• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Một số phương pháp học tập theo học chế tín chỉ

Như Bình

New member
Xu
0
Sự thay đổi quan trọng của giáo dục là năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức chỉ đạo các trường ĐH và CĐ chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC). Sự thay đổi này, trong ngắn hạn, đóng vai trò chủ yếu trong việc cập nhật và hiện đại hoá nền giáo dục – một cỗ máy cho tăng trưởng kinh tế. Quý II năm 2005, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm HCTC tại 7 trường ĐH và đến năm 2010 Bộ sẽ hoàn thành chuyển đổi, áp dụng chương trình này trong toàn quốc. Thế nhưng, khi chuyển đổi sang phương thức đào tạo mới thì xuất hiện vô số những vấn đề cần giải quyết, trong đó – điển hình là phương pháp học tập của sinh viên. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu sơ lược một số phương pháp học tập theo HCTC. Có thể các phương pháp này còn nhiều hạn chế và không mấy thuyết phục cho các bạn sinh viên nhưng người viết hy vọng nó sẽ định hướng một phần nào đó trong quá trình học tập của các bạn

1. Tìm hiểu thật kỹ chương trình đào tạo HCTC của nhà trường

Trong đầu năm học, khi SV bắt đầu nhập học thì chính các SV này phải tìm hiểu thật kỹ chương trình ĐT của nhà trường. Nếu khó có thể tiếp nhận thông tin từ nhà trường thì lướt mạng, trên mạng không thiếu những khối lượng thông tin về HCTC. Nếu không tiếp nhận được thông tin từ nguồn điện tử thì SV tiếp nhận từ các anh chị khóa trước.

Chỉ có tiếp cận, tìm hiểu thật kỹ chương trình ĐT TC này thì SV mới có thể đăng ký HP một cách chính xác, tự tin, đúng với sức lực của mình để tránh khỏi những sự việc không lượng sức mình đăng ký nhiều môn học, sau một thời gian học không nổi thì làm đơn huỷ, chuyển đổi môn học, như vậy thì rất rắc rối, tốn thời gian, tiền bạc…

2. Thường xuyên cập nhật thông tin

Tính chủ động của SV là rất thấp. SV không quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào đội ngũ GVCN, đội ngũ cán bộ lớp để nắm bắt những thông tin của nhà trường. Vì vậy, nhiều SV không biết trường sẽ tổ chức những môn học nào, kế hoạch học tập ra sao... Hầu hết SV đều gặp khó khăn khi lựa chọn và đăng ký học phần, do SV không biết nên đăng ký học phần nào trước, học phần nào sau.

Bởi vậy, SV phải thường xuyên cập nhật thông tin. Nó sẽ giúp cho SV có đầy đủ những lượng thông tin cần thiết để phục vụ học tập. Trong tình hình rất nhiều bảng thông báo của các khoa, bộ môn, văn phòng Đoàn… ngoài bảng thông tin từ phòng ĐT, thì SV cần phải “chịu khó”, ngoài ra đội ngũ cán bộ lớp cũng phải triệt để cập nhật thông tin, sau đó thông báo lại cho các bạn của mình.

3. Khắc phục kiểu học thụ động

Khái niệm học tập thụ động nên hiểu là một loại lao động học tập chịu sự chi phối, tác động từ bên ngoài là chính, là chủ yếu; hiểu một cách chung nhất người học như một cái bình chứa kiến thức được người dạy rót vào đó. Học tập thụ động là kiểu học tập thiếu sự độc lập trong suy nghĩ và tiếp nhận, hầu như không có sự tìm tòi sáng tạo, kiến thức mà người học thu được khó trở thành tài sản riêng của họ.

Để khắc phục sự thụ động của mình, bản thân SV cần phải:

Xác định rõ ràng mục đích và động cơ học tập của mình ngay cả khi bản thân nhận thấy mình chưa thật phù hợp với tính chất ngành nghề đang theo học để không có thái độ buông thả trong quá trình học tập của mình.

Tự mình thay đổi phương pháp học truyền thống là “nghe, chép và học thuộc” bằng cách tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài, phát biểu ý kiến hoặc tham gia tranh luận trong nhóm, liên hệ kiến thức được học với thực tế, hoặc tìm cách áp dụng vào thực tế.

Trao dồi những kĩ năng học tập cần thiết, đặc biệt là kĩ năng đọc, lọc thông tin, tra cứu thông tin, kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình.

Luôn đặt ra những câu hỏi “tại sao”, “như thế nào”… và cố gắng tìm hiểu những câu trả lời cho những vấn đề mình quan tâm, thắc mắc. Mỗi khi GV đặt câu hỏi cần tích cực động não trả lời.

Trong quá trình học tập, để nắm vững kiến thức, tiếp thu bài có chất lượng, đạt được kết quả cao, khâu chuẩn bị bài đối với SV là rất quan trọng. Chuẩn bị bài ở nhà (học bài cũ, làm bài tập, đọc trước bài khi lên lớp, tham khảo tài liệu…) một cách tự giác, kỹ lưỡng sẽ giúp cho SV tiếp thu bài thoải mới ở lớp một cách tự tin, thoải mái, hứng thú học tập của SV được nâng cao. Không nên chuẩn bị bài ở nhà một cách đối phó, có tính chất chiếu lệ, hình thức sẽ hạn chế khả năng tiếp thu bài mới nghĩa là ít nhiều SV vẫn không tránh khỏi tình trạng thụ động khi nghe giảng.

Trong quá trình học tập của SV việc sử dụng CNTT đang trở thành phổ biến. SV cần phải liên hệ với GV để họ hướng dẫn cách sử dụng và ứng dụng CNTT như thế nào để có hiệu quả cao nhất trong học tập…

4. Tự học, tự nghiên cứu

Tự học là quá trình cá nhân tự giác, tự lực, tích cực lĩnh hội những vấn đề đã được đặt ra trong cuộc sống bằng hành động của chính mình để đạt được những mục đích nhất định. Việc học tập chỉ xảy ra ở những nơi nào mà những hành động của con người được điều khiến bởi mục đích tự giác là lĩnh hội những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, những phương thức hành vi và những dạng hành động nhất định. Khi con người có ý thức và khả năng điều khiển, điều chỉnh hành động của bản thân. Cốt lõi của sự học ở người là tự học, hễ có học là có tự học. Khi nói học thì hàm ý có xét đến mối quan hệ với ngoại lực, tức là dạy. Còn khi nói đến tự học là chỉ xét đến riêng nội lực ở người.

Đối với SV, trước hết phải ý thức được nhiệm vụ và nghĩa vụ của người học. Ngoài ra, SV phải nắm bắt được những vấn đề cơ bản của phần lý luận, những cái đã trình bày ở những buổi lý thuyết. SV phải hình thành được một số kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cơ bản như: Kỹ năng tìm tài liệu và thu thập tài liệu theo yêu cầu, kỹ năng ghi chép và tóm tắt tài liệu, kỹ năng trình bày vấn đề trước tập thể, kỹ năng nhận xét đánh giá kết quả lao động của bản thân, cả nhóm cũng như các nhóm khác…. Đồng thời SV cần có thái độ tích cực để hoàn thành nhiệm vụ, tự tin vào bản thân, tính tự giác cao, tính say mê và hứng thú trong tự học, tự nghiên cứu, biết chấp nhận thực tế để tiến lên phía trước… Đây là những đặc tính rất cần thiết cho mỗi SV, vì thiếu chúng, SV không thể hoàn thành được nhiệm vụ, nhất là khi phương thức ĐT thay đổi theo TC.

Sinh viên rất cần phương pháp học tập – nghiên cứu hiệu quả, nâng cao quá trình tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo ra kiến thức mới. ThS. Trần Minh Đức trong “Một số vấn đề về phương pháp học tập, nghiên cứu ở ĐH” đưa ra một số kỹ năng học tập mà SV cần chú ý trong quá trình tự học, tự nghiên cứu ở môi trường ĐH:

Sự tập trung tinh thần: Sự tập trung tinh thần sẽ giúp SV nắm bắt lại kiến thức đã học một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian; Tìm ra phương pháp tốt để giải quyết các vấn đề khó khăn, thấy được mối liên hệ phức tạp giữa những số liệu, sự kiện, ý tưởng….; Sáng tạo ra cái mới.

Để có sự tập trung tinh thần cao, SV cần: Tạo ra sự thoải mái, hứng khởi khi học để mình thật sự say mê học tập và quên mệt mỏi. Điều này đòi hỏi SV phải coi việc học như là một niềm đam mê, sự yêu thích chứ không phải là nghĩa vụ, trách nhiệm hay đối phó; Không làm việc riêng hay suy nghĩ phân tán trong giờ học.

Phương pháp đọc và tìm kiếm tài liệu: Đọc tài liệu: Đọc phần giới thiệu, hay lời tựa của tác giả hoặc những định hướng mà tác giả hay người giới thiệu nói về quyển sách; Đọc lướt qua những đoạn hoặc để mục mà mình quan tâm để nắm cái tổng quan, khái quát, điểm đặt biệt, chủ yếu để bạn có sự hình dung về quyển sách; Tóm tắt, sắp xếp, ghi lại các ý chính một cách khoa học. Điều này sẽ giúp SV lĩnh hội kiến thức nhanh, tư duy mang tính hệ thống, chính xác và luyện khả năng viết tốt; Đọc xong nên có tư duy phê phán và trao đổi với thầy cô, bạn bè, thảo luận trên các diễn đàn. Tìm kiếm tài liệu: Thông qua sách,báo, thư viện, tạp chí, các trang web, những người đi làm, cơ quan viện nghiên cứu, doanh nghiệp, công ty, các forum chuyên đề … Lưu ý tới các tạp chí và các trang web chuyên ngành, nên có sự chủ động trong việc hỏi, viết thư, email… để tìm thông tin từ thầy cô, bạn bè, những người đã đi làm, báo chí. SV hãy chú ý tới nguồn thông tin khổng lồ trên internet. SV có thể sử dụng công cụ tìm kiếm. Các công cụ tìm kiếm thường được sử dụng là Google, Bách khoa toàn thư…

Các bước học tập: Học trước khi đến lớp: Ôn lại những kiến thức cơ bản của bài cũ; Tìm ra những cái mới, cái hay, bổ ích,thực tiễn trong bài học; Kiên trì làm cho xong các bài tập; Đến lớp đúng giờ, đầy đủ. Học trên lớp: Không xem giáo trình, chú ý nghe GV giảng hoặc làm thí nghiệm để tiếp thu tốt. Nghe giảng với sự chủ động chứ không bị động, cuốn hút vào bài giảng. Trong quá trình nghe giảng cần suy nghĩ, phát hiện cái mới, đặt câu hỏi, so sánh (nên lập bảng) sự liên quan giữa các kiến thức đã học. SV nên có tư duy phê phán, tinh thần hoài nghi khoa học và sự tự tin trong việc trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình. Chuẩn bị nháp, bút, notestick, sổ tay, cách tóm tắt, ghi đánh dấu trong vở sao cho rõ ràng dễ hiểu. Trình bày các tiêu đề, các phần sao cho hợp lý, dễ theo dõi. Học sau khi ra khỏi lớp: Đọc lại bài giảng trên lớp đã ghi. Đọc tài liệu tham khảo và bổ sung những kiến thức cần thiết cho bài giảng. Tóm tắt và liệt kê các ý chính. Từ những ý chính này bạn tự phân tích ra các ý nhỏ. Từ các ý nhỏ này bạn phân tích ra các ý nhỏ hơn… Cứ tiếp tục như thế, SV sẽ có cái nhìn vừa tổng thể vừa cụ thể. Lấy những ví dụ thực tế để phân tích minh họa cho bài học để xem những điều học được, hợp lý, có đúng với thực tế hay nếu đúng thì tại sao ? Làm thế nào để giải quyết ?... Đánh dấu, ghi kí hiệu, ghi ra giấy nháp những chỗ quan trọng, những điểm mình chưa hiểu.

Nâng cao năng lực trí tuệ: Năng lực trí tuệ bằng năng lực tri thức cộng năng lực tư duy cộng năng lực sáng tạo. Năng lực tri thức: Sự phát triển năng lực của SV là kết quả của việc tiếp những tri thức và kĩ năng ở các môn học, các buổi sinh hoạt ngoại khoá mang lại. Vì vậy, bên cạnh việc học chuyên sâu một số môn trọng tâm, SV cần học đều, học tốt các môn học. Bởi mỗi môn học cung cấp cho tri thức, tư duy, phương pháp khác nhau mà từ đó mình tích lũy, vận dụng, sáng tạo cho học tập và làm việc sau này. Năng lực tư duy: Là năng lực tìm kiếm, phát hiện, xác định và giải quyết vấn đề. Sau đây là một số bước cơ bản để rèn luyện và nâng cao năng lực tư duy: Xác định bản chất và các mối liên quan tới vấn đề. Tự đặt ra các thông tin và tài liệu mình cần; Xác định nơi và cách có thể tìm được các thông tin và tài liệu; Sắp xếp và tập hợp những thông tin và số liệu mình có. Sắp xếp các yếu tố khác nhau và giống nhau vào thành từng nhóm. Trong từng nhóm hãy phân tích thành những nhóm nhỏ hơn. Cần phải xác định và tập trung vào những điều cơ bản và thiết yếu; Đưa ra các phương án, chiến lược để giải quyết các vấn đề. Lập kế hoạch để thực hiện các phương án, chiến lược đó; Nhận thức những mặt còn hạn chế, chưa giải quyết được sau khi đã tiến hành những nội dung trên; Cần phải tính toán nên giải quyết vấn đề nào trước bởi có nhiều vấn đề phải làm trong một thời gian nhất định. SV nên cân nhắc, sắp xếp các vấn đề theo thứ tự cấp bách quan trọng và làm theo tuần tự; Hãy suy nghĩ, dự đoán những kết quả có thể xảy ra khi mình bắt tay vào cuộc. Đặt ra các giả thuyết khác nhau để kiểm tra sự dự đoán này; Suy nghĩ, phân tích, so sánh vấn đề này với vấn đề khác đã giải quyết để tìm ra cách đi, hướng đi nhanh chóng. Vận dụng phối hợp các kiến thức, tư duy, phương pháp phối hợp giữa các môn học mà mình tích lũy để đưa ra các phương án giải quyết; Sau khi tìm ra đáp án hay câu trả lời SV hãy kiểm tra lại độ chính xác và tự đánh giá sự quan trọng của câu trả lời. So sánh câu trả lời của SV với các giả thuyết đặt ra; Rút ra cái chung, sự tiếp thu khái quát kiến thức, tư duy, phương pháp từ những kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vấn đề để nâng cao nhận thức của SV trong các lĩnh vực khác nhau. Năng lực sáng tạo: Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần mới về chất. Sáng tạo không chỉ tồn tại ở một vài lĩnh vực hay chỉ ở những thiên tài, bác học, những người thông minh mà sáng tạo có mặt ở khắp mọi lĩnh vực và đều tìm ẩn trong mỗi con người. Muốn phát triển năng lực sáng tạo SV cần: Có lòng đam mê, tham vọng và sự kiên trì; Suy nghĩ độc lập; Không hài lòng với cái sẵn có, tự mình tìm kiếm, phát hiện, kiểm tra, phán đoán và giải quyết vấn đề. Biết gắn kết với các vấn đề xảy ra với hệ thống tri thức và kinh nghiệm của bản thân để đưa ra cách giải quyết thích hợp. Biết cách tổng hợp, phân tích, đánh giá, xử lý thông tin để đi tới kết luận, khái quát, hệ thống; Suy nghĩ vấn đề theo hướng “phát sinh” chứ không phải lặp lại.

Cuối cùng là nghỉ ngơi hợp lý: SV cần thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, đủ chất (cá, thịt, rau,quả…) tránh làm việc quá sức. Nên rèn luyện thói quen ngủ trưa từ 15 – 30 phút. Bộ não con người tiếp thu tốt nhất trong 60 phút vì thế trung bình một giờ học SV nên nghỉ ngơi từ 5 – 10 phút. SV có thể đi dạo, ăn nhẹ, nghe nhạc, làm vài động tác thể dục tranh thủ chợp mắt… Không nên học quá khuya bởi vì từ 23 giờ trở đi sự tiếp thu kiến thức kém dần. SV cần tạo cho mình thói quen sống ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ. Điều này sẽ giúp SV tránh sự bực bội, phân tán tư tưởng tiêu hao thời gian, sức lực vào việc tìm tài liệu khi cần.

5. Tăng cường học nhóm, làm việc nhóm

Làm việc nhóm sẽ giúp cho SV có khả năng đánh giá kết quả của bản thân cũng như của bạn bè và của cả nhóm. Tinh thần vì tập thể sẽ được đặt lên hàng đầu, chủ nghĩa cá nhân chỉ là thứ yếu. Làm việc nhóm trong quá trình học tập sẽ tạo những thói quen mà sau này sẽ góp phần thuận lợi cho công việc khi SV tốt nghiệp, tìm kiếm việc làm. SV cần tự giác thành lập những nhóm học tập để cùng nhau giải quyết vấn đề, những bài học cần giải quyết… Hay như tham gia vào các câu lạc bộ học thuật để thích nghi, làm quen.

Để việc học tập nhóm đạt hiệu quả cần chú ý một số vấn đề sau: Đề ra mục đích rõ ràng. Phân loại năng lực học tập các thành viên trong nhóm. Giao cho một (hoặc một số thành viên) chuẩn bị theo chuyên đề và chịu trách nhiệm chính về cách thức tổ chức các thành viên khác cùng tham gia chuẩn bị nội dung, tìm thông tin, tài liệu. Biết sắp xếp ý tưởng chính, ý tưởng phụ chủ đề chính, phụ khi trình bày sao cho hợp lý, dễ hiểu. Khi có các vấn đề tranh luận hay các câu hỏi đặt ra, các thành viên khác phải lắng nghe ý kiến để nắm bắt nội dung, thể hiện suy nghĩ, ý kiến của mình. Bổ sung những vấn đề, ý tưởng mới, cùng nhau tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, tích cực nhưng không gây mâu thuẫn gay gắt, bất đồng. Các thành viên phải biết chia sẻ thông tin cho nhau như: sách, bài báo, băng đĩa, địa chỉ trang web, hình ảnh…

6. Áp dụng sơ đồ tư duy trong học tập

Thông thường SV ghi chép bài vở theo cách truyền thống, nghĩa là chỉ có chép với một hệ thống con chữ dày đặc. Với hình thức ghi nhớ như thế này phần lớn hiệu quả học tập chưa cao, không tốt. Hiện nay, với khối lượng bài vở và thông tin nhiều, phát triển, yêu cầu phải có một phương pháp ghi nhớ nhanh chóng, đơn giản nhưng kết quả phải thu được phải chất lượng. Phương pháp áp dụng sơ đồ tư duy vào công việc học tập nói riêng và các công tác khác nói chung không phải là một phương pháp mới đối với nhân loại, nhưng tác dụng của phương pháp này, cho đến hôm nay vẫn còn tác dụng vô cùng lớn.

7. Tích cực tham gia vào các phong trào Đoàn, hội

Phong trào Đoàn, hội sẽ giúp SV năng động hơn, tự tin hơn, giao lưu học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Chúc các bạn thành công.
__________________
Bài được viết bởi Nhật Bình Nguyễn Như Bình.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top