Một góc nhỏ văn chương Hồ Anh Thái

small star

Moderator
Xu
94
Trong sương hồng hiện ra, một tuyển tập đáng chú ý trong sự nghiệp văn xuôi của Hồ Anh Thái, là cuốn thứ bảy thuộc bộ sưu tập văn học Việt Nam trong thập kỷ này, và có lẽ là tuyển tập đặc sắc nhất", báo chí Thụy Điển giới thiệu về tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái.

Tuyển tập Trong sương hồng hiện ra (Bakom den Roda Dimman) của nhà văn Hồ Anh Thái thuộc bộ sách văn học Việt Nam do nhà xuất bản Tranan tuyển chọn và dịch, nhằm giới thiệu với độc giả Thụy Điển về nền văn học Việt Nam còn ít được biết đến trên đất nước Bắc Âu. Lấy tên một tiểu thuyết làm tên chung, tuyển tập Trong sương hồng hiện ra còn bao gồm tám truyện ngắn của Hồ Anh Thái: Cuộc săn đuổi; Mảnh vỡ của đàn ông; Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ; Vẫn tin vào chuyện thần tiên; Mây mưa mau tạnh và ba truyện ngắn lấy đề tài Ấn Độ: Người đứng một chân, Người Ấn, Lá quốc thư. Cuốn sách phát hành vào dịp cuối năm 2007 tại Hội chợ Sách Quốc tế Gothenburg và đã nhận được dư luận tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về những tác phẩm được chọn vào tuyển tập, lời giới thiệu của cuốn sách nhan đề Góc nhỏ trong thế giới văn xuôi của Hồ Anh Thái có đoạn viết: "Trong sương hồng hiện ra là cuốn tiểu thuyết được Hồ Anh Thái cho ra mắt vào năm 1989, ở giữa khoảng thời gian 1986-1992, giai đoạn vẫn được coi là cao trào của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ở giai đoạn này, các nhà văn Việt Nam hào hứng sáng tác với tâm thế của người được “cởi trói”, cởi trói về quan điểm xã hội, cởi trói về quan điểm nghệ thuật. Từ một “khung cửa hẹp”, có thể nói rằng trọng tâm trong cảm hứng hướng về hiện thực của nhà văn Việt Nam thời kỳ đổi mới chính là những góc khuất, những mặt trái của đời sống xã hội - những điều mà trước đổi mới họ không nhận ra, hoặc nhận ra nhưng không thể nói ra. Bây giờ thì họ lên tiếng, mỗi người một giọng, tạo nên sự đa âm thay thế cho sự đơn âm vốn thống ngự vững chắc trong văn học Việt Nam suốt từ 1945 đến 1975 (theo hai biến tấu cơ bản: hào hứng ngợi ca và trữ tình lãng mạn).
abandich.jpg

Bản dịch tiếng Thụy Điển cuốn sách của Hồ Anh Thái.
Bản dịch tiếng Thụy Điển cuốn sách của Hồ Anh Thái.

Với tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, Hồ Anh Thái đã làm được một sự khác - trên mặt bằng văn học đương thời. Trước hết là một cốt truyện lạ, đầy chất huyễn tưởng (fantasy), một thứ của hiếm trong văn xuôi lúc bấy giờ: trong cơn hôn mê cận kề cái chết (do bị điện giật), nhân vật chính của tiểu thuyết đã từ năm 1987 ngược thời gian trở lại với năm 1967, khi anh ta còn chưa ra đời! Ở đó, anh ta gặp bà nội, bà ngoại, cha mẹ và những người hàng xóm trong bối cảnh Hà Nội đang còn chịu bom đạn chiến tranh. Tất cả đều trẻ hơn hai mươi tuổi so với chính họ ở thời điểm bắt đầu chuyện kể. Và họ sống hồn nhiên hơn, cởi mở hơn, đối xử với nhau thân ái hơn so với hai mươi năm sau. Tính luận đề của tác phẩm được bật ra từ chính điểm này: qua cặp mắt trong trẻo của chàng trai mười bảy tuổi, tấm màn quá khứ được vén lên. Ở đây, từ bản thân các chi tiết được tác giả chủ ý cài cắm vào cốt truyện là một triết luận về thời gian: quá khứ - hiện tại - tương lai là những thì nối liền với nhau một cách biện chứng. Đưa nhân vật của mình trở lại với 20 năm trước, Hồ Anh Thái đã làm được một cuộc mổ xẻ quá khứ và góp lời giải cho những băn khoăn trước thực tại của con người thời đổi mới. Đặt trong mạch cảm hứng của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới, Trong sương hồng hiện ra của Hồ Anh Thái đã tạo được một lối đi khác lạ, độc đáo và có chiều sâu".

Người đàn bà góa là mảnh vỡ của người đàn ông đã mất. Người thì cam chịu số kiếp của một mảnh vỡ, âm thầm ở nơi riêng khuất, dù vẫn dai dẳng một ước mong tìm được những mảnh vỡ khác để hàn gắn lại. Người thì làm những mảnh vỡ lăn lê ra đường đi lối lại mà đâm mà cứa vào những bàn chân may mắn, trả thù cho số phận hẩm hiu của mình”. Ý nghĩa luận đề của truyện ngắn Mảnh vỡ của đàn ông được cô đặc trong đoạn bình luận ngoài cốt truyện này. Và nó cũng toát lên từ số phận của hai người đàn bà góa có liên quan đến nhân vật xưng Tôi trong truyện - bà mẹ và chị hàng xóm tên Thạch. Hai người đàn bà thuộc hai thế hệ khác nhau, hai cách ứng xử không giống nhau trước phận góa, nhưng cuộc đời họ cùng chung một chữ khổ. Giọng điệu văn xuôi Hồ Anh Thái thấm đượm sự bùi ngùi, xót xa, sự cảm thông và chia sẻ. Tình cảm ấy xuất phát từ khả năng “đọc” một cách thấu triệt những diễn biến tinh tế trong đời sống tâm lý con người. Nhưng cũng chính ở truyện ngắn này, dù thấp thoáng, Hồ Anh Thái bắt đầu cho thấy cái dấu hiệu sẽ trở thành cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của ông ở giai đoạn sau: không ảo tưởng, thậm chí rất ít hy vọng ở con người. Hãy đọc kỹ đoạn kết truyện: nhân vật Tôi nỗ lực gồng mình lên, tự thôi miên mình vào vai trò người đảm bảo cho sự yên ấm gia đình, “thế mà tôi vẫn canh cánh không yên, lo đến ngày chị Thạch trở về”. Nỗi lo ở đây là sự phơi lộ bản tính bất quyết của con người. Chẳng có gì chắc chắn cả, mọi giá trị, mọi quy phạm đạo đức đều mong manh.

Và thực tế là trong giai đoạn từ 1995 đến nay, văn xuôi Hồ Anh Thái đã đi theo một kênh khác, khác hẳn giai đoạn đầu. Bốn truyện ngắn Lá quốc thư; Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ; Vẫn tin vào chuyện thần tiên; Mây mưa mau tạnh là những ví dụ. Sự trong sáng, đôn hậu trước đây đã tạm ngưng, nhường chỗ cho một giọng điệu giễu cợt, trào lộng, châm biếm sâu cay, không nương nhẹ. Ở series truyện ngắn loại này, biệt tài của Hồ Anh Thái trước hết là việc tạo được những tình huống “khác người”. Đó có thể là tình huống hoàn toàn phi lý (một người Việt biến thành người Mỹ sau một đêm thức dậy - Vẫn tin vào chuyện thần tiên), hay hơi khó tin (một ông đại sứ không có cách nào trình được quốc thư của tổng thống nước mình lên tổng thống nước bạn - Lá quốc thư), hoặc đầy tính hiện thực (ba cô sinh viên trường điện ảnh đi đóng phim rồi phải đóng luôn các vai diễn trong đời thực - Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ; anh nhân viên bắt bồ với con gái của sếp cũ để trả đũa vì bị trù dập - Mây mưa mau tạnh), nhưng điều đáng nói ở chỗ, những tình huống này đã không còn có chức năng của những “khoảnh khắc truyện ngắn” theo kiểu cổ điển. Đến đây thì Hồ Anh Thái lại cho thấy biệt tài kế tiếp của ông: phát hiện cái lố bịch trong đời sống, khai thác phương diện gây cười của nó để khéo đưa vào tuyến vận động của cốt truyện.

Với gần ba mươi tiểu thuyết và tập truyện ngắn đã xuất bản, phần lớn trong đó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn sung sức nhất và được đón đọc nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông viết văn như một thứ lao động nghiêm ngặt, ông chăm chút cho từng câu chữ với tinh thần không chấp nhận cái gì sẵn có, không thụ động chờ đợi cái mà rất nhiều nhà văn khác vẫn quen gọi là cảm hứng. Một tiểu thuyết và tám truyện ngắn trong tập sách này chỉ là một góc nhỏ trong sự nghiệp văn xuôi của Hồ Anh Thái...”

Về dư luận báo chí, xin trích giới thiệu bài báo của Jan Arnald, đăng trên tờ Nhật báo Tin tức, tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất của Thụy Điển, ngày 7/11/2007: ”Nếu không nhờ sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Thụy Điển và Việt Nam, do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Thụy Điển hỗ trợ, chúng ta khó mà có dịp làm quen với nền văn học Việt Nam. Bên cạnh công trình giới thiệu với độc giả Việt Nam các tác gia Thụy Điển đương đại như Kerstin Ekman và Agneta Pleijel, chúng ta còn được biết đến một loạt tác phẩm Việt Nam qua sự nỗ lực của Tranan, một nhà xuất bản đã giới thiệu về nhiều nền văn hóa. Trong sương hồng hiện ra, một tuyển tập đáng chú ý trong sự nghiệp văn xuôi của Hồ Anh Thái, là cuốn thứ bảy thuộc bộ sưu tập văn học Việt Nam trong thập kỷ này, và có lẽ là tuyển tập đặc sắc nhất.

Rõ ràng để đánh giá một nền văn hóa khác về cơ bản với nền văn hóa của riêng mình là hết sức khó khăn. Dù vậy, nhà xuất bản Tranan đã lựa chọn phương pháp tối ưu (bởi vì cũng giống như với nhiều ngôn ngữ khác, thiếu những dịch giả dịch trực tiếp từ ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Thụy Điển). Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Thụy Điển của Jan Ristarp đã được Mimmi Diệu Hường, người Thụy Điển gốc Việt, đối chiếu với bản gốc. Kết quả là bản dịch đã mang đến một sự cảm thụ tuyệt vời bằng tiếng Thụy Điển.

Hồ Anh Thái thực sự thành công trong việc kết hợp đặc điểm truyền thống, hình thức tự sự bằng ngôn ngữ, xen lẫn với ảnh hưởng phương Tây, ở liều lượng cân đối, từ lối kể chuyện rất gần gũi, giản dị đến những thiên trường ca siêu thực, nhẹ nhàng. Trong sương hồng hiện ra là nhan đề cuốn tiểu thuyết chiếm hơn một nửa số trang trong tuyển tập, còn lại là tám truyện ngắn ở các thời kỳ khác nhau trong sự nghiệp sáng tác đa dạng của Hồ Anh Thái.

Khi nói về 'văn học hậu chiến', người Việt Nam đề cập một lĩnh vực hoàn toàn khác, mặc dù ngược lại, khái niệm này cũng rất giống với quan niệm của chúng ta. Dòng văn học xuất hiện sau chiến tranh - nhất là thời kỳ miền bắc và miền nam Việt Nam thống nhất lại - có nét khác biệt rõ rệt so với thời kỳ trước. Đó là khi nhà nước bắt đầu một thời kỳ đổi mới trong văn học của đất nước, từ năm 1986 đến 1992.

Tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra được viết vào thời kỳ này, hay đúng hơn là vào năm 1989, và được ghi nhận là một tác phẩm đáng chú ý của nền văn học Việt Nam sau chiến tranh. Chàng trai can đảm tên là Tân bị điện giật hai lần khi một tòa nhà bị sụt vỡ năm 1987 và bị hôn mê. Chính vào lúc đó, anh ta đi xuyên thời gian, trở về với năm 1967, về lại căn hộ của bà nội và cha mình, thời điểm vài năm trước khi anh được sinh ra, đúng vào giữa thời kỳ chiến tranh mà anh ta chỉ được nghe kể.

Một cuốn tiểu thuyết đầy sức sống, hóm hỉnh và chắc chắn về phong cách, miêu tả một thế hệ sau chiến tranh được thâm nhập vào cái bí ẩn của cuộc chiến, điều mà nhân vật trẻ tuổi chỉ có cơ hội trải nghiệm chút ít như một bức tranh lý tưởng hóa về chiến tranh.

Tám truyện ngắn trong cùng tuyển tập có những màu sắc khác nhau, từ cái ngây thơ trong sáng (ít nhất là "chủ nghĩa hồn nhiên" naive của nghệ thuật) cho đến những trò chơi huyền ảo hoặc vai diễn nhắc nhở nhiều đến Brecht như một truyền thống kịch phương Đông. Thực sự là chúng ta cảm nhận được một cách rõ ràng sự gần gũi đáng yêu của ngòi bút Hồ Anh Thái. Và nhìn chung, toàn bộ cuốn tuyển tập đã để lại được cảm giác thích thú cho người đọc”.

Cuốn sách cũng đã được nhà xuất bản tổ chức ra mắt tại các thư viện, các câu lạc bộ văn học, với lời giới thiệu của nhà xuất bản Tranan: "Hồ Anh Thái có một khối lượng lớn sáng tác gồm tiểu thuyết và truyện ngắn. Trong tuyển tập này, độc giả sẽ tiếp xúc với những tác phẩm bộc lộ khả năng tưởng tượng táo bạo, ý thức rõ rệt đổi mới ngôn từ và hình thức biểu đạt văn chương, sự phản ứng trước những hình thức văn chương khô cứng của quá khứ. Người đọc sẽ gặp những cảm xúc, sự hài hước, nực cười và sự phê phán những điều trớ trêu của xã hội đương đại. Thời gian nghiên cứu ở Ấn Độ để lại nhiều ảnh hưởng trong các tác phẩm của nhà văn, chứa đựng nhiều tưởng tượng bất ngờ và châm biếm sâu sắc. Những năm gần đây, ngôn ngữ của ông có phần thâm trầm hơn. Giọng điệu giễu cợt và sự tinh tế được bổ sung bằng những yếu tố châm biếm xã hội đương đại...”

Trên trang phê bình văn học của báo Kiiltomato, Phần Lan, Kiiltomato, ngày 18/1/2008, tác giả Elisabeth Nordgren viết: ”Ở tuyển tập Trong sương hồng hiện ra, nhà văn Hồ Anh Thái đã thể hiện rõ cá tính sáng tạo nghệ thuật và cái nhìn thấu đáo vào xã hội Việt Nam đương đại. Hồ Anh Thái thuộc số những tác gia nổi tiếng và được ưa thích từ thời kỳ đổi mới trong văn học Việt Nam, sau năm 1986. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong sương hồng hiện ra, cuốn sách khá dày dặn viết năm 1989 với nhiều tình tiết thể hiện sự tưởng tượng phong phú, là cuốn tiểu thuyết đặc sắc trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Trước thời kỳ đổi mới, trong văn học từ năm 1945-1975 ngự trị hình ảnh tập thể và số đông, nghệ thuật mang tính lãng mạn và ngợi ca chiến thắng. Nhưng vào cuối thập niên 1980, khi có sự cởi mở về quản lý thì văn học đổi mới bắt đầu được hình thành.

Trong các tác phẩm này, chiến tranh được soi thấu qua cái nhìn của những cá nhân, qua những chấn thương của ký ức; dòng suy tư về quá khứ thông qua phản ứng trước các sự kiện đều là những vết sẹo, vật thể hay phi vật thể, để lại cho các nhân vật. Đời sống được miêu tả đôi khi bằng cái nhìn châm biếm nhã nhặn của nhà văn. Lối tự sự chen lẫn phương pháp hiện thực với siêu thực, sự hài hước, đã làm nổi bật các sự kiện lịch sử và tương lai, cả về không gian và thời gian.

Trong sương hồng hiện ra là một tuyển tập đầy tính hài hước và đau thương, thể hiện cá tính của một nhà văn sáng tạo và tài năng”.

Như trong bài viết của Nhật báo Tin tức, đây là cuốn sách thứ bảy trong bộ sách Văn học Việt Nam của NXB Tranan. Những cuốn đã thực hiện là: Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê, Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Sắp tới NXB Tranan tiếp tục lựa chọn và dịch những tác phẩm khác để giới thiệu với độc giả Thụy Điển.

(Nguồn: Văn Nghệ, số 12, ngày 22/3/2008)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top