• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Một số đặc điểm nổi bật của ngữ pháp tiếng Việt TK XV - XVI qua một số văn bản Nôm

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Một số đặc điểm nổi bật của ngữ pháp tiếng Việt TK XV - XVI qua một số văn bản Nôm

1. Đặt vấn đề

Trong lĩnh vực nghiên cứu ngữ pháp lịch sử tiếng Việt, rất may là cho đến nay nhờ sự nỗ lực đặc biệt của các nhà Hán Nôm mà ngoài các văn bản thơ, chúng ta đã có trong tay cả một số văn bản Nôm bằng văn xuôi. Những văn bản đó có nội dung phản ánh các tình huống khá đa dạng của đời sống, gần gũi với giao tiếp hiện thực hơn và điều đặc biệt quan trọng, với tính cách là những văn bản hoàn chỉnh, chúng cho phép ta quan sát kỹ hơn, nhiều chiều hơn để phân tích và phát hiện các đặc trưng quan yếu trong ngữ cảnh của hành động phát ngôn, chế định các hiện tượng ngữ pháp và làm thành môi trường sống, môi trường hoạt động thực thụ của nó.

Trong bài này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu một số điểm đáng lưu ý của ngữ pháp tiếng Việt qua một số văn bản Nôm khoảng từ trước sau thế kỷ thứ XV đến khoảng cuối thế kỉ thứ XVI . Dĩ nhiên, đây không phải là một bảng tổng kết đầy đủ, chi tiết các hiện tượng. Chúng tôi chỉ tập trung nêu lên những khía cạnh đáng quan tâm, những khía cạnh xem là tiêu điểm có thể tác động tới chiến lược, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu và cả tới việc giải quyết các hiện tượng khác của hệ thống.

2. Về cú pháp.

2.1.Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, một trong những khía cạnh nổi bật trong tổ chức câu tiếng Việt ở giai đoạn này là hiện tượng tỉnh lược hoạt động rất mạnh. Hiện tượng tỉnh lược vốn đã được ngôn ngữ học chú ý tới từ rất lâu và ngày càng được chú ý tới trong ngữ pháp học hiện đại. Người ta nhận thấy có hai chiến lược:

- Một số ngôn ngữ rất hạn chế tỉnh lược và có xu hướng ngữ pháp hoá cao sự có mặt của các thành tố trong cấu trúc ngữ pháp.

- Trái lại, ở một số ngôn ngữ, hiện tượng tỉnh lược xảy ra mạnh, không bị giới hạn hay rất ít bị giới hạn, vì vậy, cũng có những tác giả coi đó như là một đặc trưng có giá trị loại hình về ngữ pháp.

Trong các văn bản đang bàn, hiện tượng tỉnh lược phổ biến hơn ngày nay rất nhiều và do đó, đối với những người chưa có điều kiện quan sát đủ kỹ hiện tượng này, thường gây những khó khăn đáng kể.

Tỉnh lược có thể diễn ra với những yếu tố trung tâm danh ngữ,
(1) Kính lễ thánh cả trả ơn nặng áng nạ.
Kính lễ chúa trong giáo mầu bụt Thích ca.
Kính lễ Ø làm kinh được thấy bụt.
Kính lễ Ø là bụt đã trả áng nạ ơn.
Kính lễ mẹ cả thánh là Ma Da
Cùng kính lễ Ø xưa hiệu là Quang mục nữ [ PTĐB, tr 142]
(2) Rời bao nhiêu bạn lành, làm bạn gần Ø dữ [ PTĐB, tr 155]

Tỉnh lược bổ ngữ: - Mỗ cáp nay niệm đọc vì chưng hồn áng nạ . Nguyện cho Ø được đi sống trong nước An Lạc [PTĐB, tr 140 ]
(1) Ngươi trình vốn là người con buôn, chẳng biết chữ nghĩa, con gái ấy vì Ø theo lời giải nghĩa ấy [TKMLGÂ, tr 75]
(2) Mẹ chàng cũng lấy cớ nhớ chàng bện bịt bèn nên bệnh. Nàng họ Vũ vì Ø nước thầy, lễ bụt, cầu cốt, khấn quỷ [TKMLGÂ, tr 346].
(3) Đứa kia dắt chưng vợ người đâm chưng con người, dường nào luận quyết? [...] Kẻ đăm chiêu bèn kéo bỏ Ø vào vạc sôi [TKMLGÂ, tr 368].
Tỉnh lược chủ ngữ - chủ đề của mệnh đề :
- Nhà Hán có muôn cỗ xe vậy, ta cũng muôn cỗ xe vậy. Ta chẳng hay diệt nhà Hán, nhà Hán sao lại hay phong tước cho ta vậy vay? Vả ngươi Điền Hoành là một gã con trẻ, còn chẳng tham tước nhà Hán biết hổ mà tự vẫn mà thác, Ø há lấy lộng lộng nghiệp bá nước Sở bèn chịu chưng lễ Lỗ công vậy thay! Ø Tuồng không lấy tước ngôi cùng cho, Ø đền chưng hổ ngày trước, Ø phong cho đất Hán Trung vậy. [TKMLGÂ, tr 30]
- Áng nạ đi lại […]được bánh trái chẳng nỡ lòng ăn, cưu cắp về nhà lấy mà cho con […], mười phen về chín phen được Ø thường muôn vui mừng, một phen chẳng được, Ø làm thơ làm lận [PTĐB, tr 166]
- Vượn già rằng […]. Cái cáo rằng […]. Ø bèn đều hoá làm hai người trượng phu mà đi [TKMLGÂ, tr 238]
Hiện tượng tỉnh lược vị từ rất ít xảy ra. Tuy nhiên, không phải là không gặp:
- Mày nẻo thuở còn mọn, chẳng có tao chẳng ai nuôi, nhưng tao sinh mày, chẳng bằng vốn chẳng Ø [PTĐB, 167]
Có những kiểu tỉnh lược chuyên hoạt động trong một khuôn cấu trúc ổn định, như tỉnh lược yếu tố thứ nhất trong cấu trúc phủ định kép ở phần đề, tạo thành khuôn chăng…là chẳng.
- Nói rồi, kẻ chiêu đăm, chăng Ø là chẳng sụt sùi khóc ra nước mắt [TKMLGÂ, tr 346]
- Vào cửa hầu môn thời nói thác lấy nàng Lục Châu, chê bà họ Vũ thời dối bỏ cho thần hậu thổ. Chăng Ø là chẳng rông lòng nghị sự dối, toát bút cưu lời chê [TKMLGÂ, tr 407]
Hiện tượng tỉnh lược từ hồi chỉ trong những văn bản như vậy, giả định những chiến lược đa nhân tố và biến động theo từng ngữ cảnh cụ thể: tiêu điểm quan tâm; sự phân nhánh chủ đề; logic ngữ nghĩa hay cái khung (frame) chung của đoạn văn, của câu; tri thức nền của người tri giác văn bản…Đây là cả một vấn đề lớn, rất có ý nghĩa, chưa thể nghiên cứu sâu. Song, đó rõ ràng là một trong những biểu hiện của một cơ cấu ngữ pháp thiên dụng học trong cách quan niệm của chúng tôi. Do khuôn khổ có hạn, những điểm liên quan đến cơ cấu ngữ pháp thiên dụng học xin được trình bày trong một dịp khác.

2.2. Hiện tượng đại từ hoá ít nhiều phụ thuộc vào chức năng ngữ pháp còn tác động ở một số phạm vi nhất định. Một ví dụ đơn cử. Ở giai đoạn đang xem xét, “Đấy” còn hoạt động rất mạnh, với tần số rất cao như một đại từ hồi chỉ trung tính, khái quát, không phân biệt về thái độ đối với quy chiếu, về đặc tính người/vật, về số lượng (một hay nhiều đối tượng thuộc phạm vi quy chiếu hiện thực được chỉ). Song, vị trí điển hình, phổ biến của “Đấy” là làm bổ ngữ cho các vị từ, hoặc là làm thành phần phụ trong giới ngữ (xin lưu ý rằng, quan hệ giữa các giới từ hay từ dùng như giới từ với bổ ngữ của nó vốn rất gần gũi với quan hệ động từ - bổ ngữ); đôi khi, làm định ngữ trong một danh ngữ nằm ở phần thuyết. Không bao giờ “đấy” , như một tham tố bắt buộc của vị từ, lại xuất hiện với vai trò chủ ngữ chủ đề. Nghĩa là, không thể có những phát ngôn kiểu: đấy đánh tôi, đấy xinh đẹp hay đấy tôi đọc rồi, đấy ai cũng yêu. Một vài ví dụ:

(1) Liền sông vị mà làm cung, noi trên núi mà làm đường ([…] chất hờn dân […], khơi mỡ dân […]. Ta vì vậy đốt đấy. (= đốt cung [TKMLGÂ, tr 34])
(2) Mé đông, dối nước Tề mà Hãm đói đấy [TKMLGÂ, tr 34] (hãm đói Tề)
(3) Lưỡi cày sắt mà cày đấy (= cày lưỡi trong miệng người) [PTĐB, tr163]
Điều đáng lưu ý là, những yếu tố vốn tương ứng xét về biểu vật, về quy chiếu với một bổ ngữ trong mệnh đề, khi xuất hiện ở vị trí của phần đề, thì phần đề ấy thường được xử lý như một thành phần ngoài mệnh đề.
(1) Chưng nhà Hán thời Ø khen đấy […]
(2) Chưng nhà Sở thời Ø chê đấy […]
Ở phát ngôn (1) “đấy” đồng quy chiếu với “Hán”, ở phát ngôn (2) “đấy” đồng quy chiếu với “Sở”. Nghĩa là, các yếu tố nhà Hán, nhà Sở làm đề trong 2 phát ngôn trên, về cương vị ngữ pháp, được xử lý không phải như một yếu tố bên trong các mệnh đề lấy các vị từ tương ứng (khen, chê) làm trung tâm.

2.3. Phát triển mạnh những yếu tố có công dụng phân giới đề thuyết. Việc khai thác các phương tiện khác nhau gắn với phân giới đề thuyết, theo chúng tôi, là nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của tổ chức diễn ngôn, đưa đề thuyết vào không gian giao tiếp, không gian của những quan hệ tình thái và ngữ dụng. Nếu có những ngôn ngữ ở đó người ta sử dụng một tác tử hình thức mang tính ngữ pháp hoá cao, thì xu hướng phát triển chung ổn định của tiếng Việt đã thấy ngay từ giai đoạn này, là sự quan tâm của người Việt đến việc phản ánh những đặc trưng đa dạng của ngữ cảnh. Và, những phương tiện như vậy thường chỉ được sử dụng khi cần nêu bật những đặc trưng tình thái. Đáng lưu ý, ngoài thời (thì), ở giai đoạn này tiếng Việt thường sử dụng một loạt yếu tố vốn thuộc phạm vi chỉ xuất: ấy, vậy, bây... vào vai trò này.
“Vậy”, khi đứng ở ranh giới đề thuyết, thực hiện vai trò của một yếu tố khứ chỉ. Nó nhấn mạnh vào phần thuyết. Thường thì, đó là điều có gì đó ít nhiều ngoài chờ đợi, đáng lưu ý; người nói khẳng định và sự cam kết, khẳng định của người nói, dường như được tách biệt ra, được láy lại .
- Một chốc nháy thở mà còn mất liền ghê. Một chốc phập phò thì được thua liền phân. Mà người Tống nghĩa vậy dung dằng, nhút nhát mà chờ chưng giặc khi mỏi, đoái trông dầm dề mặc trở chưng quân khi tiến [TKMLGÂ, tr 33].
- Nay vậy cha lấy lời thẳng thấy nỗi ghen ghét, chẳng dung ở chốn khu yếu [TKMLGÂ, tr 49]
- Theo thời vậy, dễ nào hơn [Nguyễn Trãi, QATT]
- Đêm ấy, điểm mây vén dấu một màu biếc muôn khoảnh (sông Ngân hà ở giữa trời, ngôi tinh tú tỏ bằng ngày…) [TKMLGÂ, tr 144]

“Ấy” là yếu tố chỉ định, hồi chỉ. Khi tham gia vào phân giới đề - thuyết, nó là một yếu tố nêu bật, nhấn mạnh phần đề. Tiêu điểm quan tâm của người nói thường không phải là quy chiếu, đơn nhất cụ thể, mà là cái nội dung quan niệm, là những đặc trưng điển hình có tác dụng tách biệt các lớp, các kiểu hoàn cảnh hay đối tượng . Đôi khi, có thể kèm theo những sắc thái tình thái tất yếu, hay những sắc thái của đồng nhất.

- Kẻ làm trượng phu ấy, chớ khiến người lành đến nỗi ấy vậy thay [TKMLGÂ, tr 352]
- Sự ngờ ấy chỉn giống, khôn biết mà dễ hoặc [TKMLGÂ, tr 352].

2.4. Nói chung, ở giai đoạn này, các phương tiện để tổ chức các vai trò ngữ nghĩa, để biểu hiện một số ý nghĩa quan hệ trong câu đã phát triển mạnh; các giới từ, hay từ dùng như giới từ đã khá phong phú. Chẳng hạn, yếu tố trỏ người nhận hay kẻ hưởng lợi: cho; các yếu tố chỉ đích, vị trí, hướng: ra, vào, lên, xuống, trong, ngoài, gần, cạnh, dưới, trên; yếu tố chỉ điểm xuất phát của không gian, thời gian: bởi, từ; yếu tố trỏ quan hệ so sánh: bằng, tựa,như, hơn, dường... v.v.

Đi vào cụ thể cũng có nhiều chi tiết cần nghiên cứu sâu thêm. Song đó không phải là mục đích của bài này. Ở đây cần lưu ý đến hai khía cạnh.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn phạm vi hoạt động của các yếu tố loại này, phát hiện những nét riêng trong phạm vi hoạt động, trong cách tri giác và phạm trù hoá hiện thực, trong khả năng kết hợp gắn với những nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, “bởi” , với ý nghĩa chỉ điểm xuất phát, chủ yếu dùng với ý nghĩa không gian; trong khi đó “từ” (“tự”) chủ yếu dùng với ý nghĩa thời gian ... Thêm nữa, nó có thể trực tiếp đứng trước mệnh đề (kiểu: “Từ quan ấy để đời”). Thứ hai, do sự phát triển mạnh của các phương tiện đó, một vài yếu tố mà trước đây rất có thể chiếm một vai trò quan trọng trong việc biểu hiện các ý nghĩa quan hệ, thì nay vai trò đó đang ở thế lùi dần, nhường bước cho các chức năng thiên dụng học, để rồi sau mất hẳn. “Chưng” là một yếu tố như vậy. Ở giai đoạn này, vai trò của “chưng” trong việc biểu hiện các ý nghĩa quan hệ có phần mơ hồ, mặc dù đây là một yếu tố mà tần số sử dụng rất cao. Ở nhiều văn bản, nó chiếm vị trí của những yếu tố có tần số sử dụng hàng đầu. Các ngữ cảnh ở đó, vai trò của nó như một yếu tố nhấn mạnh đang dần chiếm ưu thế. Trong vai trò đó, “chưng” được dùng để nêu bật những thông tin mới, thông tin quan trọng nằm ở tiêu điểm thông báo, nêu bật sự so sánh tương phản hay ở chỗ cần lưu ý và tách biệt, một yếu tố nào đó do có thể gây mơ hồ về quan hệ ngữ pháp...

(1) Hai người đã cùng được, buông lòng rông sự dục. Chẳng khác bằng mưa dầm chưng khi hạn, cái điệp chưng gặp xuân [166]
(2) Trên bộ chớ dung chưng xe vuông bánh. Dưới thuỷ chớ cùng chưng hiểm song dài [384]
(3) Hỏi thửa sự lại vậy, thời thấy đưa cho chưng trà. Hỏi thửa sự lại vậy, thời thấy đưa cho chưng rượu...Cả mất thửa lòng trông [310]

Ở (1) chưng dùng nêu bật mức độ của sự thoả mãn buông thả. Cái quan trọng, cái quyết định lôgic của lập luận, không phải là mưa dầm mà là mưa dầm đúng vào cái lúc đương hạn hán, là điệp lại gặp chính mùa xuân (chứ không phải là mùa nào khác)

Ở (3) cái bất ngờ, làm nản lòng người ta ấy là ở chỗ, cái mà người ta nhận được trên thực tế chính là trà, là rượu chứ không phải cái mà người ta đang khao khát mong chờ. Quan sát thêm một ví dụ:

Nàng Hân than tuy ở cõi sạch, song thói cũ còn như ngày trước. Hằng khi lên thượng đường, mặc chưng áo giao tiêu, duổi chưng quần nhã la, phô chưng giồi dáng trong ang. Cõi dục đã gần, máy thiền dễ động, bèn cùng đấy tư thông vậy [TKMLGÂ, tr166]

Các liên từ và từ dùng như liên từ ở giai đoạn này cũng đã phát triển khá phong phú. Có thể nhận thấy một số khía cạnh đáng lưu ý.

(1) Các liên từ chính phụ, liên kết các vế câu nhiều hơn liên từ liên hợp.
(2) Các yếu tố dẫn nhập điều kiện giả thiết và nguyên nhân, hệ quả đặc biệt phong phú: hễ, bằng, dẫu, khiến, hoặc, dẫu hoặc…; bởi, nhân; bởi chưng v.v.
3.Ít nhất trong khuôn khổ tư liệu chúng tôi có được thì không thấy những liên từ gắn với phủ nhận siêu ngôn ngữ, kiểu: A chứ không B, không phải A mà là B.
4.Ở phạm vi danh từ, nổi lên mấy khía cạnh đáng lưu ý:
4.1. Các từ đơn vị khái quát mà ngôn ngữ học thường gọi là loại từ trong giai đoạn này, có lẽ vẫn còn đang trên đường xác lập vị trí ổn định của nó. Do đó, chúng được sử dụng không nhiều so với hiện nay và rõ ràng còn có những chuệch choạc. Không phải chỉ trong thơ nơi có thể nghĩ đến một áp lực nào đó của vần điệu mà cả trong văn xuôi ta cũng thấy một tình trạng kém tính hệ thống về mặt phân bố của các yếu tố này. Quan sát các ví dụ:
(1) - Chẳng thể rút một .. lông vậy thay [TKMLGÂ]
(2) - Chống một cày [NT, QATT]
(3) - Uống tạn tám hộc tư đấu giọt sữa nạ [PTĐB, tr149]
(4)-Trước có rắn dài mười trượng, vảy biếc mũ đỏ nổi mà dời đi bên Bắc [TKMLGÂ, tr 151]


4.2.Những đối lập về số có lẽ chưa hình thành rõ nét và ổn định, chưa có được những phát triển mang tính ngữ pháp hoá cao. “Những, các” hầu như chưa được sử dụng vào chức năng này. Ở một số ngữ cảnh khi cần chỉ một số phức xác định, ta thấy dùng “phô”, nhưng tính chuyên biệt của yếu tố này rất kém, dường như chỉ chủ yếu sử dụng với danh từ chỉ người, và trong trường hợp hãn hữu, với những cái mà trong thế giới thể loại diễn ngôn nhất định, được quan niệm như người; thêm nữa, “Từ điển từ cổ” của Vương Lộc còn cho ta những ví dụ thuộc giai đoạn sau, trong đó vai trò chỉ tố về số phức mang tính ngữ pháp của “phô” ít nhiều đáng ngờ [“còn gọi phô ấy là con trẻ” (TĐTC, tr 134)] . Cũng có khi ta thấy dùng “mọi” và một số yếu tố chỉ lượng khác nhưng những cách dùng này cũng không phổ biến đồng đều ở các văn bản:
- Nhắc nhở phô bay cùng cái con [NT, QATT]
- Về nhà cùng mọi con [TKMLGA]
- Mà chưng sau mới nên bụt bao nhiêu bồ tát ấy [PTĐB, tr143]

4.3.Giới từ “của” vốn là yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển độ dài của một số thành phần hạn định, và trong việc phát triển tuyến ngữ nghĩa danh hoá sự kiện, chưa hình thành; thêm vào đó “sự”, yếu tố khái quát, tham gia vào tuyến danh hoá này, hoạt động chưa mạnh.

4.4.Dĩ nhiên còn có thể nói thêm nhiều khía cạnh khác liên quan đến bộ mặt sự phát triển của danh ngữ. Song 3 nhân tố trên đây có thể coi là đặc biệt quan trọng. chúng tác động đến hàng loạt các nhân tố khác, thể hiện một tình trạng mâu thuẫn bên trong của vận động khá phức tạp, cần phải có thời gian và sự nghiên cứu công phu thấu đáo hơn nữa mới có thể thấy hết. Chẳng hạn, vì sao yếu tố lượng hoá “thay thảy” rất ít đi trong danh ngữ; vì sao “thửa” được sử dụng nhiều, những cách dùng, những cấu trúc mang rõ nét vay mượn của nó và cả những giới hạn của nó có liên quan mặt này mặt khác đến tình hình trên đây ra sao v.v… còn chưa được nghiên cứu thấu đáo.

5. Trong phạm vi vị từ và các ý nghĩa gắn với vị từ, có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
5.1. Ở giai đoạn này còn khá phổ biến những vị từ có hai nghĩa trạng thái – gây khiến, phân biệt với nhau nhờ ngữ cảnh: (ý nghĩa – khiên động - được biểu hiện…)

Hại ở trạng thái bị tổn hại, thiệt hại
làm cho bị tổn hại, thiệt hại.
Rộng có kích thước bề mặt lớn (vượt chuẩn nào đó)
làm cho có kích thước bề mặt lớn, vượt chuẩn
Yên ở trạng thái không có gì xáo trộn, lộn xộn
làm cho ở trạng thái yên…
Hoặc ở trạng thái tin tưởng một cách u mê, lầm lẫn.
làm cho ở trạng thái tin tưởng một cách u mê lầm lẫn.
Mặc ở trạng thái tự do, thoải mái, không có cản trở
để cho được tuỳ ý tự do hành động

5.2.Điều nổi bật dễ nhận thấy là các vị từ tình thái và hiện tượng tình thái hoá trên đà phát triển mạnh. Đặc biệt mạnh là các nhóm:

a. Tính tất yếu: sá, tua, hợp, lọ
b. Khả năng: khả, hay, kham, khôn
c. Mong muốn: muốn, khát
d. Những tình thái gắn với chiến lược lựa chọn giải pháp và ứng xử, xét trong mối liên hệ đa dạng với đánh giá và dòng vận động nhân quả giữa các sự kiện, giữa các thế giới khả năng: quản, thà, thấy, nỡ, luống, cam, phải, được, khứng, thông, bèn, xảy...
Các yếu tố tình thái đó đang chờ đợi sự phân tích thấu đáo, chi tiết hơn của cú pháp ngữ nghĩa vì nhiều lí do.
Thứ nhất, đây là một mảng quan trọng của ngữ pháp, nhất là ngữ pháp có quan tâm đến bình diện chức năng.
Thứ hai, nhiều yếu tố trong hệ thống đó ngày nay không còn dùng nữa, hoặc đã ít dùng và giá trị ngữ nghĩa đích thực của chúng chưa được phát hiện đầy đủ.
Thứ ba, đây cũng chính là một trong những mảng ẩn chứa nhiều khía cạnh có giá trị phân tích về nội dung quan niệm (bức tranh thế giới được phản ánh); về những qui luật trong tình thái và tình thái hoá mà ngữ pháp lịch sử có thể góp phần soi sáng. Chẳng hạn, “thà” ở giai đoạn này thể hiện rất rõ vai trò là một vị từ tình thái, có cả hai dạng khẳng định và phủ định. Điều đó cho thấy những cách dùng trong đó “chẳng thà” tương đương với “thà” chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn hơn. “Muốn” có thể kết hợp với “hầu” để tạo thành một kết cấu (hiểu theo nghĩa của Fillmore) để thể hiện ý nghĩa như “toan”, “định” v.v.

5.3. Các tình thái khác liên quan đến phủ định, thời, thể quây quần xung quanh vị từ ở giai đoạn này cũng đã phát triển mạnh. Trong đó, các ý nghĩa liên quan đến tình thái - thể (đã, đang (đương), vừa, mới...) có thể nói đã được sử dụng rộng rãi, đi vào thế ổn định. Trong khi đó, “sẽ” có lẽ chỉ mới xuất hiện chưa lâu. Số lần xuất hiện quá ít ỏi, gần như không đáng kể (trong QATT , trong PTĐB không thấy yếu tố này; trong TKMLGÂ mới chỉ thấy xuất hiện 3 lần và đều liên quan đến những hứa hẹn, cam kết, thuyết phục).

Điều đó khiến ta có thể nghĩ rằng, tiếng Việt sớm quan tâm mạnh đến các yếu tố tình thái thể hoạt động như những tác tử giao tiếp - diễn ngôn, phụ thuộc nhiều vào ý đồ giao tiếp, vào sự lựa chọn chủ quan của người nói trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể chứ không phải như là những đối lập ngữ pháp chặt chẽ và bắt buộc theo nghĩa hẹp.

Ở giai đoạn này, xu hướng sử dụng nhiều yếu tố phủ định cũng đã được khẳng định. Trong đó:
(1) Chẳng, chăng: tương đương với không, chẳng hiện nay, được sử dụng rộng rãi như là yếu tố phủ định đơn thuần.
(2) Chửa: tương đương với chưa, chửa hiện nay, là yếu tố phủ định gắn với thể.
(3) Mựa, chớ: là những yếu tố phủ định gắn với mong muốn, ý chí. Tư liệu cho thấy “mựa” chỉ được dùng trong câu có ý nghĩa cầu khiến, ngăn cản. Người nói mong muốn và ngăn cản người nghe không thực hiện hành động. Và có lẽ, vào khoảng cuối thế kỷ 16, nó đã ở vào tình trạng đang lùi bước dần cho “chớ”. Thêm nữa, cũng cần tiếp tục thu thập tư liệu để xét xem, phải chăng “mựa” là một yếu tố có đánh dấu về phong cách? Phải chăng, nó chủ yếu được sử dụng trong thơ và trong văn xuôi ở những chỗ mà phong cách diễn đạt không gần với khẩu ngữ? “Chớ” có thể được dùng với nghĩa cầu khiến. Nó cũng có thể được dùng với ý nghĩa phủ định, gần như “chẳng”, nhưng nhấn mạnh sắc thái ý chí của chủ thể hành động. Chủ thể nhất định không thực hiện hay từ bỏ ý đồ thực hiện hành động trên cơ sở nhận thức nào đó.
(4) Không: ở giai đoạn này chỉ được sử dụng rất hạn chế và còn gần với một vị từ trạng thái, gắn với tồn tại trong lối nói kiểu: không mũ, không người, túi không tiền. Nghĩa là, con đường ngữ pháp hoá để trở thành một yếu tố phủ định thực thụ như hiện nay mới chỉ đi được những bước khởi đầu.
6.Có lẽ cũng cần lưu ý riêng đến phạm vi các đại từ, hoặc từ dùng như đại từ. Do ý nghĩa quan trọng đặc biệt của nó đối với ngôn ngữ và với ngôn ngữ học, kể cả trong việc nghiên cứu một trạng thái ngôn ngữ, lẫn việc nghiên cứu sự diễn tiến của ngôn ngữ và những khía cạnh của lý luận đại cương mà hiện tượng này đặt ra. Hệ thống chỉ xuất ở giai đoạn đang xem xét có rất nhiều yếu tố. Nhiệm vụ đặt ra là, một mặt, cần tiếp tục điều tra tư liệu để miêu tả cách dùng của những yếu tố ngày nay không còn dùng nữa hoặc cách dùng đã có những biến động nhiều: min, nô, nghỉ, đấy… Mặt khác, cần đặc biệt quan tâm xem xét tới những khía cạnh trực tiếp liên quan tới tổ chức, cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng của phát ngôn. Chẳng hạn, mối liên hệ của đại từ với thành phần câu, mối liên hệ của đại từ phản thân, hồi chỉ và chức năng nhấn mạnh (emphase). Trường hợp từ “đấy” mà chúng tôi đã phân tích qua ở trên chỉ là một biểu hiện của điều vừa nói, cho thấy cần mở rộng hơn phạm vi những vấn đề đặt ra cho lĩnh vực này, nếu ta muốn phát hiện những nhân tố quan trọng vượt ra ngoài cách xem xét hẹp quen thuộc.
Cũng cần xem xét đến những tổ hợp kiểu: chúng + đại từ. Phải chăng việc sử dụng chúng gắn với ý nghĩa số phức còn liên hệ chặt chẽ với ý nghĩa của chúng như là danh từ (tương đương gần với lối nói kiểu lũ tôi, bọn tôi, bọn mày, bọn họ, ngày nay…); thêm nữa, hầu như không thấy xuất hiện từ họ với ý nghĩa ngôi thứ 3 số nhiều. Tính chất chưa ổn định và chưa ngữ pháp hoá cao đặc trưng về số phức ở đại từ phải chẳng có liên hệ nhất định với tình trạng chưa thực sự ổn định, chưa có tính ngữ pháp hoá cao của ý nghĩa số phức ở danh từ.

Tài liệu tham khảo

1.Từ điển Việt-Bồ -La, của A. de Rhodes (Roma 1651). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch. Nxb KHXH 1991.
2.Vương Lộc : Từ điển từ cổ. Nxb Đà Nẵng, 2002.
3.Truyền kì mạn lục giải âm. Nguyễn Quang Hồng phiên âm và chú giải. Nxb KHXH, 2001.
4.Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Trong « Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh » (Hoàng Thị Ngọ). Nxb KHXH, 1999.
5.Quốc âm thi tập. In trong « Nguyễn Trãi toàn tập ». Nxb KHXH, 1976.

Tác giả: Lê Đông - Văn Hóa Nghệ An


 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top