4 trận bão nhiệt đới, 2 trận động đất mạnh kèm theo sóng thần, tất cả đều xảy ra ở quanh khu vực Tây Thái Bình Dương và Nam Á chỉ trong vòng có 24 giờ. Vậy chúng có liên quan đến nhau?
Theo nhà khí tượng học, kiêm nhà sản xuất chương trình thời tiết của hãng thông tấn CNN Brandon Miller, những hiện tượng trên rõ ràng là không phải không có tiền lệ. “Tháng 9 biểu trưng cho đỉnh điểm của hoạt động ở các vùng nhiệt đới khắp thế giới. Bản thân vùng Tây Thái Bình Dương mỗi năm phải hứng chịu nhiều trận bão nhiệt đới hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính vì vậy mà việc có tới tận 4 trận bão ập đến khu vực vào cùng một thời điểm không có gì khác thường”, ông nhận xét.
Có lẽ điều đáng chú ý ở đây là 2 trận động đất lớn, một trận 8,3 độ gần Samoa ngày 29/9 và tiếp theo đó là một trận động đất 7,6 độ richter ở tây Indonesia.
Hình ảnh sóng thần tiến vào sân bay quốc tế Tafuna, thủ phủ Pago Pago, American Samoa, ngày 29/9.
Tâm chấn của 2 trận động đất này nằm cách nhau 7.600km, nhưng Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ đã từ chối cho biết liệu chúng có liên quan gì đến nhau hay không.
Ông Miller cho hay: “Chúng tôi chỉ thấy trung bình có khoảng từ 5-10 trận động đất với cường độ kiểu này trên toàn cầu mỗi năm. Vì vậy 2 trận động đất xảy ra trên cùng một khu vực trong vòng có 18 tiếng đồng hồ có vẻ như khá trùng hợp”.
Trái đất được bao phủ bởi những mảng kiến tạo khá mỏng, tạo nên lớp vỏ bên ngoài của trái đất – còn được gọi là thạch quyển. Tất cả những mảng kiến tạo này đều liên kết với nhau và liên tục chuyển động, tạo ra áp lực dọc các đường ranh giới giữa chúng. Động đất xảy ra khi áp lực này đạt tới đỉnh điểm nguy hiểm, giống như một sợi dây cao su khi bị kéo tới điểm giới hạn sẽ bị đứt.
“Đó có vẻ như là lý do khiến một trận động đất lớn ở một địa điểm có thể tạo ra thêm lực cần thiết cho một địa điểm khác gần đó, kéo sợi dây cao su tới điểm đứt, gây ra một trận động đất khác nữa”, ông Miller giải thích.
Khu vực xảy ra 2 trận động đất mạnh liên tiếp trong vòng 24 giờ.
Một điều khó hiểu nữa là: Cả hai trận động đất này đều xảy ra ở dọc những điểm cuối đối diện nhau của cùng một mảng kiến tạo, mảng Úc. Mảng kiến tạo Úc này giáp giới với mảng Thái Bình Dương về phía đông (trận động đất ở Samoa xảy ra dọc đường biên này) trong khi ở phía tây, nó giáp với mảng Á – Âu.
Rất nhiều mảng kiến tạo này bao quanh lòng chảo Thái Bình Dương, tạo nên một vòng cung động đất, núi lửa, được biết đến là “Vành đai lửa”. Vành đai này thực chất có hình vành móng ngựa rộng 40.000km, nơi “quy tụ” hầu hết các hoạt động núi lửa của trái đất ở trên mực nước biển và hầu hết các trận động đất của thế giới.
Vậy trận động đất ở Samoa có giúp thúc đẩy động đất ở Indonesia?
“Chúng tôi không thể nói chắc chắn, nhưng có vẻ điều đó rất có lý”, Miller nhận xét.
“Các nhà khoa học chắc chắn sẽ nguyên cứu những điều này và cố gắng tìm mối liên hệ có thể xâu chuỗi chúng với nhau, với một đích cuối cùng là một ngày nào đó có thể đưa ra được cảnh báo trước các trận động đất chết người như thế này”.
Số người thiệt mạng trong 2 trận động đất mới đây của Indonesia có thể lên tới hàng ngàn.
Trận động đất lớn nhất từng đo được là trận động đất mạnh 9,5 độ richter xảy ra trong vành đai dọc bờ biển Chile. Sau đó nó đã tạo ra sóng thần giết chết khoảng 2.000 người trước khi “toả ra” làm 61 người ở Hawaii và 122 người ở Nhật Bản thiệt mạng.
Hồi tháng 12/2004, trận động đất đo được ít nhất là 9 độ richter đã làm rung chuyển bờ biển phía bắc đảo Sumatra, Indonesia, gây ra một trận sóng thần khủng khiếp ở Ấn Độ Dương, khiến hơn 200.000 người ở 11 quốc gia thiệt mạng. Sức tàn phá của nó đối với Indonesia, Thái Lan và Sri Lanka là vô cùng thảm khốc.
Trong khi đó, đợt phun trào núi lửa khủng khiếp nhất trong lịch sử gần đây là ở Krakatoa, Indonesia vào tháng 8/1883. Nó đã gây ra sóng thần cao tới 40m, ập vào các hòn đảo gần đó, phá huỷ hàng trăm làng mạc, giết chết hàng chục ngàn người.
Phan Anh - Dân trí (Theo CNN)