Một số phép tu từ

nang moi

New member
MỘT SỐ PHÉP TU TỪ
1. Ẩn dụ
Khái niệm: Ẩn dụ (so sánh ngầm) là phép tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Ví dụ:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loà đâm bông.
(Nguyễn Du)
=> Lửa có màu đỏ giống như màu của hoa lựu; đó là cơ sở để tạo ra ẩn dụ: lửu lựu. Ẩn dụ tạo nên tính biểu cảm và tính hình tượng cho thơ văn.
Các loại ẩn dụ chủ yếu: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác…
2. Hoán dụ
Khái niệm: Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng , khái nịêm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng cường sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Cơ sở tạo ra hoán dụ là những sự vật, hiện tượng ở gần nhau, vì vậy hoán dụ đòi hỏi người sử dụng phải biết rõ cái qua hệ gần gũi trong không gian ấy. Khi tạo ra hoán dụ, người ta quan tâm nhiều đến dấu hiệu, đặc trưng nổi bật của sự vật, hiện tượng và nhờ vậy mà tác dụng chủ yếu của phép tu từ này là ở mặt nhận thức.
Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên
(Tố Hữu)
=> Áo nâu và người nông thôn, áo xanh và người công nhân, nông thôn và người sống ở nông thôn, thị thành và người sống ở thị thành có mối quan hệ gần gũi. Quan hệ này là cơ sở tạo nên các hoán dụ: áo nâu dùng để chỉ người nông dân, áo xanh chỉ người công nhân, nông thôn chỉ người sống ở nông thôn, thị thành chỉ người sống ở thị thành.
Các loại hoán dụ chủ yếu: lấy tên gọi bộ phận để chỉ toàn thể; lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng; lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật, lấy cái cụ thể gọi cái trừu tượng.
3. Phép điệp
Khái niệm: Phép điệp là biện pháp lặp lại một yếu tố diễn đạt (ngữ âm, từ ngữ, câu) để nhấn mạnh ý nghĩa và cảm xúc, nâng cao khả năng biểu cảm, gợi hình cho lời văn.
Ví dụ:
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà ngỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra
ð Các từ chim vào lồng, cá cắn câu được lặp lại nhằm nhấn mạnh tình thế phụ thuộc của cô gái; sự lặp lại này âm vang cái day dứt, tiếc nuối đến xót xa của nhân vật trữ tình.
Ngoài cách phân loại theo vị trí của yếu tố lặp lại, còn có cách phân loại cách điệp dựa vào đặc điểm cấu tạo của yếu tố lặp lại. Theo đó phép điệp gồm các loại: điệp thanh, điệp từ, điệp ngữ, điệp câu…
4. Phép đối
Khái niệm: Phép đối là biện pháp sắp xếp các từ ngữ, câu văn có cấu tạo và ý nghĩa cân xứng nhau nhằm làm nổi bật ý nghĩa biểu đạt và tạo ra vẻ đẹp cân đối, hài hoà, hàon chỉnh trong diễn đạt.
Cần chú ý: Về ý nghĩa, các yếu tố (vế) tạo nên phép đối có thể tương đồng hoặc tương phản (trái ngược nhau); nhưng xét trong tổng thể thì chúng lại bổ sung cho nhau để làm nổi bật ý muốn biểu đạt.
Ví dụ:
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
=> Mỗi vế câu tục ngữ trên có ý nghĩa trái ngược nhau nhưng cả hai đều bổ sung cho nhau để làm nổi bật chân lí: con người luôn luôn chịu ảnh hưởng của môi trường sống.
Dựa vào quy mô cấu tạo của các yếu tố đối, trong thơ cổ, người ta thường chia làm hai loại đối:
+ Tiểu đối: các yếu tố đối xuất hiện trong một dòng thơ hoặc một câu.
Ví dụ:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
(Nguyễn Du)
+ Trường đối: mỗi yếu tố đối xuất hiện trong một dòng thơ/một câu.
Ví dụ:
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
(Nguyễn Công Trứ)
5. Nói quá
Khái niệm: Nói quá là cách nói khoa trương, phóng đại mức độ của sự vật, hiện tượng… được đề cập để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
Ví dụ:
Lỗ mũi mười tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm…
Nói quá khác nói dối, nói khoác là ở mục đích nói.
Ở nói quá, bằng cách phóng đại, người nói chỉ cốt cho người nghe cảm nhận được mức độ cao của sự tình đề cập để cùng mình thán phục, yêu mến hay ghê sợ, căm thù…
6.Nói giảm, nói tránh
a. Khái niệm: Nói giảm là cách nói giảm bớt mức độ của sự vật, hiện tượng,… được đề cập để cho phù hợp với tình huống, hoặc để tỏ ra khiêm tốn, hoặc để giấu bớt những tình cảm, cảm xúc… Đây là biện pháp tu từ ngược với nói quá.
Ví dụ:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
(Nguyễn Khuyến)
=> Thôi có nghĩa là ngừng hẳn lại, không tiếp tục làm việc gì đó nữa, ở đây được dùng với nghĩa của từ chết, từ mà nhà thơ không muốn nhắc đến bởi nỗi đau bạn mất và mất bạn quá lớn.
b. Nói tránh là biện pháp tu từ thay những từ thô tục, hay xấu nghĩa bằng những từ hay, thanh nhã.
Ví dụ:
- Bạn làm gì mà nặng lời với tôi thế.
- Sau khi Kiều bị Mã Giám Sinh giở trò bỉ ổi, Nguyễn Du không thể nói toạc ra cái tình cảnh đau đớn, xót xa, nhục nhã ấy của Kiều, ông đã dùng biện pháp nói tránh để viết lên câu thơ:
Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
(Nguyễn Du)



 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top