• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Một số câu chuyện về nước Âu Lạc

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Một số câu chuyện về nước Âu Lạc

I.THÀNH CỔ LOA, MỘT KỲ CÔNG KỸ THUẬT QUỐC PHÒNG CỦA NHÂN DÂN ÂU LẠC

Truyền thuyết dân gian Cổ Loa kể rằng ban dầu vua Thục định đóng đô ở chạ Tó, nay là xã Uy Nỗ cách Cổ Loa một quả gò gọi là gò Vua. Nhưng bầy chó săn của vua cứ chạy mãi sang phần đất chạ Chủ, vua sang bên ấy thấy cả một phong cảnh kỳ thú hiện ra trước mắt : dòng Hoàng Giang uốn lượn, mạch đất cao ráo với nhiều sống đất tựa như những con rồng uốn khúc đổ dồn xuống trung tâm chạ Chủ. Vua bàn bạc với tướng Cao Lỗ rồi quyết định dời đô về chạ Chủ.

Ý đồ của vua là xây dựng nên một nơi đô hội giữa trung tâm đất nước, đồng thời là một pháo đài phòng ngự, một thành luỹ chống ngoại xâm. Quan sát nghiên cứu thành Chủ, người ta có thể khẳng định đây là một công trình kiến trúc quân sự vĩ đại, được thiết kế và qui hoạch rất chu đáo, hợp lý và sáng tạo trên cơ sở triệt để lợi dụng thế đất, đồi gò, sông đầm...Có lẽ hàng vạn dân công đã được huy động để xây thành.

Theo lời kể của dân gian, đền Thượng Cổ Loa được xây dựng ngay trên nền cung điện cũ của vua Thục, đình được xây dựng trên điện ngự triều, bên cạnh cung cấm có vườn thượng uyển và hồ sen, nay là khu vực xóm Lan Trì. Bao bọc khu cung cấm là một toà thành được gọi là thành nội cao 5 m, mặt trên rộng từ 6 đến 12 m, chân choãi rộng từ 20 đến 30 m, chung quanh có đào hào sâu và rộng cho thuyền lớn đi lại được. Ở bốn góc thành và rải rác trên mặt thành đắp những ụ hỏa hồi, từ đấy quân của vua Thục bắn xuống bọn giặc ngoại xâm.

Bên ngoài khu vực của vua và hoàng hậu là khu vực của các quan văn võ. Vua cho đắp một toà thành trung dài hơn 6 km. Quan lại và quân đội đóng trong khu đất giữa thành nội và thành trung, quanh thành cũng đào hào sâu rộng khơi nước Hoàng Giang và đầm Cỏ chảy vào. Ở xóm Vang ngày nay còn có một khu vực gọi là Vườn thuyền.

Ngoài thành trung là thành ngoại dài 8 km mở ra 4 cửa : cửa nam, cửa bắc, cửa tây nam và cửa đông. Trên 3 vòng thành khép kín có cả thảy 72 ụ hỏa hồi, những nơi vừa dùng để đốt lửa báo hiệu có giặc, vừa dùng để bắn tỉa. Truyền thuyết dân gian cho biết ban đầu có tiên giúp vua xây thành : đêm đêm khi bốn bề yên tĩnh, từ trên không trung xuất hiện hàng vạn nàng tiên đẹp như hoa, thướt tha như liễu tới tụ họp trên cánh đồng làng Tiên Hội cạnh kinh đô để cùng nhau gánh đất xây thành giúp vua. Nhung rồi tinh lợn sề, tinh gà trắng cứ quấy phá mãi, thành đắp rồi lại đổ, cứ thế trong 18 năm ròng.

Giữa lúc ấy thần Rùa Vàng xuất hiện giúp vua xây thành vững chắc, lại tặng vua chiếc móng kỳ diệu để chế chiếc nõ thần trăm phát trăm trúng. Thần thật ra là một người anh hùng văn hoá Việt cổ đã sáng suốt chỉ ra nguyên nhân thực sự của tai nạn đổ thành và cách thức để chấm dứt nó. Người Âu Lạc lần đầu tiên xây thành ở đồng bằng chưa có kinh nghiệm, thành đắp càng cao sức lún càng nhiều, vào mùa mưa lũ càng dễ sụt lở. Và thần Rùa Vàng chẳng qua là sự thần thánh hoá óc thông minh sáng tạo của con người lao động. Qua thực tế đắp thành, trải bao lần thất bại, người Âu Lạc phát hiện được rằng đắp thành trên nền đất úng lầy thì phải kè đá tảng mới chống được sụt lở. Vấn đề kỹ thuật xây thành đã được giải quyết, một kỹ thuật kiến trúc mới đã được phát minh (2). Đá tảng được đánh đống to như núi, đổ xuống các chân thành, rải thành hàng thành lớp, tạo nên những kè đá vững chắc dưới chân thành, kể cả những mảnh gạch, mảnh ngói, đầu ngói vỡ, mảnh khuôn giếng, phế phẩm của những lò gạch ngói, lò bát cũng được tận dụng để rải dưới chân thành và kè vào giữa các lớp đất đắp thành.

Cuối cùng thành đắp thành công, cao chót vót, đứng sừng sững hiên ngang trước giông tố bão lụt, thể hiện tài năng sáng tạo của người Âu Lạc về kỹ thuật quốc phòng, về khoa học và nghệ thuật quân sự. Thành là một công trình phòng ngự kiên cố, vừa là căn cứ bộ binh lợi hại vừa là căn cứ thuỷ quân quan trọng chung đúc hai truyền thống lớn về tài năng quân sự Việt cổ : truyền thống thạo cung nỏ, giỏi xây thành của người Âu Việt và truyền thống thạo thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền của người Lạc Việt.
Truyền thuyết dân gian đã phần nào đồng hoá thần Rùa Vàng với tướng quân Cao Lỗ, một tướng giỏi, một công thần khai quốc của vua Thục. Dân gian kể rằng chính ông đã khuyên An Dương dời đô từ vùng trung du về xuôi, chính ông đã giúp vua chọn đất làng Chủ làm kinh đô, chính ông đã cùng vua thiết kế qui hoạch xây dựng thành Cổ Loa. Ông được vua tín nhiệm cử giữ cửa thành phía Bắc, nơi xung yếu vào bậc nhất của Cổ Loa. Cũng chính ông đã phát minh ra nỏ liên thanh bắn một lần hàng chục phát, ông đã sai dựng gò Đống bắn, gò Pháo đài dạy cho một vạn quân sĩ tập bắn nỏ. Vua An Dương thường đứng trên đài Ngự Xạ (góc đông bắc ngoài thành nội) xem Cao Lỗ huấn luyện quân sĩ bắn nỏ. Vua còn cử Lạc Hầu trấn giữ cửa Đông, chỉ huy đoàn thuyền chiến thường xuyên đậu trong khu vực Đầm Cả và Vườn Thuyền, từ đó có thể toả ra vận động khắp 3 vòng hào của thành nội, thành trung và thành ngoại phối hợp với quân sĩ đóng trên luỹ thành mà đánh địch. So sánh với những thành quách ở Đông Tây đương thời, thành vua Chủ thật là lợi hại vào bậc nhất, bố trí thật chu đáo và khoa học, niềm tự hào của lịch sử kiến trúc quân sự Việt Nam (3)

II.CUỘC KHÁNG CHIẾN VĨ ĐẠI CHỐNG TẦN, CHỐNG TRIỆU CỦA NHÂN DÂN ÂU LẠC

Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thuỷ Hoàng, con người " cứng rắn, khắc bạc, tự đắc " (4) , đầy tham vọng bành trướng đế quốc chủ nghĩa, sau khi đã thống nhất toàn Trung Quốc (năm 221 trước công nguyên) đã phát nửa triệu quân xâm lược phương Nam trong đó có nước Âu Lạc.

Cuộc xâm lược qui mô lớn của nhà Tần, và tiếp ngay sau đó cuộc xâm lược của nhà Triệu mà nhân dân Việt cổ đã anh dũng chống lại, cho thấy rằng sự xâm lược của phong kiến phương Bắc là có hệ thống.

Quân Tần tiến công ồ ạt, dần dần chiếm lấy hầu hết đất đai của các tộc Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu). Nhưng đến khi chúng đi sâu vào đất nước Âu Lạc thì bị chống cự mãnh liệt. Người Việt cổ, cùng nhân dân các tộc khác, tạm rút vào rừng, tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người tài giỏi lên làm tướng và tiến hành đánh du kích ban đêm. Một trong những người tài giỏi đó chính là vua Thục An Dương, theo lời kể của truyền thuyết dân gian. Cuộc kháng chiến của người Việt cổ kéo dài hàng chục năm và đã làm tiêu hao hàng chục vạn quân Tần. Chủ tướng của giặc là Đồ Thư cũng phải đền tội ác. Chính nhà sử học Trung Quốc nổi tiếng Tư Mã Thiên cũng đã thừa nhận sự thất bại ê chề của quân xâm lược Tần :

" Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong. Trải hơn 10 năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi, người ta thắt cổ tự tử trên cây dọc đường, người chết trông nhau. Kịp khi Tần Thuỷ Hoàng mất thì cả thiên hạ nổi lên chống " (4)

Vào năm 207 trước công nguyên, một viên quan lại của Nhà Tần là Triệu Đà chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, lập nước Nam Việt, xưng vương rồi nhiều lần phát quân xâm lược hòng thôn tính nước Âu Lạc. Sử cũ cho biết, trong các cuộc xâm lược đầu tiên của Triệu Đà, toàn bộ những mũi tiến quân của y đến núi Tiên Du, đến vùng Vũ Ninh (nay thuộc các huyện Tiên Sơn, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đều bị bẻ gãy.

Truyền thuyết dân gian kể chi tiết hơn : Trước hoạ xâm lăng, hàng vạn tráng sĩ Âu Lạc dưới sự chỉ huy tài giỏi của các tướng Cao Lỗ, Nồi Hầu, ông Đống và ông Vực (con của Nồi Hầu), tiến về phía núi Tiên Du nghênh chiến với quân xâm lược Triệu bằng cung nỏ khoẻ, tên đồng sắc tẩm thuốc độc, tên bắn ra như mưa, giặc chết lăn như rạ. Quân Triệu thua to và tên vua nước Nam Việt xảo trá quỉ quyệt là Triệu Đà biết không thể thắng nổi Âu Lạc bằng hành động quân sự nên giả vờ cầu hoà với vua Thục, và An Dương chủ quan nhẹ dạ đã chấp thuận lời cầu hoà của hắn. Người đời nay lấy làm khó hiểu tại sao vua Thục đã không phát huy chiến thắng và quét sạnh quân thù ra khỏi bờ cõi Âu Lạc mà lại tin tưởng một cách vội vã vào những lời lẽ hoà bình của Triệu Đà, cho phép y đóng quân ở lại vùng Vũ Ninh và nhường cho y một phần đất nước từ Vũ Ninh trở lên phía bắc. Ý chí xâm lược của Triệu Đà chưa bị bẻ gãy, tham vọng bành trướng của y sẽ không ngừng lại ở biên giới tạm thời đó. Sơ hở đầu tiên của vua Thục là ở tính hiếu hoà và sự khoan nhượng dễ dãi mà hậu quả khốc hại sẽ không thể nào lường nổi !

III.BI KỊCH MẤT NƯỚC VÀ BI KỊCH TÌNH YÊU
Lợi dụng sơ hở của vua Thục, Triệu Đà sai con trai là Trọng Thuỷ sang hàng phục An Dương, An Dương thiếu cảnh giác gả con gái là Mị Châu cho Thuỷ, được ở rể bên nước Âu Lạc, theo phong tục của người Việt cổ.
Theo truyền thuyết dân gian, tướng quân Cao Lỗ đã khẳng khái can ngăn vua Thục không nên gả con gái cho con trai kẻ thù. Cao Lỗ đã sáng suốt chỉ cho vua thấy Triệu Đà chỉ mượn cớ cầu hôn để dò xét tình hình, học cho được nghề cung nỏ của dân ta rồi thừa cơ hội cướp nước ta thôi. Nồi Hầu và hai con trai cũng khuyên can vua nhưng An Dương không nghe. Nồi Hầu bỏ về ở ẩn. Còn Cao Lỗ ngày càng bị vua đối xử bạc bẽo. Nghe lời đường mật xúc xiểm của Trọng Thuỷ, Mị Châu xin cha đuổi Cao Lỗ ra khỏi kinh thành. Người công thần, vị tướng tài giỏi bậc nhất của triều đình Âu Lạc bỏ đi, nhắn lại vua :

- Giữ được nỏ thần thì giữ được thiên hạ, mất nỏ thần thì mất thiên hạ.
Mị Châu bị ảo tưởng tình yêu, bị sự lừa phỉnh làm cho mù quáng. Nàng đã nhẹ dạ đến vô ý thức, đã tiết lộ bí mật quốc gia về vũ khí, hệ thống phòng thủ của thành Cổ Loa cho Trọng Thuỷ. Một vài lạc tướng ở các địa phương bị y mua chuộc. Trước khi trốn về nước, y còn lợi dụng tình cảm chân thật mà quá đổi ngây thơ của Mị Châu, đánh lừa nàng một lần nữa :

-Tình vợ chồng không thể quên nhau, nghĩa cha con cũng không nở bỏ. Tôi về thăm cha me, nếu hai nước có thất hảo khiến bắc nam cách biệt, tôi sang tìm nàng thì dùng vật gì làm tín hiệu.

Mị Châu đáp :

- Thiếp là đàn bà, gặp cảnh chia ly, tình khôn kể xiết. Thiếp có áo lông ngỗng thường mặc trên mình. Đến lúc bấy giờ sẽ rắc lông ngỗng ở ngã ba đường đánh dấu những chỗ thiếp qua.

Trốn được về Nam Việt, Trọng Thuỷ báo cáo tình hình Âu Lạc cho Triệu Đà biết. Y dạy cho quân sĩ Nam Việt phép chế nỏ tài tình của Âu Lạc. Như thế là ưu thế kỹ thuật quân sự của Âu Lạc đã mất. Các tướng tài giỏi của Âu Lạc đã bỏ đi hay bị truất. Vua An Dương đã già yếu lại còn chủ quan, ỷ vào thành cao, nỏ quí.

Mùa xuân năm 179, quân Triệu ồ ạt tiến công Âu Lạc, bẻ gãy các mũi chống cự của quân Thục và cuối cùng chiếm được thành Chủ. Vua An Dương để Mị Châu ngồi sau mình ngựa cùng chạy về phía nam. Trọng Thuỷ nhận ra dấu lông ngỗng Mị Châu rắc trên đường, đuổi theo ráo riết. Vua chạy đến bờ biển vùng Diễn Châu (Nghệ An) thì cùng đường. Tiếng nói của nhân dân, qua sự phản ánh hư ảo của lời thần Rùa Vàng, như quát vào tai vua :

- Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy !

Vua quay lại thấy Mị Châu vẫn đang ngây thơ bứt lông ngỗng ở áo rắc xuống đường. Vua tuốt gươm toan chém. Mị Châu chỉ kịp nói :

- Vì nhẹ dạ cả tin, bị người đánh lừa chứ con không có lòng phản hại cha. Nếu có tội, chết đi, con sẽ biến thành tro bụi, nếu sau trước vẫn một lòng trung kính với cha thì con sẽ hoá đá, hoá ngọc để rửa sạch mối nhục thù !
Vua chém đầu Mị Châu. Rồi Rùa Vàng rẽ nước đưa vua xuống biển Đông. Cơ đồ nhà Thục đã " đắm biển sâu " Ở Diễn Châu ngày nay, cạnh đường quốc lộ số một, một ngôi đền lớn thờ vua An Dương vẫn còn trên núi Mộ Dạ, xưa vốn là một khu rừng đầy chim công. Đó là đền Cuông (thổ ngữ vùng Nghệ An đọc côngthành cuông). Tương truyền đấy là nơi An Dương đi vào biển. Máu Mị Châu chảy xuống biển, trai sò ăn đều biến thành hạt châu. Quân Triệu kéo đến không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mị Châu mà thôi.

IV.Ý NGHĨA CỦA TRUYỀN THUYẾT AN DƯƠNG - MỊ CHÂU

Qua truyền thuyết, nhân dân ta muốn ghi lại một giai đoạn oanh liệt, những kỳ công rực rỡ vào cuối thời dựng nước, muốn ca ngợi sức mạnh của tổ tiên, của non sông đất nước Việt cổ hào hùng bất khuất, ca ngợi những người dân Âu Lạc đã xây thành chế nỏ, anh dũng chống ngoại xâm. Và cũng qua truyền thuyết, nhân dân ta giải thích sự bại trận và lí do mất nước. Vua An Dương thất bại, cơ đồ nhà Thục chìm đáy biển không phải vì quân địch mạnh, có vũ khí lợi hại hơn ta ; An Dương thua chỉ vì nhẹ dạ, chủ quan, tự mãn.

An Dương và Mị Châu để lại cho đời sau một bài học lịch sử đau xót nhưng không bi luỵ. Để xây dựng nước nhà, đoàn kết nội bộ, chống ngoại xâm thắng lợi, không nên ỷ vào vũ khí, vào phòng ngự, dù là nỏ quí thành cao, mà phải luôn luôn cảnh giác với kẻ thù, phải nghe theo ý dân, lòng dân (mà tướng Cao Lỗ là tiêu biểu). An Dương đã mắc mưu kẻ địch vì quá hiếu hoà, cầu an. Ông đã không dựa vào dân, đã lấy thiên hạ làm của riêng, đã đặt tình gia đình và lợi ích dòng phái lên trên nghĩa quốc gia, lên trên lợi ích dân tộc, gây nên thảm cảnh nước mất nhà tan !

Cái chết của Mị Châu là một hình thức phê phán nghiêm khắc của nhân dân về tội lỗi tầy trời của nàng đối với Tổ quốc, với dân tộc, nhưng nhân dân dành cho Mị Châu lòng thương cảm sâu xa đối với bản chất ngây thơ, trong trắng, với những khát vọng yêu thương chính đáng của người con gái Việt cổ đã lỡ lầm...

Còn vua Thục vì chủ quan, mất cảnh giác nên thất bại, nhưng trước sau vua vẫn là một vị anh hùng dân tộc đã từng lãnh đạo nhân dân Việt cổ đánh Tần đuổi Triệu, lập nên những chiến công oanh liệt. Và trong quan niệm nhân dân, người anh hùng dân tộc không bao giờ chết ; Rùa Vàng đã rẽ nước đưa vua Thục xuống biển Đông nơi mà Bố Rồng, tổ tiên huyền thoại của dân tộc đã đến trước tự nghìn xưa...

_______________________

(1) Theo Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm
(2) Theo sự nghiên cứu của nhà sử học Trần Quốc Vượng
(3) Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, sở Văn hoá thông tin Hà Nội xb, 1970, trang 43 ? 65
(4) Theo Tư Mã Thiên, Sử Ký

(Nguồn: LSVN)​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top