như TDMNPB, Tn chiếm tỷ trọng nhỏ 16,1 % năm 1977, 10,7 % (1989), 5% (1992)… Đến năm 1992 tỷ trọng giá trị sản lượng CN ở TDMN từ vùng chiếm tỷ trọng nhỏ, vừa có xu hướng giảm, chứng tỏ MNTD nước ta chưa được đầu tư nhiều, nhưng từ năm 1992 TDMN nước ta có xu hướng tăng nhưng còn chậm.

-Các vùng KT miền Trung là Bắc Trung Bộ, DHNTB…chiếm tỷ trọng 13,8 % (1977), 14,1 % (1989)…Đây là tỷ trọng nhỏ và tăng chậm lại có xu hướng giảm sau năm 1992, qua đó ta thấy DHMT chưa phát huy hết tiềm năng của nó.

-Các vùng KT ĐBSH, ĐNB năm 1977 chiếm 65,9 , năm 1989 chiếm 69,1 @, năm 1992 chiếm 48,4 %, năm 1999 chiếm 73,4 %, năm 2005 chiếm 75,3 %...Điều này cho ta thấy CN ở nước ta phát triển chủ yếu ở ĐNB và ĐBSH.

-Qua số liệu trên ta thấy vùng luôn đạt tỷ trọng giá trị sản lượng cao nhất là ĐNB và vùng thấp nhất là Tây nguyên. 2 vùng này chênh lệch nhau khoảng 28 lần năm 1978, và khoảng 21 lần năm 1992, 15 lần năm 1999…

8.Các trung tâm công nghiệp lớn ở nước ta

Hiện nay ở nước ta đã hình thành khoảng 30 trung tâm công nghiệp khác nhau, trong đó có 3 trung tâm công nghiệp lớn, 10 trung tâm trung bình, còn lại là các trung tâm nhỏ.

a.Các trung tâm công nghiệp cỡ lớn (gồm từ 6 -8 ngành công nghiệp quan trọng)

+TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước , có cơ cấu ngành đa dạng với các ngành công nghiệp mũi nhọn sau đây, công nghiệp dệt, may, chết biến LT – TP, điện tử, cơ khí và sản xuất đồ chơi trẻ em…

+Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn thứ 2 cả nước, có cơ cấu ngành đơn giản, có nhiều ngành mũi nhọn như cơ khí, dệt, chế biến LT – TP, điện tử, hóa chất, VLXD…

+Đà Nẵng được coi là trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 với các ngành trọng điểm sau đây: cơ khí, hàng tiêu dùng, sản xuất LT – TP, hóa chất , điện tử, VLXD…

b.Các trung tâm cỡ trung bình (gồm từ 4 – 6 ngành mũi nhọn)

+Hải Phòng với cơ cấu ngành đa dạng gồm cơ khí đóng tàu, VLXD, chế biến LT – TP, sản xuất hàng tiêu dung, du lịch nghỉ mát…

+Hạ Long có công nghiệp khai thác than, cơ khí mỏ, chế biến thực phẩm, điện năng, nghỉ mát…

+Thái Nguyên gồm có luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, háo chất, chế biến nông sản, VLXD…

+Việt Trì gồm các trung tâm công nghiệp hóa chất , sản xuất hàng tiêu dung (giấy sợi) thực phẩm, phân bón, vật liệu, du lịch…

+Nam Định có dệt, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dung, vật liệu xây dựng…

+Vinh gồm cơ khí , dệt, chế biển thực phẩm, nghỉ mát, VLXD…

+Huế gồm du lịch thắng cảnh, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, điện năng, VLXD…

+Biên Hòa gồm cơ khí điện năng, hóa chất, điện tử, VLXD, du lịch…

+Vũng Tàu gồm dầu khí, điện năng (nhiệt điện tuốc bin khí Phú Mỹ), du lịch nghỉ mát, chế biến thực phẩm, cơ khí sửa chữa đóng tàu…

+Cần Thơ là trung tâm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL gồm các ngành mũi nhọn sau: chế biến LT – TP, cơ khí nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, điện năng, du lịch xanh…

c.Các trung tâm công nghiệp cỡ nhỏ

Gồm các thành phố trực thuộc tỉnh, các thị xã, tỉnh lị, cơ cấu gồm từ 2 – 4 ngành công nghiệp quan trọng điển hình là công nghiệp chế biến LT – TP, và ngành công nghiệp VLXD.

9.Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn thứ 2 nước ta

a.Điều kiện hình thành

-Hà Nội có vị trí thuận lợi vì nó có thủ đô Hà Nội có sức lôi cuốn các ngành nguyên nhiên liệu, năng lượng, nguồn nhân lực từ mọi miền của đất nước vào quá trình phát triển CN.

+Đối với Đông Bắc là than đá, thủy hải sản, sắt thép, các loại nông sản chế biến, hoa quả cận nhiệt và ôn đới…

+Đối với Tây bắc là thủy điện Hòa Bình, bò sữa từ Mộc Châu, các nguồn lâm sản quý…

+Các tỉnh phía Nam là các loại VLXD như xi măng, đá xẻ, các loại hoa quả nhiệt đới đặc sản như xoài, chôm chôm…

+Đồng bằng sông Hông là nguồn LT – TP, nguồn lao động dồi dào có tay nghề cao…

-Hà Nội có nguồn lao động dồi dào, số dân khoảng 2 triệu người, có đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, dân trí cao và liên tục được bồi dưỡng… để xây dựng thành trung tâm CN lớn nhất cả nước.

-Hà Nội có cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng vững mạnh dù đã bị tàn phế nặng nề trong chiến tranh, nhưng đxa được Nhà nước đầu tư phát triển mạnh, biểu hiện ở hệ thống giao thông ngày càng được nâng cấp, hệ thống nhà máy liện tục được phát triển, hệ thống các khách sạn 3 sao, 5 sao liên tục được xây dựng… đó là nền tảng để Hà Nội thành trung tâm Cn lớn.

-Hà Nội là thủ đô của cả nước nên không những được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, mà còn được thế giới đầu tư phát triển. Nhờ chính sách mở cửa của Nhà nước, Hà nội thu hút được nhiều nguồn vốn của nước ngoài.

b.Hà Nội là trung tâm lớn thứ 2 cả nước, biểu hiện qua các chỉ tiêu sau:

-Hà Nội hình thành cơ cấu ngành CN đa dạng, có cả CN nhóm A,B…

-Hà Nội đã xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn : cơ khí, dệt ,chế biến LT – TP, hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử…

-Hà Nội so với cả nước đã đạt một số chỉ tiêu quan trọng về giá trị sản xuất CN, số nhân công CN, số xí nghiệp CN:

Ta thấy hầu hết các chỉ tiêu phát triển công nghiệp của Hà Nội đều lớn hơn mức trung bình của cả nước trong số hơn 30 trung tâm công nghiệp. Q ua đó khẳng định Hà Nội là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta.

10.TP Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước

a.Điều kiện hình thành

-Tp . Hồ Chí Minh có vị trí địa lý thuận lợi vì: đầu mới GTVT, đường sắt + bộ xuyên A, có cảng Sài Gòn là cửa thông ra biển lớn nhất cả nước, đồng thời lại nằm gần đường biển quốc tế qua eo biển Ma lac ca, nên Tp. Hồ Chí Minh dễ dàng giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.

-Tp. Hồ Chí Minh tiếp giáp với vùng rất giàu TNTN, vùng thềm lục địa phái Nma có bể trầm tích Nam Côn Sơn, có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, có Đông nam Bộ là vùng chuyên canh lớn nhất cả nước, dễ dàng giao lưu với Tây Nguyên , ĐNB, Cam pu chia, nên TP. Hồ Chí Minh có khả năng lôi cuốn các nguồn nguyên nhiên liệu từ các vùng phụ cận.

-TP. Hồ Chí Minh có nguồn lao động dồi dào, số dân đông nhất cả nước nên đây là thị trường tiêu thụ lớn kích thích sản xuất công nghiệp, đồng thời có nguồn lao động tay nghề cao nhất cả nước, nhiều thợ giỏi, thợ bậc cao, thợ lành nghề, rất năng động, quen với Kt thị trường, quen với tác phong công nghiệp. Chính đó là động lực quan trọng để biến trung tâm CN lớn nhất cả nước.

-Cơ sở hạ tầng của TPHCM vì được đế quốc Mỹ đầu tư xây dựng trong chiến tranh và ít bị tàn phá, cấu trúc đô thị, giao thông đô thị kiểu Mỹ rất hiện đại.

-Vì quen với kinh tế thị trường và tác phong công nghiệp nên TP. Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay có khả năng thu hút nhiều nguồn vốn và dự án đầu tư vào vùng này.

b.TPHCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta được thể hiện ở các chỉ tiêu sau:

-Trước hết TP. Hồ Chí Minh đã hình thành cơ cấu ngành đa dạng bậc nhất cả nước.

-Đã hình thành nhiều ngành công nghiệp trọng điểm mũi nhọn độc đáo như dệt may, chế biến LT – TP, cơ khí, điện tử, dầu khí, hóa chất, điện năng, sản xuất đồ chơi trẻ em.

-TP. HCM đã đạt được những chỉ tiêu: giá trị sản lượng công nghiệp và số lượng xí nghiệp công nghiệp cũng lớn vào bậc nhất cả nước.

Qua số liệu trên ta thấy tất cả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp của TP. HCM đều lớn hơn gấp nhiều lần so với trung bình cả nước, đặc biệt giá trị sản xuất công nghiệp quốc doanh gấp 10 lần so với cả nước, còn số xí nghiệp công nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gấp 12 lần so với cả nước…Điều đó khẳng định TP.HCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta.

Nếu so sánh 2 trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ta thấy các chỉ tiêu phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đều lớn hơn Hà Nội cho nên ta khẳng định TP. HCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta, còn Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn thứ 2.

11.So sánh sự giống và khác nhau giữa 2 trung tâm công nghiệp Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

a.Giống nhau

-Giống nhau về vị trí và vai trò

+Cả 2 trung tâm công nghiệp Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đều là trung tâm công nghiệp lớn bậc nhất nước ta.

+Cả 2 trung tâm công nghiệp đều có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lãnh thổ công nghiệp nước ta.

+Cả 2 trung tâm này hiện đang được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hiện đại nhất nước ta, nó thể hiện bộ mặt kinh tế nước ta

-Giống nhau về điều kiện hình thành

+Cả 2 trung tâm đều có vị trí địa lý kinh té thuận lợi trong khi Hà Nội có vị trí như là một trung tâm tâm kinh tế, chính trị, văn hóa,.. lớn nhất nước đồng thời là trái tim tim của cả nước thì TP. HCM lại là trung tâm có cảng sông, cảng biển lớn nhất, có cửa thông ra biển thuận lợi nhất cả nước.

+Cả 2 trung tâm đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trong khi Hà Nội có lịch sử phát triển nghìn năm văn hiến thì TP. HCm có hơn 300 tuổi.

+Cả 2 trung tâm đều giáp với vùng tài nguyên giàu nhất nước ta trong khi Hà Nội tiếp giáp với vùng than lớn nhất cả nước thì TP. HCM tiếp giáp với bể trầm tích Nam Côn Sơn có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất. Trong khi Hà Nội có ĐBSH là vựa lúa lớn nhất phía Bắc thì TP. HCM có ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước.

+Cả 2 trung tâm đều có nguồn lao động dồi dào và đông dân nhất nước ta, có trình độ tay nghề cao nhất, tác phong công nghiệp cao nhất cả nước.

+Cả 2 trung tâm đều có CSHT vững mạnh nhất, trong khi Hà Nội được Nhà nước quan tâm phát triển hiện đại thfi TP. HCM đã từ lâu đời nổi tiếng là hòn ngọc Viễn Đông.

+Cả 2 trung tâm này ngày nay đều có khả năng thu hút vốn đầu tư, dự án liên doanh với nước ngoài lớn nhất cả nước.

-Giống nhau về khả năng phát triển công nghiệp:

+Cả 2 trung tâm đều hình thành một cơ cấu các ngành công nghiệp đa dạng vào loại bậc nhất nước ta.

+Cả 2 trung tâm đã hình thành nhiều ngành mũi nhọn, ngành công nghiệp trọng điểm lớn nhất cả nước như dệt may, chế biến LT – TP, cơ khí, điện tử, hóa chất…

+Cả 2 trung tâm đều đạt được những chỉ tiêu phát triển công nghiệp như giá trị trị sản xuất công nghiệp, số xí nghiệp công nghiệp…lớn bậc nhất nước ta và lớn gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước.

+Hiện nay cả 2 trung tâm đang được Nhà nước và nước ngoài quan tâm đầu tư phát triển mở rộng kinh doanh.

b.Khác nhau

-Về vị trí, vai trò, quy mô

+Về vị trí: Hà Nội nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc còn TP. HCM nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

+Về quy mô: thì thành phố HCM được coi là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, còn Hà Nội là trung tâm công nghiệp đứng thứ 2.

+Về vai trò Hà Nội được coi là trung tâm KT, Chính trị, văn hóa… bậc nhất nước ta và là thủ đô của cả nước còn TP. HCM chỉ là trung tâm CN lớn nhất nước ta.

-Khác nhau về điều kiện hình thành:

+Về vị trí địa lý kinh tế thì Hà Nội thuận lợi hơn TP. HCm vì nó vừa gần càng biển Hải Phòng và là trung tâm của miền bắc và gần các nước phát triển ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản… đồng thời là mối giao thông lớn nhất nước ta.

+Ở các vùng phụ cận Hà Nội có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú hơn, đa dạng hơn, lâu đời hơn sơ với TP . HCM , điển hình là Hà Nội gần với vùng than đá Quảng Ninh lớn nhất nước ta và lâu đời nhất nước ta (khoảng 100 năm trở lại đây) đồng thời tiếp giáp vùng ĐB rất giàu tài nguyên khoáng sản như kim loại đen, kim loại màu, lớn nhất cả nước, còn các tài nguyên thiên nhiên quanh TP. Hcm mới được khai thác.

+Nguồn lao động: về số lượng thì TP. Hcm phong phú hơn, dồi dào hơn so với Hà Nội nhưng về trình độ dân trí thì nguồn lao động ở Hà Nội tiến bộ hơn, còn về kỹ thuật tay nghề thì TP. HCm vẫn cao hơn.

+Về CSHT thì TP. HCM hiện đại hơn Hà Nội và ít bị tàn phá trong chiến tranh.

+Về thu hút nguồn đầu tư nước ngoài thì TP. HCM mạnh hơn Hà Nội vì nguồn lao động năng động, quen với cơ chế thị trường.

-Khác nhau về khả năng phát triển công nghiệp.

+Về cơ cấu ngành công nghiệp thì Tp. HCM đa dạng hơn Hà Nội

+Về các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp trọng điểm thì Tp. HCM nhiều ngành hơn, kỹ thuật tinh xảo hơn, hấp dẫn hơn như dầu khí, điện tử, điện năng và sản xuất hàng tiêu dùng trong đó có ngành sản xuất đồ chơi trẻ em rất phát triển.Nhưng Hà Nội lại có cơ cấu ngành công nghiệp truyền thống phát triển lâu đời hơn như cơ khí, VLXD, du lịch…

+Về các chỉ tiêu phát triển công nghiệp thì TP. HCM đạt cao hơn nhiều lần so với Hà Nội, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp của TP. HCM gấp hơn 3 lần so với Hà Nội, số xí nghiệp công nghiệp lớn hơn 2 lần, đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của TP. HCM lớn hơn 3 lần.

+Triển vọng phát triển công nghiệp thì trong vòng 10 – 20 năm nữa, TP HCM vẫn là trung tâm công nghiệp phát triển mạnh nhất nước ta.

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top