Một số ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta

  • Thread starter Thread starter gis2009
  • Ngày gửi Ngày gửi

gis2009

Trưởng khoa Địa lý
Xu
0
1. Công nghiệp năng lượng:

a. Công nghiệp khai thác nguyên, nhiên liệu:

- Công nghiệp khai thác than:

Than của nước ta có nhiều loại với trữ lượng đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á, tập trung chủ yếu ở bể than Đông Bắc, khu vực Quảng Ninh chiếm hơn 90% trữ lượng than đá của cả nước (3 – 3,5 tỷ tấn). Ngoài ra, còn có than mỡ ở Làng Cẩm (Thái Nguyên) và 1 vài mỏ khác.
Than nâu phân bố ở Đồng bằng Sông Hồng với độ sâu 300 – 1000m, trữ lượng hàng chục tỷ tấn, nhưng khó khai thác.
Than bùn có ở nhiều nơi, nhưng tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, đặc biệt là vùng U Minh.
Trong những năm gần đây, do mở rộng thị trường tiêu thụ và đầu tư trang thiết bị khai thác nên sản lượng trung bình hằng năm liên tục tăng.

- Công nghiệp khai thác dầu, khí:

Dầu, khí nước ta tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu bên ngoài thềm lục địa (các bể trầm tích sông Hồng, Trung Bộ, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu – Mã Lai), trong đó 2 bể Cửu Long và Nam Côn Sơn có trữ lượng và triển vọng khai thác lớn hơn cả. Nước ta có trữ lượng khoảng vài tỷ tấn dầu thô và hàng trăm tỷ m3 khí.
Khai thác dầu khí là ngành non trẻ, bắt đầu hoạt động vào năm 1986. Ngoài dầu thô, hiện nay khí thiên nhiên được dẫn vào bờ phục vụ cho các nhà máy điện (Phú Mỹ). Một ngành công nghiệp mới cũng được ra đời, đó là ngành lọc, hóa dầu (nhà máy Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn/năm).

b. Công nghiệp điện lực:

Nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp điện lực. Đó là trữ lượng than, dầu (nhập khẩu), khí thiên nhiên và nguồn thủy năng dồi dào. Riêng về thủy năng, công suất có thể đạt khoảng 30 triệu kW với sản lượng 260 – 270 tỷ kWh và tập trung chủ yếu ở hệ thống sông Hồng (37%) và hệ thống sông Đồng Nai (19%).
Một số nhà máy điện lớn:
Thủy điện: Hòa Bình (1920 MW), Yali (720 MW), Trị An (400 MW) và Sơn La (đang xây dựng, 2400 MW)
Nhiệt điện (chạy bằng than): Phả Lại (tổng công suất 1040 MW), Uông Bí (150 MW)
Nhiệt điện (chạy bằng khí): Phú Mỹ 1 (1090 MW), Bà Rịa (328 MW),…
 
2. Công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm:


a. Đặc điểm:

Ngành có mối quan hệ mật thiết với nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và thủy sản (đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản). Vì thế nó bao gồm 3 phân ngành: chế biến sản phẩm trồng trọt, chế biến sản phẩm chăn nuôi, chế biến thủy hải sản.
Nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm: nguồn nguyên liệu tại chỗ đa dạng, phong phú và thị trường tiêu thụ rộng lớn (cả trong và ngoài nước).
Sự phân bố các cơ sở công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm mang tính quy luật, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu hoặc thị trường tiêu thụ.

b. Công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt:

- Công nghiệp xay xát: phát triển mạnh do nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng gạo, ngô xay xát tăng từ 8 triệu tấn/năm (1990) lên 15,6 triệu tấn/năm (1995), rồi 22,2 triệu tấn/năm (2000) và đạt 29,6 triệu tấn/năm (2005). Các xí nghiệp xay xát quy mô lớn phân bố ở TPHCM, Hà Nội và các tỉnh ĐBSH, ĐBSCL.

- Công nghiệp mía đường: có nguồn nguyên liệu dồi dào (ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Duyên hải MIền Trung). Từ năm 2000 đến nay, diện tích mía trung bình hằng năm của nước ta dao động trong khoảng trên dưới 30 vạn ha với sản lượng 15 – 17 triệu tấn mía cây. Sản lượng đường kính đạt trên dưới 1 triệu tấn/năm.
Các nhà máy đường lớn phân bố ở vùng nguyên liệu: Lam Sơn (vùng mía phía tây Thanh Hóa), Quảng Ngãi, Đông Nam Bộ (Bình Dương, La Ngà, Tây Ninh), ĐBSCL (Hiệp Hòa, Long An),…

- Công nghiệp chế biến chè, cà phê, thuốc lá: cũng phát triển mạnh với các vùng nguyên liệu sẵn có: chè ở Trung du - miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (chủ yếu ở Gia Lai, Lâm Đồng), cà phê ở Tây Nguyên (Đăk Lăk) và 1 phần Đông Nam Bộ, thuốc là ở Đông Nam Bộ.
Sản lượng chè chế biến tăng hơn từ 7 vạn tấn (2000) lên 12,7 vạn tấn (2005), sản lượng thuốc lá tương ứng là 2,8 tỷ bao và hơn 4,4 tỷ bao.

- Công nghiệp rượu, bia, nước giải khát: phát triển nhanh nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước. Sản lượng bia tăng từ gần 0,8 tỷ lít (2000) lên hơn 1,4 tỷ lít (2005), sản lượng rượu tương ứng là 124,1 triệu lít và 158,2 triệu lít. Các cơ sở sản xuất phân bố rộng rãi, song tập trung nhất tại các đô thị lớn (TPHCM, Hà Nội,…).

c. Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi:

Phân ngành này nhìn chung chậm phát triển. Các cơ sở lớn chuyên chế biến sữa và sản phẩm từ sữa (bơ, phô mai) phân bố ở các đô thị lớn hoặc ở những nơi chăn nuôi bò tập trung (Mộc Châu, Ba vì,…). Sản lượng sữa hộp tăng từ 227 triệu hộp (2000) lên 365 triệu hộp (2005).
Các cơ sở sản xuất thịt hộp và các sản phẩm sản xuất từ thịt (lạp xưởng, dăm bông, xúc xích, bít tết,…) phân bố ở TPHCM và Hà Nội.

d. Công nghiệp chế biến thủy – hải sản:

Do có nguồn nguyên liệu phong phú, thị trường rộng mở nên công nghiệp chế biến thủy – hải sản có điều kiện phát triển mạnh.
Nghề làm nước mắm (và mắm các loại) có mặt ở nhiều nơi, nhưng 3 địa phương đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế là Cát Hải (Hải Phòng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang). Sản lượng nước mắm tăng từ 167 triệu lít (2000) lên 227 triệu lít (2005), trong đó, một phần dành cho xuất khẩu.
Ngành chế biến đông lạnh (tôm, cá,…) phát triển nhanh nhờ khai thác được thị trường trong và ngoài nước. Thủy – hải sản đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay.
Nghề làm muối có mặt ở hầu hết các tỉnh ven biển. Trên quy mô công nghiệp có Cà Ná (Ninh Thuận) và Văn Lý (Nam Định). Sản lượng muối dao động trong khoảng hơn 90 vạn tấn/năm.
 
3. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng:

a. Công nghiệp dệt:

Ngành dệt của nước ta hiện nay có thế mạnh về nguồn lao động và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước mặc dù sản lượng có tăng (từ 236 triệu m2 (2000) lên 503 triệu m2 (2005)). Hầu hết các cơ sở dệt quan trọng đều tập trung ở các đô thị lớn (Hà Nội, TPHCM,…).

b. Công nghiệp may mặc:


Ngành này phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Sản phẩm may mặc trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng hàng thứ hai về kim ngạch chỉ sau dầu thô.
Sản phẩm chính là quần áo may sẵn dựa trên nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. sản lượng tăng nhanh tử 337 triệu chiếc (2000) lên 1011 triệu chiếc (2005), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 1/3 (2005).
Các cơ sở công nghiệp may mặc phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ, ĐBSH và một số nơi khác.

c. Công nghiệp da, giày:


Công nghiệp da, giày có điều kiện thuận lợi để phát triển thuận lợi để phát triển nhờ thị trường được mở rộng, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề. Giày dép cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năm 2005, cả nước sản xuất được 158 triệu đôi giày, dép da và 40,7 triệu đôi giày vải các loại.
Các cơ sở sản xuất giày dép chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn (TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng,…).
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top