MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN XEM XÉT LẠI TRONG GIÁO TRÌNH "NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN"
TRẦN CHÍ MỸ (*)
Với mong muốn Giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” phải là một giáo trình chuẩn về nội dung kiến thức, đích thực là những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, được trình bày một cách có hệ thống, rõ ràng và dễ hiểu, trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra những vấn đề cần phải được xem xét lại, phải sửa chữa cả về nội dung lẫn kết cấu, cả về ngôn từ lẫn văn phong, trong đó có những nội dung hoàn toàn xa lạ với tư tưởng của chính các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học ở phần “Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội” (từ trang 359 đến trang 491) của cuốn Giáo trình mà chúng ta đã xuất bản năm 2009.
Đối với Việt Nam, một nước đã tự xác định cho mình nhiệm vụ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì trước hết, bản thân những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội phải được nhận thức đúng. Đối với sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng, điều này phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giáo trình môn học. Đặc biệt là, trong điều kiện hiện nay, khi thời lượng dành cho môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin phải cắt giảm đến hơn 50% so với trước đây; trình độ đội ngũ giảng viên không đồng đều và ngay trong bản thân mỗi giảng viên cũng có mức độ nhận thức không giống nhau đối với các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin; việc dự lớp và nghe hiểu của sinh viên cũng không đồng đều, trong khi những thông tin về tư tưởng và lý luận mà sinh viên có thể biết được hàng ngày lại hết sức đa dạng, nhiều chiều và phức tạp; và trên tất cả là, môn học đặc thù, có quan hệ trực tiếp đến nền tảng tư tưởng, thì những tri thức mà nó có nhiệm vụ đem lại cho người học phải đóng vai trò là “kim chỉ nam” cho hành động cách mạng của họ, và do vậy, Giáo trình "Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” (*) phải là một giáo trình chuẩn về nội dung kiến thức, đích thực là những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, được trình bày một cách có hệ thống, rõ ràng và dễ hiểu. Trong khi đó, Giáo trình này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2009, hầu như ở tất cả các chương, tiết, nhất là trong Phần thứ ba: Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, đều có những vấn đề cần xem xét lại, phải sửa chữa cả về nội dung lẫn kết cấu, cả về ngôn từ lẫn văn phong. Trong đó, có những nội dung hoàn toàn xa lạ với tư tưởng của chính các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, và nếu sinh viên không đọc, sẽ tốt hơn cho họ trong việc nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội. Trong phạm vi bài biết này, chúng tôi chỉ nêu ra một số trong những vấn đề thuộc loại đó trong phần Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, từ trang 359 đến trang 491 của Giáo trình. Các vấn đề về kết cấu, ngôn từ, văn phong diễn đạt,… chúng tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác.
1. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về tiến trình hai giai đoạn trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được các tác giả của Giáo trình trình bày và giải thích tại trang 368 như sau: Bước thứ nhất, Giáo trình trích dẫn câu nói của Ph.Ăngghen trong Chống Đuyrinh, rằng: “Giai cấp vô sản chiếm lấy chính quyền nhà nước và biến những tư liệu sản xuất trước hết thành sở hữu nhà nước”. Bước thứ hai, Giáo trình trích câu nói tiếp theo của Ph.Ăngghen trong tác phẩm này, rằng: “… giai cấp vô sản cũng tự thủ tiêu với tư cách là giai cấp vô sản, chính vì thế mà nó cũng xóa bỏ mọi sự phân biệt giai cấp và mọi đối kháng giai cấp”. Sau khi trích dẫn, Giáo trình bình luận thêm: “Hai bước này quan hệ chặt chẽ với nhau: giai cấp công nhân không thực hiện được bước thứ nhất thì cũng không thực hiện được bước thứ hai nhưng bước thứ hai là quan trọng nhất để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” (tr.368 – 369)! Đây là một sai lầm hết sức thô thiển và vụng về của Giáo trình. Nguyên văn câu nói của Ph.Ăngghen đang được đề cập ở đây là như sau: “Giai cấp vô sản chiếm lấy chính quyền nhà nước và biến tư liệu sản xuất trước hết thành sở hữu nhà nước. Nhưng chính vì thế màgiai cấp vô sản cũng tự thủ tiêu với tư cách là giai cấp vô sản, chính vì thế mà nó cũng xóa bỏ mọi sự phân biệt giai cấp và mọi đối kháng giai cấp, và cũng xóa bỏ nhà nước với tư cách là nhà nước” (chữ viết đậm là do chúng tôi – T.C.M) ( 1). Đó là một đoạn nghị luận nổi tiếng của Ph.Ăngghen nhưng không phải về tiến trình hai giai đoạn trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân như Giáo trình hiểu, mà là về sự tiêu vong của nhà nước vô sản, nhà nước hình thành sau cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó câu thứ nhất là nguyên nhân, là hành động xuất phát không tránh khỏi của giai cấp vô sản, còn câu thứ hai là hệ quả tất yếu của hành động đó. Khi luận giải vấn đề này, Ph.Ăngghen còn chỉ rõ thêm: “Hành động đầu tiên, qua đó nhà nước thật sự thể hiện ra là đại biểu của toàn thể xã hội – chiếm lấy các tư liệu sản xuất nhân danh xã hội – cũng đồng thời là hành động độc lập cuối cùng của nó với tư cách là nhà nước”(2). Tức là, khi giai cấp vô sản giành được chính quyền nhà nước thì đồng thời với việc “tước đoạt kẻ đi tước đoạt”, nó “cũng tự thủ tiêu với tư cách là giai cấp vô sản, chính vì thế mà nó cũng xóa bỏ mọi sự phân biệt giai cấp và mọi đối kháng giai cấp và cũng xóa bỏ nhà nước với tư cách là nhà nước”. Như vậy, có thể nói, Giáo trình đã cắt bỏ một cách “vô tư” mệnh đề “Nhưng chính vì thế mà” trong sự luận giải của Ph.Ăngghen để coi đó là tư tưởng của ông về “bước thứ hai” trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và chính vì thế mà Giáo trình đã bóp méo một cách tệ hại tư tưởng của ông. Tiến trình hai giai đoạn trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã được C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra một cách đặc biệt rõ ràng trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, rằng: “Bước thứ nhất của cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”, là “lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”(3). Còn “bước thứ hai” – “giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”(4). Nếu đem đối chiếu những luận điểm này với nội dung của Giáo trình, thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, những gì mà Giáo trình đã trình bày và thuyết giải về tiến trình hai giai đoạn trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là hoàn toàn xa lạ với tư tưởng của chính C.Mác và Ph.Ăngghen.( 4)
2. Bàn về chính đảng của giai cấp công nhân, Giáo trình đặt ra tiểu mục a) với tiêu đề: “Tính tất yếu và quy luật hình thành, phát triển chính đảng của giai cấp công nhân” (tr.375). Nhưng, khi trình bày nội dung của tiểu mục này, Giáo trình lại không hề có một dòng nào nói về quy luật hình thành và phát triển của chính đảng của giai cấp công nhân cả. Quá cẩu thả! Những sai lầm như thế này là không thể chấp nhận được ngay cả trong trường hợp đó là một tiểu luận môn học của sinh viên, chứ đừng nói là trong một giáo trình quốc gia.
3. Khi trình bày nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của liên minh công nông trong cuộc đấu tranh giành chính quyền của giai cấp công nhân, Giáo trình đã bỏ qua một điều kiện mà chỉ có nó mới làm cho nguyên lý này mang tính xác thực, có giá trị khoa học. Điều kiện đó là trong các quốc gia mà nông dân chiếm đa số trong nhân dân. Giáo trình viết: “Khi nói về vai trò của giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh giành chính quyền của giai cấp công nhân, C.Mác đã chỉ ra, nếu giai cấp công nhân không thực hiện được bài đồng ca cách mạng với giai cấp nông dân thì bài đơn ca của giai cấp công nhân sẽ trở thành bài ai điếu” (tr.384). Viết như vậy là Giáo trình đã bỏ qua những chỉ dẫn cụ thể của C.Mác và Ph.Ăngghen rằng, trong các quốc gia mà nông dân chiếm đa số, thì dù trong đấu tranh chống phong kiến hay chống chủ nghĩa tư bản, việc có liên minh được hay không với nông dân sẽ trực tiếp quyết định sự thành bại của cuộc cách mạng giành chính quyền của giai cấp công nhân. Ngay từ năm 1847, trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản – tài liệu xuất phát của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, cách mạng vô sản sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp thiết lập nền thống trị của giai cấp vô sản. Ở Anh, giai cấp vô sản đã chiếm đa số trong nhân dân, có thể trực tiếp thiết lập nền thống trị của mình, còn ở Pháp và Đức, giai cấp vô sản chỉ chiếm thiểu số trong dân cư, hai nước này còn tồn tại đông đảo những người nông dân và tiểu tư sản, hiện đang ở giai đoạn quá độ phân hóa thành giai cấp vô sản. Họ ngày càng dựa vào giai cấp vô sản để thực hiện lợi ích của mình. Do đó, giai cấp vô sản ở những nước này có thể gián tiếp thiết lập nền thống trị của mình bằng cách liên minh với nông dân. Điều này giải thích tại sao sự luận chứng một cách toàn diện, có hệ thống tư tưởng về liên minh công nông lại được C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện chủ yếu trong những tác phẩm tổng kết kinh nghiệm của các cách mạng diễn ra từ 1848 đến 1850 ở Pháp và Đức, như Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850, Chiến tranh nông dân ở Đức, Ngày mười tám tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ. Và chính trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ, xuất bản năm 1852, C.Mác đã xác định rõ ràng rằng: “Tuyệt vọng vì sự phục hồi của Đế chế Napôlêông, người nông dân Pháp cũng mất luôn niềm tin vào mảnh đất cỏn con của mình; toàn bộ lâu đài nhà nước xây dựng trên mảnh đất cỏn con đó bị sụp đổ, và như thế cách mạng vô sản mới có được bài đồng ca mà thiếu nó thì trong tất cả các quốc gia nông dân, bài đơn ca của cách mạng vô sản sẽ trở thành bài ai điếu”(5)(chữ viết đậm là do chúng tôi - T.C.M). Như vậy, có thể thấy, Giáo trình đã cắt bỏ một cách tùy tiện mệnh đề: “trong tất cả các quốc gia nông dân” trong luận điểm của C.Mác và do vậy, đã làm cho nguyên lý liên minh công nông của chủ nghĩa Mác mất hết giá trị lý luận và thực tiễn, và nhất định sẽ không tránh khỏi lúng túng khi phải trả lời câu hỏi: Nếu hiện nay, cuộc cách mạng giành chính quyền của giai cấp công nhân nổ ra, chẳng hạn ở Hoa Kỳ, nơi mà nông dân chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân cư(*), thì việc liên minh được hay không với nông dân có còn trực tiếp quyết định sự thành bại của cuộc cách mạng đó không?
4. Về những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa, Giáo trình nêu đặc trưng thứ nhất là: “Cơ sở vật chất – kỹ thuật của xã hội xã hội chủ nghĩa là nền công nghiệp” (tr.410). Chúng tôi cho rằng, nói “cơ sở vật chất – kỹ thuật của xã hội xã hội chủ nghĩa là nền đại công nghiệp” không sai, nhưng coi “cơ sở vật chất – kỹ thuật của xã hội xã hội chủ nghĩa là nền đại công nghiệp” là một đặc trưng cơ bản, hơn nữa là đặc trưng cơ bản thứ nhất như Giáo trình đã xác định thì lại không đúng. Sự thật là chưa bao giờ và ở đâu C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin nói nền đại công nghiệp là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cả. Trong rất nhiều tác phẩm của mình, nhất là trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản và trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sử dụng phổ biến cụm từ “nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa”. Hai ông chỉ ra rằng, giai cấp tư sản ra đời, lớn mạnh, chiến thắng và sụp đổ cũng từ đại công nghiệp, do đại công nghiệp; rằng giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp, v.v..
Chắc chắn rằng, khi coi nền đại công nghiệp là một đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa, Giáo trình đã dựa vào một luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin trong Đề cương báo cáo về sách lược của Đảng Cộng sản Nga đọc tại Đại hội III Quốc tế cộng sản, họp ở Mátxcơva, tháng 6 năm 1921, nói rằng: “Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp có khả năng cải tạo cả nông nghiệp”(6). Nhưng như vậy là Giáo trình đã sai lầm. Sai lầm ở chỗ, luận điểm đó không phải là tư tưởng của V.I.Lênin về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, coi nền đại công nghiệp là cái duy nhất, riêng có của chủ nghĩa xã hội mà là tư tưởng của ông về con đường, về cách thức duy nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội, về điều kiện vật chất cốt lõi bảo đảm sự tồn tại và chiến thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh của nước Nga lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh lịch sử của nước Nga lúc bấy giờ, nơi mà c hủ nghĩa tư bản phát triển còn yếu ớt, tàn dư của chế độ nông nô và phong kiến c òn rất nặng nề, nền công nghiệp còn ở trình độ phát triển rất thấp so với các nước tư bản ở Tây Âu và Bắc Mỹ, lại ở trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc quốc tế, vấn đề đặt ra là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách nào. Câu trả lời được V.I.Lênin – ng ười đứng đầu Đảng C ộng sản Nga và Nhà nước X ôviết - đưa ra lúc đó là: “Không thể xây dựng chủ nghĩa x ã hội bằng cách nào khác h ơn là bằng đại công nghiệp”(7). Theo đó, V.I.Lênin đã đề ra kế hoạch phát triển đại công nghiệp và điện khí hóa toàn quốc, coi đó là điều kiện đảm bảo cho nước Nga xã hội chủ nghĩa “đứng vững được”. “Và đứng vững như thế không phải ở trình độ một nước tiểu nông…, mà là ở trình độ vươn lên một nước đại công nghiệp”(8). Như vậy, có thể thấy, cả C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều không có ý kiến nào nói rằng đại công nghiệp là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cả. Và, chính ngay mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng ở Việt Nam trong thiết kế lý luận của Đảng ta cũng không có đặc trưng nào nói rằng “cơ sở vật chất – kỹ thuật của xã hội xã hội chủ nghĩa là nền công nghiệp”. Chỉ có Giáo trình mới phát biểu lệch lạc như vậy mà thôi.
5. Khi trình bày quan niệm về dân chủ, Giáo trình đã dành hơn một trang để luận giải về nghĩa gốc của khái niệm “ dân chủ ” trong ngôn ngữ của Hy Lạp cổ đại và xác định đó là do hai từ “Demos” và “Kratos” được ghép lại với nhau (tr.421 - 422). Theo chúng tôi, trong một cuốn giáo trình dành cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác – Lênin như Giáo trình này, không cần thiết phải lý giải dài dòng, phức tạp và rắc rối đến như vậy. Trong Phê phán cương lĩnh Gôta – một tác phẩm lý luận kinh điển trọng yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học, khi giải thích khái niệm dân chủ, C.Mác chỉ viết thế này: “Từ “dân chủ” nếu chuyển sang tiếng Đức thì có nghĩa là “nhân dân làm chủ”(9). Thật đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu, mặc dù đối tượng mà C.Mác cần giải thích lúc bấy giờ là các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ - xã hội Đức – Đảng, như Ph.Ăngghen nói, của “một dân tộc của những nhà tư tưởng”(10).
Đặc biệt, khi nêu những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Giáo trình đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng. Đó là: Thứ nhất, trong bốn đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Giáo trình nêu ra (tr.425 - 427) không có đặc trưng dân chủ của số đông, trong khi đó “dân chủ của số đông” là đặc trưng cơ bản nhất, phân biệt sự khác nhau có tính bản chất giữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với các nền dân chủ trước đó. Như chúng ta đều biết, trong lịch sử trước đó, trừ dân chủ nguyên thủy, tất cả các nền dân chủ đều là dân chủ của số ít. Thứ hai, cái không phải là đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì Giáo trình lại coi là đặc trưng cơ bản của nó. Đó là trường hợp đặc trưng thứ tư, Giáo trình nêu rằng: “Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.. mang tính giai cấp”, “trong nền dân chủ đó, chuyên chính và dân chủ là hai mặt, hai yếu tố quy định lẫn nhau, tác động, bổ sung cho nhau” (tr.426 - 427). Sự thật là, nền dân chủ với tính chất là một hình thức nhà nước, thì không phải chỉ riêng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà tất cả các nền dân chủ đều mang tính giai cấp, đều bao hàm hai mặt dân chủ và chuyên chính. Về mặt lý luận, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin cũng không hề coi “tính giai cấp” và “tính hai mặt: chuyên chính và dân chủ” là đặc trưng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trước sau các ông đều coi đó là thuộc tính chung của mọi nền dân chủ.(9)
6. Về vấn đề xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, tuy Giáo trình có đặt ra mục b) với tiêu đề Khái niệm nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, nhưng khi triển khai nội dung của đề mục đó, Giáo trình đã không xác định và làm rõ nội hàm của khái niệm “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Do vậy, khi trình bày nội dung của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, Giáo trình đã tỏ ra hết sức lúng túng và tuỳ tiện. Chẳng hạn như, trong bốn nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa được Giáo trình nêu ra (từ tr.445 đến tr.450) không có nội dung xây dựng tư tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa, trong khi tư tưởng và đạo đức lại là lĩnh vực căn bản nhất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Không có nội dung xây dựng tư tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa, nhưng lại có nội dung xây dựng “gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa” (tr.447). Chúng tôi cho rằng, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa đương nhiên không thể không bao hàm xây dựng gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa. Nhưng, việc đưa vấn đề “xây dựng gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa” vào Giáo trình này như một nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa lại chứng tỏ Giáo trình đã không hiểu đúng thực chất và vị trí của cả hai vấn đề văn hóa và gia đình trong lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong các tác phẩm kinh điển trọng yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học, như Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844; Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản; Tuyên ngôn của Đảng cộng sản; Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước; Sáng kiến vĩ đại;…C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều đề cập đến vấn đề gia đình như một vấn đề chính trị - xã hội quan trọng, tương xứng với các vấn đề, như nhà nước, dân tộc, tôn giáo và văn hóa. Ở đây, Giáo trình cần nhận thức đầy đủ và rõ ràng rằng, so với cộng đồng dân tộc, cộng đồng tôn giáo, gia đình là một cộng đồng nhỏ, nhưng lại có vai trò lớn đối với sự phát triển và tiến bộ của cá nhân và xã hội. Không chỉ giai cấp vô sản và chủ nghĩa xã hội, mà tất cả các giai cấp cầm quyền trong các chế độ xã hội khác đều quan tâm đến vấn đề gia đình, can thiệp vào chế độ hôn nhân gia đình bằng tư tưởng, pháp luật, v.v. để làm cho quan hệ đó phục tùng lợi ích của nhà nước, tức của giai cấp cầm quyền. Do đó, ở góc độ chủ nghĩa xã hội khoa học, vấn đề gia đình phải được nhìn nhận là một vấn đề chính trị - xã hội quan trọng, phải được đặt ra và giải quyết một cách tương xứng với các vấn đề, như nhà nước, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, chứ không thể gộp vấn đề gia đình vào vấn đề văn hóa và trình bày vấn đề đó một cách mờ nhạt và hời hợt như Giáo trình này đã thực hiện. Vả lại, nếu việc xây dựng “gia đình văn hóa” được nhìn nhận và đưa vào Giáo trình này như một nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, thì việc xây dựng, chẳng hạn: “làng văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “quốc gia văn hóa”,… phải được nhìn nhận như thế nào và đưa vào đâu trong Giáo trình?
7. Về khái niệm “dân tộc”, Giáo trình viết: “Khái niệm dân tộc thường được dùng với hai nghĩa: Thứ nhất, khái niệm dân tộc dùng để chỉ một cộng đồng nào đó có mối liên hệ chặt chẽ, bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ chung của cộng đồng và trong sinh hoạt văn hóa có những nét đặc thù so với cộng đồng khác; xuất hiện sau cộng đồng bộ lạc, bộ tộc và thể hiện thành ý thức tự giác của các thành viên cộng đồng đó” (tr.454, chữ viết đậm là do chúng tôi – T.C.M). Và, Giáo trình giải thích rằng, nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất như vừa nêu, thì dân tộc “là bộ phận của quốc gia, là cộng đồng xã hội theo nghĩa là tộc người” (tr.454). Ở đây, không kể phương pháp định nghĩa, ngôn từ, văn phong diễn đạt và lối giải thích khái niệm – hết sức lạ lùng và lủng củng, chỉ riêng việc Giáo trình đưa mệnh đề “có sinh hoạt kinh tế chung” vào nội hàm của khái niệm “dân tộc” hiểu theo nghĩa tộc người cũng đã quá đủ để làm hỏng định nghĩa khái niệm đó, làm cho nó trở nên hoàn toàn sai và vô dụng. Với định nghĩa như vậy thì Giáo trình trả lời như thế nào trước thực tế, chẳng hạn, tộc người Khmer, đa số sống ở Cămpuchia, nhưng có bộ phận sống ở Việt Nam, Lào, Thái Lan,… là những quốc gia có chế độ kinh tế khác nhau, họ không thể “có sinh hoạt kinh tế chung” được và như vậy, họ có cùng thuộc về tộc người Khmer nữa không? Nếu không thì họ trở thành tộc người gì trong các quốc gia đó? Tệ hại hơn, khi trình bày và giải thích mối quan hệ giữa khái niệm “dân tộc”và khái niệm “quốc gia”,Giáo trình đã viết: “Khái niệm dân tộc và khái niệm quốc gia có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, dân tộc bao giờ cũng ra đời trong một quốc gia nhất định” (tr.455, chữ viết nghiêng là do chúng tôi – T.C.M). Như vậy, theo Giáo trình thì quốc gia là cái có trước, dân tộc người là cái có sau?!
8. Nội dung chương IX – Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng (tr.467 - 491), nổi bật là vấn đề chủ nghĩa tư bản không phải là tương lai của loài người, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là tương lai của nhân loại, là những vấn đề đã được chủ nghĩa Mác – Lênin đặt ra và giải quyết một cách triệt để và tường minh bằng cả một tổ hợp lý luận khoa học chặt chẽ, bao gồm cả triết học, kinh tế học chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Do vậy, việc Giáo trình đặt lại và bàn luận thêm về những vấn đề đó là không cần thiết. Đó là chưa kể, với tư cách Giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”, không phải ai cũng có thể đưa quan điểm của mình vào trình bày trong đó được. Mặt khác, tất cả những gì được thể hiện trong chương IX của Giáo trình là rất xa lạ với chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó đơn giản chỉ là ý kiến chủ quan, những nhận định, những kết luận vội vàng của một cuốn Giáo trình không đáng tin cậy, không thuyết phục. Do vậy, nội dung của chương này chẳng những không có tác dụng xây dựng, củng cố niềm tin của người học vào tương lai tốt đẹp và tất thắng của chủ nghĩa xã hội, mà trái lại, còn gây cho họ sự sự hoài nghi, thất vọng về tương lai đó.
Trên đây chỉ mới là những vấn đề nổi cộm về mặt nội dung, chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ để đánh giá rằng, cuốn Giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”không đáng được coi là giáo trình. Nó cần được thu hồi và sửa chữa. Bởi lẽ, nếu sử dụng Giáo trình này để giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng Việt Nam thì rõ ràng là, sẽ đem đến cho sinh viên nước ta những nhận thức sai lầm về chủ nghĩa xã hội khoa học. Và như thế, chúng ta có lỗi chẳng những với đội ngũ trí thức trẻ của Việt Nam, mà còn đối với C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin - những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học./.
(*) Tiến sĩ, Trưởng Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.389.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.389.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.4, tr.626, 615.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.4, tr.626.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.8, tr.762.
(*) Hiện nay, ở Hoa Kỳ, nông nghiệp chỉ chiếm 2,4% lao động (Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 2. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr.314).
(6) V.I.Lênin. Toàn tập, t.44. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.11.
(7) V.I.Lênin. Sđd., t.44, tr.126.
(8) V.I.Lênin. Sđd., t.44, tr.459.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.19, tr.44 - 45.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.16, tr.280.
Tạp Chí Triết Học